Thứ Hai, 5 tháng 10, 2015

VÀI NÉT VỀ MỘT CUỘC HỘI THẢO VÀ THAM LUẬN CỦA ĐÔNG LA

ĐÔNG LA
VÀI NÉT VỀ MỘT CUỘC HỘI THẢO
VÀ THAM LUẬN CỦA ĐÔNG LA

Thế là cuộc Hội thảo toàn quốc “Văn học nghệ thuật với việc xây dựng nhân cách con người VN” của Hội đồng Lý luận Phê bình VHNTTƯ kéo dài một ngày rưỡi (từ sáng ngày 3-10-2015) đã kết thúc. Tôi là khách mời chính thức, được mời viết tham luận, được in và được trả nhuận bút, được quà biếu (chiếc áo) và được Thành ủy TPHCM và Hội đồng mời dự tiệc chiêu đãi vào hai buổi trưa. “Một miếng giữa làng bằng một sàng xó bếp” thật vinh dự nhưng tôi đều không ăn vì đơn giản một điều là người biết tôi rất nhiều, người quý mến không ít, kể cả những vị lãnh đạo cao nhất của Hội đồng đều biết, đều đã gặp và có những cuộc gọi điện thoại nói chuyện với tôi, nhưng bạn thân thì lại không có ai. Mục đích ăn để vui chứ không phải để no, mà không có bạn thân ăn cùng thì khó mà vui nên cả hai bữa tiệc tôi đều “chuồn”.
          Kết quả Hội thảo chủ yếu là tập sách in gần 100 tham luận, còn trong cuộc hội thảo có ngày rưỡi, lại dành nhiều thời gian cho nghi lễ nên chỉ có một số tham luận được chọn trình bầy mang tính chất báo cáo, trình diễn. Hình như có sự ưu tiên cho các nhà văn, nhà phê bình, các GS cao tuổi, đầu tóc đều “phơ phơ” cả và phụ nữ. Tôi thấy các tham luận được chọn chưa trúng trọng tâm lắm, nhiều bài lê thê, chung chung, công thức. Người thì thể hiện tính dạy dỗ của GS, tính khoe kiến thức của nhà nghiên cứu sách vở đi định nghĩa khái niệm "nhân cách", người thì mang tính quản lý đi nêu thực trạng suy thoái nhân cách, nêu nguyên nhân suy thoái nhân cách. Nhưng chủ đề của hội thảo là thực trạng tác động của Văn học nghệ thuật đối với nhân cách như thế nào thì chỉ được nói đến rất ít. Nhiều người nói tội ác gia tăng do chiếu nhiều phim ảnh bạo lực nước ngoài. Cái này do quản lý văn hóa chứ không phải nhiệm vụ của văn chương nghệ thuật. Riêng tôi thấy có một thực trạng nguy hiểm, đó là chuyện có không ít nhà văn và nghệ sĩ tên tuổi là những người bất mãn, lợi dụng dân chủ, nhân quyền, tiến bộ; bấu vào những sai trái, tệ nạn của xã hội, lôi kéo quần chúng, kích động sự chống đổi thể chế, làm loạn. Đã có những người bị bắt. Họ đã thành lập cả “Văn đoàn” riêng. Nhưng trên diễn đàn của Hội thảo hoàn toàn không đả động đến mà chỉ có vài ý kiến chung chung. Còn tôi đã chọn viết tham luận về hai điều sai trái làm cho văn chương có ảnh hưởng rất xấu đến tư tưởng và nhân cách, đó là bút pháp của văn chương và phản ánh lịch sử trong văn chương. Bài được in nhưng không được chọn trình bầy. Vì quá đông, cuộc hội thảo bao gồm tất cả các hội Văn học Nghệ thuật của cả nước, phải nhường cho các vị đầu “phơ phơ” thì tôi cũng vui lòng thôi, nhưng tôi sẽ rất buồn nếu bài của tôi vì nói thẳng nói thật mà không được chọn. Tôi cũng thấy có gì không phải khi phải ngồi nghe những người này tham luận về xây dựng nhân cách. Như Văn Công Hùng, một người từng ca ngợi Nguyễn Quang Lập, một nhà văn đã bị bắt và nhận tội, là: “Ở nước Nam này, nếu hỏi ai viết nhiều, làm việc nhiều, lao động nghiêm túc, tôi không ngần ngại trả lời: Nguyễn Quang Lập”. Thực chất cái “nghiêm túc” của Nguyễn Quang Lập khi bênh vực Huy Đức viết Bên thắng cuộc là coi chuyện cai ngục của phía VNCH đóng đinh vào đầu, bẻ răng các tù binh là bộ đội của ta là chuyện bình thường, không độc ác cái gì cả, chiến tranh là thế. Blogger Hòa Bình đã viết một bài lấy đầu đề là Địt mẹ thằng Lập. Như Lại Nguyên Ân, người luôn bảo vệ chuyện Nguyễn Huy Thiệp viết sai trái về lịch sử. Như Inrasara, người cổ súy và bảo vệ khuynh hướng sáng tác Hậu hiện đại, trong đó có nhóm Mở miệng.
