Thứ Tư, 24 tháng 6, 2015

THAM LUẬN CỦA ĐÔNG LA: SÂU LẮNG VÀ MỀM MẠI NHỮNG TRANG THƠ CỦA NỮ THI NHÂN VIỆT NAM

Sáng nay, 24-6-2015, tôi đi tham dự cuộc hội thảo về tác phẩm của các nhà văn nữ VN do Ban Nhà văn Nữ của Hội Nhà Văn VN tổ chức. Hôm chị Trần Thị Thắng gọi quả thật tôi ngại quá, nói với vợ:
-Mẹ kiếp, cái lúc còn hăng máu muốn chứng tỏ thì không ai mời, giờ chẳng cần gì thì hết nơi này mời nơi kia mời, xem chừng "cái thời của tôi" nó đến rồi chăng?
Tôi đi lấy hai cuốn sách. Tôi vốn chỉ viết theo cảm hứng, không viết theo đơn đặt hàng, rất may thơ của các chị làm cho tôi có cảm hứng viết được. Cuộc hội thảo được tổ chức tại 81 Trần Quốc Thảo. Nơi đây trước kia có một biệt thự kiểu Pháp với khuôn viên rất rộng, phía góc phải dưới tán cây cổ thụ um tùm, một cái quán rộng được mở. Các văn nghệ sĩ của TPHCM thường tập trung tại đây; còn tôi cả thời thanh xuân cũng la cà tại đây mà người đối ẩm với tôi chính là anh Hoài Anh. Anh Hoài Anh vốn làm ở Báo Văn nghệ TPHCM nên tôi đã mang thư cô Anh Thơ giới thiệu tôi đến đưa cho anh bài thơ đầu tiên. Khi bài được đăng tôi đến lấy nhuận bút, người ta bảo anh Hoài Anh cần gặp tôi, một tình bạn vong niên mấy chục năm với anh bắt đầu từ đấy. Giờ anh đã mất, khung cảnh xưa cũng không còn, một khu nhà hiện đại được xây dựng làm trụ sở các hội văn nghệ; mỗi lần đến lĩnh nhuận bút tại báo Văn nghệ cũng đóng tại đây, tôi luôn nhớ đến anh Hoài Anh.
Cuộc hội thảo làm nhờ tại phòng họp của Hội Nhà Văn TPHCM đóng ở tầng 4. Tôi đến thấy các chị đang tíu tít chụp ảnh, nghe thấy tiếng ai đó “Đông La đệ tử Chế Lan Viên đấy”.  Trong giới văn chương , uy tín của Chế Lan Viên được coi như một giáo chủ, ông chết từ năm 1989, giờ đã có con đường mang tên ông, số phận đã ưu ái cho tôi được thân thiết với ông giai đoạn cuối đến tận giây phút cuối cùng của đời ông. Chính anh Hoài Anh hiểu rõ mối quan hệ này nên từng viết tôi chính là người được Chế Lan Viên “giao lại bí quyết tâm truyền”. Tiếng ai đó gọi tôi vào chụp ảnh “Vào chụp luôn đi Đông La”. Tôi ngần ngừ thì ai đó đưa máy bảo tôi bấm hộ.
            Cuộc hội thảo nhỏ gọn, thân tình, ấm áp (là do thời tiết nóng, khu nhà hiện đại thế mà phòng họp không lắp máy lạnh). Chủ trì là Ban Nhà Văn Nữ do Nhà Văn Trần Thị Trường là trưởng ban, cái bà hay xuất hiện trên truyền hình, ở Giai điệu tự hào và các cuộc trò truyện, và Nhà Thơ Trần Thị Thắng:
 
(Chị Trần Thị Trường cầm sách, bên phải là chị Trần Thị Thắng)
Giới thiệu khách khứa có Nhà Phê bình Lê Quang Trang (chồng chị Trần Thị Thắng) là Phó Chủ tịch Hội Nhà Văn Việt Nam, có ông tân Chủ tịch Hội Nhà Văn TPHCM Trần Văn Tuấn, mấy nhà văn lão thành. Tôi tranh thủ nhẩm bài tránh đọc bị vấp:
            Vào cuộc, tôi bất ngờ khi nghe Nhà văn Trần Thị Trường nói:
            -Xin mời Nhà Phê bình Đông La đọc tham luận.
            -Tôi á? Tôi đầu tiên á?
