Sinh trưởng tại một nước phong
kiến với nền “văn minh lúa nước”, đặc
tính dân Việt chúng ta là cảm tính
chứ không phải lý tính. Nếu ai học
Khoa học Tự nhiên sẽ thấy trong lâu đài khoa học của nhân loại làm nên nền
văn minh, đóng góp trí tuệ của người Việt không biết có là nổi một hạt cát
không? Cái tính đó nó ngấm tận gen trong máu nên
có những người với chuyên môn cực chính xác như toán, lý, đã ở tầm nổi tiếng
toàn thế giới như Ngô Bảo Châu, Trịnh Xuân Thuận, v.v… nhưng tư duy vẫn đầy
cảm tính mà tôi đã viết trong những bài trước đây. Ví dụ Châu đã ví Hà Vũ như
Kinh Kha, hoặc góp ý Hiến Pháp ta nên bắt chước các nước “dân chủ” tách quân đội ra khỏi sự lãnh
đạo của Đảng chẳng hạn.
Thật buồn ở chỗ chính đặc tính
cảm tính mới là nguyên nhân cơ bản nhất khiến nước ta kém phát triển và còn
nhiều yếu kém tệ nạn, chứ không phải là do “dân chủ” hay “độc tài”,
“độc đảng” hay “đa đảng” mà những “con vẹt trí thức” cả nội lẫn ngoại vẫn
hàng ngày lải nhải trên diễn đàn.
Chính từ suy nghĩ đó, từ lâu tôi
đã quan tâm nhiều đến chuyện đúng sai về tri thức, nên đã viết rất nhiều về
điều đó. Như bài tôi viết về cụ Cao Xuân Huy là một thí dụ. Nó chính là loại
bài mà tôi tâm đắc nhất, như tôi mới viết, nó thuộc dạng bài mà tôi thích thì độc
giả lại khó đọc. Trong bản thảo cuốn Bóng
tối của ánh sáng cũng có bài này nhưng những người duyệt in đã loại nó.
Đơn giản là cụ Cao Xuân Huy, một người tuổi ngang ông nội tôi, là thầy hầu
hết các GS KHXH đầu ngành, khi tôi “chê” cụ đồng nghĩa với việc tôi chê hết
các vị GS nói trên khi họ xưng tụng cụ. Có điều tôi viết hoàn toàn trên tinh
thần khoa học chứ không vì cái gì hết!
Hôm nay tôi xin đăng lại bài này
như là dẫn chứng về những cái mà tôi tâm đắc mà bài trước tôi đã viết.
10-11-2015
ĐÔNG LA
|
ĐÔNG LA
ĐỌC “CAO XUÂN HUY:
NGƯỜI THẦY - NHÀ TƯ TƯỞNG”
Người
biên soạn - Vũ Thanh - trong Lời
nói đầu sách Cao Xuân Huy: Người thầy – nhà tư
tưởng (NXB Văn hóa - Thông
tin, H., 2001) giới thiệu:
“Để tưởng nhớ công lao của nhà giáo dục, nhà triết học, nhà nghiên cứu văn
học, vị sư biểu của nền Hán học Việt Nam Cao Xuân Huy và để cổ vũ cho những tư
tưởng triết học của ông, tháng 12-1995, Trung tâm KHXH và NVQG, Bộ Giáo dục và
Đào tạo, Tỉnh ủy và Ủy ban Nhân dân tỉnh Nghệ An… đã tổ chức Lễ kỷ niệm và Hội
nghị Khoa học nhân 95 năm sinh (lần
thứ 95 ngày sinh mới đúng - ĐL) của
ông.
Từ thành quả của Hội
nghị Khoa học trên đây, Viện Văn học… đã đứng ra biên soạn tập sách lấy tên Giáo sư Cao Xuân Huy: Người thầy -
nhà tư tưởng” (tr.7).
Cuốn sách gồm các bài viết của các tên tuổi hàng đầu của nền học thuật Việt Nam ,
tất cả đều bày tỏ tình cảm và xưng tụng GS. Cao Xuân Huy.
Giáo Sư Viện sĩ Nguyễn Duy Quý, nguyên Giám đốc Trung tâm KHXH và Nhân văn Quốc
gia viết về tác phẩm “Tư tưởng phương Đông- gợi những điểm nhìn tham chiếu”
của GS. Cao Xuân Huy: “Sáu trăm trang in… được chưng cất, kết tinh từ một tư
tưởng thông tuệ khác thường (tr.16).
GS. Trần Quốc Vượng khâm phục theo một kiểu khác: “Ông già không “giáo sư”
dạy ông trẻ “giáo sư” mà cái thằng tôi nghe thun thút! Thật trớ trêu là cái đời
người” (tr. 59).
PGS. Bùi Duy Tân viết: “Vị trí sư biểu của thầy CXH càng hiếm quý khi ở thầy
nổi bật một nhân cách cao thượng, lương tâm thanh khiết, tiêu biểu cho cả lớp
trí thức cao học, con em các “thế gia vọng tộc”, dứt khoát từ bỏ phú quý vinh
hoa… phụng sự cách mạng”; “Các môn sinh hãy làm cho Đạo và Đức của thầy hiển
dương như Lê Quát, Phạm Sư Mạnh đối với Chu Văn An; làm cho lời thầy thành sách
như Chính Mô đối với Lữ đường
di cảo của Thái Thuận;
Củng Uyên đối với Châu Khuê
thi tập của Nguyễn Bảo
khi xưa” (tr.70).
GS. Nguyễn Đình Chú viết: “Tư tưởng phương Đông - gợi những điểm nhìn tham
chiếu… Tôi biết sức mình chưa thể hiểu hết… tôi vẫn muốn coi nó là một hiện
tượng đột khởi trong lịch sử tư tưởng triết học Việt Nam , tính từ xưa tới nay” (tr. 221); “tôi muốn nói đây là sự im
lặng của núi. Núi của tri thức. Núi của trí tuệ. Núi của sự suy tư, của sự
nghiền ngẫm” (tr.222)…
Và còn nhiều lời ca tụng tuyệt vời của nhiều người nữa không thể kể ra hết
trong phạm vi một bài viết, tôi dành cái vinh dự kết cái phần ca tụng này cho
lời của GS. Nguyễn Huệ Chi, một học trò nhỏ của GS. Cao Xuân Huy, người đã nhọc
công biên soạn cuốn Tư tưởng
phương Đông - gợi những điểm nhìn tham chiếu:
“550
trang viết của Cao Xuân Huy… Là tinh huyết của cả một đời truyền thụ và sáng
tạo… Ông như một vầng sáng đã đi qua lâu rồi nhưng tới nay ánh sáng mới kịp tỏa
chiếu” (tr.88); và, cao hơn hết, tương tự như Phan Ngọc viết: “Việt Nam có
triết nhân Cao Xuân Huy cũng như Trung Quốc có Lão Tử, Trang Tử”. GS.