Còn theo tôi, thời hiện đại, các cuộc hội thảo nên coi trọng hành động thực tiễn hơn, nên thiết thực hơn, bớt đi tính công thức, nghi lễ. Được vậy vị trí của Hội đồng sẽ vững hơn và uy tín sẽ ngày một nâng cao hơn. Có một tham luận nói đúng, từ trước tới nay chưa có một tổ chức nào cao, bao trùm tất cả các hội và tổ chức văn học nghệ thuật như Hội động Lý luận Phê bình VHNT Trung Ương. Vậy nhiệm vụ là rất cao cả và lớn lao nhưng làm tốt được trọng trách cũng khó khăn không ít.
          Vì thế, cuộc Hội thảo đã được các vị lãnh đạo cao nhất quan tâm. Nguyên TBT Lê Khả Phiêu cả sáng khai mạc và buổi tổng kết đều có mặt và phát biểu. Chủ tịch Trương Tấn sang cũng tham dự và phát biểu trong buổi tổng kết. Tôi chụp được một hình vui, ông phát biểu mấy ý từ nghị quyết của Đảng mang tính chỉ đạo, đại khái như “cần xây dựng nền văn hóa tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc”…, tức thực chất ai cũng biết, nhưng cả hội trường lặng đi còn cả đoàn chủ tịch cũng như bị một lực hút vô hình hút về hướng ông:


          Quyền lực có sức hút cũng là lẽ thường tình trong đời sống phàm trần. Riêng tôi thì tôi coi trọng lòng tốt và khả năng của con người hơn, bất kể người đó là ai. Đúng lúc mọi người đang say sưa như vậy tôi đã “chuồn” về để sửa soạn đón cô Vũ Thị Hòa đến nhà chơi. Vì với riêng tôi và gia đình, cô Vũ Thị Hòa quan trọng hơn ông Trương Tấn Sang, dù tôi cũng rất tôn trọng ông Sang, từng viết minh oan cho ông trong vụ dư luận đểu cho ông “copy” bị giám thị là một cô giáo bắt và đã cho người “giết” cả cô giáo đó!
          Sau đây là vài hình ảnh trong Hội thảo:
(Nhà văn Đông La “phát sáng”)
(PGSTS Hồng Vinh, nguyên Ủy viên TƯ ĐCSVN,
Chủ tịch Hội đồng, đọc báo cáo)
(Nhà phê bình Chu Giang Nguyễn Văn Lưu, một “chiến hữu” của tôi, từng bị Phạm xuân Nguyên cho là “phê bình chỉ điểm” đang tham luận. “Bố” diện một bộ bà ba gụ, vai đeo túi vải, tóc bạc, râu dài như một đạo sĩ ).
          Sau đây là bản tham luận được in, không được đọc của tôi:

BÚT PHÁP VĂN CHƯƠNG VÀ
PHẢN ÁNH LỊCH SỬ TRONG VĂN CHƯƠNG
                             ĐÔNG LA

Văn dĩ tải đạo” là lời dạy của tiền nhân đối với việc viết lách đã trở thành nguyên lý cơ bản nhất mà nội dung cuộc hội thảo hôm nay “Văn học-nghệ thuật với việc xây dựng nhân cách con người” cũng chính là phần chủ yếu của nguyên lý ấy.