            -Đúng vậy!
            Tôi đứng dậy:
            -Vậy thì tôi xin đọc. Trước hết tôi xin cảm ơn chị Trần Thị Thắng, nếu chị không mời thì tôi không được có mặt tai đây. Nhưng thú thực lúc đầu tôi ngại lắm. Nhưng rồi đọc thơ các chị hay quá nên tôi lại rất muốn đến.
            Tôi vốn không quảng giao, môi mép kém, hình như do ý nghĩ tôi nó nằm tận đáy óc, không như nhiều người ý nghĩ họ nằm ngay miệng lưỡi nên họ nói tía lia được, nhưng lúc cần tôi cũng biết nịnh đầm. Hình như ai cũng thích nghe những lời hay hơn lời dở, mà như các cụ nói “mắt con trai tai con gái”, nên tôi thấy cần phải làm các chị êm tai một câu như thế!
            Rồi tôi đọc tham luận, sau đó mấy người cũng đọc, có người thì “nói vo”. Tôi thấy nữ thi sĩ Đặng Nguyệt Anh sang chỗ tôi nói: “Mấy chục năm ở đây mà hôm nay mới gặp em. Không ngờ em lại đồng cảm với bài thơ của chị như vậy”. Rồi chính chị cũng đọc tham luận.
           Chị nói có ý làm mọi người cười vui là người phụ nữ lúc nào cũng đẹp, lúc bị chồng hành hạ cũng đẹp, kể cả phụ nữ ngoại tình cũng đẹp. Chị nói về Nhà thơ Nguyễn Thị Mai năm 1990 từng chở hai con nhỏ sau xe và bộ đồ cắt tóc đi cắt tóc dạo kiếm sống. Tôi nghe mà rất bái phục và đi hỏi thì không ngờ cái bà hình như là đẹp nhất cái cuộc hội thảo này lại chính là Nguyễn Thị Mai. Ngồi cách tôi mấy người là Nhà thơ nổi tiếng Phan Thị Thanh Nhàn. Thấy ghế trống tôi sang bên chị nói: “Em gặp chị đã 30 năm nên chị không nhớ đâu”/ “Đúng là chị lớn tuổi rồi không nhớ. Cảm ơn em có nhắc tới chị”/ “Em gặp chị ở nhà cô Anh Thơ đấy”.
Đến trưa, công việc xong, mọi người “liên hoan”, có bia bọt đàng hoàng.
Một nữ thi sĩ tôi không quen đối diện tôi khi ăn nói: “Bài của anh giá trị lắm, em mượn của các chị photo được một bản đây này”. Tôi hỏi thì được biết là Trúc Thuyên, một cô giáo dạy văn. Nhà Văn Trần Thị Trường cũng đến tận chỗ tôi nói: “Cảm ơn nhà phê bình đã rất nhiệt tình với chị em chúng tôi nhé”. Nhà thơ Trần Thị Thắng: “Cảm ơn em nhé. Sau này có việc chị lại nhờ em nhé”. Rồi đi loanh quanh tôi gặp Nguyễn Thị Mai: “Tôi bái phục cái chuyện bà cắt tóc đấy. Bà biết không hình như bà đẹp nhất ở đây đấy”/ “Tôi cũng hay đọc anh viết đấy. Rất thích lý lẽ anh chặt chẽ, thái độ anh rõ ràng”/ “Bà đọc ở đâu?”/ “Trên mạng thiếu gì!” Trong cuộc hội thảo cũng có nhà thơ Vương Trọng. Anh chính là người biên tập và cho đăng bài thơ Tổ quốc-nửa bàn chân dính bùn và máu của tôi trên TC Văn nghệ Quân đội và được tặng thưởng của tạp chí năm 1998, có lần vào TPHCM anh đã tìm gặp tôi, hôm nay anh em gặp lại nhau cũng rất mừng rỡ.
