ĐÔNG LA
“CUỘC CHIẾN” GIỮA CÁI “THÂM”
CỦA NGƯỜI TẦU
VỚI CÁI “KHÔN” CỦA NGƯỜI VIỆT
Với
dân thường VN, dường như tận sâu trong máu, có gen dị ứng với người Tầu. Phải
chăng vì cái ách đô hộ 1000 năm trong quá khứ? Nhưng Pháp cũng đô hộ ta 100
năm, 1945 lại để mất VN vào tay Nhật dẫn đến nạn đói dân ta chết đến 2 triệu
người; rồi Mỹ từ ngày đầu can thiệp cũng tới 30 năm, đã đổ quân bắn giết và dội
bom đạn xuống đầu dân VN, đỉnh cao là mang B52 “trải thảm” bom xuống ngay trung tâm Thủ đô Hà Nội. Nhưng hôm nay
xem chương trình ca nhạc, từ những cháu bé đến sao siếc gần như ngày nào cũng
có bài hát tiếng Anh vang lên trên VTV. Dân Việt Nam đúng là không thù dai, nhưng vẫn
luôn dị ứng với người Tầu, có lẽ vì họ “thâm”.
Một lần xem quảng cáo chảo không dính thấy tốt quá, tôi alô
mua, khi nhân viên mang hàng đến, biết là của Tầu, tôi thôi ngay, tốt đến mấy
cũng không mua. Nghĩa là tôi cũng như nhiều dân VN có máu ghét Tầu. Nhưng hôm
nay dù tôi không đảng viên vẫn viết bài nhiệt liệt chúc mừng “đ/c Tập Cận Bình”
vừa thăm hữu nghị VN thành công rực rỡ. Cần phải phân biệt, khác với tình cảm
bình thường, tình cảm này của tôi là tình cảm chính trị tư tưởng, tình cảm
ngoại giao, nó phù hợp với thế và lực của VN, và như vậy sẽ có lợi cho VN. Một
người hiểu biết cần phải như thế, còn nếu là nhân sĩ trí thức chân chính nữa
thì càng phải như thế.
***
Việc
Trung Quốc lấn chiếm biển đảo của ta rõ ràng là không tốt. Nhưng cũng phải xem
lại lịch sử, nước ta năm 1887, vua thì bị bắt đi đầy, tên nước đã bị xóa, tức
đã mất hoàn toàn vào tay Pháp, thành bộ phận của Liên bang Đông Dương. Trung
Quốc là một trong hai nước chủ yếu giúp ta kháng chiến giành lại nền độc lập,
dù họ có “cấu véo” một tí, nhưng so với việc giành lại chủ quyền đất nước, thì rõ
ràng ta vẫn “lời” hơn rất nhiều.
Không
ai muốn một tấc đất mà hàng ngàn năm Tổ Tiên ông cha ta đã đổ máu gìn giữ được,
nhưng sức ta có hạn, không phải mọi thứ đều như ý, như Nhà Nguyễn hoàn toàn
không muốn mất nước vào tay Pháp. Năm 1956 khi Pháp rút khỏi Việt Nam , trong bối
cảnh ta chưa đủ khả năng để quản lý các vùng biển đảo, Trung Quốc đã chiếm cụm
đảo phía Đông của quần đảo Hoàng Sa. Đến 1974, được sự thỏa hiệp của Mỹ, Trung
Quốc đã đánh chiếm nốt toàn bộ cụm đảo phía Tây của Hoàng Sa. Đối với Trường
Sa, chúng ta là nước đầu tiên làm chủ cả một vùng biển đảo rộng lớn, nhưng với
lực lượng hải quân nhỏ bé, chúng ta chỉ cai quản được ở một số đảo. Không chỉ
Trung Quốc, năm 1971, Philippines đã lấn chiếm 5 đảo phía Đông Trường Sa, đến
1973, họ lấn tiếp hai đảo ở phía Bắc. Với Malaysia, cho đến năm 1979, họ đã
chiếm 7 đảo phía Nam Trường Sa. Đặc biệt năm 1988, nhân cuộc chiến tranh biên
giới phía Tây Nam ,
Trung Quốc đã đánh chiếm 7 bãi đá ngầm ở Trường Sa. Như vậy hậu quả của các
cuộc xung khắc thật tai hại, nhất là với nước lớn sát vách như TQ, họ dễ dàng
xâm lấn đất của ta, rồi dù có bình thường hóa trở lại, đòi những gì ta đã mất
là rất khó, nhất là vùng hải đảo xa xôi, họ hoàn toàn có thể bịa ra căn cứ pháp
lý chủ quyền.