          Nhà văn, nhà sư phạm văn chương uyên bác và tinh tế Paux-tov-xki, trong cuốn Bông hồng vàng, đã viết về nghề văn:
Nghề văn không phải là một nghề thủ công và cũng không phải là một thứ công việc. Nghề văn là sứ mệnh… Từ "sứ mệnh" có chung một gốc với từ "tiếng gọi". Không ai hô hào con người đi làm chuyện vặt. Người ta chỉ kêu gọi con người làm tròn bổn phận và thực hiện những nhiệm vụ khó khăn. Vậy thì cái gì thôi thúc nhà văn đến với cái lao động tuyệt mỹ nhưng đôi khi cay cực kia? Trước tiên là tiếng gọi của trái tim. Tiếng gọi của lương tâm và lòng tin ở tương lai không cho phép nhà văn đích thực sống trên trái đất như một bông hoa điếc và không truyền đạt hết mình cho đồng loại tất cả cái phong phú của tư tưởng và tình cảm đang tràn ngập chính tâm hồn nhà văn”.
          Một trong những phẩm chất quan trọng của việc sáng tác là sáng tạo, mà sáng tạo lại phụ thuộc vào quan điểm đổi mới. Từ lâu đã có rất nhiều sự hô hào và thực hành đổi mới văn chương, trong đó có những quan điểm sai trái không ít. Đó là những quan điểm liên quan đến lý luận văn học và sự phản ánh lịch sử trong văn chương.
          ***
          Trước hết tôi xin bàn đôi nét về lý luận văn học.
 Sự sáng tạo là làm ra cái mới, những cái chưa có thì ai cũng biết. Trong khoa học có sự phân định rõ những cấp độ khác nhau như phát minh, sáng chế, giải pháp hữu ích. Phát minh là việc đưa ra những quy luật mới có tính nền tảng; sáng chế, giải pháp hữu ích là những sáng tạo ứng dụng cụ thể trong đời sống. Trong khoa học công nghệ làm ra cái mới luôn phải tuân theo quy luật nếu không sẽ không cho ra kết quả, như làm không đúng thì chiếc xe không thể chạy, máy bay không thể bay được. Nhưng trong văn học nghệ thuật lại không như thế. Có những sáng tạo dựa trên cơ sở của tri thức và đạo lý, ngược lại, tiếc là không ít, cũng có nhiều quan điểm sáng tạo lại dựa trên sự phá vỡ tất cả các quy chuẩn theo lẽ thường về thẩm mỹ, đạo lý và cả về ngôn ngữ. Khi ấy tiêu chuẩn của cái đẹp lại là sự không hài hòa, sự không giống, thậm chí là cái xấu.
Có những quan niệm về cái mới, về tài năng và giá trị tác phẩm của một số người được coi là “cấp tiến” thường cực đoan và không toàn diện. Có tác giả, tác phẩm được họ đẩy lên tột cùng, có tác phẩm được ca ngợi chỉ vì cách viết mà không để ý gì đến nội dung, bất kể đúng sai, tốt xấu. Với một số người, đổi mới đồng nghĩa với việc trước ca ngợi thì nay phản kháng; trước êm đềm thì nay giật cục; trước nghiêm trang thì nay giễu cợt, khinh bạc; trước tế nhị, lịch sự thì nay nanh nọc, thô tục… Theo tôi, đổi mới như vậy mới chỉ là đổi mới cái vỏ văn chương, khi không khám phá được điều gì nghiêm túc, sâu sắc, lớn lao thì gây ấn tượng bằng những điều lập dị, ngược ngạo, sản phẩm của trí tuệ nông cạn nhưng hãnh tiến. Văn chương chân chính muôn đời vẫn luôn dựa trên bản năng thẩm mỹ mang tính người. Theo tôi, đổi mới thực chất nghĩa là phải làm cho văn chương “mạnh” hơn, biểu đạt cao hơn, sâu rộng hơn, đúng hơn và có tác động tích cực hơn đến hiện thực cuộc sống; biểu cảm sâu hơn, toàn diện hơn cuộc sống tinh thần con người.
