Thứ Năm, 29 tháng 10, 2015

SẸO ĐỘC LẬP HAY SẸO CỦ CHUỐI?

ĐÔNG LA
SẸO ĐỘC LẬP HAY SẸO CỦ CHUỐI?

Đã có quá nhiều người viết về vụ đạo văn chương của Phan Huyền Thư, nếu chỉ có đơn thuần là chuyện đạo văn thôi thì tôi chẳng viết làm gì cho mất công, vậy mà tôi thấy vẫn cần phải viết về vụ việc này và về chính Phan Huyền Thư.
Chuyện lỡ tham “cầm nhầm” bị phát hiện nhưng biết ăn năn hối lỗi, người có tấm lòng bao dung, vị tha sẽ dễ dàng tha thứ cho vì cái tham là độc tính hàng đầu, ai cũng có không nhiều thì ít, không tham cái này thì tham cái kia, nên đạo Phật luôn khuyên răn chúng sinh cần phải tiêu diệt.
          Nhưng kẻ cắp lại cứ lặp lại tội lỗi, còn được nêu gương, được tôn vinh để có địa vị trong ngành truyền hình, có thể tác động đến dư luận, lên mặt dạy đời thì sự tha thứ lại thành ba phải, sai trái.
          ***
          Biết Phan Huyền Thư là “gương mặt thân quen” trên VTV từ lâu nhưng cụ thể làm gì thì tôi chưa để ý. Chỉ thấy Thư cũng hay làm dáng yểu điệu thục nữ như đàn chị Thu Uyên và xem chừng cũng có nét “yêu nữ” như Thu Uyên: 

            Vì tôi từng nghe từ lâu người ta kể một câu chuyện tình tay ba có thấp thoáng bóng dáng của Thư trong quan hệ với một cây viết hải ngoại mà anh ta đã thuật lại bằng hai câu thơ tếu đã thành rất nổi tiếng. Tôi không biết chính xác và tôi cũng không phải loại viết câu khách tầm thường nên không viết ra. Tôi từng phê phán chương trình Giai điệu tự hào vì thấy gì nói thế, không ngờ tới nay mới biết Thư chính là một trong những chủ trò – tác giả kịch bản của chương trình -  như Thu Uyên trong chương trình Trở về từ ký ức vậy. Nếu không có sự phê phán dữ dội của dư luận, để Thư tự ý lái chương trình đi như lúc đầu, thì không biết chương trình đó sẽ như thế nào rồi? Như vậy “bảng đen” truyền thống của VTV lại được chính thức ghi thêm tên Phan Huyền Thư, một chủ trò chương trình văn hóa nghệ thuật quan trọng nhưng lại đạo văn chương!
          Vậy Phan Huyền Thư là ai?
***
            Phan Huyền Thư ít người biết đã tốt nghiệp học viện âm nhạc quốc gia, từng đi hát, nhưng như chính Thư tâm sự: “Tôi từng khát khao thoát khỏi cái bóng của mẹ. Và quyết định lớn nhất trong đời tôi đó là từ bỏ con đường âm nhạc, bỏ lớp sáng tác chỉ huy để thi vào trường tổng hợp văn”. Một cá tính “độc lập” như thế cũng đáng nể. Ra trường Thư làm biên kịch Hãng phim Tài liệu và Khoa học trung ương, thành đạo diễn phim tài liệu; rồi viết báo, viết văn, làm thơ, thành nhà thơ, những ngày hôm nay được Hội Nhà Văn HN trao giải thưởng thơ năm nay rồi lại bị thu hồi vì chuyện đạo thơ!
          Cái tên Phan Huyền Thư cũng như Vi Thùy Linh đã ồn ào từ lâu nhưng thú thực họ không phải ở cái tầm mà tôi chú ý. Tôi đã chú ý là có chuyện, nên thôi, để họ yên ổn mà nổi tiếng. Chỉ đến hôm nay, chuyện đạo thơ với tôi chỉ là phần nhỏ, chuyện Thư được Phạm Xuân Nguyên và Hội Nhà Văn Hà Nội chọn trao giải thưởng mới là cái chính để tôi chú ý.
