Thứ Sáu, 29 tháng 4, 2016

ĐÔNG LA 30-4- MỘT CHUYỆN ĐI TÌM ĐỒNG ĐỘI

ĐÔNG LA
30-4- MỘT CHUYỆN 
ĐI TÌM ĐỒNG ĐỘI

(Chiến, Duyệt, Nhẽ, Lộc, Hùng (Đông La)- năm 1975)
Cách đây ít ngày điện thoại của tôi reng reng:
          -Alô, Hùng hả, Đảm 74 đây, có nhận ra không?
          -Làm gì mà không nhận ra.
          Đảm 74 nghĩa là Đảm thuộc tiểu đoàn 74, là đơn vị của chúng tôi, thuộc Trung đoàn 5, trực thuộc Quân khu Miền Đông (QK7 bây giờ). Hồi ấy Đảm là liên lạc tiểu đoàn, cùng quê Huyện Thanh Miện với tôi, còn tôi là chiến sĩ thuộc Đại đội 2, trung đội mấy thì quên mất rồi.
          -Hùng ơi, anh Kế là anh ruột của Hậu đang ở nhà mình. Vừa rồi gia đình có yêu cầu cơ quan chức năng tìm hài cốt của Hậu, người ta đã tra cứu rồi đi tìm gặp những người cùng đơn vị để thu thập thông tin, có gặp mình.
          Hậu là liên lạc của đại đội tôi, chúng tôi đã cùng tham gia một trận đánh khốc liệt tại Ấp La Ngà, đầu cầu La Ngà. Trận ấy, đơn vị tôi phải dùng 600 kg bộc phá giật đổ Cầu La Ngà nhưng gói bộc phá thả trôi, nổ hơi sớm, cây cầu chỉ bị nghiêng, nên tiểu đoàn của tôi đã phải chống trả với rất nhiều lính VNCH tràn qua cầu để giữ chốt. Sau này tôi mới biết chính là Sư 18 của Tướng Lê Minh Đảo. Tôi đã thêm mắm thêm muối viết về trận đánh đó thành truyện ngắn Ân nhân in trên TCVNQĐ, có thay đổi chút tên tuổi, như “Nhữ” thực ra là Nhữ Văn Khu, “Thái” tên thực là Thinh, còn tôi lấy tên con là “Huy”, riêng phần chiến sự thì thật 100%. Truyện có đoạn:
          “Đến khi một đợt pháo dài tưởng vô tận vừa ngừng, bọn anh chợt thấy đại đội trưởng Bảy lù lù ở cửa hầm quát:
          - Mang cuốc xẻng sang moi hầm thằng Nhữ ngay!
          Giời ơi! Huy nấc lên, bật dậy. Anh Lộc y tá đã có mặt. Căn hầm bị san phẳng y như người ta vừa bốc mộ lấp đất lại. Không lẽ dưới mặt đất câm lặng kia đang có ba sinh mạng, lại còn có cả thằng bạn chí thiết của mình nữa! Nhữ ơi! Chúng mày đang ra sao?!
(Anh Lộc y tá, đại đội trưởng Bảy bây giờ)
          Mọi người khẩn trương moi hầm. Đất, cát, những cây gỗ, những tấm ván lót hầm được kéo lên. Một cái đầu, tóc đen nhẫy, nhòe nhoẹt máu trộn đất, hiện ra. Đại trưởng kêu lên:
          - Moi mũi cho nó thở!
          Mọi người nhận ra Khuê và chỉ thấy “phì” một cái rồi thôi; Khuê đã bất tỉnh, nhưng còn thoi thóp. Sau này, vốn có tính tò mò, Huy đã hỏi Khuê là thấy thế nào trong cái lúc bị chôn sống ấy? Không ngờ, câu trả lời của Khuê thật đơn giản: “Không thấy gì cả”! Thì ra, cái chết đến với người trong cuộc không kinh khủng quá như những người chứng kiến! Hai người xốc nách Khuê mang lên đặt bên cây vú sữa để anh y tá làm những việc cấp cứu. Moi được một lúc nữa thì tìm được Thái, người nhỏ bé, đã khá tuổi, hàm răng như nhuộm đen, quê Thái Bình. Anh bị một mảnh pháo nhỏ xuyên qua chỗ mang tai và đã hy sinh! Còn lại mình thằng bạn của Huy. Làm sao mày sống nổi dưới vô vàn mảnh pháo khoan như thuốn kia? Nếu không bị thương thì cũng làm sao mà thở được? Tự dưng tay chân Huy bủn rủn, luống cuống, nên anh được thay ngay. Rồi Nhữ cũng đã được tìm thấy. Một cây đà đè ngang ngực làm gẫy tay và xương sườn Nhữ; máu trào ra cả mũi và miệng; giữa trán một mảnh pháo khoan xuyên qua để lại một vết thương chỉ nhỏ như hạt đậu, nhưng nó vẫn đủ sức giết chết Nhữ ngay! Thế là hết! Một nỗi trống vắng mênh mông dâng ngập lòng Huy. Ý muốn được trả thù cũng cuồn cuộn dâng lên!” 