***
Như vậy chúng ta để mất một phần biển đảo trước hết
do sức của chúng ta và do bối cảnh cụ thể ở từng thời kỳ. Pôn pốt từng gây
chiến cuối năm 1978, chỉ cần một tháng, đầu năm 1979, quân ta đã quét sạch bọn
Khơ me Đỏ. Nhưng Trung Quốc lại không nhỏ như Cămpuchia, ngược lại, ta chỉ
ngang với một tỉnh của họ thôi, nên không thể dùng một trận mà đòi lại được
biển đảo. Còn giả sử ta có phép mầu tiến hành kháng chiến trường kỳ thắng được
Trung Quốc thì đất nước cũng nát tan. Dọn nhà tránh hàng xóm đã khó còn dọn
nước để tránh láng giềng là hoàn toàn không thể. Làm một trận đòi lại của đã
mất cũng không được. Vậy chỉ có cách “sống
chung với lũ” mà thôi.
Vấn đề biển đảo chỉ có thể dùng chiến lược ngoại
giao mềm dẻo nhưng cương quyết để đối phó với TQ. Việc những ngày hôm nay chúng
ta trải thảm đỏ, bắn đại bác chào đón “đ/c” Tập Cân Bình thăm VN cũng là một
cách đối phó đó.
Ta đối phó bằng chính sự chân thành, khi nhận ra sự
chân thành của chủ nhà thì dù là kẻ ác cũng phải nghĩ đến đạo lý, đến đúng sai,
phải trái. Ngược lại, ta đã nhỏ yếu, lại ứng xử theo kiểu tiểu nhân, lưu manh,
xỏ xiên thì ta sẽ được nhận lại thái độ gì, và ta cũng sẽ làm được gì họ? Vì
vậy, những người cho rằng ta đón Tập Cận Bình là do ta có phe thân TQ, rồi ta
hèn nhát, v.v… hoàn toàn chỉ là luận điệu xuyên tạc. Họ đã cực lực phản đối ông Tập, có
điều khi ông Nguyễn Phú Trọng đi thăm Mỹ họ cũng phản đối luôn. Như vậy chỉ là một
lũ quấy rối, mà đã quấy rối thì cần gì lý lẽ.
***
Nhìn lại xuyên suốt cả quá khứ quan hệ với Trung
Quốc, ta thấy một điều thú vị, nếu cho Trung Quốc là “thâm” thì chính ta cũng
rất “khôn”. Nếu tính sòng phẳng thì trong cuộc “đấu trí” này chính ta mới là
người thắng chứ không phải Trung Quốc. Và không chỉ “thắng” Trung Quốc, ta cũng
“thắng” luôn cả Liên Xô. Ta đã thực hiện thành công chiến lược ngoại giao tài
tình. Vì thực chất Liên Xô và Trung Quốc, khi viện trợ cho chúng ta trong hai
cuộc kháng chiến chống ngoại xâm, không phải như khẩu hiệu vẫn nêu hoàn toàn
vì lý tưởng Cộng sản, vì nghĩa vụ quốc tế cao cả. Nhưng chúng ta vẫn nhờ được
họ và thực hiện được thành công mục đích tối thượng là thống nhất đất nước,
giành lại nền độc lập. Rồi từ thành quả đó, trong quá trình xây dựng đất nước,
chúng ta đã cố gắng hết mức để bảo vệ chủ quyền, đã giữ được nguyên hiện trạng,
bảo vệ vững chắc những gì chúng ta đã giành lại được.
Số
phận của Việt Nam
từng bị đặt trên bàn cờ chính trị, ngoại giao trong mối tương quan giữa ba nước
lớn Liên Xô – Trung Quốc – Mỹ.
Trước
hết là mối quan hệ của ta với Liên Xô và Trung Quốc. LX và Trung Quốc vốn mâu
thuẫn nhau. Mà dân ta mất nước thì không thể tay trắng giành lại độc lập mà buộc
phải nhờ vả thiên hạ, mà sự giúp đỡ của “anh cả”, “anh hai” đều quan trọng cả.