Chuyện lập dị, lộn ngược quan điểm thẩm mỹ có lẽ xuất phát từ chuyện vọng ngoại. Ở Pháp và mấy nước Châu Âu, người ta từng thi nhau đưa ra đủ thứ trường phái, rồi ai cũng tự cho mình là chân lý nghệ thuật. Khi Chủ nghĩa Ấn tượng ra đời các hoạ sĩ cho rằng phải vẽ ngoài trời mới thu giữ được những khoảnh khắc thoáng hiện của hiện thực sống động. Picasso chê: “Làm sao cái chốc lát đổi thay chập chờn bên ngoài sự vật lại có thể là sự thật duy nhất mà người nghệ sĩ một đời theo đuổi”. Và, Chủ nghĩa Lập thể hình thành, với ý muốn thể hiện được “cái bên trong” và cái “nhiều mặt” của sự vật, với một ngôn ngữ hội họa là những hình khối, những mặt phẳng. Rồi Chủ nghĩa Lập thể cũng lại bị chê là đã coi thường hình thể hài hoà của tự nhiên. Chủ nghĩa Đađa, một chủ nghĩa “phá phách”, cho nghệ thuật chính là  sự phá vỡ cái cũ, chống lại trật tự tự nhiên để tạo ra một trật tự mới, trật tự của những cái phi lý. Nhưng đến lượt Chủ nghĩa Siêu thực, hậu thân của Đađa, cũng lại bị chê bởi một trong những chủ soái của một chủ nghĩa khác: Chủ nghĩa Hiện sinh, Camus viết: “Thật là một cuộc nổi loạn thực sự… Sự phủ nhận của nó với mọi cái là rõ nét, sắc bén và đầy tính khiêu khích”, v.v…
Như vậy không có cái nào là chân lý nghệ thuật cả! Phải chăng sự thay đổi các trường phái cũng như “mốt” thời trang? Có điều cần phải biết nhận ra cái giới hạn mà vượt qua nó là đồi trụy, là băng hoại! Thật e ngại khi sự quái dị của con người không chỉ dừng lại ở sự lộn ngược thẩm mỹ mà còn có cả sự lộn ngược thiện ác.
Vì thế, ta thấy quan điểm sáng tạo giữa khoa học và nghệ thuật; quan điểm thẩm mỹ giữa đại đa số và thiểu số “người đặc biệt”, có phần ngược nhau. Có điều nếu khoa học cũng như nghệ thuật coi sáng tạo là phá vỡ quy chuẩn, là sự lộn ngược thì không biết thế giới này sẽ đi tới đâu? Ngành lai tạo trong sinh học sẽ chỉ cho ra những quái thai mà thôi.
Lê Đạt là một người từng nhiệt thành truyền bá cái tinh thần sáng tạo nghệ thuật dựa trên cơ sở khoa học, ông viết: “Lý thuyết về những phô tông đã khẳng định tầm quan trọng hàng đầu của những cấu trúc gián đoạn thay thế những cấu trúc liên tục tăng chế ngự khoa học cũng như thơ ca trong nhiều thế kỷ”. Nhưng tính liên tục và tính gián đoạn của sự phát xạ ánh sáng chỉ khác nhau như một sợi dây liền và một sợi dây đứt đoạn, nên việc Lê Đạt tưởng tượng ra “nó chế ngự thơ ca trong nhiều thế kỷ” thực ra là một điều không có. Người ta cũng đã dựa vào tính bất định, tính phi tuyến tính của chuyển động trong Cơ học lượng tử làm cơ sở cho việc sử dụng tính phi logic của ngôn ngữ, gây ra sự khó hiểu. Vì thế mới có quan điểm cho rằng cần phải đổi mới thơ ca bằng cách “phá vỡ những quy luật nghiệt ngã nhiều khi bảo thủ của ngữ pháp”. Chính vì thế mới có loại thơ sai ngữ pháp ngô ngô ngọng ngọng mà với người đọc bình thường thì không tài nào hiểu nổi tại sao lại có loại “thơ” như thế. Có điều cơ học lượng tử thuộc thế giới vi mô của các hạt cơ bản, còn ngôn ngữ là một trong những sản phẩm ý thức của não người, tức thuộc về thế giới của các chất chứ không phải của các hạt. Cũng như người ta chỉ ăn chất bột chứ không ai có thể ăn được hạt cơ bản. Ngữ pháp thực chất chỉ là quy tắc của ngôn ngữ. Khi sử dụng ngôn ngữ sai thì hoặc do khả năng ngôn ngữ, hoặc do trạng thái tâm thần người sử dụng, chứ hoàn toàn không thể có chuyện diễn tả các vấn đề một cách “sai ngữ pháp” thì sẽ sâu sắc toàn diện hơn. Không ai có thể đưa ra được một thí dụ về điều này. Trong tác phẩm, ngôn ngữ nhân vật có thể sai ngữ pháp, còn nhà văn viết tác phẩm mà sai ngữ pháp là do học dốt. Những điều càng phức tạp người ta càng phải viết cho chuẩn mực hơn. Nếu không sẽ có chuyện ông nói gà, bà hiểu vịt.