           Trước hết, tôi thấy cái tên tập thơ “Sẹo độc lập” là một cái tên lạ. Nhưng khi đọc một số bài viết về nội dung tập thơ này thì tôi thấy Thư viết như thế là sai. Sẹo độc lập có nghĩa là cái sẹo có tính độc lập, thế thôi. Nhưng tập thơ Thư viết về mình chứ không phải viết về một cái sẹo. Theo “anh Hảo”, “bà cụ Thanh Hoa” khi sinh ra “Nhà thơ Phan Huyền Thư”, như lẽ thường thì phải cắt cuống rốn, rồi cuống rốn rụng tạo thành cái sẹo chính là cái lỗ rốn. Cái lỗ rốn này đã giúp Thư “giành được độc lập” khỏi “bà cụ Thanh Hoa”, nhưng nó chỉ là một “cơ quan” của cơ thể Phan Huyền Thư thôi chứ không phải là Phan Huyền Thư. Nên Thư dùng chữ “sẹo” để chỉ mình là sai.
           Trong ngôn ngữ có phép ẩn dụ, tức ví ẩn, hai đối tượng khác nhau nhưng có nét tương đồng nên thường được dùng để ví cho nhau. Như nói “cổ chai”, nghĩa là người ta đã coi phần trên cái chai thót lại như cái cổ một cơ thể. Cơ sở để ẩn dụ là dáng cái chai và dáng cơ thể phải có nét giống nhau. Còn giữa cái lỗ rốn của mình với cả cơ thể mình thì không có một tí ti gì giống nhau để mà ẩn dụ được.
Bài thơ Sẹo độc lập được coi là chủ đạo để dùng làm tên và tuyên ngôn cho tập thơ. Vì Thư làm thơ “mới” và “hiện đại”, cách trình bầy bài thơ cũng có dụng ý như hội họa xếp đặt, không chỉ ngắt câu mà còn ngắt cả chữ xuống dòng, nên tôi chụp luôn nội dung và cách trình bầy bài thơ để giới thiệu trọn vẹn dụng ý của tác giả:
Như vậy, nội dung bài thơ, tác giả kể chuyện khi mẹ mình sinh ra mình thì phải cắt cuống rốn để tách khỏi mẹ. Đó là ý chung, cái phải bàn ở đây là Thư viết chuyện đó ra với ngụ ý gì, đó chính cái tứ thơ của Phan Huyền Thư. Vậy cái tứ ấy đúng sai, hay dở, cao thấp thế nào?
        Trước hết về ngôn ngữ Thư cũng viết sai rất nhiều. Lẽ ra để “được độc lập” với mẹ bằng việc cắt sợi dây rốn thì Thư viết:
Tôi
được độc lập
với mẹ
bằng sợi dây
rốn
Chữ “cắt” chuyển xuống câu dưới:
                  cắt đứt cơ thể 
                  vết
                  sẹo làm người
Nghĩa là sợi dây rốn “cắt đứt cơ thể” để lại “vết sẹo làm người”. Nhưng thực tế bác sĩ cắt dây rốn chứ không phải “cắt đứt cơ thể”. Dây rốn không có dây thần kinh, đơn giản chỉ là ống dẫn hai cơ thể trong quá trình sinh sản, không phải là bộ phận của cơ thể nào cả. Còn viết “Vết sẹo làm người” cũng sai nốt. Vết sẹo chia tách, tạo ra sự độc lập thì đúng hơn, còn tinh cha huyết mẹ mới làm nên “người”; rồi chúng ta được bú mớm, được nuôi dưỡng, được học hành để “thành người”, chứ riêng một vết sẹo thì không thể “làm người” được.