Nguyễn Huệ Chi đã xếp thầy mình vào bậc thánh nhân khi gọi Cao Xuân Huy là một
“người hiền”!
“Tôn sư trọng đạo” là một nét đẹp của văn hóa ứng xử phương Đông, đặc
biệt quan hệ thầy trò đã được tôn thành Đạo: “đạo thầy trò”, rồi nó còn
được dân gian hóa nữa: “Không thầy đố mày làm nên”. GS. Cao Xuân Huy về
tuổi thì ngang với ông nội tôi, khi cụ bắt đầu dạy đại học tôi còn chưa ra đời,
nên cụ là lớp thầy đầu tiên của chế độ mới; với “nhân cách cao thượng, lương
tâm thanh khiết” như PGS. Bùi Duy Tân viết, cụ xứng đáng nhận được sự yêu
quý, kính trọng, tôn vinh của các thế hệ học trò.
Có điều, nếu đúng là những phát kiến của GS. Cao Xuân Huy đã được “chưng
cất, kết tinh từ một tư tưởng thông tuệ khác thường” như GS.VS. Nguyễn Duy
Quý viết thì không có chuyện gì phải bàn, tiếc là thực tế không phải như vậy.
Với độc giả bình thường chắc sẽ không thể tin nổi GS. Cao Xuân Huy lại sai, rồi
một loạt tên tuổi hàng đầu cũng lại sai theo thầy mình. Nhưng nếu có trình độ
và hiểu được lịch sử khoa học thì sẽ thấy chẳng có gì là lạ lùng cả. Bởi nhân
loại cũng đã từng ngạc nhiên khi thấy lý thuyết của Newton, ngọn Thái sơn của
khoa học cũng sai (chỉ thể hiện rõ ở một phạm vi đủ lớn, như điểm cận Nhật của
sao Thủy đã lệch ra khỏi quỹ đạo thường (Newton) chẳng hạn), cả nhân loại cũng
đã sai khi tin theo giác quan và tin theo ngài: không gian và thời gian là
phẳng, tuyệt đối; mà người chỉ ra cái sai vĩ đại, cái sai của toàn nhân loại đó
không ai khác chính là Einstein – một anh chàng nhân viên hạng ba vô danh!
Ở đây có chuyện rất lạ, có hai người là GS. Nguyễn Hoàng Phương và GS.VS. Nguyễn
Duy Quý đều từng dạy và học vật lý lý thuyết, riêng GS. Nguyễn Duy Quý còn học
triết nữa, cũng đánh giá cao những phát kiến của GS. Cao Xuân Huy. Chuyện này
là một nghịch lý giống như trong chính ngành vật lý cũng có những nghịch lý như
vậy
Trong
bài Đọc Tư tưởng phương Đông - gợi những điểm nhìn tham chiếu, tôi
đã viết: “Cụ cho rằng, vì có cách nhìn tách biệt “không gian”, “thời gian”,
nên “đã có những nhà khoa học như Einstein và những nhà triết học mưu đồ thống
nhất hai phạm trù này, nhưng họ không thành công, vì hai phạm trù này là kết
quả của một sự sai lầm cơ bản trong tư tưởng logic” (Tư tưởng phương Đông - gợi
những điểm nhìn tham chiếu…, tr.77).
Cụ cũng cho, do tư duy “chủ biệt” người ta đã “hư cấu” ra “không gian”, “thời
gian”, để rồi cho đó là “những cái trường sở quyết định sự tồn tại của vạn vật,
thậm chí cả Bản thể nữa” (Sđd, tr.116). Và theo cụ, nếu “thủ tiêu hai
cái trường sở hư cấu ấy đi thì chúng ta sẽ nhận thấy một cách cụ thể rằng cái
toàn thể, cái bản thể là cái trường sở trong đó mọi vật tồn tại cùng nhau và kế
tiếp nhau” (Sđd, tr.116).
Đây là những
điều mà bất cứ ai hiểu vật lý cũng không thể chấp nhận!
Ở đây, thứ
nhất cụ đã hiểu sai về thuyết Tương đối, bởi thuyết Tương đối đã cho không
gian, thời gian không phải là bất biến mà là tương đối, cùng phụ thuộc vào
chuyển động; chứ nó không phải là “mưu đồ thống nhất hai phạm trù” Không
gian và Thời gian. Thứ hai, “Không gian” và “Thời gian” là những thực tại,
chúng tồn tại khách quan đối với ý thức con người như cỏ cây, sông núi vậy,
chúng là đối tượng nghiên cứu chính của khoa học, bởi có sự vật hiện tượng nào
mà không liên quan đến chúng; và chúng cũng được triết học phạm trù hóa để khát
quát những quy luật chung nhất; vì vậy, chúng không phải được “hư cấu” ra như ý
của GS. Cao Xuân Huy. Còn ý cụ muốn “thủ tiêu” chúng đi thì sẽ mất tất chứ
chẳng còn gì để cụ nhận ra “bản thể” đâu, bởi nếu có cái “bản thể” như ý cụ đi
chăng nữa thì nó cũng phải ở trong không - thời gian chứ không thể ở bất
cứ một nơi nào khác; có điều không - thời gian tồn tại khách quan, cụ có muốn
“thủ tiêu” cũng chả được!
Về tư tưởng “chủ toàn” và “chủ biệt”, PGS. Phan Ngọc viết: “Cao
Xuân Huy là nhà chủ toàn luận, học thuyết của ông là xuất phát từ chữ “Đạo”
trong Đạo đức kinh… nhưng
lại là một người thực chứng am hiểu sâu sắc triết học Tây phương và Đông
phương, quan tâm tới các thành tựu của khoa học hiện đại… chủ toàn luận cho
phép người ta nghiên cứu bản thể một cách khoa học” (tr.147)...