          Trận đánh đó của đơn vị tôi chỉ là một tiểu đoàn nhỏ nhưng ở giai đoạn đầu chiến dịch nên như tôi đã viết “chẳng khác gì đụng vào tổ ong, tất cả các cụm pháo ở vùng xung quanh như Định Quán, Túc Trưng, Gia Kiệm, cây số 125... bu lại, rót pháo như giội nước; cái ấp nhỏ rung lên bần bật như một hòn đất bị vồ nện. Căn hầm Huy nằm bên những căn nhà lợp mái tôn, pháo đụng nổ ngay trên mái. Tiếng pháo nổ gần rắn đanh, đinh tai nhức óc, áp suất cao như dứt da dứt thịt, trộn với tiếng những mái tôn bị đập như trăm ngàn phèng la cùng gầm lên ù tai, lộng óc”.
          Giữ chốt được mấy ngày, chúng tôi đã phải phá vây về cứ. Có một việc tối quan trọng là phải mang vác thương binh, tử sĩ về. Phẩm dân Tiên Lữ, Hưng Yên, hồi ở quê chuyên đóng gạch rất khỏe nên được giao nhiệm vụ vác Khu về nhưng Phẩm sợ, còn tôi thư sinh quá nên chính Hậu là liên lạc đại đội đã xung phong vác Khu. Đúng là dân Nghệ Tĩnh cách mạng thật! Hậu đã vác Khu theo kiểu ngoặc hai chân vào cổ, thõng hai tay xuống, tôi đi sát sau thấy máu từ đầu Khu chảy thành vệt trên đường về cứ. Thật tiếc, đến trận kế tiếp thì Hậu cũng hy sinh. Trận ấy tôi bị sốt rét nên phải đi bệnh xá nên đã chứng kiến đồng đội cáng Hậu bị thương đến. Tôi đã chứng kiến toàn bộ cuộc phẫu thuật Hậu trong một lán Quân y bên bờ sông La Ngà. Nhưng đến đêm Hậu đã chết. Sáng sau tôi lại chứng kiến toàn bộ việc khâm liệm, bó tăng mang Hậu đi chôn. Vì vậy mới có chuyện sau 42 năm, những ngày hôm nay anh ruột Hậu là anh Kế đi tìm em. Đảm tiếp:
          -Biết Hùng chứng kiến Hậu chết mình có nói với anh Kế. Giờ Hùng nói với anh Kế nhé.
          Tôi đã kể toàn bộ những kỷ niệm mà tôi có về Hậu và để cho người anh trai tự hào về người em mình tôi nói mấy chi tiết:
          -Thằng Hậu em anh nó cách mạng lắm, ở trận Ấp La Ngà chúng em phá vây, thấy đùn đẩy nhau vác liệt sĩ về nó đã xung phong vác đấy. Chuyện thứ hai em đã chứng kiến cả buổi chiều bác sĩ phẫu thuật cho nó, nó bị một vết thương rất to ở ống chân, bác sĩ ngại khi thiếu thuốc tê thế nào đó, nó bảo bác sĩ cứ mạnh dạn làm đi, cháu chịu được. Còn giờ sau 42 năm em chỉ nhớ bệnh xá đó bên sông La Ngà, Hậu chết, bệnh xá người ta khâm liệm tử tế, chôn cạnh đó, còn cụ thể chi tiết ở đâu thì không sao mà nhớ được. Tự tay em tham gia chôn hai người là Khu và Thinh nữa giờ cũng chịu không biết ở chỗ nào. Ngay về quê, đường làng thay đổi, mấy năm không về còn lạc mà anh.
          Bây giờ bằng Google Maps, tôi chỉ có thể vẽ ra sơ đồ như thế này:
          Kế hoạch, sau 30-4, đoàn tìm kiếm Hậu sẽ vào Nam, anh Kế nói là sẽ tìm gặp tôi. Nếu có điều kiện tôi cũng rất mong được trở lại cái nơi đã khắc ghi trong tôi những kỷ niệm không bao giờ quên đó.
