Thứ Ba, 26 tháng 4, 2016

NGỤY HỮU TÂM -- NGỤY LIỆU CÓ TÂM (Phần II)

ĐÔNG LA
NGỤY HỮU TÂM-NGỤY LIỆU CÓ TÂM (Phần II)

          Trong một bản tin của Đại Học Quốc Gia HN, ông Ngụy Hữu Tâm đã chia sẻ:
“Nhờ sinh ra trong một gia đình có truyền thống hiếu học, nhất là sự ảnh hưởng từ người cha “tài đức vẹn toàn“ , mà chúng tôi đã được như ngày nay, dù mỗi người đều đi theo những con đường riêng. Dù ở bất cứ vị trí nào trong xã hội, làm bất cứ việc gì, chúng tôi luôn lấy việc phụng sự gia đình, đất nước làm trọng. Chính cha tôi đã rời bỏ nước Pháp để về phụng sự đất nước còn hết sức nghèo nàn, lạc hậu theo lời khuyên của người thầy Pháp, một chiến sĩ cộng sản. Bố tôi đã dành trọn cuộc đời cho khoa học và cũng đã hướng con cái đi theo con đường đó… Chúng tôi không bao giờ phụ ơn người cha đáng kính, luôn giữ mình là người ngay thẳng, trung thực, luôn lấy cái đức trung với nước, hiếu với dân làm lẽ sống”.
Vậy người cha “tài đức vẹn toàn“”của ông Tâm là ai? Đó chính là GS Ngụy Như Kon Tum.
Trên http://cand.com.vn/, 21/11/2010, có bài GS-Nguy-Nhu-Kon-Tum-mot-nhan-si-yeu-nuoc-mot-thay-giao-lon cho biết, GS Ngụy Như Kon Tum sinh năm 1913 là người gốc Huế, con cụ Ngụy Như Bích, một chủ sự bưu điện. Ngụy Như Kon Tum từng là một học sinh xuất sắc nên được cấp học bổng toàn phần sang Paris học đại học. Ông đã lấy bằng cử nhân khoa học rồi bằng Thạc sĩ Vật lý. Đầu năm 1939, ông được nhà bác học người Pháp GS Giôliô Quyri hướng dẫn làm luận án Tiến sĩ Vật lý. Nhưng mới được một năm thì đại chiến thế giới thứ 2 bùng nổ. Phòng thí nghiệm của nhà bác học G.Quyri bị Bộ Quốc phòng Pháp trưng dụng. Giáo sư G. Quyri khuyên: “nếu muốn tiếp tục ở lại phải có hai điều kiện là xin nhập quốc tịch Pháp và được Bộ Quốc phòng Pháp tuyển dụng, nhưng tôi nghĩ rằng đất nước của anh cần anh hơn là nước Pháp". Ông đã nghe theo lời khuyên đó và trở về nước vào cuối năm 1939. Về nước, ông dạy học trong lúc phong trào Việt minh chống Pháp đang dâng cao trên toàn quốc. Cách mạng Tháng Tám 1945 thành công, Ngụy Như Kon Tum đã là Giám đốc Khu học xá Đông Dương. Chủ tịch Hồ Chí Minh sau khi đọc Bản Tuyên ngôn Độc lập 2/9/1945 mấy ngày, dù bận trăm công ngàn việc nhưng đã dành thời gian đến thăm Khu học xá Đông Dương và nhà riêng của Giám đốc Ngụy Như Kon Tum. Năm 1946, Bác cho mời GS lên ngỏ ý giao cho ông giữ chức Bộ trưởng Giáo dục, ông xin từ chối với lý do "Bộ trưởng Giáo dục phải là người có chuyên môn sâu rộng về khoa học xã hội và nhân văn thì quản lý, sáng tạo mới tốt. Tôi là người làm khoa học tự nhiên, e khó hoàn thành được nhiệm vụ". Bác và Chính phủ sau đó đã bổ nhiệm GS.TS Nguyễn Văn Huyên làm Bộ trưởng theo tiến cử của GS Ngụy Như Kon Tum. GS Ngụy Như Kon Tum coi kỷ niệm đó là đức sáng cao cả của Bác Hồ, đã lôi cuốn GS Ngụy Như Kon Tum cùng các trí thức khác khoác ba lô rời Hà Nội lặn lội lên núi rừng Việt Bắc cùng toàn dân chống  Pháp.