Diễn đàn từng nóng lên với vụ luận văn thạc sĩ của Nhã Thuyên (Đỗ Thị Thoan) về thơ của nhóm Mở Miệng được điểm 10 mà tôi đã cho nó giống như "một củ đậu" ném vào nền giáo dục Việt Nam. Về Chủ nghĩa Hậu hiện đại và nhóm Mở Miệng tôi đã viết: “Tinh thần hậu hiện đại đã và đang phảng phất đâu đó trong văn chương Việt Nam cũng là lẽ thường tình, nhưng không có tài, không hiểu biết đến nơi đến chốn mà mê muội bắt chước, thì chỉ làm ra được những bản sao tồi mà thôi. Cũng đã có những nhóm cực đoan đúng là đã làm ra được văn chương hậu hiện đại thứ thiệt nhưng tiếc là chỉ mới ở dạng thấp nhất của nó. Ví dụ như tính phản kháng, phản kháng cao cấp tức là phải có khả năng phân tích sự yếu kém của cái cũ và đưa ra được cái mới tốt hơn thay thế, còn chỉ chống đối suông thì quá đơn giản. Có người đã mạnh miệng tuyên bố chúng tôi viết thế là để chống đối đấy. Có điều, sự chống đối đó không phải là phẩm chất cao quý để vượt qua chủ nghĩa hiện đại mà chỉ đơn giản là “quậy”, cái thái độ không cần đến nghệ sĩ mà những kẻ bất hảo vô học còn làm tốt hơn. Có quá nhiều sự thô bỉ, bẩn thỉu, nhầy nhụa và hằn học, thậm chí lưu manh, trong văn chương “hậu hiện đại” này. Trong văn chương có hỗn loạn, thô tục, bẩn thỉu, bởi cuộc sống có phần như thế, nhưng coi chúng là “đặc trưng”, là “thi pháp” thì đã phi lý, phi mỹ, phi luân và cuối cùng là phi nhân hóa những đặc tính của văn chương. Bởi đã là con người bình thường ai cũng biết phân biệt tốt với xấu, sạch sẽ với bẩn thỉu, lịch sự với thô tục… người ta chỉ để thùng rác chỗ khuất lấp chứ có ai lại trưng ra trong phòng khách, mà văn chương như phòng khách của tinh thần, không thể quăng bừa rác, uế tạp và thô bỉ lên đó được. Đã có những nhà phê bình, những trang web mang danh ở xã hội hậu hiện đại văn minh đề cao loại văn chương đó, cố công độc đáo hóa cái lập dị, nghiêm túc hóa cái bông phèng, sâu sắc hóa cái vô nghĩa, cao siêu hóa cái tầm thường, và cuối cùng là nhân bản hóa cái phi nhân tính, bởi đã kỳ công đi phân tích mùi thơm của thối rữa, tô vẽ màu sắc cho rác rưởi; cả hai, cả sự sáng tạo và thẩm định, hoàn toàn có thể nói thực chất chỉ là sự xả rác trí tuệ mà thôi”.
***
Về mối liên quan giữa lịch sử và văn chương.
Một trong phương pháp để bồi đắp nhân cách cho con người đó là sự giáo dục về tình nhân ái và tình yêu quê hương đất nước, trong đó giáo dục về lịch sử đất nước là quan trọng nhất. Vì thế mà ngành giáo dục mới có môn lịch sử và sự hiểu biết về lịch sử của học sinh đang là vấn đề nóng trên diễn đàn hôm nay. Không có nền văn chương nào không liên quan đến lịch sử. Nếu lịch sử được văn chương chắp cho đôi cánh sẽ có sức cảm hóa vô cùng mạnh mẽ.
