Thứ Ba, 25 tháng 8, 2015

PHẦN II- VỀ NGUỒN (Tiếp về chuyến tham quan của đoàn nhà văn TPHCM tại Phan Thiết)

ĐÔNG LA
PHẦN II- VỀ NGUỒN
(Tiếp về chuyến tham quan của đoàn nhà văn
TPHCM tại Phan Thiết)
Trước khi đến khách sạn, tôi tính ở cùng ông Đại tá Đỗ Viết Nghiệm đã quen biết nhưng rồi lại được xếp ở chung với Nhà thơ Nguyễn Vũ Quỳnh. Thấy vậy cũng hay vì sẽ có thêm một người bạn mới. Nguyễn Vũ Quỳnh cũng từng là lính, từng làm ở báo Quân đội Nhân dân, báo Người Hà Nội, và đặc biệt, từng làm trợ lý cho Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng khi ông còn làm việc ở tỉnh Kiên Giang. Thế là đời tôi đã gặp đến ba ông trợ lý cho những “ông to”. Hai người trước không biết họ thấy tôi có gì mà chủ động làm quen. Đó là Nguyễn Trung, cựu trợ lý cho ông Võ Văn Kiệt và Nhà văn Nguyễn Chí Trung, cựu trợ lý cho ông Lê Khả Phiêu. Còn lần này tôi gặp Nguyễn Vũ Quỳnh. Quỳnh kể tôi nghe một chuyện xúc động. Ông Võ Văn Kiệt vốn là bạn chiến đấu với ông Nguyễn Tấn Minh, chính là cha của TT Nguyễn Tấn Dũng. Nguyễn Tấn Dũng, hồi còn học trường Đảng, đã cùng hai người bạn đến thăm ông Võ Văn Kiệt. Ông Kiệt mới tâm sự: “Bạn mình là anh Nguyễn Tấn Minh có mấy đứa con không biết bây giờ các cháu ra sao?”. Hồi đó ông Võ Văn Kiệt là Bí thư Khu ủy Khu 9 còn ông Nguyễn Tấn Minh là Tỉnh đội trưởng Tỉnh đội Rạch Giá. Một trong ba người nghe vậy mới chỉ Nguyễn Tấn Dũng chính là một người con của ông Nguyễn Tấn Minh đây. Hai người mới ôm nhau xúc động. Ông Kiệt nói với người tương lai sẽ kế nhiệm mình: “Cha cháu ngày ấy đẹp lắm cháu biết không?”
          ***
Cũng như các cuộc tham quan của các đoàn, ngoài chuyện du lịch thăm các danh lam, thắng cảnh của đất nước, còn có mục đích khác nhau. Chuyến tham quan Phan Thiết của đoàn nhà văn TPHCM lần này cũng vậy. Mục đích của chuyến đi là trở về nguồn. Nguồn ở đây chính là thiên nhiên, là rừng núi, biển cả, nắng gió và… cát. Nguồn ở đây là lịch sử, lịch sử cách mạng, lịch sử văn chương. Nguồn ở đây cũng là hiện thực cuộc sống độc đáo ở một thành phố biển.
          Về với thiên nhiên, “đặc sản” ở Phan Thiết chính là những đồi cát mênh mông nắng và gió. Hình dưới là đoàn chụp ở đồi cát đỏ (mang mầu của ô-xit sắt):

(Đông La, hàng đứng, thứ hai từ trái sang.
Nguyễn Vũ Quỳnh, hàng đứng, thứ nhất bên phải)
          Về nguồn với lịch sử cách mạng, đoàn đã đến thăm một di tích đặc biệt quan trọng và đầy ý nghĩa ở Phan Thiết. Đó là trường Dục Thanh, nơi Bác Hồ từng dạy học, trước khi vào Sài Gòn lên tầu đi Pháp, tìm đường cứu nước:

          Rồi đoàn tham quan Bảo tàng Hồ Chí Minh ngay cạnh đó:
          Đoàn đã đến thăm tháp chàm Porsanư, vừa là di tích lịch sử vừa là dấu tích văn chương, bởi tháp Chàm đã gắn bó với tác phẩm Điêu tàn, tác phẩm đầu tiên đã khai sinh một tên tuổi mà sau trở thành một nhà thơ lớn hàng đầu của Việt Nam, đó chính là Chế Lan Viên. Cạnh tháp Porsanư, đoàn cũng tới thăm “Lầu ông Hoàng”, nơi ghi dấu cuộc tình dang dở nhưng thầy thi vị của thi sĩ lừng danh Hàn Mặc Tử với nàng Mộng Cầm. Đặc biệt hai di tích lại sát nhau như duyên Trời định, bởi Hàn Mặc Tử và Chế Lan Viên cũng là đôi bạn thi nhân chí thiết, xuất hiện đồng thời, giọng điệu cả hai đều mới lạ. Hoài Thanh đã viết trong Thi nhân Việt Nam, sự xuất hiện của Chế Lan Viên “như một niềm kinh dị”.