Còn sau đây là nguyên văn bài tôi tham luận:
 ĐÔNG LA
SÂU LẮNG VÀ MỀM MẠI NHỮNG TRANG THƠ
CỦA NỮ THI NHÂN VIỆT NAM

Cầm trên tay hai cuốn sách nặng trĩu “Phái đẹp cuộc đời và cây bút” in tuyển tập thơ, văn của các nhà văn nữ Việt Nam, vì thời gian chỉ có mấy ngày, nên tôi thấy chỉ có thể viết được về phần thơ thôi. Đơn giản là vì thơ ít chữ nhưng lại khó viết, nhất lại là thơ của phái nữ, với thiên tính nhạy cảm, ý nhị và tinh tế…
Vốn là một cán bộ ở một viện nghiên cứu số phận đưa đẩy tôi đến với văn chương, như mắc thói quen nghề nghiệp, tôi đã đến với văn chương không chỉ bằng cảm tính mà bằng cả lý tính, nên về thơ tôi đã luôn đặt câu hỏi “Thế nào là thơ hay?”. Tôi đã tìm câu trả lời từ Chế Lan Viên. Một nhà thơ tài năng hàng đầu và thông thái như Chế Lan Viên, câu thơ như thế nào ông sẽ cho là hay? Trong bài “Nói chuyện thơ đầu xuân” trong cuốn tiểu luận của ông Nghĩ cạnh dòng thơ (Nxb. Văn Học, 1981), Chế Lan Viên đã chọn hai câu của Xuân Diệu: “Ngày hóa bếp hồng em chụm thổi/ Đêm thành lụa tuyết để em thêu” để khen là “văn chương tuyệt vời đẹp đẽ”. Đúng là cách dùng ngôn ngữ hình ảnh tuyệt vời, chỉ một nhà thơ giàu trí tưởng tượng cỡ Xuân Diệu mới có thể viết ra được như thế. Nhưng Chế Lan Viên cũng thích những câu thơ rất thực, không có một chút tưởng tượng nào cả, tôi không nhớ ông nói trực tiếp với tôi hay viết trong một cuốn sách nào đó hai câu: “Tay trồng cây cửu lý hương/ Ba năm hai lá người thương gội đầu”. Như vậy hai câu này hay ở cái ý chứ không phải ở ngôn ngữ. Chàng trai phải yêu cô gái đến như thế nào mới kỳ công bỏ ra cả 3 năm trồng cây để lấy được chỉ có hai cái lá thôi cho người yêu. Còn với ngôn ngữ thơ Chế Lan Viên, tôi từng nói thẳng với ông: “Cháu rất thích cái câu này của chú: “Cánh của cò hai đứa đắp chung đôi”; lấy cánh cò thực đắp đã là lạ rồi còn cánh cò trong câu thơ của chú lại ở tận trong lời ru cơ”. Ông có vẻ khoái chí nói với tôi: “Con Thắm, con Thắm đó”, ý là ông viết về Thắm, cô con gái của ông.
Từ vốn liếng ban đầu đó, đến nay tôi viết cả đã in và chưa in đến vài ngàn trang phê bình rồi, vậy mà hôm nay vẫn cảm thấy bối rối trước những trang thơ của những nữ thi nhân Việt Nam. Biết là thơ chọn bài nào cũng có cái hay nhưng viết phê bình không ai có thể viết hết ra được, nên tôi chỉ có thể viết đôi dòng cảm nhận về những bài thơ, những câu thơ gây cho tôi ấn tượng nhất mà thôi. Để khách quan tôi sẽ bắt chước vòng giấu mặt của cuộc thi hát trên truyền hình, đọc thơ trước rồi mới xem tên tác giả sau.
Nhà thơ Bùi Kim Anh, tác giả đầu tiên của cuốn sách, có bài lục bát “Gánh buồn đem bán chợ vui”. Bài thơ có phong vị ca dao, có chút kịch tính, chị viết về nỗi buồn nhưng lại có nét vui, hóm hỉnh, hài hước. Hai câu kết:
Gánh buồn đem bán chợ vui
Những tưởng ế lại lời ơi là lời
Đọc thật thú vị, nhà thơ thật tinh tế khi chỉ ra trong chuyện tình cảm có những điều phi lý mà có lý. Nỗi buồn của con người, nếu có sự đồng cảm, sẻ chia của người thân, của bạn bè, nó sẽ được hóa giải. Nhà thơ dễ dàng “bán” đi được nỗi buồn của mình và cái “lời ơi là lời” chính là sự vui lây niềm vui của mọi người, nhận được tình cảm của mọi người.