Theo GS VS Nguyễn Duy Quý, khi Trường ĐH Tổng hợp được thành lập vào năm 1956, Bộ Giáo dục trình lên Chủ tịch nước danh sách những người có thể giữ chức Hiệu trưởng, nhưng không có tên GS Kon Tum. Bác Hồ nói: "GS Ngụy Như Kon Tum hiện đang làm gì? Nên để GS làm hiệu trưởng là hợp nhất". Đích thân Chủ tịch Hồ Chí Minh ký bổ nhiệm GS Ngụy Như Kon Tum giữ chức Hiệu trưởng Trường ĐH Tổng hợp. Cảm động trước sự quan tâm của vị Lãnh tụ tối cao, suốt đời mình GS Ngụy Như Kon Tum đã thủy chung với Đảng, với dân tộc.
Trên VietNamNet, 6/05/2013, nhân 100 năm ngày sinh của GS Ngụy Như Kon Tum, có bài Cần lắm những 'tinh thần Ngụy Như Kon Tum!, cho biết GS.VS Nguyễn Văn Hiệu, tại lễ kỷ niệm, đã nhớ lại: “Dù trong khó khăn gian khổ nhưng ông (GS Ngụy Như Kon Tum) vẫn kiên định và truyền cho cán bộ giảng viên sinh viên tinh thần say mê, không ngừng nghiên cứu khoa học... Tinh thần ấy cho đến ngày nay vẫn còn nguyên vẹn giá trị và ý nghĩa”.
Trong loạt hình ảnh nhìn lại hình ảnh cuộc đời, sự nghiệp của cố GS Ngụy Như Kom Tum có bức chụp ông ngồi giữa Chủ tịch Lưu Thiếu Kỳ và Thủ tướng Chu Ân Lai và một bức ông còn ngồi giữa Chủ tịch Mao Trạch Đông và Thủ tướng Chu Ân Lai:
          Nhưng thật bất ngờ, ngược với những lời ca ngợi cha mình như trên, ông Ngụy Hữu Tâm như đã “vạch áo cha cho thiên hạ xem lưng”, bởi trong bài Bài báo nhân kỷ niệm thành lập Đảng, ông ta đã viết:
          “Hồi đó là vào những năm đầu chiến tranh, khoảng năm 1964-1965 gì đó, tôi mới vào đại học Nhân dịp kỷ niệm thành lập Đảng 3/2 năm đó, báo Cứu Quốc của Mặt trận Tổ Quốc mà cụ nhà tôi, một nhân sĩ (xin các bạn trẻ hiểu cho đây là danh từ thời đó chỉ người ngoài đảng, hơi có nét miệt thị chút đỉnh) trí thức nổi tiếng, vốn hay tham gia viết, có mời cụ góp một bài. Chắc cụ chán lắm nên mới giao cho tôi viết”; “Việc về lại Việt Nam của cụ như vậy là hoàn toàn xuất phát từ lòng yêu nước mà thôi. Hơn nữa, những năm ba mươi thế kỷ trước, mấy ai hiểu được thuyết Mác–Lê như bây giờ
Đúng như người ta thường nói: Khi 20 tuổi mà không yêu chủ nghĩa cộng sản là không có trái tim, còn khi đến 30 tuổi mà vẫn còn tin vào chủ nghĩa cộng sản thì sẽ là không có não bộ. Thế nên khi về nước dạy học và tổ chức những hoạt động yêu nước chống thực dân Pháp cho học sinh của mình rồi tham gia Cách mạng tháng Tám 1945, rồi khi cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp bùng nổ, làm cán bộ trung cao cho Bộ Giáo dục của thể chế mới, tiếp xúc với các đảng viên cộng sản Việt Nam, dần dà cụ cũng hiểu ra”.