***   
Đến với hiện thực cuộc sống độc đáo ở Phan Thiết, đoàn nhà văn TPHCM đã đến thăm xưởng làm tranh cát Phi Long.
Thủy tổ đã khai sinh ra loại hình nghệ thuật độc đáo này là một người phụ nữ đẹp, có cái tên cũng thật đẹp: Ý Lan (tên thật là Trần Thị Hoàng Lan):
          Với sự tỉ mỉ, kiên trì của đôi bàn tay tài tình khéo léo, chỉ dùng những chiếc muỗng café, với cái ly, cái bình thủy tinh, từ cát có nhiều màu sắc, chị đã tạo ra những bức tranh sống động, rất đẹp làm người xem phải ngạc nhiên, thích thú. Phi Long, một chàng trai tuấn tú nhưng lại bị tật không nghe, không nói được, một lần đi coi tranh cát trưng bầy, chàng trai quá mê say đã xin mẹ cho đi tìm sư phụ học nghề. Phi Long đã được toại nguyện, trở thành một học sinh xuất sắc. Rồi vốn có ý chí, khi thành nghề, chàng trai đã về xin mẹ mở xưởng làm tranh cát noi gương cô giáo của mình.
Sản phẩm của xưởng Phi Long có tranh phong cảnh:

          Khó nhất là tranh chân dung, chỉ với những dụng cụ thô sơ, cát mầu được đổ tỉ mỉ, dần dần từ dưới lên trên mà thành được chân dung người ta, vừa giống lại vừa có thần thái sống động thì quả là rất khó khăn, rất tài tình:

          Đặc biệt, Phi Long tâm đắc với đề tài hình ảnh Bác Hồ làm việc trong Phủ Chủ tịch. Dưới đây là một tác phẩm của Phi Long về Bác:
          Điều đặc biệt nữa là xưởng tranh cát Phi Long có phương thức tuyển chọn nhân công khiến cho ta phải cảm phục. Xưởng chỉ nhận những em bị tật nguyền, đã đào tạo miễn phí còn nuôi ăn ở luôn. Tôi đã gặp các cháu, thật kỳ lạ, cháu bị câm, điếc thì đi lại bình thường, ngược lại, các cháu nghe nói được thì lại có tật về vận động. Ông Trời đã không lấy đi hết khả năng sinh tồn của những người tật nguyền.
          Tôi đã gặp người đứng tên chủ doanh nghiệp, chính là mẹ Phi Long, một người phụ nữ đẹp và toát ra vẻ nhân hậu, thân thiện, hiền dịu. Tôi nói:
          -Việc làm ở đây nhân đức quá, phúc lớn lắm đó. Theo đường tâm linh thì sau này các vị sẽ thành tiên cả đấy.
          Chị cười rất tươi. Tôi nói gần đây tôi có nghiên cứu nhiều về tâm linh nên kể với chị vài nét về những hiện tượng chứng tỏ có tồn tại thế giới linh thiêng. Tôi cũng kể vài nét về cô Vũ Thị Hòa, người có những khả năng siêu phàm mà giờ tôi đã rất quen thân; và chỗ cô Hòa cũng làm từ thiện như xưởng tranh cát này, như chữa bệnh không lấy tiền, cứu giúp người bệnh từ già đến trẻ, từ bại liệt, nghiện hút đến ung thư, cũng nuôi ăn ở luôn; v.v…
          Rồi tôi gặp một cô bé mặt sáng như trăng rằm, đoán là con bà chủ, tức em Phi Long. Tôi bảo để bác chụp ảnh, đưa hình cháu lên mạng cho cả thế giới biết luôn:

          Hỏi anh Phi Long đâu thì cô bé nói bận đi mua đồ.
          Rồi đoàn ra về, không hiểu sao tôi lại về sau cùng, đúng lại là cái duyên, cả đoàn đông thế mà chỉ có mình tôi gặp được Phi Long khi anh chàng đi xe máy chở đồ về. Mẹ Phi Long ra đón con, tôi mừng quá, bảo hai mẹ con nhanh nhanh đứng cho tôi chụp ảnh, đưa lên mạng:

Đúng là Trời đã thương chàng trai tật nguyền có ý chí, có tấm lòng nên công việc mà Phi Long mơ ước đã phát đạt và được khuyếch trương rộng rãi.
***
Đoàn cũng đến thăm lâu đài có hầm rượu vang:
          Và Ngọn Hải đăng Kê Gà:

          ***
Ấn tượng nhất trong chuyến đi khiến cho chàng trai tên Châu, hướng dẫn viên du lịch, phải thốt lên là “Cháu chưa được gặp một đoàn nào vui và thú vị như đoàn này. Các bác, các cô chú, tuổi đã cao nhưng tâm hồn lại trẻ quá”. Đúng là các nhà văn chữ nghĩa đầy mình, mọi người đã thay nhau kể những chuyện vui, vừa hài hước vừa có chất tục nhưng vẫn thanh và đầy ý nghĩa. Tôi không nhớ hết mà một bài lược ghi cũng không thể kể hết, tôi chỉ có thể kể câu chuyện của nữ văn sĩ Tuyết Sương. Trước hết, tôi rất khâm phục chị vì chị đã tham gia kháng chiến từ hồi còn nhỏ xíu, từng ở trong rừng hàng chục năm, còn tôi chỉ có một năm ở rừng thôi mà “sợ khiếp vía”! Không ngờ một người nhỏ nhẹ hiền lành thế mà cũng rất hóm hỉnh khi chị góp vui bằng một câu chuyện.
          Chị kể, một lần chị nhận được một tin nhắn của một ông nhà văn: “Ước gì được trở lại dòng sông ấy!”. Chị trả lời: “Anh nói cái chi mà em không hiểu”. Nhắn đi nhắn lại vài lần như thế nữa, cứ như một sự tán tỉnh vậy. Nhưng về sau chị biết lời nhắn đã xuất phát từ một câu chuyện trong rừng của chính chị. Đó là một lần đơn vị chị vượt qua một con sông nước chảy rất xiết vì đang mùa mưa lũ. Từng người phải bám theo một sợi mây được cột vắt ngang qua đôi bờ. Đàn ông vì “không có gì” thì ở trần, cởi quần dài cột ở cổ, chỉ mặc quần cụt đi cho dễ. Có chuyện lạ là một ông không hiểu sao sắp đến bờ rồi mà cứ đứng như trời trồng không chịu lên. Mọi người la oai oái mới cử chị Tuyết Sương xuống xem sao. Chị lần theo sợi mây đến chỗ người đàn ông thấy, thì ra do ông ta mất cái quần dài vì không còn đeo ở cổ. Chị nghĩ “đúng là cái dân Nam eo, kẹt xỉn” mới nói: “Mất cái quần thì thôi chứ anh đứng làm chi hoài để mọi người không qua được?”. Ông kia cáu: “Đồ ngu, tao bị trôi mất tiêu cái quần cụt rồi! Làm sao lên được? Mau quay lại lấy quần cho tao mau, ở đó mà la à!” Hiểu chuyện chị cười chảy cả nước mắt. Thế đó, cái “dòng sông ấy” trong tin nhắn trên chính là cái dòng sông lột truồng người ta đó!
          ***
          Cuộc vui nào rồi cũng tàn, xe sắp về tới đích, trưởng đoàn Phan Hoàng báo giờ giấc buổi đoàn gặp lại. Chuyến tham quan về nguồn chủ yếu để bồi đắp nhận thức và cảm xúc, tác phẩm sẽ dần hình thành, dần chín, chứ mấy ngày thì không thể có ngay được. Anh em gặp lại chủ yếu để tổng kết và “đánh chén” với nhau một bữa cho vui, mừng chuyến đi thành công rực rỡ. Còn tôi vốn sống khép kín, ít giao thiệp, chuyến đi giúp tôi nhận ra điều, thì ra để hiểu nhau, người ta cần phải đối thoại, không chỉ với cá nhân mà cả ở tầm quốc gia cũng vậy. Chuyến đi giúp tôi hiểu nhiều người, ngoài “tài chính” là sáng tác ra, họ còn có nhiều “tài lẻ” rất thú vị, rất có duyên.
          Cảm ơn nhà thơ Phan Hoàng, cảm ơn ban lãnh đạo mới của Hội Nhà Văn TPHCM đã tổ chức chuyến đi rất thú vị!
          25-8-2015
          ĐÔNG LA