Thứ Tư, 4 tháng 5, 2016

CHIẾN TRANH VIỆT NAM- NHỮNG CÁI NHÌN SAU 41 NĂM

ĐÔNG LA
CHIẾN TRANH VIỆT NAM-
NHỮNG CÁI NHÌN SAU 41 NĂM

Ngày 27/4/2016 , cuộc Hội thảo "Vietnam War Summit" kéo dài 3 ngày, do Đại học Texas tại Austin và thư viện Tổng thống Lyndon B. Johnson (LBJ) tổ chức tại bang Texas, Mỹ.  
Ngoại trưởng Mỹ, ông Kerry, đã đến tham dự và phát biểu.
 
Nói theo văn hóa phương Đông, John Kerry là một người có thiện tâm tuyệt vời, càng tuyệt vời hơn khi ông là một người Mỹ, một người Mỹ có quan điểm ngược lại ở một đất nước luôn tự đặt ra chân lý, luôn muốn các nước khác phải theo, có khi phát động cả một cuộc chiến để thực hiện điều đó. Chính vì thế dù là một nước phát triển nhất, giàu mạnh nhất, nhưng nước Mỹ đã nhiều lần thất bại, mà Chiến tranh Việt Nam là sự thất bại cay đắng nhất của họ.
          Trong cuộc hội thảo, Ngoại trưởng Mỹ đã phải nén nước mắt khi nhớ về chiến tranh Việt Nam, nhưng ông nói: "Không phải một ký ức cay đắng mà thay vào đó lại là nơi mà nước Mỹ rẽ lối và là nơi mà chúng tôi giúp nước Mỹ trong bước ngoặt này".
Ông Kerry từng được trao huân chương khi còn là một sĩ quan hải quân, tham chiến tại Việt Nam. Nhưng ông sớm nhận ra bản chất của cuộc chiến, nên rời quân ngũ, ông đã trở thành một trong những nhà phản chiến nối tiếng nhất. Năm 1971, trước Ủy ban Đối ngoại của Thượng viện Mỹ, ông lên án cuộc chiến mà Mỹ tiến hành ở Việt Nam là "man rợ".
          Sau đó, là một thượng nghị sĩ của bang Massachusetts, suốt 10 năm, ông đã nỗ lực dành tâm sức cho việc bình thường hóa quan hệ giữa Mỹ và Việt Nam. Ông đã cùng thượng nghị sĩ John McCain đến tận VN điều tra về tù binh chiến tranh, tìm kiếm hài cốt các lính Mỹ. Ông nói: “Đây là câu chuyện đặc biệt về sự cởi mở phi thường của Việt Nam. Họ giúp chúng ta tìm kiếm hài cốt binh sỹ Mỹ cho dù hài cốt của cả triệu quân nhân Việt Nam cho đến nay vẫn còn chưa tìm được. Họ đào cả đồng lúa, cho phép chúng tôi vào nhà, đưa chúng tôi qua những nơi từng là bãi mìn…Họ làm như vậy vì bản thân họ cũng muốn gác lại quá khứ chiến tranh”. Ông kể lại chuyện mình ở trên các chuyến bay trực thăng trên khắp Việt Nam, chui xuống những hố khai quật đầy bùn sâu đến 6 mét để tìm kiếm hài cốt lính Mỹ.
Ông cho rằng bình thường hóa quan hệ Mỹ -Việt không phải để lãng quên quá khứ vì điều đó cũng đồng nghĩa với việc tự mình tước đi những kinh nghiệm quý báu. Trở lại Việt Nam, đã được chứng kiến một thành phố Hồ Chí Minh hoàn toàn đổi khác, nên ông nói: “Đây là một kỷ nguyên khác và do vậy quan hệ giữa hai nước cũng cần hoàn toàn khác. Vào năm 1968, không ai có thể tưởng tượng rằng Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng sang thăm Mỹ vào năm ngoái, Tổng thống Obama sẽ thăm Việt Nam vào tháng sau, quan hệ hợp tác song phương liên tục được mở rộng, từ biến đổi khí hậu, công nghệ cao cho đến y tế và quân sự”.
Sau 20 năm bình thường hóa, quan hệ Việt-Mỹ, số lượng du khách Mỹ tới Việt Nam đã lên đến nửa triệu người, thương mại song phương tăng từ 400 triệu USD lên 45 tỷ USD, số lượng du học sinh Việt Nam tại Mỹ tăng từ 800 lên gần 19.000 người.
Ông khẳng định: “Rất nhiều người ở cả Việt Nam và Mỹ sẽ không để quá khứ định hình tương lai của chúng ta. Từ một cựu thù, Việt Nam đã trở thành đối tác của chúng ta với những mối quan hệ cá nhân và quốc gia giữa hai bên ngày càng gắn kết và nồng ấm. Đó là di sản chung của chúng ta và cũng là những gì mà tôi hy vọng sẽ tiếp tục được thúc đẩy trong những năm tới”.