Tất nhiên tôi rất biết Thư viết trúc trắc, sai ngữ pháp như trên là có chủ đích. Trong bài Lưu vong trên đất mẹ đăng trên Talawas, như tuyên ngôn về thi pháp của mình, Thư viết:
Ngay như câu thơ được coi là hay tiêu biểu của chị Vi Thuỳ Linh luôn được nhà thơ Nguyễn Trọng Tạo trích dẫn ở khắp nơi: " ....cát bay lên như những linh hồn..." thì cũng là một câu thơ viết theo lối cũ. Nếu bỏ từ "như" câu thơ chắc sẽ mới hơn, hay hơn và đi vào bản chất hơn”.
Bỏ chữ “như” như ý Thư đã biến một câu ví von có nghĩa thành câu cụt vô nghĩa. Cũng như viết Thư Đoan là cụt, là vô nghĩa, nhưng viết Thư đạo thơ của Đoan là có nghĩa ngay! Tất nhiên viết như Thư sẽ hợp gu với những kẻ lập dị, gây ấn tượng bằng những cái ngược ngạo, cũng như đời thường có những kẻ gây tai tiếng để nổi tiếng vậy.
Cũng trong bài trên, Thư viết:
“… tôi luôn hình dung ra nền văn chương của mỗi quốc gia như một con diều có ba đuôi. Cái đuôi dài nhất, đẹp nhất ở chính giữa giúp cho con diều bay lên được là văn chương chính thống. Bên cạnh đó, hai cái đuôi nhỏ hơn, ngắn hơn nhưng lại giữ vị trí cân bằng cho con diều là thứ văn chương lưu vong của những người xa tổ quốc. Cái đuôi còn lại là loại văn chương đi tù. (Có thể gộp chung cả văn chương mang tính chất chống đối, nổi loạn và thứ văn chương được viết ở trong tù). Hai cái đuôi phụ tuy là không được nhìn nhận một cách chính thống nhưng bao giờ cũng góp một phần vào việc nhận diện ra cả con diều văn học. Ðã từng có những nhà văn đoạt giải Nobel trên thế giới là người lưu vong hoặc đã từng đi tù. Chúng tôi đương nhiên là muốn đứng trong hàng ngũ của cái đuôi chính thống, nhưng biết làm gì nếu cứ mãi không được tiếp nhận vào nền văn học chính thống của đất nước bằng cái biển đợi: "Có triển vọng". Chỉ là loại có triển vọng thôi thì chúng tôi sẽ lâm vào cảnh "lưu vong trên đất mẹ" đợi ngày cấp visa. Vì chúng tôi không thích vượt biên và lại càng không thích đi tù”. 

          Thư viết rất đúng, chính đạo, chính thống luôn chiếm đại đa số, muốn được nổi tiếng trong số đông đó có tài còn chưa chắc huống chi bất tài. Vì thế không ít người bất tài nhưng lại háo danh, biết đi theo chính đạo chỉ công toi, nên đã đi theo tà đạo, phá vỡ các quy chuẩn, lộn ngược các quy chuẩn, muốn nổi tiếng không phải bằng tài năng mà bằng tai tiếng. Thư đã gây chú ý bằng việc đi theo con đường đó.

Ở Việt Nam vào hàng ông nội Thư như Trần Dần, Lê Đạt từng đi theo khuynh hướng đó, thậm chí họ còn bị bắt đi cải tạo, đi tù. Trên thế giới từ 100 năm trước cũng đã sinh ra các trường phái Đa Đa, Siêu thực, đưa ra những cơ sở lý luận cho sự trúc trắc, hỗn độn và vô nghĩa đó.