Như vậy theo Ngụy Hữu Tâm cha mình không thực lòng theo Đảng, theo cách mạng, thái độ ông thể hiện để mọi người ca ngợi chỉ là diễn kịch? Ông không thực lòng theo nhưng ông vẫn nhận mọi danh vị và sự vinh danh của chế độ phải chăng ông cũng là một kẻ cơ hội?
***
Trong Thư ngỏ gửi Ông Nguyễn Đình Cống đăng trên trang  basam  01/04/2016, Ngụy Hữu Tâm viết:
“Từ lâu, nhất là sau Die Wende-Bức tường Berlin sụp đổ năm 1989, em đã chán ngấy chế độ này lắm rồi, thậm chí căm thù, vì nó là phản động, phản dân tộc, thậm chí bán nước theo đúng nghĩa của từ đó … Họ hành xử vi hiến ra sao trước kỳ bầu cử „Quốc hội“ khóa này. Thật là một trò hề ngoạn mục, Charlie Chaplin có bất ngờ sống dậy cũng phải bái phục bọn họ”; “Còn về mặt tuyên truyền hay nói gọn là mị dân, chắc Bộ trưởng Nazi lừng danh Joseph Goebbels, cũng phải vái chào bọn họ, nhưng cứ xem lại lịch sử, cộng sản họ thanh trừng nhau như thế nào… và lịch sử chính Việt Nam ta: Các lãnh đạo cộng sản Việt Nam như NVL, LĐT… (Nguyễn Văn Linh, Lê Đức Thọ?-ĐL) từng hành xử ra sao với những người bất đồng chính kiến nói riêng và giới trí thức nói chung, như thế nào, và nhất là các vụ CCRĐ, Nhân văn – Giai phẩm, Xét lại… mà nay ai cũng biết. Xin anh cho phép em ôn lại lịch sử gần đây một cách hết sức ngắn gọn như thế để nói: trang sử dân tộc Việt quá ư bi ai”.
          Trong CCRĐ, dù có sai lầm nhưng chúng ta đã có bản lĩnh vượt qua toan tính của Trung Quốc. Theo ông Hoàng Tùng “Họ muốn qua cải cách ruộng đất để “chỉnh đốn” lại Đảng ta”. Khi nhận ra sai lầm chúng ta đã quyết dừng lại sửa sai, không nghe Trung Quốc nữa. Cũng cần phải đánh giá toàn diện về CCRĐ, dù có sai lầm nhưng Cải cách ruộng đất đã xóa bỏ được chế độ phong kiến đã từ ngàn đời đè nặng, mọc rễ sâu trong mọi ngõ ngách trong xã hội nông thôn VN, xóa bỏ địa vị và lợi ích của tầng lớp quan lại và giai cấp địa chủ bóc lột tàn ác, từng được diễn tả rất rõ trong các tác phẩm Bước đường cùng của Nguyễn Công Hoan và Tắt đèn của Ngô Tất Tố, và đem lại ruộng đất cho dân cày. Chỉ có vậy cả dân tộc mới có quyết tâm chiến đấu giành lại nền độc lập.
Còn vụ Nhân Văn Giai Phẩm. Khi cả nước cần hy sinh lợi ích cá nhân, tất cả đều vì mục tiêu chung lớn lao là giành lại nền độc lập, thì rõ ràng mấy vị văn nghệ sĩ hãnh tiến, thích khác người bằng sự lập dị, lộn ngược, đòi tự do tư tưởng, tự do sáng tác là không hợp thời, là “hâm”!