Tiếc là trong sáng tác văn chương nước ta có quá nhiều chuyện sai trái liên quan đến lịch sử mà quan điểm về lịch sử của Nhà văn Nguyên Ngọc có thể là dẫn chứng sống động nhất.
Trong bài Không thể lẫn lộn lịch sử với chính trị đăng trên VietNam.net, Nguyên Ngọc viết: “Hẳn ai cũng biết trong các môn học ở trường hiện nay, bị học sinh sinh viên chán nhất, ghét nhất… kết quả tất cũng tệ nhất là môn sử và môn văn … Vì sao? Rất đơn giản, và chắc cũng không ít người biết rõ nhưng vì lý do này khác đã không nói ra. Thôi thì cho tôi nói th ật vậy: vì đó là những môn bị chính trị hóa nhiều nhất, nặng nề nhất! …”. Nguyên Ngọc cho chúng ta trong chiến tranh đã nhìn sai về sự xâm lược, cho sự căm thù giặc là “không bình thường”; rồi cho dạy lịch sử không nên “bồi đắp chủ nghĩa yêu nước” nữa vì bị chính trị hóa! Không nên ca ngợi các Bà mẹ Việt Nam anh hùng quá vì sẽ đau lòng các bà mẹ lính VNCH. Trong bài 'Chúng tôi đã được gỡ mặt nạ' là “Cuộc trò chuyện của chúng tôi với hai - kẻ - cựu - thù - hai - người - bạn - hai  -  nhà - văn - hoá”, Nguyên Ngọc và Thomas Vallely, trên TuanVietNam vào ngày 13/06/2015, Nguyên Ngọc lại viết:
Trong cuốn sách rất hay “Nếu đi hết biển” của mình, đạo diễn Trần Văn Thủy có dẫn lời một nhà văn cựu chiến binh Mỹ, Wayne Karlin, nói rằng chiến tranh đắp lên khuôn mặt của người ở bên kia chiến tuyến một chiếc mặt nạ, chiếc mặt nạ hì hợm của kẻ thù. Để cho ta khinh bỉ, căm thù và tiêu diệt. Nhiệm vụ của văn học hôm nay là gỡ chiếc mặt nạ ấy ra, trả lại khuôn mặt người cho con người, để ta nhận ra khuôn mặt nguời của nhau”.
Tôi đã phản bác: “Mặt nạ là cái không thật nhưng nước ta bị xâm lược là sự thật, dân ta thịt xương tan nát, nhà cửa ruộng vườn tan hoang là sự thật,  những người gây ra những điều đau khổ đó cho chúng ta là người thật chứ không phải là những người đeo mặt nạ trong các trò chơi. Vì thế dân ta coi họ là kẻ thù cần phải tiêu diệt để bảo vệ người và nhà của mình là lẽ tự nhiên”.
Khởi thủy, Nguyên Ngọc từng cho đăng và tung hô những truyện ngắn của Nguyễn Huy Thiệp liên quan đến lịch sử. Trong đó, NHT đã miêu tả Vua Quang Trung như tay du côn và cho “Nguyễn Ánh mới là nòi vương giả”.
Để bênh vực Nguyễn Huy Thiệp, Lại Nguyên Ân cho rằng “đọc Văn phải khác đọc Sử”. Tôi cho rằng, Văn là nghệ thuật tất phải khác Sử là ghi chép. Có điều nghệ thuật chân chính, với những thủ pháp, cuốn hút người đọc hiểu biết sự thật sâu sắc hơn; còn nghệ thuật lại đi bôi đen sự thật thì là thứ nghệ thuật bậy bạ. Lại Nguyên Ân khuyên người đọc phải biết phân biệt phát ngôn của nhân vật với ý đồ tác giả. Đúng vậy, nhưng tác giả có tài có tâm sẽ viết cho người đọc phân biệt được đúng sai, như người “chơi rắn” điều khiển được lũ rắn độc, còn nhà văn dốt và ác thì viết đầu độc người đọc như người chơi rắn để rắn cắn người.