Trung Quốc là căn cứ địa, nhưng lại không có đủ loại vũ khí; còn Liên xô có vũ
khí thì lại ở xa. Vì thế sự hục hặc của hai “ông anh” đã làm ảnh hưởng rất xấu
đến Việt Nam .
Khi quá khứ dần lùi xa, nhiều tài liệu được công bố,
ta thấy thực tế chưa bao giờ có một tình
hữu nghị lý tưởng cả mà ai cũng vì lợi ích của mình trước hết.
Với
Liên Xô, đến thời kỳ “xét lại”, Liên
Xô đã xem nhẹ công cuộc giải phóng dân tộc của các nước thuộc địa, ngại chiến
tranh hạt nhân với Mỹ, đưa ra chủ thuyết “chung
sống hòa bình”. Quan điểm xét lại của Liên Xô như gáo nước lạnh dội vào
ngọn lửa cách mạng ở nước ta. Podgornưi, một trong ba lãnh đạo Liên Xô, đã nói
với ông Lê Duẩn: "Các anh không
thắng nổi Mỹ đâu". Lê Duẩn đã trả lời: "Các đồng chí không tin à? Chúng tôi sẽ thắng cho các đồng chí xem". Vì
thế ở ta từng có Hội nghị Trung ương 9 chống chủ nghĩa xét lại hiện đại. Sau
Hội nghị, ông Lê Duẩn được cử sang góp ý và kiến nghị Liên Xô xem xét lại quan
điểm của mình. Chính lần này ông Bí thư đã thể hiện tài ngoại giao kiệt xuất. Khi
gặp phía Liên Xô, Lê Duẩn không nói gì về Nghị quyết 9 mà lại cảm ơn sự giúp đỡ
của Liên Xô đã giúp cho tình hình cách mạng Miền Nam tiến triển rất tốt đẹp và
yêu cầu Liên Xô giúp đỡ tích cực hơn nữa. Khơ-rút-sốp đang chuẩn bị đối phó
thái độ phê phán của VN nhưng lại được nghe những lời cảm ơn như vậy nên rất mát
lòng mát dạ và đã vui vẻ chấp nhận yêu cầu của ta.
Với Trung Quốc, dù luôn hô khẩu hiệu hữu nghị, nhưng
thực chất chúng ta chưa bao giờ tin Trung Quốc giúp ta một cách vô tư. Chính TBT
Lê Duẩn là người rất sớm nhận ra chủ nghĩa bành trướng của Trung Quốc và thể
hiện bản lĩnh của VN trước họ. Theo ông Trần Quỳnh, trong một lần gặp nhau, Mao
Trạch Đông hỏi ông Lê Duẩn: "Có phải
Việt Nam
đã đánh thắng quân Nguyên và quân Thanh không?" Lê Duẩn đáp: "Vâng, còn đánh thắng cả quân Minh nữa". Quân
Nguyên là người Mông Cổ, quân Thanh người Mãn Châu, còn quân Minh chính là
người Hán. Nói vậy ông Lê Duẩn tỏ ý Việt Nam không sợ TQ. Ở Trung Quốc từng
trưng bày hai bản đồ của Trung Quốc. Bản đồ thứ nhất là "Bản đồ của Trung Quốc trước đây khi chưa bị
đế quốc chia nhau", vẽ Trung Quốc bao gồm cả Việt Nam, Lào, Campuchia,
Thái Lan, Malaysia, Singapore, Mianma. Biển thì bao gồm toàn bộ Biển Đông. Còn
bản đồ thứ hai, thì đại khái như Trung Quốc hiện nay.
Trong
cuộc kháng chiến chống Mỹ, Trung Quốc cũng không muốn ta thống nhất đất nước, luôn
khuyên ta “kháng chiến trường kỳ”.