Trần Dần với những câu thơ:
Tôi bước đi
không thấy phố
không thấy nhà
Chỉ thấy mưa sa
trên màu cờ đỏ
Và Lê Đạt:
Nhưng đem bục công an đặt giữa trái tim người
Bắt tình cảm ngược xuôi
thì trong hoàn cảnh lúc đó không chỉ là “hâm” mà còn đi ngược lại xu thế chung!  
Vụ án “Xét lại” là vụ lớn hơn rất nhiều, Hoàng Minh Chính bị coi là người đứng đầu và là người bị bắt đầu tiên. Ở cương vị Viện trưởng Viện Triết học, Hiệu phó trường Đảng Nguyễn Ái Quốc, nhưng Hoàng Minh Chính đã chọn lập trường “chung sống hòa bình” của Khrusov, dù bị bác bỏ, nhưng Hoàng Minh Chính lại “không chịu thua”, đã viết tiếp và phân phát bài "Về chủ nghĩa giáo điều ở Việt Nam" nên mới bị bắt. Vụ án trên thực chất là một cuộc đấu tranh tư tưởng, thể hiện quyết tâm giải phóng, thống nhất đất nước, giành lại nền độc lập của các nhà lãnh đạo nước ta chứ hoàn toàn không phải là một cuộc đấu đá cá nhân như các nạn nhân tự biện hộ và các “nhà sử học phương Tây” suy diễn. Nước ta ngày đó như một con tầu vượt sóng gió giữa trùng khơi, các nhà lãnh đạo như thuyền trưởng cầm lái. Những người trong vụ án đã đánh thẳng vào tay lái đó nên đã bị bắt, bị kỷ luật chứ không phải vì họ theo Liên Xô hay chống TQ. Trong thời chiến, nếu không kiên quyết, nghiêm khắc xử lý, con tầu không thể nào vượt qua được sóng gió để đến được bờ bến bình yên mà chắc chắn sẽ bị lật nhào, chìm nghỉm tận dưới lòng biển sâu! Cuộc kháng chiến của chúng ta cũng như tất cả các cuộc chiến mà nhân loại đã trải, hòa bình đã không tự đến, hòa bình chỉ đến với nhân loại, đến với dân ta bằng việc đánh đổi rất rất rất nhiều máu! Cũng như mọi thành công trong cuộc đời, bản thân sự chiến thắng chính là chứng cớ sống động nhất chứng tỏ tài trí, đạo lý thuộc về những người làm nên chiến thắng đó. Nếu sự thật lịch sử không tiến theo đường thẳng, bước đi của lịch sử không được trải thảm, thực tế phải trả giá cao hơn, ta sẽ càng thấy quý giá hơn chiến thắng đó.
Chỉ có việc tự coi mình là kẻ thù của chế độ mới viết như Ngụy Hữu Tâm như trên mà thôi.
***
Thực tế nước ta trong quá khứ đã có những sai trái và lầm lạc vì vậy mới có sự sửa sai và công cuộc đổi mới. Ngay cả hiện tại nước ta vẫn còn nhiều tệ nạn, sai trái, yếu kém, nếu không “chỉnh đốn” sẽ dẫn tới sụp đổ như chính ý TBT Nguyễn Phú Trọng đã nói. Nhưng so với toàn bộ Lịch sử VN toàn máu và nước mắt, từ chỗ mất nước, kiếp nô lệ, dân ta có được những ngày như hôm nay vẫn là hạnh phúc nhất. So với Nam Á, Bắc Phi, Trung Đông, Đông Âu, chiến tranh, nghèo đói, loạn lạc đang diễn ra triền miên thì càng thấy giá trị của hòa bình, ổn định trên đất nước chúng ta. Chỉ có một cái nhìn thiển cận và tăm tối mới suy nghĩ và viết như Ngụy Hữu Tâm. Và hơn thế ông ta còn là một kẻ ăn cháo đá bát, vong ân bội nghĩa khi chính chế độ mà Ngụy Hữu Tâm “căm thù” cho là “phản động, phản dân tộc, bán nước” đã cho cha Ngụy Hữu Tâm địa vị và danh tiếng, còn có cả một sự vinh danh lớn lao khi có con đường mang tên GS Ngụy Như Kon Tum. Vì là con một người được chế độ ưu đãi và trọng dụng như thế nên như chính Ngụy Hữu Tâm tự khoe, ngay từ năm 1956 khi đất nước còn tan hoang sau chiến tranh, còn bị chia cắt, chuẩn bị bước vào một cuộc trường chinh mới thì Ngụy Hữu Tâm đã: “có cái may là năm 1956 đã đi thiếu sinh quân ở CHDC Đức, và còn tiếp tục học trường công nhân kỹ thuật ở đấy 3 năm”. Về nước lại tiếp tục du học, đỗ đạt, thành đạt.
