Thứ Hai, 22 tháng 6, 2015

NGÔ MINH “VẠCH ÁO” LÂM THỊ MỸ DẠ

ĐÔNG LA
NGÔ MINH “VẠCH ÁO” LÂM THỊ MỸ DẠ
           
Tôi vừa được Văn phòng Đại diện phía Nam của Hội nhà Văn VN mời “phát biểu ý kiến” trong buổi Hội thảo của Ban Nhà văn Nữ về bộ sách “Phái đẹp, cuộc đời và cây bút” in tuyển tập tác phẩm của các nhà văn nữ VN.
 Trước đó Nhà thơ Trần Thị Thắng, một người lớp đàn chị, là một trong số rất ít những nữ sĩ từng vào chiến trường và trở về sau chiến tranh, gọi cho tôi:
          -Mấy bữa nữa bọn chị có tổ chức hội thảo về hai tập sách văn, thơ của nhà văn nữ mới in. Em tham gia với bọn chị cho nó vui nhé.
(Nhà thơ Trần Thị Thắng)
         Tôi trả lời:         
          -Thú thực là ngại quá chị ơi, em giờ tu rồi, không thích đến những nơi ồn ào.
          -Tu gì thì tu nhưng văn chương không được tu. Em là nhà văn trẻ phải xông xáo chứ.
          Buồn cười thế đấy, bữa trước báo Văn nghệ TPHCM in bài của ông Nguyễn Văn Lưu cũng gọi tôi là nhà văn trẻ. Nhưng với lĩnh vực phê bình cần tri thức và sự từng trải, tôi còn được coi là trẻ cũng có phần nào đúng. Tôi trả lời chị Thắng:
          -Em mà còn trẻ gì. Con em như mọi nhà thì em lên ông nội, ông ngoại rồi.
          -Em sẽ đến văn phòng Hội Nhà văn TPHCM lấy hai cuốn sách, chị gởi cho em ở đó.
          -Em không hứa trước nhưng em sẽ đến lấy sách, em thấy viết hay được em sẽ viết. Còn viết cho có thì em không thích viết.
          Tôi đã đi lấy hai cuốn sách, một cuốn hơn 800, một cuốn hơn 700 trang.
          Thời gian không còn nhiều tôi thấy chỉ có thể đọc được thơ thôi vì thơ ít chữ.
          Thật may, thơ của các chị đã tạo được cho tôi những ấn tượng tốt và có thể viết được. Tôi đã viết xong và xem chừng còn có thể hay nữa, ngày 24 tới đọc tham luận xong, tôi sẽ đăng lên.
          Còn hôm nay tôi muốn viết vài câu về bài viết của ông Ngô Minh trong cuốn sách về thơ, (lại Ngô Minh!), về nhà thơ Lâm Thị Mỹ Dạ, trong phần giới thiệu tác phẩm của chị.
            Ngô Minh viết:
“Không hiểu sao cái lớp cấp III của tôi thời đó lại có nhiều đứa lý lịch xấu đến thế! Ngoài Mỹ Dạ ra còn có Đỗ Hữu Lời (Nhà thơ Đỗ Hoàng) bố là sĩ quan quân đội Pháp; Trần Văn Hải (Nhà thơ Hải Kỳ) “bố đi”; tôi thì bố là địa chủ bị bắn oan trong Cải cách Ruộng đất”.
Trước đó, Ngô Minh viết rõ hơn về Lâm Thị Mỹ Dạ:
“phải mang hai nỗi đau cực lớn… cháu nội của đại địa chủ… con của một “kẻ đi Nam theo địch”. Vết đen lý lịch đó thời ấy được xã hội xếp vào loại nguy hiểm cần phải luôn cảnh giác, đề phòng”.
Người ta thường nói “tốt đẹp khoe ra xấu xa đậy lại” vậy tại sao hôm nay lại có những người thích mang lý lịch xấu ra khoe? Trước Ngô Minh, Trần Mạnh Hảo từng khoe có ông bố “chống chế độ kinh niên” nên thường bị công an ở quê “chăm sóc”. Về vợ (sau) của mình, TMH cũng đầy tự hào:
Người bạn đời của tôi tên là Tôn Nữ Giáng Tiên… Nhà tôi còn có lý lịch "xấu" hơn cả bên nhà chồng. Ông nội bà xã tôi là cụ tri huyện Tôn Thất Hoàn, tri phủ Nghi Lộc, Nghệ An, bị nông dân Xô Viết Nghệ Tĩnh do đảng cộng sản Đông Dương lãnh đạo giết chết năm 1930, lúc cụ mới 32 tuổi. Thân phụ bà xã tôi là cụ Tôn Thất Tần ( nay đã 88 tuổi) là người tù chính trị lâu nhất Việt Nam”.
          Phải chăng với tinh thần phản tỉnh, họ cho chế độ này là xấu, là phi nghĩa, nên những gì gia đình họ từng bị xã hội coi là xấu thì hôm nay họ khoe ra để chứng minh đó là những điều tốt đẹp? Có điều, dù xã hội có đổi thay thì sự xâm lược, bán nước, làm tay sai cho giặc, với một chế độ tiến bộ và cái nhìn của lương tri, những điều đó sẽ không bao giờ được coi là tốt đẹp cả. Trong quá khứ chúng ta đã có những sai trái khi quá tả và có những hành động cực đoan khi thực hiện Cải cách ruộng đất; nhưng việc xóa bỏ chế độ phong kiến lạc hậu, xóa bỏ địa vị và lợi ích của tầng lớp quan lại và giai cấp địa chủ bóc lột tàn ác, từng được diễn tả trong tác phẩm Bước đường cùng của Nguyễn Công Hoan, Tắt đèn của Ngô Tất Tố, vẫn mãi mãi là đúng. Chỉ có vậy cả dân tộc mới có quyết tâm chiến đấu giành lại nền độc lập.