Sau cuộc chiến ở Triều Tiên, Mỹ đã ngại Trung Quốc khi can thiệp vào VN, nhưng khi
Mao Trạch Đông nói: “Mi không đụng đến ta
thì ta không đụng đến mi” đã làm yên tâm Mỹ, để rồi 1964 gây ra “sự kiện vịnh Bắc Bộ”, chính thức tham
chiến trực tiếp tại VN. Khi tiến hành bình thường hóa quan hệ giữa Trung và
Mỹ, Đại sứ Trung Quốc và Đại sứ Mỹ thường gặp nhau, một trong những điều
kiện mà Mỹ đưa ra là Trung Quốc phải dùng ảnh hưởng của mình để kiềm
chế Việt Cộng ở Miền Nam. Năm 1972, khi ta còn đang chống Mỹ, Trung Quốc đã đón Nixon. Trước đó, Chu
Ấn Lai sang Hà Nội, ông Lê Duẩn nói: "Các
anh mời Nixon sang thăm Trung Quốc chẳng khác nào các anh đâm một nhát dao vào
lưng chúng tôi… Nhưng giải quyết vấn đề Việt Nam như thế nào là do chúng tôi tự
quyết định lấy. Còn vấn đề có viện trợ hay không cái đó tùy các anh. Các anh
viện trợ, chúng tôi sẽ thắng Mỹ. Các anh không viện trợ chúng tôi phải hy sinh
nhiều hơn nhưng cũng sẽ thắng Mỹ". Sau Hiệp định Paris
1973, Trung Quốc vẫn muốn duy trì việc Việt Nam chia cắt. Ngay từ 1973 đã xảy
ra những va chạm ở biên giới Việt – Trung và năm 1974, Trung Quốc đã chiếm nốt
phần còn lại ở quần đảo Hoàng Sa.
Ít
người hiểu rằng kế hoạch tổng tấn công giải phóng miền Nam , chúng ta không chỉ giữ bí
mật tuyệt đối với Mỹ, VNCH mà cả đối với Liên Xô và Trung Quốc.
Với
cuộc chiến Biên giới 1979, trong nhiều nguyên nhân có nguyên nhân chính là
chúng ta đã không khéo hóa giải những căng thẳng. Chúng ta đã từ chối vào liên
minh chống Liên Xô của Trung Quốc, ngược lại ta lại ký với Liên Xô Hiệp
ước mà điều 6 là nhằm vào Trung Quốc: “Việt
Nam và Liên Xô sẽ “tham vấn nhau ngay lập tức” nếu một trong hai nước “bị tấn
công hoặc đe dọa tấn công … nhằm loại bỏ mối đe dọa đó”. Đại hội lần IV của
Đảng Cộng Sản Việt Nam
đã xác định Trung Quốc là “kẻ thù nguy
hiểm và gần cận nhất”. Từng viện trợ cho Việt Nam trên 20 tỷ đô la, nhiều
hơn bất kỳ quốc gia nào khác, họ đã cho chúng ta là kẻ "vô ơn"! Từ đó, họ đã cắt viện trợ
và xúi Khmer Đỏ xâm lược VN. Năm 1978, Khmer Đỏ đã tiến công xâm lược Việt Nam . Cuối
năm 1978, quân ta đã phản công, chưa đầy một tháng, đầu 1979, ta đã giành thắng
lợi. Trước tình trạng đó, Đặng Tiểu Bình tuyên bố: "Việt Nam
là côn đồ, phải dạy cho Việt Nam
bài học", năm 1979, xua quân Trung Quốc tiến vào Việt Nam trên toàn
tuyến biên giới. Quân Việt Nam
đã đánh trả quyết liệt. Sau đó, Bắc Kinh tuyên bố đã "hoàn thành mục tiêu chiến tranh", "chiến thắng" và bắt đầu rút quân.
Phía ta cũng tuyên bố thể hiện "thiện
chí hòa bình", “Việt Nam
cho phép Trung Quốc rút quân”. Như vậy thực chất một lần nữa TQ đã bị thất
bại, mục đích chính của họ muốn buộc quân ta phải rút quân để bảo vệ bọn diệt
chủng Pôn Pốt đã không thực hiện được. Chúng ta đã chiến thắng nhưng cuộc chiến
cũng đã gây ra những thiệt hại nặng nề về người và của.