Một nhà phê bình để thẩm định toàn diện và khách quan một bài thơ người ta phải vượt lên trên cảm tính cá nhân, phải thẩm định bằng cả nền tảng tri thức và cái khó hơn là sự trải nghiệm. Nữ thi sĩ Đặng Nguyệt Anh có bài “Rừng Miền Đông và con gái tôi”. Với những người chưa từng trải qua những năm tháng gian khổ và ác liệt trong chiến trường thật khó mà đồng cảm được một cách sâu sắc với tác giả. Tên bài thơ xem chừng chả có thơ mộng gì hết, nhưng tôi với tư cách một người cũng có một năm ở chiến trường thì thật xúc động khi đọc bài thơ. Ngày nay, nhất là ở các đô thị, các bà mẹ trẻ sinh nở được chăm sóc “đến tận răng”, nhưng với Đặng Nguyệt Anh thì:
          Rừng Miền Đông
          Là nơi chôn nhau cắt rốn của con
Dù vậy không thiếu niềm vui và sự rạng rỡ chào đón một sinh linh mới chào đời:
          Chọn một bình minh mùa hạ
          Con ra đời
          Sáng nay tiếng chim rừng ríu rít
          Nắng chan hòa mặt đất
          Trời xanh hơn mọi ngày
          Bố con mừng cuống quit
          Mọi người trong cứ đều vui
Nhưng:
          Lần đầu tiên làm mẹ
          Nâng niu con trên tay
          Hạnh phúc tràn nước mắt
          Mẹ lo ngày mai sao đây?
Người mẹ trẻ làm sao không lo cho được khi “Con thì bé bỏng quá chừng!/ nhà lại không phên, không vách/ xung quanh con rất nhiều thế lực”.
Chữ “thế lực” đọc thấy vui mà thật hay, bởi với người mẹ trẻ thì tất cả những gì có thể gây hại cho con, dù to, dù nhỏ, đều là “thế lực” như kẻ thù cả:
          Mẹ sợ con rắn độc
          Mẹ lo con kiến bọ nhọt
          Con rết rừng to hơn ngón chân
          Con bò cạp sao mà ác thế
Lũ ve, lũ vắt, muỗi rừng…
Đêm nay
Trời không trăng không sao
Biết đâu lũ biệt kích
Biết đâu giặc lại đi càn
Mẹ sợ cơn mưa rừng
Mẹ thương con đang sốt
Tắc kè bò trên mái trung quân làm mẹ hoảng hốt
Con sóc rung cây mẹ cũng giật mình
          Đọc những câu thơ mà muốn khóc lên được. Bài thơ Đặng Nguyệt Anh làm 5/1974 nghĩa là tôi cũng có mặt nơi chị sinh con được 5 tháng, có thể rất gần nữa vì tôi ở Ban Quân huấn, thuộc Quân khu bộ, Quân khu Miền Đông. Bài thơ thực tế chỉ như những trang nhật ký riêng tư nhưng nó lại mang tính biểu tượng nhân văn lớn lao. Thì ra chúng ta đã kiên trì chiến đấu không chỉ bằng gian khổ mà bằng cả tình yêu, trong ác liệt không chỉ có chết chóc mà sự sống vẫn sinh sôi.
          Nữ thi sĩ Võ Thị Kim Liên có bài thơ “Trái tim người mẹ” có kết cấu và tình tiết như một truyện ngắn. Bài thơ kể về câu chuyện có một người mẹ có con trai là liệt sĩ:
                   Ngày anh đi tuổi vừa tròn mười tám
                   Mũ tai bèo vời vợi vành trăng
                   Bảy mươi tuổi mắt mờ chân chậm
                   Khóc chồng con tận đáy đắng cay
Giờ đây mẹ rất mừng khi nhận lại hài cốt của đứa con tưởng đã thất lạc nhưng:
          Chợt mẹ thốt lên run rẩy:
          -Sao lại mười ngón tay?
Bởi:
          Thằng Út chặt dừa mất ngón cái
          Bây giờ mẹ vẫn còn đau!
          Nghĩa là người mẹ nhận được bộ hài cốt không phải của con mình.
Tưởng được gặp lại con hóa ra lại không phải, giống như mẹ lại mất con một lần nữa, nỗi đau lại nhân đôi. Nhưng rồi lòng vị tha, lòng nhân từ, tình người đã hóa giải tất cả:
                   Nắng sông Tiền buổi ấy xiêu xiêu
                   Phù sa đỏ đôi bờ mịn mát
                   Nén hương thơm và hoa trái ngọt
                   Cho đứa con không tên thành Út quê nhà!