Về Lê Đạt, hình như Thư coi như giáo chủ, tôi đã viết từ khi ông còn sống, trong cuộc Hội thảo toàn quốc “Văn học nghệ thuật với việc xây dựng nhân cách con người VN” vừa qua của Hội đồng Lý luận Phê bình VHNTTƯ, tôi cũng lại nhắc tới trong bản tham luận gởi cho Hội thảo:
“Lê Đạt là một người từng nhiệt thành truyền bá cái tinh thần sáng tạo nghệ thuật dựa trên cơ sở khoa học, ông viết: “Lý thuyết về những phô tông đã khẳng định tầm quan trọng hàng đầu của những cấu trúc gián đoạn thay thế những cấu trúc liên tục tăng chế ngự khoa học cũng như thơ ca trong nhiều thế kỷ”. Nhưng tính liên tục và tính gián đoạn của sự phát xạ ánh sáng chỉ khác nhau như một sợi dây liền và một sợi dây đứt đoạn, nên việc Lê Đạt tưởng tượng ra “nó chế ngự thơ ca trong nhiều thế kỷ” thực ra là một điều không có. Người ta cũng đã dựa vào tính bất định, tính phi tuyến tính của chuyển động trong Cơ học lượng tử làm cơ sở cho việc sử dụng tính phi logic của ngôn ngữ, gây ra sự khó hiểu. Vì thế mới có quan điểm cho rằng cần phải đổi mới thơ ca bằng cách “phá vỡ những quy luật nghiệt ngã nhiều khi bảo thủ của ngữ pháp”. Chính vì thế mới có loại thơ sai ngữ pháp ngô ngô ngọng ngọng mà với người đọc bình thường thì không tài nào hiểu nổi tại sao lại có loại “thơ” như thế. Có điều cơ học lượng tử thuộc thế giới vi mô của các hạt cơ bản, còn ngôn ngữ là một trong những sản phẩm ý thức của não người, tức thuộc về thế giới của các chất chứ không phải của các hạt. Cũng như người ta chỉ ăn chất bột chứ không ai có thể ăn được hạt cơ bản. Ngữ pháp thực chất chỉ là quy tắc của ngôn ngữ. Khi sử dụng ngôn ngữ sai thì hoặc do khả năng ngôn ngữ, hoặc do trạng thái tâm thần người sử dụng, chứ hoàn toàn không thể có chuyện diễn tả các vấn đề một cách “sai ngữ pháp” thì sẽ sâu sắc toàn diện hơn. Không ai có thể đưa ra được một thí dụ về điều này. Trong tác phẩm, ngôn ngữ nhân vật có thể sai ngữ pháp, còn nhà văn viết tác phẩm mà sai ngữ pháp là do học dốt. Những điều càng phức tạp người ta càng phải viết cho chuẩn mực hơn. Nếu không sẽ có chuyện ông nói gà, bà hiểu vịt”.
Với Nguyễn Quang Thiều, “anh Hảo” cho Thư đi theo trường phái “tân con cóc” của Nguyễn Quang Thiều. Chính Nguyễn Quang Thiều cũng đã viết những lời có cánh về “Sẹo độc lập”:
“Sẹo độc lập chứa đựng một thứ ngôn từ tự do đôi lúc cực đoan, chì chiết và liều lĩnh nhưng chính xác, thống nhất và ám ảnh. Một cảm xúc đa mang, đắm đuối, ruồng bỏ nhưng nghiệt ngã. Để từ đó, một thế giới u tối, hung hãn, phi luân, rối loạn được dựng lên.
Nhưng trong thế giới ấy, lúc nào cũng vọng lên một tiếng như lời trăn trối: Chúng ta, ai cũng phải về Ngôi nhà mang tên chính mình. Tiếng ấy là tiếng của tỉnh thức. Và đó chính là một sự thật nhân văn tối thượng. Xin hãy lắng nghe thật bình tĩnh và ý thức cái tiếng kia".
