Thứ Hai, 9 tháng 11, 2015

VỀ CHUYỆN NHẬN THỨC VÀ SỞ THÍCH KHÁC NHAU TRƯỚC SỰ THẬT

ĐÔNG LA
VỀ CHUYỆN NHẬN THỨC VÀ SỞ THÍCH
KHÁC NHAU TRƯỚC SỰ THẬT

Độc giả vô đọc cái bài “CUỘC CHIẾN” GIỮA CÁI “THÂM” CỦA NGƯỜI TẦU VỚI CÁI “KHÔN” CỦA NGƯỜI VIỆT cao hơn ngày thường đến 2-3 lần. Chứng tỏ người ta quan tâm nhiều đến thời sự chính trị hơn. Dưới đây là đồ thị diễn tả lượng người đọc từng ngày:

          Có hôm môi và mắt tôi bị giật tùm lum. Liệu có phải do thần giao cách cảm? Có những trang số người đọc đông gấp hàng chục, thậm chí hàng trăm lần trang của tôi, nhưng chủ yếu là những trang đưa tin nên chủ trang sẽ không sao, còn trang của tôi là trang tôi viết ra những suy nghĩ của tôi, khi người ta đọc sẽ có sự cảm ứng.
Tôi thấy vui vui nhưng cũng buồn buồn. Vui vì người ta quan tâm đến suy nghĩ của mình. Nhưng cũng buồn vì những điều tôi tâm đắc hơn thì người ta lại ít quan tâm hơn. Như những cái độc đáo, tinh tế, cao sâu của văn chương, rồi những tri thức khoa học, triết học cao siêu, những cái làm nên cả nền văn minh. Những điều khó viết nhất, viết ra được phải kỳ công nhất, nên viết xong tôi phải tâm đắc nhất, nhưng người đọc lại ít nhất. Nhưng nếu tôi chỉ viết ra được những điều mà ai cũng hiểu, ai cũng thích thì lại chán quá. Như ra chợ gặp một cô bán rau bảo: “Hôm qua cháu đọc bài của chú viết hay quá” thì không biết nên vui hay nên buồn? Cũng như có thời có trang facebook của một cô gái nhảy, cô ấy chỉ viết “Các bạn đã ngủ chưa” là có mấy ngàn cái “like” rồi. Vậy những cái “like” đó thì có giá trị gì không? Thì ra viết ra được những bài mà chỉ có ít người đọc được thôi không phải là một chuyện đáng buồn. Tôi đã một lần viết “độc giả quý hiếm” là thế.
Nhớ lại ngày đầu viết văn khi được Chế Lan Viên khen thơ, Nguyễn Khải khen văn, tôi nghĩ những người thuộc hàng tài nhất đã khen mình rồi thì cứ yên tâm viết rồi sẽ thành công và nổi tiếng thôi. Mà không chỉ có Chế Lan Viên, Nguyễn Khải khen, còn rất nhiều người khác nữa. Đủ kiểu những lời khen, họ “độp” thẳng vào mặt tôi luôn. Người thì bảo “đang ăn đọc bài của ông hay quá rơi cả đũa”; người bảo: “phải đọc đi đọc lại”; người bảo: “Mày đánh đổ thần tượng của tao rồi”; rồi: “Đông La viết cơ à? Đông La viết là quý lắm đấy”!; “tôi đọc như ăn sống nuốt tươi”; Nhà thơ Hải Như, tác giả lời bài hát “Thành phố hoa phượng đỏ”, một lần bất ngờ gọi điện thoại: “Tôi là người đã giới thiệu ông Vũ Tú Nam, Tổng Thư ký Hội nhà Văn VN (giờ là Chủ tịch), vào hội, nếu tôi có quyền, tôi sẽ cho chùm thơ dự thi của Đông La giải nhất cuộc thi này”; một anh bạn TS ở trường Nhân Văn: “Đọc thơ của anh rồi thì không còn đọc được của ai nữa”; rồi còn những người cho tôi là “nhất” cái này, “nhất” cái kia nữa; v.v…