Trong toàn bộ lịch sử khám phá và nhận thức thế giới liệu đã có hai phương thức “chủ toàn”, “chủ biệt” làm nên hai nền văn minh Đông, Tây mà
phương Tây thì thấp và sai lầm, còn phương Đông thì cao và đúng đắn không? Rõ
ràng là không có. Thực tế chỉ có một nền văn minh duy nhất được xây nên bởi
những nhà khoa học, nhà tư tưởng, nhà văn hóa, các văn nghệ sĩ ở khắp mọi nơi
mà thôi. Trong nền văn minh đó có thể có những yếu tố mang tính “chủ toàn” độc đáo thuộc về phương Đông. Còn nói
phương Tây có phương thức “chủ
biệt” ngược với phương Đông
là điều không có thật, mà phương thức “chủ
biệt” là cái tất yếu của mọi
việc nghiên cứu ở bất cứ lĩnh vực vào, từ bất cứ phương trời nào, không phân
biệt Đông Tây, kể cả trong phương thức “chủ
toàn” cũng có tính “chủ biệt”. Cái tính “chủ toàn” đó có lẽ
được thể hiện rõ nhất ở lĩnh vực Đông y và lĩnh vực tu luyện thiền định, tu
luyện khí công. Từ những cách thức chung nhất như bắt mạch, ngồi thiền, hít thở, quán
tưởng, những động tác, tư thế tập luyện… người ta có thể phòng ngừa, chữa
bệnh (đặc biệt tốt cho các bệnh thoái hóa và lão hóa) và khai mở những tiềm
năng đặc biệt của cơ thể con người mà phương Tây không có (nếu sau này có là
chỉ học theo). Tuy nhiên cả nền triết học cổ phương Đông cũng như lĩnh vực Đông
y và tu luyện về đại thể mang tính chủ toàn nhưng chúng cũng chứa những yếu tố
chủ biệt. Bởi trong triết học người ta cũng phải phân rõ ra “âm” - “dương”, định ra ngũ
hành: kim, mộc, thủy, hỏa, thổ,
và đưa ra luật tương sinh,
tương khắc cụ thể của chúng. Kinh dịch cũng đưa ra quy luật: thái cực sinh lưỡng nghi, lưỡng
nghi sinh tứ tượng, tứ tượng sinh
bát quái, bát quái sinh
vạn vật… Còn trong Đông y cũng phải xác định cụ thể những đường kinh, lạc, định đúng vị trí các huyệt; các thang thuốc cũng có
những vị, tùy theo mỗi bệnh, được phối hợp với
nhau tùy theo tính chất riêng của chúng và với những khối lượng cụ thể… Tất cả,
tất cả những điều đó đều mang tính phân tích, tính chủ biệt. Còn cứ cho phương
Tây có riêng tư tưởng “chủ biệt” đi thì người ta cũng lại có định luật vạn vật hấp dẫn, có định luật bảo toàn năng lượng,
họ cũng biết con người sống phải phụ thuộc vào môi trường, và cụ thể hơn, người
ta còn biết chất cần thiết nhất cho con người và động vật chính là ôxy; và
người ta còn chỉ ra cơ thể con người cũng như toàn bộ sinh thể cũng đều được
cấu tạo từ những nguyên tố giống như trong Tự nhiên. Tất cả những cái đó cũng
đều mang tính chủ toàn.
Vì vậy “chủ toàn” chỉ là đôi nét độc đáo của văn minh phương Đông, còn
chia tách rồi khái quát hóa thành hai phương thức “chủ toàn”,“chủ biệt” đối lập nhau giữa Đông và Tây thì e
rằng chính GS. Cao Xuân Huy cũng lại đi vào cái vết xe đổ chia tách của chính
mình.
Theo GS. VS.
Nguyễn Duy Quý, Cao Xuân Huy cho “toàn
thể quyết định bộ phận” (tr.17); GS. Vật lý Nguyễn Hoàng Phương cũng viết:
“Ông CXH viết: “Phương thức chủ toàn cho rằng toàn thể quyết định bộ phận,
bao giờ cũng sử dụng phương pháp luận biện chứng, còn phương thức chủ biệt cho
rằng bộ phận quyết định toàn thể” (tr.183).
PGS. Cao Xuân Hạo: “Quan điểm chủ toàn đẻ ra phương pháp tư duy biện chứng
và tổng hợp; tư tưởng chủ biệt đẻ ra phương pháp tư duy siêu hình và phân tích
tính” (tr.164).
GS. Nguyễn Huệ Chi trích Cao Xuân Huy: “Nguyên lý chủ đạo của quá trình đó
là: Toàn thể quyết định bộ phận… Chúng ta hẵng gọi cái tư tưởng được xây dựng
trên nguyên lý này là tư tưởng “chủ toàn” (tr. 289).
Nhìn lại toàn bộ lịch sử loài người, nền văn minh từ thời ăn lông ở lỗ đến ngày
hôm nay rõ ràng là một quá trình đi lên, dù trải qua biết bao khúc quanh gập
ghềnh. Vậy tác động vào quá trình đi lên đó có đúng là theo ý của GS. Cao Xuân
Huy “toàn thể quyết định bộ phận” và chủ
toàn là biện chứng và chủ biệt là siêu hình hay không?
Nếu chủ toàn cho toàn thể quyết định bộ phận, coi cái chung quyết định cái
riêng, nghĩa là đã coi cái riêng như “cá mè một lứa”, triệt tiêu tính
năng động vốn có của mỗi bộ phận. Điều này có thể sẽ tốt cho sự ổn định, nhưng
là một sự ổn định dẫm chân tại chỗ. Nó cũng giống như thời kỳ kế hoạch hóa áp
đặt kế hoạch chung cho toàn xã hội đã kìm hãm nền kinh tế phát triển vậy. Trái
lại, phương thức chủ biệt coi trọng bộ phận, xác định đúng khả năng và khuyến
khích mọi thành tố thể hiện mình, mọi bộ phận sẽ có điều kiện phát huy khả
năng, tất sẽ phát triển, đồng thời sẽ kéo theo cái toàn thể phát triển. Có lẽ
kinh tế thị trường khuyến khích mọi thành phần kinh tế phát triển mang hình mẫu
của tinh thần chủ biệt này.
Theo định nghĩa của triết học, siêu hình coi sự vật, hiện tượng là bất biến,
ngược lại biện chứng coi vận động là phương thức tồn tại và động lực của phát
triển. Vậy phải cho phương thức chủ toàn có tính siêu hình còn phương thức chủ
biệt mang tính biện chứng mới đúng, nên GS. Nguyễn Hoàng Phương và PGS. Cao
Xuân Hạo viết tư tưởng Cao Xuân Huy có tính biện chứng như trên là nói ngược!