Chơi với Nguyễn Quang Thiều tôi biết không biết có phải ở gần ông Hữu Thỉnh quá lâu không, Thiều giống ông Thỉnh ở chỗ rất hay khen người ta, nhất là mấy em, mấy cháu. Dường như Thiều không làm mất lòng một ai, tướng như con gấu nhưng giọng nói thì rất mềm mại. Một lần Thiều rủ tôi đi ăn phở ở vỉa hè, với bà bán phở mà Thiều cũng vừa ăn vừa thầm thà thầm thì. Còn nhiều người ghét Thiều là do tự người ta ghét, vì đố kị hoặc vì quan điểm sáng tác. Một người nặng về quan hệ tình cảm với đồng nghiệp như Thiều thì thật khó đo đếm chuyện đúng sai trong bình phẩm. Nên từ lâu, từ hồi còn rất thân nhau, tôi mặc kệ “ông bạn tôi” muốn nói gì thì nói. Còn tôi viết phê bình thì phải khách quan, khen chê phải có cơ sở, không thể tán tùy tiện một cách cảm tính, cả về thơ Nguyễn Quang Thiều cũng vậy. Về hình thức thì đúng thơ Thiều có nhiền nét “tân con cóc” thật, nhưng thơ Thiều có những cái khác, ở tầm khác mà tất cả những người gọi là cách tân sau Thiều đều không có, đó chính là tư tưởng. Ai muốn biết thì đọc những bài tôi viết về thơ Thiều đã đăng ngay trên blog này.
***
Chuyện đạo văn thơ của Phan Huyền Thư là xấu rồi, còn xấu hơn nữa vì Thư lặp lại nhiều lần, từng viết thư xin lỗi trước thư viết cho Thường Đoan. Mà bài thơ Buổi sáng có gì mà phải đạo? Một nỗi nhớ chung chung pha nuối tiếc một mối tình chưa trọn với những câu bình thường như: “Những gương mặt người”; “Quen và không quen”; “Tiếng chim khua vỡ buổi sáng lạnh”; “em ngồi một mình”; v.v… có gì hay, lạ và cao siêu đâu mà phải đạo? Riêng câu “Tiếng chim khua vỡ buổi sáng lạnh” là có vấn đề. “Khua” là một động tác, như người ta khua chiêng, khua môi múa mép hay khua khoắng cái gì đó. Tiếng chim làm vỡ buổi sáng yên tĩnh thì được, còn nó là âm thanh thì không biết khua khoắng cái gì hết!
Buồn cười ở chỗ bài thơ “Có lẽ đã chết vẫn tốt hơn” Thư ghi “gửi nhà thơ Nguyễn Việt Chiến”. Nhưng người nhận lại không thích món quà đó. Quả thật, có gì đó thật độc ác, thật tàn nhẫn khi đi gửi tặng người khác cái chết. Ông Chiến quả có từng cay đắng khi bị tù tội nhưng ông cho mình không có tội, ông đã ra tù và đời ông còn dài, tương lai còn phơi phới trước mặt, ông đã làm được bài thơ nổi tiếng “Tổ quốc nhìn từ biển” kia mà. Ông đâu muốn chết, sao Thư lại cho ông đã chết là tốt hơn, cuộc sống tồi tệ đến mức đó sao? Nhưng đó chỉ là cái nhìn tăm tối và bệnh hoạn của chính Thư thôi. Chính chủ nhân của “món quà chết” nói với Thư thế này: “Anh thất vọng ngay từ khi mới nhận tập thơ “Sẹo độc lập” cuối năm 1994 có bài thơ em đề tặng “Thư gửi nhà thơ Nguyễn Việt Chiến” với cái tựa đề rất vô cảm “Có lẽ đã chết vẫn tốt hơn” với những câu thơ lộng ngôn như xúc phạm người được tặng, mặc dù nội dung bài thơ ấy không liên quan gì đến anh”; “Đến khi thấy em nói trên mạng xã hội rằng đây là bài thơ tặng nhà thơ Nguyễn Việt Chiến lúc gặp hoạn nạn năm 2008 thì anh hết chịu nổi, vì toàn bộ bài thơ không có lấy một câu chia sẻ với một nhà thơ, nhà báo đang gặp hoạn nạn”.
