Thứ Sáu, 12 tháng 6, 2015

SỐ MỆNH VÀ SỨ MỆNH

ĐÔNG LA
SỐ MỆNH VÀ SỨ MỆNH

Có lần nói chuyện điện thoại, tôi nói với cô Vũ Thị Hòa là cái số của tôi là phải viết văn, cô bảo : “Không phải “cái số đâu” mà anh phải nói là sứ mệnh mới đúng!” Lần phỏng vấn cô đầu tiên tại chính nhà tôi, tôi còn giữ băng ghi âm, tôi hỏi cô có phải là tôi dùng khả năng của kiếp trước nên tôi mới viết được những điều ở lĩnh vực của người ta mà có khi người ta đi học mấy chục năm, thành cả GSTS rồi, cũng không viết được?
Cô bảo:
-Kiếp trước cái gì? Không phải tự nhiên mà anh viết được như thế đâu, anh viết được là do anh được Đại Tư Chí Bồ Tát khai mở (tôi nghe không được chính xác, sau tôi tra chính xác là Đại Thế Chí Bồ tát, một vị Bồ tát thiên về trí tuệ, cùng với Quán Thế Âm Bồ tát ở bên cạnh Đức Phật A Di Đà).
-Thế em cũng là người đặc biệt à?
-Anh cũng là người đặc biệt.
Nghe cô nói vậy tôi cũng không biết thế nào. Vậy số mệnh với sứ mệnh có gì giống và khác nhau? Không biết đã có ai định nghĩa chưa, tôi cứ thử tự định nghĩa xem sao.
Cả hai số mệnh và sứ mệnh là những điều cuộc đời mỗi người phải trải qua do sự xếp đặt của quy luật linh thiêng nhưng số mệnh gắn với những việc sinh sống còn sứ mệnh gắn với những đam mê, những thiên hướng khác nhau; có thể có đam mê gắn với việc sinh sống hoặc có thể không. Như Bác Hồ, rõ ràng cuộc đời hoạt động cách mạng của Bác không phải để kiếm sống mà vì sứ mệnh cao cả giải phóng dân tộc của Bác. Cô Vũ Thị Hòa bỏ nhà đi giúp tìm mộ liệt sĩ thất lạc và các việc từ thiện khác cũng không phải để kiếm sống mà cô ra đi vì cô được khai mở những khả năng siêu phàm và nhận được sứ mệnh của đấng thiêng liêng:

 Còn chuyện viết văn của tôi, tôi cứ nghĩ mình tự nhiên viết ra thế thôi, không phải để kiếm sống vì ngành hóa mới là ngành tôi học để kiếm sống, nhưng tôi cũng không nghĩ cao xa nó là một sứ mệnh.
Nhưng giờ đăng lại, ngồi đọc lại những trang viết đầu tiên từ hơn ba mươi năm về trước mà ngạc nhiên về chính mình. Như vậy luôn thống nhất từ ngày đầu cho đến tận hôm nay, những vấn đề xã hội đúng là cái mà tôi quan tâm; bảo vệ người tốt, phê phán người xấu; bảo vệ lẽ phải, phê phán cái sai trái có lẽ đúng là sứ mệnh của tôi.
Những trang viết đầu tiên dù có phần hư cấu, bồi đắp mới thành hình hài văn chương, như suy nghĩ, lời nói của nhân vật phải “bịa ra” chẳng hạn, nhưng những sáng tác đó đều có nguyên mẫu. “Bác viện trưởng” trong các truyện ngắn của tôi thực tế đúng là viện trưởng thật, tên bác là Đoàn Hữu Sử, tôi đã lấy tên bác Huấn, là bác họ tôi, đặt cho ông. (Khi viết tôi hay lấy tên của người quen này đặt cho người quen kia). Hồi ấy bảo vệ danh dự một người về hưu phê phán người đang nắm đầu mình rõ ràng là tôi không được lợi ích gì mà ngược lại còn bị nhiều “hại ích”. Phải chăng sự viết lách của tôi vì thế mà đúng như cô Vũ Thị Hòa nói nó là một sứ mệnh? Khi đăng lên người mừng nhất, quý tôi nhất chính là vợ bác viện trưởng. Thì ra bảo vệ danh dự một con người cũng là một việc rất có ích!
Người thứ hai tôi bảo vệ lại chính là cô Anh Thơ, người đã dẫn dắt, khuyến khích tôi đi vào con đường văn chương. Khi cuốn hồi ký “Từ bến sông Thương” của cô được xuất bản, nó đã bị chính bà Bùi Bội Tỉnh, người quen của cô, “đánh”. Thấy cô quá buồn phiền, tôi bảo: “Cô yên tâm, để cháu viết một bài “đánh” lại bà ấy cho”. “Viết phê bình là phải có lý luận, mày biết gì, cô đang rối cả ruột lên đây!”. Mặc cô ấy nói vậy, tôi vẫn âm thầm viết, đây chính là bài phê bình đầu tiên của tôi, rồi âm thầm gởi bài, không ngờ được đăng. Nhà thơ Anh Thơ (Giải thưởng HCM), người từng không phải chỉ là cô giáo mà còn là mẹ giáo của tôi thì đúng hơn, đã phải vì nể cái thằng oắt con là tôi. Cô đã nhiều lần nói tôi “hậu sinh khả úy” và là người thông minh nhất mà cô từng gặp là vì thế; cô đã giới thiệu tôi đến Chế Lan Viên, Nguyễn Khải cũng vì thế; chưa hết cô còn muốn gả con gái cho tôi nữa. Nhưng người tôi lấy lại là cô gái khác, là cô gái mà lần đầu tôi gặp chính tại nhà bà, trong một đám cưới của bạn tôi:

(Anh ở đầu sông, em cuối sông, lần đầu tôi gặp bà xã tại nhà cô Anh Thơ,
ông già chính là BS Dinh, chồng cô Anh Thơ)
Còn tấm ảnh dưới đây là rất quý đối với tôi, không chỉ là kỷ niệm đám cưới mà còn vì có mặt cả hai người đã gắn bó với cả số mệnh và sứ mệnh của cuộc đời tôi:
(Từ trái sang: Cô Anh Thơ (đang đưa tiền “lì xì”, cậu Hai vợ, tôi, bà xã, ba vợ, anh Đảo (anh trai tôi), bác Sử (viện trưởng))
Như vậy ngẫm lại tôi thấy cuộc đời mỗi người đúng là ai cũng có số mệnh cả và dù to nhỏ khác nhau ai cũng có một sứ mệnh. Kể cả những người bán nước, làm tay sai cho giặc và những người đang hăng hái chống phá cuộc sống bình yên hôm nay, họ cũng nghĩ đó là sứ mệnh của họ. Có điều với con mắt của lương tri thì không ai gọi những cái đó là sứ mệnh!
12-6-2015

ĐÔNG LA