Nếu nhìn vào thực tế ta cũng sẽ thấy có rất nhiều dẫn chứng cụ thể và sống động
chứng minh tư tưởng “toàn thể quyết định bộ phận” là nói ngược. Bất cứ
một việc to hay nhỏ nào, người ta thường phải tìm ra “cái chìa khóa” hay “điểm mấu chốt”, tức tìm
ra cái bộ phận có thể quyết định sự phát triển của cả cái toàn thể. Như Chiến
dịch Điện Biên Phủ chẳng hạn, chính quyết định của Đại tướng Võ Nguyên Giáp
chuyển từ cách “đánh nhanh thắng nhanh sang đánh chắc tiến chắc” là cái
chìa khóa mở ra cánh cửa tới chiến thắng; Chiến dịch tổng tấn công 1975, đòn
điểm huyệt bất ngờ vào Buôn Ma Thuột khiến thế trận địch đổ vỡ như dãy đô-mi-nô
cũng là việc mở một trong những cánh cửa chính đi tới Ngày Toàn Thắng. Nhìn vào
tự nhiên ta cũng sẽ thấy, trong mọi cơ thể sinh vật thì chính cái gen bé tí trong nhân các tế bào mới là “bộ
phận” quyết định cái “toàn thể” cơ thể, chính từ nó mà làm nên sự
khác biệt giữa các giống loài và lưu giữ mật mã di truyền đến các đời sau. Quá
trình sinh sản, sự kết hợp giữa tinh trùng và trứng thực ra là sự ghép đôi
nhiễm sắc thể của hai nửa tế bào để thành một tế bào mới mang thông tin di
truyền của cả cha mẹ, rồi từ một tế bào gốc đó, tức từ một “bộ phận” bé
tí ti đã phân hóa rồi hình thành nên cả cái “toàn thể” cơ thể. Khi gen bị tác động, như những người lính bị
nhiễm chất độc da cam chẳng hạn, sẽ sinh ra những đứa trẻ tật nguyền; còn làm
đột biến gen có chủ đích và sàng lọc trong sinh học
phân tử, sẽ tạo ra được những giống mới tốt hơn.
Nói chung, giữa toàn thể và bộ phận có mối liên hệ hữu cơ qua lại tuỳ theo mỗi
sự vật hoặc hiện tượng. Còn cứ nhất quyết chia ra xem hơn thua, thì như chứng
minh ở trên, chính “bộ phận” quyết định “toàn thể” chứ không phải
ngược lại.
PGS. Cao Xuân Hạo viết: “Con đường phát triển của một nền văn minh xây dựng
trên tư tưởng chủ biệt là một con đường tuyến tính (linénaire); con đường phát
triển của một nền văn minh xây dựng trên tư tưởng chủ toàn là một con đường cầu
tính (sphérique).
Sự phát triển tuyến tính của văn minh cũng ví như người leo thang, bước lên bậc
trên thì bỏ bậc dưới, càng lên cao càng xa cách cội nguồn, càng xa rời thiên
nhiên, đi đến tình trạng cằn cỗi héo hon. Sự phát triển cầu tính… đi theo con
đường ấy lập lại mô hình phát triển của vũ trụ… Càng phát triển, nó càng thấu
triệt bản thể của vạn vật… không hề xa rời cội nguồn, xa cách thiên nhiên” (tr.164).
Đọc những dòng PGS. Cao Xuân Hạo viết về sự phát triển cầu tính quả là hay, có điều nó giống như sự
tưởng tượng của văn học viễn tưởng vậy, bởi nó không có trong thực tế. Nếu coi
Trung Quốc là trung tâm phương Đông, nơi sinh ra Lão Tử, Trang Tử, cái nôi của
tư tưởng chủ toàn, cũng không thấy cái hình dạng phát triển “cầu tính” ở
đâu cả. Trái lại, từ thời Trung Quốc cải cách theo tư tưởng của Đặng Tiểu Bình
“không phân biệt mèo trắng hay đen, miễn là bắt được chuột”, e rằng
Trung Quốc đã tăng trưởng nóng, tức “tuyến tính” một cách cực đoan, còn bức hại
thiên nhiên hơn cả phương Tây. Trong khi những nước như Nhật, Hàn, Sinh theo tư
duy chủ biệt của Tây từ lâu, họ đã trở thành những nước phát triển bền vững,
tăng trưởng kinh tế luôn hài hòa với bảo vệ môi trường, khiến đất nước của họ
rất sạch và ngăn nắp. Nghe nói người ta có thể rửa mặt được ở các con kênh
trong thành phố của Hàn Quốc. Còn nói chung, đã phát triển, dù “tuyến tính” hay “cầu tính”, con người sẽ
tiêu pha hoang phí hơn tất phải bóc lột thiên nhiên nhiều hơn, ảnh hưởng tới
môi trường sống. Vấn đề khí thải nhà kính đang làm tan băng, bão lụt ngày càng
hung tợn là những chứng minh cụ thể nhất.
Trong một bài viết, GS. Nguyễn Huệ Chi đã kể lại duyên cớ đưa ông tới việc biên
soạn và công bố công trình của thầy mình: Năm 1983, ông “có dịp tiếp xúc với
cảo bản có lẽ là độc nhất… Tập cảo bản mỏng manh nát nhàu… chính là một vấn đề
triết học trọng đại: bản thể luận và nhận thức luận về vũ trụ… Nếu từ trước tới
nay chúng ta phân triết học thành duy vật và duy tâm… thì dưới con mắt Cao Xuân
Huy, cách phân chia như vậy… chưa đạt tới tầm cao trong nhận thức bản chất vũ
trụ, và xét cho cùng không tránh khỏi vi phạm lô-gic. Trên bình diện nhận thức
luận mà nói, nhà triết học phải hiểu biết thế giới như một thực thể toàn vẹn
không chia tách, trong “tâm” có “vật”, trong “vật” có “tâm”. Nếu tách “vật” ra
khỏi “tâm” thì làm sao “tâm” biết được “vật” vì chẳng phải tồn tại là do ý thức
mách bảo chứ có tồn tại nào nằm ngoài ý thức mách bảo đâu?... Ngược lại, nếu
tách “tâm” ra khỏi “vật” thì cũng không làm sao giải thích được “tâm” từ đâu mà
sinh ra, vì nói “tâm” là “vật” sinh ra chẳng hóa ra cái không đẻ ra cái có hay
sao? Vì thế, lô gich tư duy yêu cầu phải có một bản thể luận duy vật thông minh,
giúp người ta nhìn vào bản chất tối sơ của vũ trụ một cách đúng đắn, trong đó
vốn đã chứa dựng hai tiềm năng: khoáng thể và sinh thể hay là mầm mống sơ khai
của “vật” và “tâm” rồi. GS. Cao Xuân Huy nói: “Vậy thì cái sinh khí được thêm
vào những yếu tố khoáng vật để tạo thành sinh vật không phải một thực chất do
khoáng vật sinh ra mà là một khả năng đã có sẵn ở trong Toàn thể, trong bản
thể”.