Như
vậy, để đi tới thắng lợi cuối cùng trong hai cuộc kháng chiến thống nhất đất
nước, rồi việc bảo vệ thành quả cách mạng, giữ ổn định xã hội, xây dựng đất
nước được như hôm nay, các thế hệ lãnh đạo của VN đã rất khôn khéo hóa giải biết
bao những mâu thuẫn, đã vượt qua được tất cả sự toan tính vụ lợi ích kỷ của những
nước lớn.
***
Tham
vọng bành trướng bá quyền vốn không chỉ là “đặc sản” của riêng người Tàu mà là
bản tính chung của cái giống người. Kẻ có sức mạnh dễ sinh tham lam. Nhưng sau
bao cuộc chiến đẫm máu đã dẫn tới xu hướng của thời đại: đối thoại thay cho đối
đầu, nước ta cũng đã thực hiện thành công chính sách ngoại giao đa phương. TBT
Nguyễn Phú Trọng mới đi thăm Mỹ, những ngày hôm nay chúng ta lại trải thảm đỏ và bắn đại bác đón TBT Trung Quốc Tập Cận Bình. Ai cũng biết ông cha ta vừa
thắng giặc phương Bắc xong vẫn sang triều cống và xin phong Vương. Bây giờ
không còn vậy nhưng vẫn phải hiểu, chiến lược ngoại giao phải phụ thuộc vào thế
và lực của ta, không phải muốn sao cũng được. Sai lầm trong đối ngoại là sẽ dẫn
tới thảm họa, bất kể nước nào.
Vấn
đề biển đảo vẫn còn nguyên đó. Ta tốt nhất vẫn là “vừa hợp tác vừa đấu tranh”. Cuộc đấu tranh ngoại giao phải luôn kiên
trì, không ngừng nghỉ, phải kiên quyết hỗ trợ và bảo vệ cho ngư dân bám biển. Còn
không, “im lặng nghĩa là đồng ý”,
nước ta sẽ vĩnh viễn mất biển! Nhưng cũng phải thực tế, làm sao hai bên cùng có
lợi. Lực ta có hạn mà lại đòi mọi cái theo ý mình sẽ là ảo tưởng. Cơ sở để
giải quyết các tranh chấp ở Biển Đông là luật pháp quốc tế. Thế giới sẽ ủng hộ
ta không chỉ vì ta mà còn vì lợi ích của chính họ. Không ai muốn Trung Quốc
bành trướng thành siêu cường, rồi có thể tùy tiện áp đặt mọi sở thích cũng như
tham vọng của họ lên toàn thế giới.
Trong
làm ăn, trên tinh thần hợp tác, hữu nghị, hai bên cùng có lợi, nhưng ta phải
luôn cảnh giác, tránh cái tâm lý cả nể, xuề xòa, đại khái của dân Việt ta. Dư
luận từng e ngại chuyện nhà nước giao cho các doanh nghiệp TQ rừng đầu nguồn,
các vị trí hiểm yếu về an ninh quốc phòng; mua công nghệ lạc hậu của TQ; chuyện
nhận nhiều công nhân TQ để họ “gieo” giống; rồi những chiêu thức lạ mang nét “thâm”
của người Tầu như mua sầu riêng non, lá mãng cầu, mua đỉa, móng trâu, v.v…
***
Về các cuộc biểu tình chống Trung Quốc nhân dịp ông
Tập sang thăm ta lại mới diễn ra. Những người dân do nhận thức hạn chế thể hiện
thái độ một cách cảm tính có thể thông cảm được. Nhưng chuyện ngoại giao giữa
các nước không thể dựa vào tính sĩ diện
hão cá nhân, anh hùng rơm, vĩ cuồng, ảo tưởng, đánh giặc miệng. Với những người trí thức, có
cái nhìn sâu, bao quát, tất phải hiểu bài toán quan hệ với TQ là rất phức tạp.
Lẽ ra cần phải giải thích cho quần chúng hiểu nhưng một số người cũng mang danh trí thức lại làm ngược lại, lại lợi dụng mọi chuyện để thể
hiện sự chống đối vì những toan tính cá nhân, lợi dụng tâm lý ghét Tầu kích động dân chúng biểu tình, diễn tuồng trên
phố như hề, như cố lập công để ngửa tay xin đô
của những ông chủ. Họ đúng là loại trí thức “chấy rận” như cộng đồng mạng đã gọi và thật
đáng khinh bỉ!
7-11-2015
ĐÔNG LA