Nhà văn Hồ Phương cho Nguyễn Huy Thiệp có “cái nhìn xã hội thiên về đen tối”; “Về quan hệ văn-sử… Có người nói… cũng có thể có một Quang Trung trong văn học với tính cách ngược lại… đó là một kiểu ngụy biện, và … chưa hiểu biết đầy đủ về văn học” (Đi tìm Nguyễn Huy Thiệp, tr. 452). Đỗ Văn Khang: “Đặc biệt cái tâm mà không sáng thì không thể làm văn được” (tr. 242). Mai Ngữ cho Nguyễn Huy Thiệp: “đã lăng nhục cha ông, tổ tiên mình” (tr. 426). Tạ ngọc Liễn với con mắt của nhà sử học có những phản bác cụ thể hơn: “Việt Nam nếu đích thực là một nước nhược tiểu…thì con cháu làm gì có được một giang sơn như ngày nay”; “Nước ta nhỏ… mà không yếu. Những cuộc phá Tống, Bình Nguyên, đuổi Minh, đánh Thanh… chẳng lẽ chưa đủ… là một xứ sở mạnh mẽ sao?”; “càng kỳ quặc hơn khi cho rằng văn hóa Việt Nam (mà biểu tượng là Nguyễn Du) chỉ là đứa con hoang của nền văn minh Trung Hoa cưỡng hiếp đẻ ra. Tôi không nghĩ tác giả luận điểm này là người mắc bệnh tâm thần nhưng đó không phải là sự suy tưởng của một đầu óc lành mạnh” (tr. 173). Tôi tuy đã khen văn Nguyễn Huy Thiệp khá nhiều nhưng cũng viết: “Đoạn anh nói nền văn hóa của chúng ta như đứa con hoang bởi sự cưỡng hiếp của nền văn minh Trung Hoa cũng không ổn. Vì trên thế giới có nền văn minh nào thuần khiết? Sự nhận ra đặc điểm nhược tiểu của dân tộc, để khắc phục phấn đấu đi lên cũng là một việc đúng, nhưng phê phán chê bai thì không nên” (Biên độ của trí tưởng tượng tr. 167).
Sau việc là bà đỡ cho văn chương Nguyễn Huy Thiệp, với tư cách là Trưởng ban Sáng tác HNV, Nguyên Ngọc đấu  tranh quyết liệt để cuốn Nỗi buồn chiến tranh của Bảo Ninh được giải thưởng, với lời ca ngợi: "Đây là cuốn tiểu thuyết về một cuộc chiến đấu của một con người tìm lẽ sống hôm nay. Bằng cách chiến đấu lại cuộc chiến đấu của đời mình”.
Nguyên Ngọc viết vậy là hoàn toàn theo cảm tính tùy tiện, chẳng ăn nhập gì đến tác phẩm cả. Bởi cái sự “chiến đấu lại” của “một con người” mà Nguyên Ngọc nói ở trên lại chỉ là “dầm mình trong rượu” và “làm cách mạng văn chương” bằng cái nhìn tâm thần về cuộc chiến: “Tôi như sẵn sàng nhập thân trở lại với cảnh lửa, cảnh máu, những cảnh chém giết cuồng dại, méo xệch tâm hồn và nhân dạng. Thói hiếu sát. Máu hung tàn. Tâm lý thú rừng. Ý chí tối tăm và lòng dạ gỗ đá”.
Về “Nỗi buồn chiến tranh” Phạm Xuân Nguyên cũng viết: “Cuộc chiến được mô tả trong tác phẩm này không mang kèm một định ngữ nào nó là chiến tranh với tất cả thảm trạng nghiệt ngã của nó, ở đó những người lính là những con người bị vất vào cuộc chiến, buộc phải bắn giết nhau”.
Tôi phản bác: “Điều tối thiểu người cầm bút ai cũng biết “Văn chương phải tải đạo”, mỗi người khi ngồi viết ít nhiều ai cũng thấy mình như phải làm một sứ mệnh, một cán bộ nghiên cứu ở Viện Văn học như Phạm Xuân Nguyên lại đi đồng nhất cái thiện với cái ác thì nghiên cứu cái gì?!”