Và rồi nữ thi sĩ đã nhận ra tấm lòng bao la của một người mẹ, một người mẹ cụ thể nhưng cũng mang dáng vóc của một người mẹ Việt Nam, những Bà mẹ Việt Nam anh hùng:
                   Tôi sững lặng trước trái tim người mẹ
                   -Thằng Út nào cũng máu thịt sinh ra!
          Có một bài thơ tên là “Nhẫn cỏ”:
Ngón gầy nhẫn cỏ tôi mang
Ấm như có ngón tay chàng chạm tay
          Trong muôn vàn sắc thái của tình cảm, có loại tình cảm chỉ biết cho đi mà không cần phải nhận về, lấy hạnh phúc của người mình yêu làm hạnh phúc của mình:
Đã từng yêu rất thiết tha
Vẫn chưa ai khiến lệ sa nghẹn ngào
Dẫu chàng biệt tích nơi nao
Dẫu chàng êm ấm ngọt ngào vợ con…
Đây là tình cảm vị tha chứ không phải vị ngã, ngược với tình yêu ích kỷ. Đây cũng chính là phẩm chất của con người mà Đạo Phật răn dậy người ta tu sửa, cần phải bỏ đi cái chấp ngã mà hướng đến. Nếu đạt được cái tâm thế ấy, người ta sẽ trở thành giầu có nhất trên đời bởi họ coi sự giầu có của thiên hạ là của mình; họ sẽ hạnh phúc nhất vì họ coi hạnh phúc của thiên hạ là của mình. Khi ấy, chiếc nhẫn cỏ cũng hóa thành nhẫn kim cương. Nhưng ai mà lại làm được bài thơ “đẳng cấp” như vậy? Tôi tra tên thì hóa ra của nữ thi sĩ lừng danh Phan Thị Thanh Nhàn. Tôi hơi bị dị ứng với những người quá nổi tiếng vì người ta được nói đến quá nhiều, nên họ không còn gì để mà khám phá nữa. Nhưng với Phan Thị Thanh Nhàn tôi đã lầm. Hai câu thơ như nỗi khao khát của một nửa nhân loại đối với lũ đàn ông hư đốn, một điều không hay ho gì nhưng tiếc là lại là sự thật:
Ước gì yêu được một người
Để đêm không vỡ để ngày chẳng nghiêng
Ước gì cười nói vô tư
Đếm niềm vui của từng giờ bay ngang
                                              (Bài Ước gì)

            Là người ai cũng có mẹ, ai cũng lo sợ cái cảnh “Mẹ già như chuối chín cây”, tôi cũng đã phải đau khổ trải qua cái ngày mất mẹ, tôi đã viết lại toàn bộ những gì diễn ra trong đám tang mẹ tôi thành một truyện ngắn, đăng lên đã lấy được không ít nước mắt của bạn đọc, nhất là những người phụ nữ. Con trai mất mẹ đã thế, con gái hiểu mẹ hơn, đồng cảm với mẹ hơn vì cùng có sự trải nghiệm làm mẹ, chắc chắn sự đau khổ của con gái mất mẹ sẽ sâu sắc và thấm thía hơn nhiều. Nữ thi sĩ Phạm Dạ Thủy trong bài Mẹ ơi viết về nỗi đau mất mẹ:
Cho con một cuộc đời hoa
Mẹ giành phận lá úa già tháng năm
Mẹ đau bao nỗi đau thầm
Mẹ vui theo mỗi bước chân con về
Bây giờ mẹ bỏ lại quê
Mảnh vườn đầy gió bộn bề nhớ thương
Bây giờ chiều với mình con
Đơn côi với khúc sông buồn mồ côi
Mẹ về với đất với trời
Buồn vui gởi lại cho đời, mẹ ơi!