           ĐCSVN, từ ngày thành lập 3-2-1930, trải qua một hành trình dài vô cùng gian khổ, để được dân tin theo, biết bao máu của các chiến sĩ cộng sản đã đổ. Chỉ riêng những vị lãnh tụ cao nhất đã có liên tiếp tới 4 tổng bí thư  chết dưới tay quân Pháp: Trần Phú, Lê Hồng PhongHà Huy TậpNguyễn Văn Cừ. Để rồi từ đó mới có được Cách mạng Tháng 8 thành công, và 2- 9 - 45, Bác Hồ đọc Tuyên ngôn Độc lập, khai sinh một nước VN mới. Chính với vị thế đó, chỉ trong 30 năm (1945-1975), một chớp mắt của lịch sử, dưới sự lãnh đạo của Đảng, dân ta đã đánh thắng đến 4 cuộc xâm lược, trở thành biểu tượng anh hùng của ý chí bất khuất và trí thông minh tuyệt vời trong công cuộc chống ngoại xâm giành lại nền Độc Lập. Có những chiến thắng chấn động địa cầu làm cả thế giới kinh ngạc. Từ một đội quân lúc đầu chỉ có 34 người với vài khẩu súng kip, nhưng sau 10 năm đã đánh thắng được Đế quốc Pháp được Mỹ hỗ trợ mạnh về quân sự tại Tập đoàn cứ điểm Điện Biên Phủ, bắt sống Chỉ huy trưởng Tướng Đờ Cát với lời thú nhận: "Tôi cũng thấy làm vinh dự được làm tù binh của một quân đội như quân đội Việt Nam". Trong cuộc Kháng chiến chống Mỹ có lẽ đỉnh cao của sự đối đầu Việt -  Mỹ chính là trận Điện Biên Phủ trên không. Chúng ta đã thắng không chỉ bằng ý chí, bằng máu mà còn bằng cả trí thông minh tuyệt vời mà một tờ báo Mỹ đã gọi đó là cuộc "Chiến tranh điện tử” mà phần thắng đã thuộc về VN. Với tinh thần của Bác, chúng ta chống lại sự xâm lược nhưng không chống nhân dân Mỹ, nên sau ngày toàn thắng, chúng ta lại có được một thành tựu ngoại giao quan trọng, khép lại quá khứ hướng tới tương lai. Năm 1995, TT Clinton tuyên bố thiết lập bang giao đầy đủ với Việt Nam. Ông đã cùng vợ con thăm Việt Nam và nói: “Bình thường hóa quan hệ Việt - Mỹ là thời khắc tuyệt vời trong nhiệm kỳ của tôi”; “Việt Nam là đất nước có vị trí đặc biệt trong trái tim tôi”. Với TT Bush, từ “bạn” (friend) đã được ông nhắc lại nhiều lần khi nói về quan hệ với Việt Nam: "You’ve got a friend in America". Về phía VNCH, Tướng Nguyễn Cao Kỳ, một người lính sẵn sàng tử thủ tới cùng, cũng đã vượt qua mặc cảm của một kẻ bại trận, trốn chạy, đã thừa nhận sự thật lịch sử: “Việt Cộng gọi chúng tôi là những con rối… Nhưng rồi chính nhân dân Mỹ cũng gọi chúng tôi là những con bù nhìn của người Mỹ”. Ông đã trở lại VN và được chào đón và trở thành một biểu tượng của sự hòa giải: "Những sự mất mát và đau khổ trong cuộc chiến cũng như sau cuộc chiến thì chồng chất nhiều lắm, nhưng cứ quay lại dĩ vãng và uất hận thì chỉ là chuyện của cá nhân mỗi người”.