Một bản thể luận như vậy sẽ cho phép ta giải quyết thỏa đáng các vấn đề vốn rất
nan giải trong nhận thức luận lâu nay, chẳng hạn vấn đề vì sao chủ thể nhận
thức được khách thể? Một khi bản thể vũ trụ là cái chung nhất, tồn tại sâu kín
trong bất cứ vật thể nào, trong cả chủ thể lẫn khách thể, thì chủ thể và khách
thể là đồng thể, đồng chất, và việc chủ thể nhận thức được khách thể
không còn có gì là lạ” (tr.86-87).
PGS. Cao Xuân Hạo, người con yêu của GS.
Cao Xuân Huy cũng phân tích học thuyết “chủ toàn” của cha mình:
“Triết học Lão - Trang không hiểu mối quan hệ giữa các sự vật … là mối dây nối
liền… các sự vật lại với nhau, một cái gì cộng thêm vào sự vật và nằm giữa các
sự vật, mà chính là cái sinh ra sự vật và làm cho sự vật tồn tại và vận động.
Không có mối quan hệ đó thì đơn giản là không có sự vật nữa. Dương sở dĩ có được là nhờ có âm và ngược lại… chứ không phải
là “trong vũ trụ có dương và có âm” (Sđd, tr.163).
“Triết học phương Tây cận đại và hiện đại vốn xây dựng trên cái cogito của
Descartes: “Tôi tư duy, vậy thì tôi tồn tại”. Cách lập luận tưởng chừng như
nghiêm nhặt này thực ra xuất phát từ tiên đề tiên nghiệm và sai trái: Tôi là
thực thể nằm ngoài và đối lập với vũ trụ? Hơn nữa, nó lại chứa đựng một lỗ hổng
không tài nào lấp được: nếu tôi biệt lập với vũ trụ, thì làm sao tôi lại có thể
nhận thức được nó?” (tr.166);
“Giải quyết vấn đề gọi là cái hiện thực khách quan là “vật chất” hay là
“thượng đế” phỏng có bổ ích gì cho sự hiểu biết của chúng ta về vũ trụ?”
(tr.167).
Cũng như “không gian” và “thời gian”, “tâm”, “vật”
là những thực tại, việc xác định và khái niệm hóa chúng để nghiên cứu giống như
chuyện trong đồng ruộng có lúa, có ngô thì người ta nói có "lúa", có
"ngô", sao lại nói là “vi phạm lô-gic”, là “sai”, là “ngụy
vấn đề”? Còn theo Nguyễn Huệ Chi: “Nếu tách “vật” ra khỏi “tâm” thì làm
sao “tâm” biết được “vật”?”, hoặc theo Cao Xuân Hạo: “nếu tôi biệt lập
với vũ trụ, thì làm sao tôi lại có thể nhận thức được nó?” mà theo Nguyễn Huệ Chi: “Một khi
bản thể vũ trụ là cái chung nhất, tồn tại sâu kín trong… cả chủ thể lẫn khách
thể, thì… việc chủ thể nhận thức được khách thể không còn có gì là lạ”; và
theo Cao Xuân Hạo: “Vũ trụ với tôi là một. Tôi ở trong vũ trụ, và vũ trụ
cũng ở trong tôi, cho nên tôi biết tôi và vũ trụ cùng hiện hữu, không phải nhờ
giác quan, mà một cách trực tiếp, hồn nhiên, ngay lập tức. Đó chính là cách
nhận thức hồn nhiên của trẻ sơ sinh”.
Các
cụ đã nói “Dao sắc không gọt được chuôi”, giống như dù tinh đến mấy ta
cũng không thể nhìn thấy gáy của mình, việc cho “tâm”, “vật” phải
nhập vào nhau thì “tâm” mới thấy “vật” là nói ngược. Trong thực
tế, muốn nhìn thấy bất cứ vật gì phải có khoảng cách nhất định, tùy thuộc thủy
tinh thể điều tiết tiêu cự của mắt sao cho ảnh của vật hiện đúng võng mạc, tế
bào thần kinh thị giác mới nhận được và chuyển thành ý thức, tức là “tâm”;
và với hỗ trợ của kính thiên văn hiện đại, người ta còn có thể thấy được các
thiên hà ở tận biên của vũ trụ xa xôi, cách ta hàng chục tỷ năm ánh sáng nữa.
Còn cái lập luận cho ta nhìn thấy vật là do ta có cùng bản thể với vật, thì tại
sao trong tối cái bản thể còn nguyên đó, sao ta vẫn không thấy gì? Và chắc
những người bị khiếm thị sẽ là chứng nhân sống động nhất phản bác cái “ngụy vấn
đề” mà các vị đã tưởng tượng ra đó! Còn nếu như PGS. Cao Xuân Hạo nói cha mình
không phải nói về cái nhận thức phàm trần mà là nhận thức cái bản thể huyền diệu chỉ những đứa trẻ sơ sinh
mới nhận ra cơ. Nếu đúng vậy thì mỗi giây thế giới có biết bao đứa trẻ sinh ra
đã nhận thức được bản thể thì việc gì cái Trung tâm Nghiên cứu
Hạt nhân châu Âu (CERN) trong suốt 15 năm, phải bỏ ra biết bao công sức và trí
tuệ, tiêu tốn đến 9 tỷ đôla, chế ra chiếc máy gia tốc hạt LHC (Large Hadron
Collider) với đường kính 3,8 m, chiều dài tới 27 km, nằm ở độ sâu 100m dưới mặt
đất ở khu vực biên giới giữa Pháp và Thụy Sĩ. Nó được thiết kế để hai chùm proton
chuyển động ngược chiều, khi mỗi hạt đạt năng lượng 7 tỷ tỷ điện tử vôn sẽ va đập vào nhau, tạo thành một quả
cầu lửa, đáp ứng theo cái ước mơ của các nhà bác học đang đi tiên phong trong
việc nhận thức vũ trụ, tái tạo được điều kiện của vụ nổ Big Bang, để rồi xem “cái
bản thể” (tức bản chất tối sơ của vật chất) là cái gì? Và nó đã tạo nên các
hạt cơ bản như thế nào?” (Xin xem trên VietNamNet,
23/11/2009: Chùm proton đã “lên đường” trong máy gia tốc LHC; Cỗ máy lớn nhất
thế giới chuẩn bị vụ nổ "Big Bang").