Cái bài này cũng bị cho là đạo thơ vì có câu “Nếu tôi chết hãy đem tôi ra biển” giống thơ nhà thơ Hải ngoại Du Tử Lê, tác giả lời ca khúc Khúc Thụy du nổi tiếng. Nhưng theo tôi bài này nói Thư đạo thơ là không đúng, cảm xúc từ một tác phẩm, từ một câu nói hay, hoàn toàn có thể giúp người ta nổi hứng để sáng tác một tác phẩm hoàn toàn khác. Trường hợp này đúng là như thế. Nhưng bài thơ mới của Phan Huyền Thư không thể so sánh với bài thơ cũ của Du Tử Lê được. Bài thơ của ông tuyệt hay, dùng cái chết làm cấu tứ để biểu lộ tình yêu quê hương của một một kẻ tha phương:

Khi tôi chết hãy đem tôi ra biển
Đời lưu vong không cả một ngôi mồ 
Vùi đất lạ thịt xương e khó rã 
Hồn không đi sao trở lại quê nhà… 
Còn thơ của Thư vẫn làm theo lối ú ớ, làm dáng, làm rối chữ nghĩa, chỉ toát lên tâm trạng tù túng, bệnh hoạn: ví thân phận con người như “hạt muối kết tủa từ cô đơn”, nhưng vẫn muốn phá phách, khi chết mong được “ném vào sóng” để “cào đến xước mặt hoàng hôn”. Có điều Thư lại hết sức bậy bạ, đã báng bổ cả thần thánh, khi viết “Nàng tiên cá hát ru con/ mê hoặc đêm trăng những chàng thuỷ thủ” lại “giam hồn mình dương liễu Quán Thế Âm”. Dương Liễu Quán Thế Âm là một trong 33 Thể của Quán Thế Âm Bồ Tát, tay phải cầm cành Dương Liễu, tay trái cầm Tịnh Bình, rưới nước Cam Lồ cứu độ chúng sinh. Có đâu Dương Liễu Quán Thế Âm lại là nơi trú ngụ của hồn ma nữ chuyên quyến rũ thủy thủ!
***
Nếu chỉ là chuyện Thư bất tài thì tôi cũng có thể cho qua vì thiếu gì người nổi tiếng mà bất tài, chuyện Thư đạo thơ tôi cũng không cần viết vì đã nhiều người viết, nhưng Phan Huyền Thư thật đáng bị phê phán đúng như “anh Hảo” viết: “Phan Huyền Thư, kẻ vắt mũi chưa sạch trong thi ca, lẽ nào dám chê bai nền thi ca dân tộc với những đại thi hào… lại dám viết những lời phỉ phui, rẻ rúng chê bai nền thi ca dân tộc thế này: “ Trăm năm quốc ngữ / hay cả ngàn năm Hán Nôm / không tìm ra câu thơ nào viết đủ / cho khổ đau và cay đắng / khi tôi hiểu ra một danh tính: thi nhân”.
Còn đoạn “anh Hảo” cho Phan Huyền Thư triết lý vớ vẩn trong đoạn này: “để giới hạn an toàn trong giới hạn/ bằng chân lý: bất động/ sự bất động của nghệ thuật/ là tượng đài hình chiếc cột /đợi tương lai thi hành án / tử hình” thì không vớ vẩn đâu, Thư viết theo tinh thần “rân trủ” đấy. Đó chính là sự kêu gọi phá vỡ những giới hạn, những luật lệ của xã hội, y như phá vỡ những quy tắc của ngữ pháp vậy. Phải chăng Thư dùng chữ “sẹo độc lập” cũng theo tinh thần của “Văn đoàn độc lập”, “Hội nhà báo độc lập”? Và chính vì thế Thư mới lọt được vào mắt xanh của ông Phạm Xuân Nguyên, Chủ tịch Hội Nhà văn HN kiêm “nhà rân trủ” gộc?