Vậy là một người được hưởng nhiều ưu đãi, may mắn từ chế độ, chỉ có mất trí, mất nhân tính như Ngụy Hữu Tâm mới cho một Đảng từng có một lịch sử hào hùng, vẻ vang, có công trạng lớn lao đối với dân tộc như vậy là “phản động, phản dân tộc, bán nước”! Tận những ngày hôm nay lại tìm cách chiêu hồi và suy tôn hồn ma những thể chế và những nhân vật đã chết từ lâu.
***
Cũng trong thư gởi “Anh Cống”, Ngụy Hữu Tâm viết:
“Vậy em xin nói điều nay cũng nhiều người Bắc nghĩ, nhưng chưa dám công khai nói ra mà thôi: xét cho cùng: Ông Diệm đúng! Ông Hồ sai!
Ông Diệm ngay từ đầu đã hướng về phương Tây, theo Đạo theo nghĩa trong sáng nhất của từ này, toàn tâm toàn ý theo Chúa, để đánh chủ nghĩa cộng sản vô thần, phải cầu cứu Hoa Kỳ nhưng kiên quyết không để cho quân Mỹ vào rồi cuối cùng bị ngay cận thần của mình phản bội, sai lầm tai hại của Hoa Kỳ và giới quân sự Việt Nam Cộng hòa thời đó.
Ông Hồ, tuy cũng đi tìm đường cứu nước, quá láu cá nhưng ít học nên trở nên gian giảo, phạm sai lầm ngay từ đầu, mạo danh Nguyễn Ái Quốc là tên gọi nhóm năm trí thức sáng giá nhất thời đó, nhưng lại theo đuôi cộng sản dù không biết nó là gì để với trò chơi này, đến 1946 khi có thời cơ độc nhất vô nhị nhân xuất hiện chân không quyền lực, „cướp“ được chính quyền khỏi tay chính phủ Trần Trọng Kim, đuổi được quân „Tầu ô“ ra ngoài, nhưng bị tên thực dân cáo già de Gaulles quyết tâm chiếm lại, cầu cứu Hoa Kỳ không được vì họ biết tỏng người cộng sản giả hiệu này, đã hoàn toàn „bán nước“ năm 1951 cho họ Xít và họ Mao. „Gieo gió ắt gặt bão“, Ông Hồ cũng bị cận thần cho „ra re“ ngồi chơi xơi nước từ năm 1960 để chết thảm năm 1969 dù vẫn được đàn em giả vờ tung hô, và cho đến cuối đời vẫn lầm lẫn nói trong di chúc „tôi về với cụ Mác và cụ Lê Nin“, không nhắc đến cụ Mao vì… Mao đã chết đâu mà về với y? Y vẫn đang còn nhăn răng sống với Giang Thanh và lũ mỹ nữ chân dài kia mà”
          Đúng là ngưu tầm ngưu mã tầm mã bởi “Anh Cống” của Ngụy Hữu Tâm từng là trưởng khoa tại một trường đại học “dưới chế độ XHCN” cũng có một lý sự kỳ quái như thế này:
“Thực chất là chế độ Diệm đàn áp cộng sản nhưng người ta lại dùng cách đánh tráo khái niệm để ngụy biện thành “Đàn áp những người yêu nước, đàn áp nhân dân”. Đánh tráo như vậy nhằm kích động hận thù dân tộc”.