Về chuyện khả năng trẻ sơ sinh nhận thức được bản
thể, dường như GS. Cao Xuân
Huy và các vị đã nhầm lẫn cho trạng thái của đứa trẻ “hồn nhiên như nhiên”
giống như trạng thái Giác ngộ của đức Phật trở về “Không” do thiền định
vậy. Cái hồn nhiên của đứa trẻ thực sự là trống rỗng, như tờ giấy trắng, còn
khi ngồi thiền ở thế kiết già,
mắt cá chân này luôn điểm huyệt tam
âm giao ở chân kia, cùng với
trạng thái thần kinh thư giãn tối đa khi trở về “Không”, dần dần sẽ hoạt
hóa những giác quan tạo ra những khả năng đặc biệt, như trường hợp người mù
nhìn thấy. Riêng tôi tập sơ sơ cũng đã thấy loại ánh sáng màu xanh mà người ta
gọi là khí quang, và cũng
có thể cảm thấy dòng năng lượng làm nóng các huyệt đạo và thấy nó truyền theo
các đường kinh như xung điện vậy. Trường hợp đặc biệt như đức Phật, theo kinh
Phật, khi ngồi thiền liên tục đến 49 ngày (!), đã xuất hiện khả năng siêu phàm,
nhìn thấy các cõi, các kiếp, kể cả các thiên hà xa
xôi, v.v… Tôi không dám phủ nhận những điều huyền bí này, nhưng khoa học chưa
kiểm chứng tôi cũng không thể có ý kiến dứt khoát được.
Trong đoạn
phân tích tư tưởng của GS. Cao Xuân Huy ở trên, Nguyễn Huệ Chi và Cao Xuân Hạo
có những ý trùng nhau dù diễn tả bằng từ ngữ khác. GS. Nguyễn Huệ Chi viết:
“nhà triết học phải hiểu biết thế giới như một thực thể toàn vẹn không chia
tách, trong “tâm” có “vật”, trong “vật” có “tâm”; “một bản thể luận duy vật
thông minh, giúp người ta nhìn vào bản chất tối sơ của vũ trụ một cách đúng
đắn, trong đó vốn đã chứa dựng hai tiềm năng: khoáng thể và sinh thể… GS. Cao
Xuân Huy nói: “Vậy thì cái sinh khí được thêm vào những yếu tố khoáng vật để
tạo thành sinh vật không phải một thực chất do khoáng vật sinh ra mà là một khả
năng đã có sẵn ở trong Toàn thể, trong bản thể”.
PGS. Cao Xuân Hạo: “Tôi ở
trong vũ trụ, và vũ trụ cũng ở trong tôi”; “Triết học Lão - Trang không
hiểu mối quan hệ giữa các sự vật… là mối dây nối liền… các sự vật lại với nhau,
một cái gì cộng thêm vào sự vật và nằm giữa các sự vật, mà chính là cái sinh ra
sự vật và làm cho sự vật tồn tại và vận động”.
Những ý này, nếu diễn tả cho tiện và chính xác, là “phản khoa học” (tất
nhiên không nên chính trị hóa từ phản,
nó cũng chỉ có nghĩa như trong khoa học thường dùng như phản vật chất, phản điện tử, phản
proton… thôi), bởi nếu cho “tâm”, “vật” là một và yếu tố sinh thể có sẵn trong bản thể thế thì tại sao đất đá và vô vàn vật
vô tri lại không có “tâm”? Tại sao ý thức (“tâm”) lại chỉ có ở
con người? Còn xét trong thực tế, ai hiểu khoa học và triết học duy vật biện
chứng sẽ hiểu quá rõ: vật chất
sinh ra ý thức. Vật chất ở đây chính là bộ não người, có kết cấu đủ phức
tạp, đặt trong vô vàn mối liên hệ của một cơ thể sống, khi tỉnh thức sẽ nhận
thức, sẽ suy tư, sẽ thể hiện tình cảm… đó chính là “tâm”. Người ta hoàn
toàn dễ dàng chủ động làm cho bộ não ngưng “tiết ra” ý thức, như gây mê
trong phẫu thuật chẳng hạn. Mặt khác, trong đời sống cũng có các hiện tượng
thần giao cách cảm, khả năng đọc ý nghĩ người khác của một số người, và công
nghệ hiện đại cũng đã chế ra được những dụng cụ được điều khiển bằng ý nghĩ.
Tất cả những cái đó chỉ ra “tâm” là sản phẩm và khi được sinh ra tồn tại
độc lập với “vật”, mắt thường không thấy nhưng các dụng cụ khoa học đã
xác nhận được bản chất của nó là sóng
điện từ. Ngược lại việc thực chứng “vật” sinh ra “tâm” đó, chưa hề có bất
cứ chứng cớ nào chứng tỏ “tâm” sinh ra “vật”. Điều này chỉ có trong truyện thần
thoại và giáo lý tôn giáo.
Cũng như
trong khoa học có hệ quy chiếu, “tâm” trên đây là tâm mang tính sinh học, là toàn bộ
suy nghĩ, sản phẩm của bộ não, chứ không phải là thần thức theo Đạo Phật tồn
tại cả sau khi người ta đã chết.
Với những
hiện tượng huyền bí, dù chưa được chứng thực toàn diện một cách khoa học, giả
sử linh hồn có thực như các nhà ngoại cảm nhìn thấy đi, thì tôi đoán nó cũng
thuộc một dạng vật chất đặc biệt, có thể sẽ như một dạng sóng điện từ có cấu
trúc như một cơ thể. Đây là hiện tượng quá phức tạp và mơ hồ, tôi cũng không
thể có ý kiến dứt khoát cũng như trường hợp giác ngộ của đức Phật vậy. Bởi ta
không thể bác bỏ được rất nhiều chứng cớ, nhưng những chứng cớ đó cũng chưa và
cũng không thể kiểm chứng được một cách khoa học! Đây là một nghịch lý, và vì
thế nó mãi là huyền bí chăng?