Việc Thư là một chủ trò của chương trình Giai điệu tự hào trên VTV, những số đầu đã chọn những người trẻ có tình thần phá phách để bình luận, với những ý vừa dốt vừa mất dạy phải chăng cũng xuất phát từ “cái đầu” của nhà Biên kịch Phan Huyền Thư? Rồi việc Thư thích thơ và thân với nhiều cây viết “hải ngoại” đa phần từng là lính VNCH như Đỗ Kh, Đặng Tiến, Du Tử Lê, Thanh Tâm Tuyền, v.v… liệu có phải chỉ với tinh thần cởi mở, hòa hợp dân tộc không? Như tôi đây còn làm rể luôn nhà người ta nữa cơ. Một cái Tết tôi từng là một cháu rể tương lai hơi ớn ớn khi một mình được ông chú vợ đại úy lính VNCH to như con gấu tiếp bằng món vịt nấu chao (sau này tôi cũng hay tự nấu và được khen là khá). “Lỡ ổng thù hận nổi lên cho mình một phát là tiêu đời!” Nhưng không có. Sau khi cưới, có một con, lần nữa chính tôi là người mở cửa cho ông chú vợ khác là cha tuyên úy bị tù về, vì là cha nên bị tù vào hạng lâu nhất. Sau này ông tâm sự “Lúc ấy tao tưởng Việt cộng nó chiếm nhà tao!” Kể vậy có nghĩa là tôi hoàn toàn không chấp chuyện ta-địch, nhưng khi viết về mọi sự, nhất là về lịch sử, tôi phải viết khách quan. Nên không có chuyện tôi săm soi chuyện Thư “chơi” với lính VNCH hải ngoại. Có điều nếu Thư coi lối “chơi” đó như “mốt”, rồi coi thế mới là văn minh, thế mới là tiến bộ, rồi cho họ mới là chính nghĩa, quay mặt chống lại những giá trị chính thống thì cần phải xem xét tư tưởng của Thư, bởi Thư là một trong những chủ trò chương trình Giai điệu tự hào, một chương trình lớn giáo dục truyền thống của VTV, liên quan đến lịch sử và chính trị.
Tôi hoàn hoàn có cơ sở để e ngại khi đọc trên http://vtc.vn/, 17/10/2012, trong bài Phan Huyền Thư lên tiếng sau bài báo chấn động về cha. Với câu hỏi:
-Người đời vẫn khắt khe, đổ lỗi cái chết của cha chị, nhạc sỹ Phan Lạc Hoa có một phần lỗi của mẹ chị, NSND Thanh Hoa, bài báo mới đây cũng càng khiến nhiều người có thể nghĩ vậy. Còn chị, để lên tiếng một lần rõ ràng về việc này, chị sẽ nói gì?
Phan Huyền Thư trả lời:
          -Câu chuyện về bố tôi không chỉ là thứ “câu khách rẻ tiền” về cuộc tình đổ vỡ và sự bế tắc yếu đuối của một bệnh nhân. Đó là câu chuyện về một số phận ẩn dụ cho cả một thời kỳ “lý lịch chủ nghĩa” đã đẩy người ta đến bên bờ vực tuyệt vọng và sự cô độc trầm cảm thế nào.
          Như vậy, Thư đã hoàn toàn sai trái khi chính trị hóa bi kịch gia đình, đổ lỗi cho chế độ, dù quá khứ đúng là có ấu trĩ, có sai lầm. Tôi hoàn toàn không muốn khơi lại nỗi đau của người khác nói chung nhưng với thái độ và suy nghĩ của Thư như trên tôi buộc phải chỉ cho “con bé này” thấy.