Tôi đã viết về “Anh Cống” của Ngụy Hữu Tâm, dẫn lại cũng là để trả lời Ngụy Hữu Tâm hôm nay:
“Thật là khùng điên khi cho chế độ của Ngô Đình Diệm chỉ “đàn áp cộng sản” chứ không phải đàn áp “người yêu nước”, cho cái ý “người cộng sản là người yêu nước” là “đánh tráo khái niệm để ngụy biện”, để “nhằm kích động hận thù dân tộc”. Chỉ là một kẻ thù điên cuồng của chế độ mới có một sự phân chia thù địch như vậy.
Trước bao linh hồn của các chiến sĩ cộng sản hy sinh trong tù ngục thời cách mạng còn trứng nước, trước bao linh hồn các chiến sĩ hy sinh trong hai cuộc kháng chiến khốc liệt để có được ngày hòa bình hôm nay, trong đó có đồng đội của tôi, tôi không chửi Nguyễn Đình Cống là một “thằng già láo” thì tôi không còn là tôi nữa! “Thằng già” này cần phải biết về Ngô Đình Diệm”.
 Ngày 8 tháng 3 năm 1949Tổng thống Pháp Vincent Auriol và Cựu hoàng Bảo Đại đã ký Hiệp ước Elysée, thành lập Quốc gia Việt Nam trong khối Liên hiệp Pháp, đứng đầu là Quốc trưởng Bảo Đại, thực chất là con bài giúp Pháp thuyết phục Mỹ viện trợ kinh tế và quân sự để có thể tiếp tục đứng chân tại Đông Dương. Rồi đến khi Pháp thua tại Điện Biên Phủ, Eisenhower muốn có một chính phủ mở rộng hơn là chính phủ của một ông Vua bù nhìn để làm giảm sự hấp dẫn của Hồ Chí Minh. Ngô Đình Diệm đã được Mỹ chọn là quân bài giúp Mỹ thế chân Pháp. Bảo Đại đã phải cho Diệm một chức vụ Thủ tướng. Ý thức được rằng mình đang ném ngai vàng đi, Bảo Đại đã bắt Diệm phải thề trung thành. Diệm đã quỳ xuống trước Hoàng Hậu Nam Phương thề là sẽ làm hết sức để giữ ngai vàng cho Hoàng Tử Bảo Long. Nhưng chỉ hơn 1 năm sau, Diệm đã dùng tiền của CIA tổ chức cuộc Trưng Cầu Dân Ý gian lận để phế bỏ Bảo Đại và lên làm Tổng Thống. Ngô Đình Thục, anh ruột Ngô Đình Diệm, người đã dựa vào thế lực công giáo, giúp em mình đoạt quyền từ Bảo Đại, phản lại Pháp, khi trước đó đã quỳ gối viết gởi những quan thầy Pháp như thế này:
     "Với tư cách là người con của một gia đình mà thân phụ tôi đã phục vụ nước Pháp ngay từ khi Pháp mới đến An-nam, và đã nhiều lần đưa mạng sống cho nước Pháp trong các cuộc hành quân mà cha tôi (Ngô Đình Khả) cầm đầu, dưới quyền Nguyễn Thân, chống lại các kẻ nổi loạn do Phan Đình Phùng chỉ huy, tại Nghệ-an và Hà-tịnh.
      Có thể tôi lầm, tuy nhiên, thưa Đô Đốc, tôi xin thú thực là không tin – cho đến khi được chứng minh ngược lại – rằng các em tôi đã phản lại truyền thống của gia đình chúng tôi đến như thế, một gia đình đã tự mình gắn liền với nước Pháp từ lúc ban đầu, trong khi ông cha của những quan lại bây giờ hầu hết đều chống lại Pháp...."