Phạm Xuân Nguyên cũng cho biết thành quả của “đại sứ Nỗi buồn chiến tranh” đã giúp cho người ngoài hiểu sai về con người và đất nước chúng ta như sau: “Gần đây nhất,… Dennis Mansker… khi đọc NBCT. …ông  choáng váng và xúc động. Ông viết: "Đây là một bức tranh trung thực và tàn nhẫn đến kinh ngạc về bi kịch của một người lính Bắc Việt bị tê liệt hết nhân tính của mình sau mười năm tham chiến…”. Tôi viết: “Sau chiến tranh, có thể có những chấn thương thần kinh về bệnh học, còn chấn thương tinh thần mang tính ý thức hệ để rồi tuyệt diệt niềm vui sống, như Bảo Ninh viết, chỉ là vô cùng hãn hữu. Bản thân cựu lính chiến Bảo Ninh cũng còn rất khôn ngoan, chẳng có “tê liệt” cái quái gì hết, không hiểu vì cái gì mà ông viết để cho người ngoài hiểu đồng đội của mình “tê liệt hết nhân tính” như một lũ súc vật vậy?!”
Vì được Bảo Ninh biện hộ, ở Mỹ người ta đưa Nỗi buồn chiến tranh vào giảng dạy và ca ngợi lên tận mây xanh cũng là có lý thôi, theo Phạm Xuân Nguyên: “Đánh giá cao nhất NBCT ở Mỹ có lẽ là ý kiến của Leif A. Torkelsen (Columbus, OH United States) khi ông cho đây là cuốn tiểu thuyết chiến tranh hay nhất thế kỷ XX. Torkelsen viết: "… đây là một tác phẩm ngoại hạng … Cuốn sách tràn đầy những suy tư thấu suốt về Việt Nam cũng như về tâm hồn con người…”.
Tôi viết: “Cái chuyện tôn vinh một tác phẩm giúp cho người ngoài hiểu sai về dân tộc mình và viết không cần đúng sai để biện hộ cho đối phương, buộc tôi phải đặt câu hỏi: Người ta làm vậy phải chăng vì ngóng đợi một cái gì đó ngoài văn chương? Bảo Ninh và những người tôn vinh đã hành động làm như chính Việt Nam ta là người đã gây chiến. Một người có một chút kiến thức lịch sử thôi sẽ không ai như vậy”.
Chúng ta đã khép lại quá khứ hướng đến tương lai. Còn nhiều điều chưa hoàn thiện ở cuộc sống hôm nay, chính là nỗi buồn hôm nay chứ không phải nỗi buồn chiến tranh, nó do những cái khác chứ hoàn toàn không phải do cuộc chiến bảo vệ đất nước.
Quả ông Trời có mắt, để đối trọng với những tác phẩm bôi đen hoặc lộn ngược lịch sử đã lẻn được ra ngoài bằng ngõ tắt, đem đến thị trường tinh thần thế giới còn trắng đen lẫn lộn những hàng hóa đặc biệt, sản phẩm của cuộc “đổi chác” chứ không phải “đổi mới” văn chương, đã đổi những thứ vô giá thiêng liêng như niềm tự hào dân tộc, sự chính nghĩa, cái thiện … lấy những cái có giá cụ thể hơn, cuốn Nhật ký Đặng Thùy Trâm đã xuất hiện. Người nữ bác sĩ đã như một nàng tiên, không chỉ là đại sứ mà là một thiên sứ, chị cũng đến được với thế giới bằng đại lộ nhân bản, mang đến những đức tính nhân văn nhất của dân tộc Việt, đó là tình yêu Tổ Quốc, sự hy sinh vì chính nghĩa, lòng vị tha, và lòng nhân ái vô bờ của nữ bác sĩ anh hùng. Dù chỉ là một cuốn nhật ký, không phải tác phẩm sáng tác, nhưng nếu có một giải cao quý hơn Nobel, thì tôi sẽ đề cử tác phẩm “Nhật ký Đặng Thùy Trâm”, một tác phẩm không chỉ viết bằng máu mà bằng cả sự sống về lòng nhân ái bao la của con người Việt Nam!
***
Vì thời gian có hạn, dựa trên thực tiễn sáng tác ở nước ta, tôi xin tham gia hai ý chủ chốt của việc sáng tạo văn chương: bút pháp và nội dung như vậy. Cả hai đều liên quan mật thiết tới việc xây dựng con người. Nếu đổi mới bút pháp về phía băng hoại, nếu bôi đen và lộn ngược lịch sử, thử hỏi văn chương sẽ xây dựng nhân cách con người thành loại người gì?
TP Hồ Chí Minh 6-9-2015
ĐÔNG LA