Đoàn tụ là một điều thuộc về hạnh phúc của con người nhưng con người trong cuộc sống lại luôn phải chia ly. Chế Lan Viên đã viết hai câu thơ bất tử: “Khi ta ở chỉ là nơi đất ở/ Khi ta đi đất đã hóa tâm hồn”. Nữ thi sĩ Tôn Nữ Thu Thủy cũng có bài thơ viết về sự chia ly, chia ly với cha mẹ, với gia đình, với cố đô, thành phố quê hương. Vì tâm trạng chia ly mà chị thấy mưa đã làm “nhòa mắt” cả biển, đến núi non cũng đứng lại “ôm ghì lòng đau”:
Mưa gần ướt đẫm bàn tay
Mưa xa nhòa mắt biển ngày ra đi
Dốc đèo cao mãi chia ly
Núi non đứng lại ôm ghì lòng đau
Hạt nào rơi xuống vườn sau
Rung trong sân trước một mầu xanh xanh
Mái nhà cha mẹ thôi đành
Xa xăm ở giữa nội thành xa xăm
                                              (Bài Mưa qua Hải Vân)

          Khi có thiên hướng viết lý luận phê bình, tôi không chỉ đọc những tác phẩm của các nhà lý luận phê bình mà còn, như đã viết ở trên, tôi đọc những trang phê bình của Chế Lan Viên. Các nhà lý luận phê bình có thể rất bài bản nhưng đọc các nhà sáng tác viết phê bình, nhất là cỡ Chế Lan Viên, ta sẽ biết được cái “bí kíp” làm nghề của họ. Chế Lan Viên cho những câu thơ chân thực, tự nhiên cũng có thể hay, nhưng chúng phải là những viên ngọc kết tinh từ môi trường thấm đẫm sự sống; ngược lại có những câu thơ hay do sự sáng tạo độc đáo từ thiên tư, từ năng khiếu của nhà thơ. Những câu thơ này thường giàu hình ảnh từ trí tưởng tượng của nhà thơ. Vi Thùy Linh là nữ nhà thơ trẻ có nhiều cố gắng bứt phá ra khỏi khuôn khổ cũ. Câu thơ “Cài then tiếng khóc em bằng đôi môi anh” là một ví dụ. Có điều tôi bất ngờ trong tập thơ nữ này là không phải cứ trẻ thì mới “quậy” mà nữ thi sĩ Phi Tuyết Ba, người có thể làm mẹ Vi Thùy Linh được, cũng có bài thơ “Người đàn bà ngồi vá bóng đêm” với ngôn ngữ rất độc đáo, sáng tạo, giàu hình ảnh, thể hiện sâu sắc nhất thân phận của người phụ nữ:
Người đàn bà ngồi vá bóng đêm
Chiếc kim trên tay
Chị vá lại đời mình
Vá lại bóng đêm đã hai mươi năm
Rách từng mảnh trống
Những mũi kim cứ vụng về vá víu
Sợi chỉ trên tay rối bời
Đêm chẳng lành hơn
Chỉ có miếng vá nỗi đau này
Chồng lên miếng vá nỗi đau kia
Ngày một dày thêm
Hai mươi năm chị khâu nhẫn nại.
Bộ ngực là bảo vật mà Tạo hóa tạo cho người phụ nữ để nuôi con, đồng thời bộ ngực trinh nữ cũng là biểu tượng của sắc đẹp. Từ bao đời, các nghệ sĩ thuộc các lĩnh vực nghệ thuật văn chương, hội họa, điêu khắc cả Đông Tây, kim cổ trên thế giới đã say mê diễn tả nó mà dường như còn chưa thỏa và có lẽ mãi mãi còn như thế. Chính tôi đây cũng từng viết:
Nhớ buổi chiều năm nao em làm ta lấm áo
Em đã đền nụ cười sáng cả chiều quê
Bộ ngực trinh nguyên đã rung lên dưới lớp áo mờ
Còn nữ thi sĩ Ánh Tuyết đã viết:
Gió bỡn cợt hất tung vạt áo
Em gái má ửng hồng, làm cỏ lúa
Ngực căng tròn, môi mọng như hoa
Riêng mình, nữ thi sĩ cũng rất mạnh bạo, hiện đại thể hiện bản năng dục tính một cách đầy tinh tế, ý nhị:
Lẽ nào chưa hết đàn bà
Bồi hồi ngực áo… làn da phập phồng
Ngại ngùng…e ấp… điệu đàng
Hình như… ta vẫn còn đang đàn bà
Bài viết có lẽ đã quá dài đối với một cuộc hội thảo, còn bao hạt ngọc thi nữ nữa mà tôi không thể nói ra, đành đổ lỗi cho thời gian vậy. Xin chúc các chị, các em trẻ mãi không già, đẹp mãi theo thời gian, làm mãi những vần thơ hay. Xin cảm ơn sự lắng nghe của mọi người!
19-6-2015

ĐÔNG LA