          Như vậy có thể nói là tôi “có tài” thật và đã nổi tiếng nhưng bảo tôi thành đạt trong văn chương là không phải. Bảo tôi không thích người ta khen cũng xạo, nhưng với “cái đầu” của tôi, dù tôi có thích khen thật nhưng tôi có coi trọng những lời khen đó không thì chưa chắc. Bởi như có người rất thích một bài tôi viết nhưng người ta cũng lại thích luôn một bài của người khác với những ý ngược lại. Như vậy có nghĩa là họ mới cảm thấy thích thôi chứ thực chất họ chưa hiểu vấn đề. Bởi khi đã hiểu thì không ai lại thích được cả hai cái ngược nhau. Có lần một anh bạn nhà văn, giờ đã có tiếng tăm và có vị trí, rất muốn làm thân với tôi, nhưng anh ta lại phục trình độ của Trần Mạnh Hảo. Tôi bảo “Mày phục ông Hảo thì thôi khỏi thân với tao đi”. Không biết tôi như vậy có quá đáng không, vì với tôi trình độ ông Hảo là số không, nhưng với rất nhiều người, ông ấy phải hơn người ta chứ! Cuốn sách “Bóng tối của ánh sáng” lúc đầu tôi soạn do ông bạn Nguyễn Quang Thiều bảo in cho tôi. Nhưng rồi vì “hay quá” Nhà nước đã giành in cho tôi. Nhưng Nhà nước vốn khó tính, săm soi rất kỹ, người duyệt cuối cùng là một ông TS triết học từng đoạt giải thưởng thi học sinh giỏi môn Toán. Nghĩa là “một cái đầu” ghê gớm! Trong một lần gặp trực tiếp, tôi không ngờ ông “thanh tra” nói: “Tôi tự tin là một trong số rất ít người đọc hiểu cuốn sách của anh”, rồi ông ấy góp ý hai chỗ, một về triết học, một về tiếng Anh, và đó chính là người đầu tiên tôi thấy góp ý cho tôi là đúng và tôi đã vui vẻ sửa ngay. Tôi nghĩ mình đã gặp được một bạn tri kỷ. Vậy mà trong một bữa tiệc ông ấy nói ra một nhận xét về văn chương làm tôi thất vọng, ông bạn vẫn chưa phải như tôi tưởng.
          Rồi đến khi quen thân và viết về cô Hòa thì cũng có lắm chuyện. Có chàng trai viết: “Uổng công cháu thần tượng chú. Bây giờ chú lại đi mê tín”. Tôi cáu: “Mày không thần tượng thì thôi chứ tao có cần mày thần tượng đâu!”. Rồi có ông cho tôi là một “phát hiện” của cuộc đời ông ấy, nhưng khi thấy tôi viết về cô Hòa, ông ấy nói với một người: “Giờ nó viết về cái bà Hòa tôi không thiết đọc nó nữa”. Tôi buồn cười, thấy người ta thích mình nhưng chỉ thích trong phạm vi nhận thức hạn hẹp của họ. Còn ngoài tầm đó họ không thích nổi. Lẽ ra người ta phải cố mà hiểu, không hiểu thì hỏi, ngược lại, người ta lại coi mình là chuẩn, cho cái mà họ không hiểu là mê tín. Tôi đủ trình độ và bản lĩnh mắng những người dựa vào khoa học, triết học phản bác thế giới tâm linh là “ngu si” thì không thể mê tín! Tôi chán, không muốn gặp lại những người như thế, những người trình độ dở dở ương ương rất dễ khiến tôi nổi cáu. Họ không giỏi hẳn để hiểu những điều cao siêu nhưng họ cũng không dốt hẳn. Họ không hiểu rằng tôi viết về cô Hòa, về tâm linh hoàn toàn là sự thật, mà sự thật thì chỉ có đúng sai chứ không phải là tín ngưỡng, tôn giáo, tin hay không là tùy từng người.
Cũng như cái bài tôi mới viết về thời sự chính trị liên quan đến lịch sử, tôi cũng chỉ viết sự thật, cũng chỉ có đúng sai, thích hay không là do trình độ, do nhận thức chứ không phải là chuyện sở thích cá nhân tùy theo mỗi “góc nhìn”! Mà tôi thì chỉ viết đúng, ai mà phản bác là phản bác sự thật lịch sử, là quân địch, vì chỉ có quân địch mới phủ nhận sự thật lịch sử mà thôi!

9-11-2015

ĐÔNG LA