Lời kể trong “bài báo chấn động” về cha Phan Huyền Thư chính là của BS Sao Hồng, một bác sĩ thực tập, từng chăm sóc Nhạc sĩ Phan Lạc Hoa, một bệnh nhân tâm thần ở  bệnh viện Bạch Mai. Thư cho "Có những chi tiết mang tính chất “nghe hơi nồi chõ”, có chi tiết phỏng đoán”. Có điều sự thật dù cay đắng vẫn phải chấp nhận, không nên lu loa, khỏa lấp, nói xấu người khác. Với chuyên môn BS, lại quý tài Phan Lạc Hoa, BS Sao Hồng không như Thư nói. NS Phan Lạc Hoa đúng là bị bệnh tâm thần, các bác sĩ phải tìm hiểu rất kỹ đời sống riêng tư, tìm ra nguyên nhân gây bệnh, để có thể đưa ra liệu pháp điều trị. Bác sỹ Kim Việt, giờ đã là Viện trưởng Viện sức khỏe tâm thần, hồi ấy là một bác sĩ nội trú, còn làm luận văn về cuộc đời Phan Lạc Hoa nữa. Nên chuyện BS Sao Hồng kể Phan Lạc Hoa mặc cảm và tự ti “Thật là hèn khi phải ăn bám vợ" dẫn đến quẫn trí là hoàn toàn đúng. Chính bà Thanh Hoa trên http://giaitri.vnexpress.net/ cũng nói y như chứng thực cho lời của BS Sao Hồng:
-Ngày đó, chuyện không chồng mà chửa, rồi chuyện xung quanh có quá nhiều người để ý là chắc chắn gây nhiều phiền phức cho mình. Xã hội thời đó không chấp nhận người như tôi và mọi người phản ứng dữ dội cũng là tất yếu. Thực chất ngày đó tôi đã cầm trong tay đơn ly dị mà chính anh Hoa là người viết chứ không phải tôi. Anh ấy không chịu được sự nổi tiếng của vợ nên bỏ tôi. Lúc đó, anh Hoa phải vào bệnh viện tâm thần điều trị, rồi kèm theo bệnh xơ gan, tiểu đường. Anh ấy đã lén đọc bệnh án và biết hết bệnh tình của mình rồi nên mới sinh ra chán chường đến vậy.
Như vậy, đó mới chính là sự thật đẩy cha Phan Huyền Thư đến cái chết chứ không phải như Thư nói bậy bạ: “Đó là câu chuyện về một số phận ẩn dụ cho cả một thời kỳ “lý lịch chủ nghĩa” đã đẩy người ta đến bên bờ vực tuyệt vọng và sự cô độc trầm cảm thế nào!”
***
Văn chương muốn bay cao, bay xa thì càng phải tuân theo quy luật của ngôn ngữ, càng có cách nói độc đáo thì từ ngữ được dùng càng phải tương hợp, đắc địa, như các cụ bình văn xưa hay “vỗ đùi đánh đét” khi khuyên một dấu son. Vì làm cả văn chương nghệ thuật lẫn khoa học công nghệ, tôi hay liên hệ, tác phẩm văn chương giống như cỗ máy, muốn chạy nhanh, bay cao thì máy móc phải được chế tạo tốt, lắp ráp tốt. Một tác phẩm như cỗ máy không chạy, không bay được, sao đến được với thế giới? Tiếc là thực tế vẫn có, lại có nhiều là đằng khác. Đơn giản là vì thế giới không đơn thuần là thế giới của giá trị mà còn là thế giới chính trị, với VN còn có một thế giới hận thù nữa. Vì thế vẫn có những con trâu điên không cánh mà vẫn bay qua được hải ngoại vì sự quậy phá.
Tóm lại, về tập thơ “Sẹo độc lập” của Phan Huyền Thư, theo tôi nên đặt là “sẹo củ chuối”, vì người viết đã củ chuối mà người chọn trao giải cũng củ chuối nốt!
29-10-2015
ĐÔNG LA