Còn viết như trên: “Dương
sở dĩ có được là nhờ có âm và ngược lại… chứ không phải là “trong vũ trụ có
dương và có âm”; và “bất cứ vật gì trong vũ trụ cũng có âm có dương:
năng lượng, vật chất…” cũng
là phản khoa học. Bởi khoa học đã chứng minh không phải “âm”,“dương” có
được là nhờ có nhau mà chính “âm”, “dương” cùng được sinh ra sau Big Bang từ “chân không lượng tử” khi
nhiệt độ giảm xuống phù hợp và các lực vật lý từ từ “kết tinh” tách khỏi nhau.
Trong vũ trụ cũng chẳng phải “bất cứ vật gì cũng có âm có dương” bởi hạt
ánh sáng (photon) là năng lượng điện từ và nơtron trong hạt nhân không có âm dương bởi
chúng là trung hòa tử!
Tư tưởng phương Đông cũng không đúng khi vừa coi “âm”, “dương”
mang tính “bản thể” như khoa học (Mọi vật đều cõng âm ôm dương – Lão Tử) nhưng cũng lại cho là những
tính chất đối lập trong cuộc sống như sáng
tối, nóng lạnh, đực cái, v.v… Thực ra chúng hoàn toàn khác nhau về bản
chất. Như “âm”, “dương” của khoa học là điện tích trái dấu của
các hạt cấu tạo nên vật chất, còn sáng,
tối thực ra chỉ là chuyện có
hoặc không có sự chiếu sáng mà thôi!
Theo ông Nguyễn Huệ Chi ở câu
trên: “GS. Cao Xuân Huy nói: “Vậy thì cái sinh khí được thêm vào những yếu
tố khoáng vật để tạo thành sinh vật không phải một thực chất do khoáng vật sinh
ra mà là một khả năng đã có sẵn ở trong Toàn thể, trong bản thể”; Cụ cũng viết trong Tư tưởng phương Đông…: “Làm
sao khoáng vật là cái thấp, cái ít, cái nghèo lại có thể biến thành thực vật,
động vật là cái cao, cái nhiều cái giàu được”.
Quan niệm như trên thực sự cũng là phản tiến hóa. Theo khoa học, sinh vật được tạo
thành không phải thô sơ như cách nghĩ của Cao Xuân Huy là do “sinh khí được
thêm vào những yếu tố khoáng vật” như cho mì chính vào nồi canh như thế.
Tuy vật chất hữu sinh và vô sinh đều có cùng bản chất là các chất hóa học,
nhưng quá trình biến đổi từ chất vô cơ sang cơ thể sống không phải là một
quá trình tắt mà trong điều kiện của chính tự nhiên, với thời gian dài hàng
chục tỷ năm, từ các chất vô cơ mới tiến hóa thành cơ thể sống. Tại Đại học
Chicago (Mỹ), Stanley Miller đã mô phỏng sự tiến hóa bằng cách phóng điện (như
tia sét) vào hỗn hợp hơi nước, methane, amoniac, hydro [như khí quyển trái đất
xưa, chứa các nguyên tố chủ chốt của cơ thể như O, H, C (tạo chất hữu cơ), N (tạo
protid)], và kỳ diệu thay, ông đã thu được nhiều axit amin, viên gạch đặc trưng
của cơ thể động vật. Trong những điểu kiện nhất định, các đơn phân tử: axit
amin, nucleotit trùng hợp tạo thành các đại phân tử hữu cơ protein, axit
nucleotit, vật chất di truyền ARN, ADN. Khi các đại phân tử lipit protein axit
nucleotit xuất hiện trong nước do tính kị nước sẽ lập tức hình thành nên lớp
màng bao bọc tập hợp các đại phân tử hữu cơ tạo nên các giọt nhỏ li ti chịu tác
động của chọn lọc tự nhiên sẽ tiến hoá dần tạo nên các tế bào sơ khai, giúp
chúng có khả năng nhân đôi, phiên mã, dịch mã, tổng hợp trao đổi chất, sinh
trưởng và sinh sản. Quá trình tiến hoá tiếp diễn nhờ các nhân tố tiến hóa tạo
ra sinh vật đơn bào, đa bào rồi các sinh vật như ngày nay
Có sự tiến hóa như vậy bởi các chất luôn có tính
chất hóa học, khi đủ các điều kiện, chúng tất yếu sẽ phản ứng. Cùng cấu tạo từ các
hạt cơ bản, nhưng cấu trúc khác nhau các chất sẽ có tính chất khác nhau, cấu
trúc càng tinh vi phức tạp càng sinh ra những tính chất tinh vi phức tạp. Như
người ta ăn Na và Cl ở dạng nguyên tố sẽ chết ngay, nhưng khi chúng hợp thành
chất muối NaCl, sẽ có tính chất hoàn toàn khác, cơ thể mà thiếu nó cũng sẽ
chết! Tương tự, vật chất qua quá trình sinh sản tiến hóa đã hình thành cơ thể
có cấu trúc vô cùng phức tạp, mà bộ não con người là phức tạp và tinh vi nhất,
đã sinh ra được ý thức!
Tóm lại, trong lịch sử nhận thức không hề có hai phương thức “chủ toàn”,
“chủ biệt” ngược nhau, làm nên hai nền văn minh cao thấp khác nhau, mà “chủ
toàn” chỉ là đôi nét riêng của văn minh phương Đông, còn “chủ biệt”
là phương thức tư duy nghiên cứu tất yếu chung cho mọi thời, cho mọi vùng miền.
Thật là sai trái, cực đoan và khiên cưỡng khi cho tính phân tích của “chủ
biệt” là việc phân tách, cô lập cái “bộ phận” ra khỏi cái “toàn
thể”, để rồi cho là “sai”, là “vi phạm lô-gic”, mà đúng ra “chủ
biệt” chính là khả năng nhìn sâu hơn vào bản chất sự vật, hiện tượng; không
phải chia tách, cô lập các thứ mà chính là sự định vị, để xác định bản chất, tính chất riêng và các
mối liên hệ chung, tương hỗ giữa
các “bộ phận” trong cái “toàn thể”. Còn chủ toàn, ngoài những nét
ưu việt trong Đông y và tu luyện, với nền văn minh nói chung, thực ra là cách
nhìn chung chung, đại khái ở
trình độ thấp. Chính lý do này đã làm cho phương Đông “đi trước về sau”!
