Thứ Bảy, 6 tháng 6, 2015

CHUYỆN NẮNG NÓNG

ĐÔNG LA
CHUYỆN NẮNG NÓNG

Cô Vũ Thị Hòa gọi:
-Anh Đông La ơi, năm nay đã nóng nhưng sang năm thời tiết còn nóng hơn và thiệt hại nhiều lắm đấy nhé!
-Cô nói rất đúng vì khoa học đã cảnh báo từ lâu rồi và còn cảnh báo thường xuyên là Trái đất ngày một nóng dần lên vì con người hủy hoại môi trường.
-Khoa học người ta cảnh báo chứ em nhìn là nhìn thấy thực tế luôn đấy!
Về chuyện thời tiết thì không ít lần những người chứng kiến ngạc nhiên khi cô nói trước thế nào thì thực tế đã diễn ra đúng như vậy. Như Nhà nghiên cứu Nguyễn Phúc Giác Hải và Đại tá Nhà báo Đào Văn Sử từng viết về vụ tìm hài cốt ở Chư Păh. Thấy trời u ám, mây nặng trĩu, ai cũng lo sáng sau trời sẽ mưa, ảnh hưởng xấu đến chuyện khai quật, cô bảo yên tâm đi không mưa đâu, đến chiều làm xong thì mới có mưa nhỏ thôi. Hôm sau mọi chuyện diễn ra đúng như cô nói. Hôm mồng 8 Tết đầu năm vừa rồi, cô mời tôi ra chỗ cô chơi, thấy tivi báo lạnh, tôi hỏi cô:
-Ngoài đấy có lạnh không cô để em còn chuẩn bị áo ấm?
-Anh yên tâm không có lạnh đâu.
Nghe cô nói vậy tôi vẫn chuẩn bị áo ấm cho chắc, nhưng ra chỗ cô hai ngày đúng là không lạnh thật; rồi khi trở lại TPHCM, tivi lại báo trời trở lạnh. Tôi nói với vợ tôi: “Đúng là bà này điều khiển được cả thời tiết rồi!” Tôi hay gọi cô như vậy khi nói với vợ tôi cho nó gần gũi, vì cung kính quá sợ vợ tôi cho là tôi mê tín. Gần đây nhất, trước đám cưới Lịch, Phương, trời cũng mưa tầm tã, ai cũng sợ ngày làm đám cưới sẽ mưa, cô cũng bảo mọi người yên tâm trời không có mưa đâu, sau đó thực tế đúng như vậy.
Về khả năng này có lúc truyện trò vui vẻ cô hứng lên cũng nói ra, nhưng nửa chừng như chợt nhớ ra là “lộ thiên cơ”, cô lại nói thôi không nói nữa, sợ mọi người cho cô là hoang đường sẽ phải tội. Nhiều khi cô cũng bảo tôi đừng viết về những khả năng của cô vì như vậy. Tôi bảo ngược lại tôi phải viết ra sự thật về cô cho người ta hiểu để người ta không nói bậy thì sẽ không mắc tội.
Quay lại chuyện nắng nóng, vừa nói chuyện với cô xong, tôi lên mạng thì thấy ngay tin “Đang thu hoạch lúa ngoài đồng, hai người dân ở xã Nghi Thạch, huyện Nghi Lộc, tỉnh Nghệ An đột nhiên bị ngất xỉu có dấu hiệu say nắng. Người thân đã đưa các nạn nhân đi cấp cứu, tuy nhiên cả 2 đã tử vong”.
Trước đó, Báo Telegraph cho biết, hơn 2.500 người ở Ấn Độ đã thiệt mạng vì nhiệt độ cao gần 50 độ C vào ngày 2/6. Bang Andhra Pradesh ở miền Nam là vùng có nhiều người chết nhất, chiếm 2/3 tổng số người thiệt mạng trên cả nước.
(Cận cảnh một hồ gần thành phố Hyderabad, bang Telangana. Hai bang Andhra Pradesh và Telangana có nhiều người chết nhất trong đợt nắng nóng, con số lần lượt là 1.636 và 541 người. Ảnh: Reuters)
Như vậy, Ấn Độ trở thành nước có số người chết cao thứ 4 vì nắng nóng trong lịch sử, sau khu vực châu Âu (71.310 người chết năm 2003 và 3.418 trường hợp năm 2006) và Nga (55.736 ca tử vong năm 2010).
Việc bóc lột thiên nhiên, hủy hoại môi trường để thỏa mãn thói ganh đua, xa hoa, lãng phí của con người là thủ phạm chính của thay đổi thời tiết. Một trong những động cơ thúc đẩy nền kinh tế Mỹ là khuyến khích người dân tiêu thụ, các hãng thi nhau sản xuất sản phẩm đời mới đồng thời cũng mất công phá hủy sản phẩm lỗi mốt. Nhiều hoạt động khác nữa để thỏa mãn sự ăn chơi của con người cũng liên quan đến phá hủy môi trường, như lượng điện tiêu thu chẳng hạn. Người ta đã không ngừng thải lên trời khí CO2, tạo một cái lò như bằng kính, nhốt trái đất ở trong, rồi bị nung nóng bắng chính ánh sáng của mặt trời. Khi bị nung nóng, nước biển bốc hơi, không khí tăng cường đối lưu, núi băng lở, tuyết tan… bão lụt, sóng thần đã sinh ra chính từ đó.
Trong bài thơ Những dòng sông tôi đã viết:
Trái Đất mong manh với định mệnh không bình yên
Luôn nổi chìm trong bão tố của chính mình, của chính
                      những đứa con tự đốt cháy nơi mình sinh sống
Trang web của Trung tâm dự báo khí tượng thủy văn trung ương
có bài “Trái Đất tới ngưỡng "nguy hiểm" đối với sự sinh tồn của loài người” đưa tin một nhóm gồm 19 chuyên gia quốc tế đã tiến hành khảo sát 9 giới hạn đánh giá mức độ an toàn của Trái Đất đối với sự sinh tồn của loài người theo một báo cáo công bố năm 2009 cho rằng biến đổi khí hậu, đa dạng sinh học, sự thay đổi trong các hoạt động sử dụng tài nguyên đất và ô nhiễm môi sinh do lạm dụng phân bón - đều đã vượt ngưỡng an toàn. Trong khi lượng khí CO2 trong bầu không khí ở mức 350ppm được coi là an toàn thì trên thực tế nó đã lên tới mức 397ppm, còn tỷ lệ các loài sinh vật tuyệt chủng do ô nhiễm hoặc nạn phá rừng cao hơn 10 đến 100 lần giới hạn an toàn cho phép.
 Trái Đất đang dần trở nên nguy hiểm đối với sự sinh tồn của loài người, trong khi chính con người cùng với những hoạt động của mình đã góp phần rất lớn dẫn tới tình trạng này.
6-6-2015

ĐÔNG LA