          Và đúng là cơ duyên kỳ diệu, cách đây hai ba hôm, Trọng, học cùng cấp III Thanh Miện với tôi, báo tin và rủ tôi tham gia đoàn cựu học sinh cấp III Thanh Miện cùng lớp, cùng khóa tôi du lịch theo lời mời của một người bạn giờ là chủ một khu resort ở Phan Thiết. Từ Bắc tập kết tại TPHCM, tôi đến, rồi cùng đi Phan Thiết.
          Tôi bảo Trọng tôi bận chuyện con gái mới sinh cháu ngoại không đi được, biết trong đoàn có Phú nên tôi bảo sẽ đến chơi với đoàn ở khách sạn, trước khi họ đi Phan Thiết. Phú cũng học cùng cấp III với tôi, ở làng Thông cách làng Đông La tôi 4km, cùng làng với “đồng chí” Trần Bình Minh, hơn nữa còn là chiến hữu với tôi ở C2, D74.
          Tôi đến gặp Trọng, Phú và vài người khác ở khách sạn trên đường Lý Thường Kiệt, rủ nhau ra một quán cà phê ngồi trò truyện. Mấy người hỏi tôi chuyện văn chương la hét. Tôi hỏi Phú:
          -Thằng Trần Bình Minh cùng làng Thông với mày à?
          -Chứ còn gì nữa, anh em chú bác với tao đó. Họ Trần làng tao toàn làm to, như ông Trần Lâm nhá, rồi ông Trần Văn Tuấn cũng chú tao đó, còn ông (tôi không nhớ) cũng là một ông chú tao là Bí thư (hay chủ tịch) Hải Phòng đó.
          -Phú ơi, vừa rồi thằng Đảm nó gọi cho tao nó bảo anh Kế là anh ruột thằng Hậu đang đề nghị nhà nước tìm hài cốt thằng Hậu, có đi tìm gặp những người cùng đơn vị nên đã gặp nó. Sau 30-4 sẽ vào trong này đấy.
          -Thế à, trời ơi thằng Hậu bị thương chính là tao vác nó về cứ đấy. Trận đấy mày đi viện không biết, sáng đấy tầm 9-10 giờ, anh Thọ (chính trị viên đại đội) và Hậu (liên lạc) chạy trước tao, tao thấy một quả pháo nó nổ gần chỗ hai người, chạy lên thấy anh Thọ bị đứt động mạch chủ máu vọt ra, anh chỉ thều thào bảo tao tiến lên đi rồi chết. Thằng Hậu ngã xuống bên cạnh, bị vào chân rất nặng, kêu đau khủng khiếp, nên tao phải vác nó quay lại cứ. Mày biết không về đến rẫy mía mệt quá tao để nó xuống nghỉ bẻ mía ăn, máu nó nhuộm đỏ cả khúc mía nhưng khát quá, ăn vẫn ngon lành. Sau đó đứa nào cáng nó đi bệnh xá quân y thì tao không biết.
(Trọng, Hùng (Đông La), Thơ, Phú- ảnh chụp trước đây)
          Rồi tôi nối máy cho Phú nói chuyện với Đảm, Đảm lại nối máy cho Phú nói chuyện với anh Kế, anh của Hậu.
          Còn tôi thật băn khoăn, liệu sau 42 năm, dấu tích cái bệnh xá có còn không vì hồi ấy chỉ là lán trại lợp lá trung quân? Tìm được bệnh xá sẽ tìm được khu mộ, nhưng các mộ mất dấu có tìm ra không, tìm được thì xương có còn không và có phân biệt được ai với ai không?
          Không có khoa học nào giúp được việc này, không có một quyết tâm nào vượt qua được chướng ngại này. Chỉ có những người có khả năng ngoại cảm thật sự mới giúp được, trong đó có cô Vũ Thị Hòa. Nhưng lại có cả một chiến dịch loại bỏ việc xử dụng khả năng ngoại cảm tìm mộ mất dấu, bất kể sự thật, đúng sai, tốt xấu. Riêng cô Vũ Thị Hòa vẫn đang bị một số cơ quan, cá nhân, lờ đi sự thật, tìm mọi cách đổ tội cho cô. Một chuyện kỳ quái, nhưng cũng như nhiều tệ nạn khác, tiếc là vẫn còn nhiều ở xã hội chúng ta.
          29-4-2016
          ĐÔNG LA