Ông bạn tôi,
“Đại tá Vật lý” Đỗ Kiên Cường, trong bài phê phán công trình của GS. Cao Xuân
Huy đã viết: “Tôi đã suy nghĩ rất nhiều về sai lầm của một trong những trí
tuệ mẫn tiệp nhất của chúng ta mà chưa tìm được căn nguyên xác đáng. Và tôi tạm
bằng lòng với ba căn nguyên nhân sau: 1) Bất cập ở khoa học tự nhiên và khoa
học tâm trí; 2) Lấy quan điểm duy vật thô sơ và phép biện chứng sơ giản phương
Đông làm nền tảng triết lý; và 3) Xa rời những quan điểm của triết học duy vật
biện chứng… Và nỗi băn khoăn đã được giải tỏa khi tôi biết… GS. Trần Thanh Đạm
rất có lý khi cho rằng, có thể những gì trình bầy ở trên là những quan điểm mà
người thầy đáng kính đã vượt qua, đã từ bỏ… Đó là lý do thầy không công bố,
không viết di chúc công bố và để bản thảo ở tình trạng như GS. Nguyễn Huệ Chi
đã trình bầy?” (Hiện tượng tâm linh, NXB Trẻ, TP Hồ Chí Minh, 2001,
tr.179).
Còn tôi thì nghĩ đơn giản hơn nhiều, cụ sai vì cụ không hiểu. Thực chất GS. Cao
Xuân Huy chỉ học Trường Cao đẳng Sư phạm, mà lại về lĩnh vực xã hội, lại ở thời
trình độ mọi mặt ở nước mình rất thấp, các phát minh mới trên thế giới cũng
chưa có, nhưng khi bàn về bản
thể luận và nhận thức luận cụ buộc phải tiếp cận nhiều lý thuyết
phức tạp về vật lý như Thuyết
Tương đối; về sinh học và hóa học như Thuyết
Tiến hóa, chất vô cơ và
hữu cơ, chất vô sinh và hữu sinh; về triết học, mà đặc biệt triết học duy
vật biện chứng lại lấy khoa học tự nhiên làm “chứng”, như các cặp phạm trù “không gian thời gian”, “Tâm”
“Vật”, “Nhân Quả”, “mâu thuẫn”, “đối lập và thống nhất”, “chất và lượng”,
“riêng”, “chung”, v.v…
mà để hiểu tất cả những điều đó, cần phải có một nền tảng tri thức vững chắc và
tư duy chính xác, chứ một cái đầu chỉ giàu suy tư và khát vọng sáng tạo thôi
thì khó mà hiểu được. Vì vậy, việc GS. Cao Xuân Huy sai và một loạt học giả
hàng đầu là học trò của cụ cũng sai theo là điều dễ dàng xảy ra; chỉ có những
bậc thiên tài, không học khoa học tự nhiên mà cũng hiểu thì mới không sai mà
thôi, mà trên thế giới hình như còn chưa có, bởi có những học thuyết phức tạp
đến nỗi cả thế giới có thời chỉ vài người hiểu mà thôi. Với nhiều nhà kinh điển
phương Tây, trước khi là nhà triết học, họ cũng là các nhà khoa học tự nhiên,
như Descartes là nhà toán học, vật lý và sinh lý học; Kant là nhà vật lý và
Husserl cũng là một tiến sĩ toán học, v.v…
Còn ở ta không ít người không học tự nhiên nhưng đã ngộ nhận tin mình cũng
hiểu. Tôi đã viết, tự tin không phải đi thi nên tha hồ mà tự tin, nhưng khi
viết ra cái sai sẽ lộ ngay, như mấy trường hợp mà tôi đã chỉ như Lê Đạt, Nguyễn
Huệ Chi và chính Cao Xuân Huy, v.v!…
Thật tiếc, các vị học trò của GS. Cao Xuân Huy đã đọc một công trình triết học,
đánh giá đóng góp khoa học của một con người lại đầy cảm tính, cảm tình, đã
không có một nền tảng tri thức khoa học vững chắc, không dựa trên thực tiễn
cuộc sống, lại cảm nhận một cách xúc động nên đã liên tưởng quá phong phú như
đọc một tác phẩm văn chương vậy. Vì thế sai lầm là tất yếu!
Với mẩu chuyện vui này phần nào nói lên phương thức và khả năng tư duy của GS.
Cao Xuân Huy, có lẽ cụ nên nghiên cứu thuần về văn hóa đạo đức thì phù hợp hơn
là triết học, khi cụ thờ ơ trước sự kiện có thể nói là đột biến của khoa học và
công nghệ, thể hiện khả năng vĩ đại của loài người nhận thức và chinh phục thế
giới. PGS. Phan Ngọc kể:
“Ngày Liên Xô phóng được con tàu mang người lên vũ trụ, tôi mừng rỡ chạy đến
tìm thầy, nói:
- Bác ơi, đã phóng được người lên vũ trụ rồi.
Tôi
thấy thầy nhìn tôi với đôi mắt thương hại, nói:
- Anh mà
cũng mừng à?
- Mừng chứ bác, sao lại không mừng?
- Hôm nay phóng
người lên vũ trụ, mai phóng người lên mặt trăng, rồi lên sao Kim, sao Hỏa. Ngay
dưới Trái Đất có bao điều bất công, bất hạnh này mà không chịu lo. Lại lo chạy
đi đâu? Loài người tại sao không lo cách sống với nhau cho yên ổn, hòa bình, mà
lo chạy đi mãi thế!” (tr.160).
Einstein, trong cuốn Thế giới
như tôi đã thấy, chương về Husserl đã viết:
“Trong quá trình phát triển của tư duy triết học những thế kỷ qua, câu hỏi
sau đây đóng vai trò chủ đạo: Những nhận thức nào có thể được mang lại từ tư
duy thuần tuý?… Liệu có thể có những nhận thức như vậy không?... Trong những nỗ
lực dũng cảm nhưng tương đối vô bổ này, dù sao cũng dễ nhận ra một vệt phát
triển có hệ thống, đó là: sự
hoài nghi ngày càng gia tăng trước mọi thử nghiệm theo hướng "tư duy thuần
túy", hòng nắm bắt được điều gì đó về "thế giới khách quan"
và thế giới "sự vật"”.
TP Hồ Chí Minh,
25-11-2009.