Theo "Fire In The Lake" by Frances Fitgerald, Vintage Books, New York 1985, pp. 134-139, khi viết về Ngô Đình Diệm, tác giả viết: “Đối với hắn, thế giới hiện đại là Sài-Gòn, cái thành phố ký sinh trùng đó đã trở nên béo mập bởi máu của thôn quê và lợi lộc của Tây phương”. (For him, the modern world was Saigon, that parasite city that fattened from the blood of the countryside and the lucre of the West)”. Trong thời gian chúng ta vẫn kiên trì chờ đợi thực hiện Hiệp định Genève, Ngô Đình Diệm đã đưa ra luật 10/59 để diệt cộng; với những nhà tù khét tiếng như nhà ngục Chín hầm ở Huế, nhà tù Côn Đảo, nhà tù Phú Quốc v.v… Những hành động tàn sát chính đồng bào mình được coi là quốc sách. Mức độ độc tài, tàn ác quá lớn đã làm mất lòng cả thuộc cấp, làm phật ý cả Mỹ, vì thế Diệm mới phải chịu quả báo nhãn tiền, bị đảo chính, bị giết. Ấy vậy mà đến tận giờ vẫn có những người như Nguyễn Đình Cống, Ngụy Hữu Tâm, v.v… được lớn lên và giáo dục “dưới mái trường XHCN” suy tôn Ngô Đình Diệm thì đúng là quá kỳ quái!
          ***
          Giống như Ngụy Hữu Tâm và Nguyễn Đình Cống, những người cũng được hưởng nhiều may mắn, ưu đãi của thể chế như Chu Hảo, Nguyễn Quang A, Cù Huy Hà Vũ, Lê Công Định, Nguyễn Thị Từ Huy, v.v…, họ không phải ra trận như những người cùng trang lứa hoặc thế hệ trước, đều được du học, nhờ chế độ mà thành đạt rồi thành danh, bây giờ quay lại “cắn” chế độ. Họ đều nhân danh “dân chủ, nhân quyền” để chống lại thể chế hiện tại bằng những việc nói bậy, quấy rối, làm càn. Họ đã có tất cả, chỉ thiếu quyền lực, phải chăng họ chống đối để giành quyền. Nhưng giành quyền lực đâu phải đơn giản thế nên chỉ có thể lợi dụng sự quấy rối để mong đạt những tham vọng ảo tưởng mà thôi!
          Ngược lại về phía Đảng, Đảng cần phải giành lại quyền lãnh đạo, chú trọng hai việc quan trọng nhất, đó là công tác tổ chức cán bộ và giám sát sự điều hành nền kinh tế, tránh tình trạng mang tiếng “toàn trị” mà “ngồi chơi xơi nước”, không trị được ai. Đến như TBT Nguyễn Phú Trọng cũng thể hiện sự bất lực khi nói về vấn đề tham nhũng: “Cái gì cũng phải tiền, không tiền không trôi, như ngứa ghẻ phải gãi rất khó chịu” và ông cũng băn khoăn: “Hiện nay, trong dư luận xã hội vẫn râm ran chuyện chạy chức, chạy quyền, chạy tuổi, chạy bằng cấp, chạy chế độ, chạy luân chuyển... Nếu có thì ta phải sửa… phải khắc phục cho được tình trạng này".
          Cần khắc phục tình trạng “thượng bất chính, hạ tắc loạn”, lãnh đạo làm ngơ trước sự bức xúc và oan khiên của dân, cần có những hành động quyết liệt, cấp thời như Bí thư TP HCM Đinh La Thăng và mới đây nhất trong vụ quán Xin Chào của tân TT Nguyễn Xuân Phúc. Hành động của các ông là cục bộ, đơn lẻ, nhưng như tấm gương, có khả năng cảnh báo những chuyện tương tự, là ví dụ chân thực, sinh động, thiết thực nhất về hành động vì dân của lãnh đạo, có sức lan tỏa, làm yên lòng dân rất lớn trong thực trạng có nhiều bất ổn về ý thức, về tinh thần hiện nay.

          26-4-2016

          ĐÔNG LA