Hôm nay Ngô Minh tố cáo sự độc ác của chế độ phân biệt lý lịch đối với Lâm Thị Mỹ Dạ thì thực tế chưa chắc là xấu như Ngô Minh nghĩ. Ở quê tôi có những người vì lý lịch xấu không được đi bộ đội, còn thành phần bần cố nông được ưu tiên ra chiến trường. Thế là dù bị chút mặc cảm về danh dự xấu, những người có lý lịch xấu lại “bị sống” ở quê còn những người lý lịch tốt thì phải ra chiến trường “được chết” rất nhiều, hầu như gia đình nào cũng có.
          Với Lâm Thị Mỹ Dạ, nếu lý lịch tốt, rất có thể chị cũng được ưu tiên vào chiến trường, sẽ “được” vô vàn cực khổ như lớp chị Trần Thị Thắng, hoặc có thể “được” hy sinh như nữ nhà văn liệt sĩ Dương Thị Xuân Quý hoặc như nữ BS Đặng Thùy Trâm!
          Ngô Minh cũng như một số người sau bao năm vẫn cố chấp, bới móc, xăm soi những điều có thể là chưa đúng, là quá đáng trong quá khứ. Nhưng với hoàn cảnh chiến tranh, tất cả vì tiền tuyến như vậy, nếu có cái nhìn bao dung, thấu suốt người ta sẽ không như vậy. Nhạc sĩ Phạm Tuyên có thể là một tấm gương về thái độ sống. Cha ông là Nhà văn Phạm Quỳnh, quan thượng thư triều Nguyễn, đến nay người ta vẫn cho là bị người của cách mạng giết, nhưng ông vẫn trở thành một nhạc sĩ nổi tiếng, viết những nhạc phẩm ca ngợi đất nước, ca ngợi Đảng, ca ngợi Bác Hồ nồng nhiệt nhất, trong sáng nhất. Chỉ có người có cái tâm phá chấp, từ bi hỷ xả của nhà Phật mới hành động như vậy. Có lẽ với cái nhìn của lương tri, của minh triết, ông đã coi cái chết của cha ông như một tai nạn của số mệnh, của thời cuộc, của lịch sử, nên ông vẫn hết lòng vì cách mạng, vì đất nước. Dù có những khúc quanh thì đích đến của đất nước, của dân tộc vẫn là văn minh, là tiến bộ. Và chính vì thế mà ông đã thành đạt, được nhà nước trọng vọng. Gia đình ông cũng có nhiều người thành đạt như anh ruột ông là GS Phạm Khuê cũng từng là Viện trưởng Viện Lão khoa, Đại biểu Quốc hội; cháu ruột ông là GS Đặng Vũ Minh, Chủ tịch Viện khoa học và Công nghệ Việt Nam. Giả sử gia đình Nhạc sĩ Phạm Tuyên hành xử ngược lại, suốt đời ôm thù hận, lật đổ chế độ thì không được rồi, vậy họ sẽ như thế nào trong những ngày hôm nay?
          Lâm Thị Mỹ Dạ cũng vậy, so với bạn bè cùng trang lứa, rõ ràng là chị thành đạt. Chị được vào Hội nhà văn VN, được đi học Trường Viết văn Nguyễn Du và Học viện Gorki (Liên Xô); được đi thăm Mỹ, được cử đi dự tọa đàm Thơ ở Mỹ; được vào Ban lãnh đạo Hội Nhà Văn và là Ủy viên Hội đồng thơ của Hội. Có thể là do chị có tài nhưng không phải chỉ vì thế vì rất nhiều người cũng có tài như chị mà không được vậy. Trong tuyển tập thơ nữ mà tôi đang cầm trên tay để viết ít dòng cảm nhận, trong số những bài thơ, câu thơ gây cho tôi ấn tượng mạnh nhất để giúp tôi viết nên bài tham luận không có thơ của Lâm Thị Mỹ Dạ, dù tôi hoàn hoàn không có thành kiến gì với chị.
Với một lịch sử bị xâu xé, với một cuộc chiến tàn khốc, không một ai được yên thân cả, vậy số phận đau khổ của Lâm Thị Mỹ Dạ không có gì đặc biệt. Với người thân có thể cần biết về những góc khuất đời tư của chị, còn với xã hội, hôm nay với tư cách là một nhà thơ nổi tiếng, cái cần để mọi người biết chính là tác phẩm của chị mà thôi.
Vì vậy, dù hoàn toàn là sự thật, nhưng Ngô Minh đến nay vẫn “vạch áo Lâm Thị Mỹ Dạ cho thiên hạ xem lưng”, chỉ chứng tỏ mình có cái nhìn hạn hẹp. Để cho mọi người biết về cái lý lịch xấu của chị, ông nội là đại địa chủ, bố bỏ cách mạng vào Nam, chị cũng chẳng dùng được điều đó vào việc gì. Có chăng Ngô Minh chỉ làm được cho những ai đó đang căm thù và chống chế độ này thích thú mà thôi. Tôi vốn không biết ông Ngô Minh là ai, hôm nay mới biết ông có bố là địa chủ bị “cải cách” bắn. Phải chăng vì thế mà ông từng viết những người vừa xin ra khỏi Hội Nhà Văn VN như Nguyên Ngọc, Nguyễn Huệ Chi, Phạm Đình Trọng, v.v…, những người đang trên tuyến đầu chống phá đất nước, là “một tổn thất lớn”?!
22-6-2015
ĐÔNG LA