Ông nhấn mạnh: “Bi kịch tại Việt Nam cần trở thành lời nhắc nhở thường xuyên đối với chúng ta về khả năng mắc sai lầm, về nhìn nhận sự việc bằng lăng kính thiếu chuẩn xác, về việc bỏ qua lời cảnh tỉnh về những đau thương mà chiến tranh gây ra”; "Tôi bây giờ đang ở trong một cương vị của trách nhiệm để thực hiện những niềm tin và bài học của bản thân mình". Trách nhiệm đó chính là trách nhiệm của một Ngoại trưởng, cụ thể ông sẽ tháp tùng Tổng thống Barack Obama sang thăm Việt Nam vào tháng tới vì các lợi ích kinh tế và chiến lược chung giữa hai nước.
          ***
Ông Robert McNamara, Bộ trưởng Bộ Quốc phòng Mỹ từ 1961-1968, dưới hai thời TT John F. KennedyLyndon B. Johnson, được coi là "kiến trúc sư trưởng" của chiến tranh Việt Nam, trong cuốn Nhìn lại quá khứ-Tấn thảm kịch và những bài học về Việt Nam, ông đã thú nhận “chúng tôi đã sai lầm, sai lầm khủng khiếp. Chúng tôi mắc nợ các thế hệ tương lai trong việc giải thích tại sao lại sai lầm như vậy”. Ông viết cuốn sách để “mong được nói rằng: “Đây là cái có ích mà chúng ta có thể rút ra từ cuộc chiến tranh Việt Nam và có thể vận dụng cho thế giới hôm nay và mai sau”. Đó là cách duy nhất để dân tộc ta có thể hy vọng đẩy quá khứ về phía sau. Nhà viết kịch Hy Lạp cổ đại Aeschylus có viết: “Phần thưởng cho nỗi khổ đau là kinh nghiệm”. Hãy để cho điều đó trở thành di sản lâu dài của cuộc chiến tranh”. 
Ông chỉ ra “Có 11 nguyên nhân chính gây ra thảm họa của chúng ta tại Việt Nam”.
Trước hết là “chúng ta đã đánh giá sai các ý định địa - chính trị của đối phương (trong trường hợp này là Bắc Việt Nam và Việt cộng được Trung Quốc và Liên Xô ủng hộ) và chúng ta đã thổi phồng những nguy cơ đối với nước Mỹ trước những hành động của họ”. Tiếp theo ông cho Mỹ đã đánh giá sai về các nhà lãnh đạo và nhân dân VN, “đánh giá thấp sức mạnh của chủ nghĩa dân tộc thúc đẩy một dân tộc đấu tranh và hy sinh cho lý tưởng và các giá trị của nó”; “đánh giá sai lầm của chúng ta về bạn và thù phản ánh sự thiếu hiểu biết cơ bản của chúng ta về lịch sử văn hóa và chính trị của nhân dân trong vùng”; v.v…
Và giống với ý đương kim Ngoại trưởng John Kerry hôm nay, ông cựu Bộ trưởng Bộ Quốc phòng Mỹ đã viết:
    “Chúng ta đã không nhận ra rằng cả nhân dân lẫn lãnh đạo của chúng ta đều không sáng suốt. Khi nền an ninh của chúng ta không bị đe doạ, những đánh giá về những gì là lợi ích tốt nhất của nhân dân và đất nước khác của chúng ta cần phải được thử nghiệm trong một cuộc thảo luận cởi mở trên diễn đàn quốc tế. Chúng ta không có quyền tối cao để định hình mọi dân tộc theo hình ảnh của chính chúng ta, hoặc theo hình ảnh mà chúng ta chọn”.
***
Để nhận ra sai lầm của mình con người ta phải khách quan, nhưng để khách quan, người ta lại cần phải có hai yếu tố tối quan trọng, đó là sự thông thái và bản lĩnh, thiếu một trong hai đều không được; thông thái để nhận ra bản chất vấn đề, bản lĩnh để nói ra sai lầm của mình. Cả hai ông Robert McNamara và John Kerry đều là người như vậy. Và tôi thấy, cả Thủ tướng Đức Angela Merkel nữa cũng là một chính khách giống như hai vị chính khách Mỹ.
Ngày 10/5, phát biểu sau cuộc hội đàm với Tổng thống Nga Vladimir Putin tại Điện Kremlin, Thủ tướng Đức Angela Merkel nói người Đức đã và sẽ luôn nhớ rằng chính Hồng quân Liên Xô đóng vai trò quyết định giải phóng nước Đức khỏi ách phátxít.: "Tôi nhớ rằng những người lính Nga, Ukraine, Belarus và các nước khác trong Hồng quân Liên Xô đã giải phóng Berlin, và cùng với những đồng minh phương Tây giải phóng nước Đức khỏi ách phátxít".
Tiếc là với nước VN chúng ta lại không được như vậy.
Chiến tranh đã chấm dứt 41 năm nhưng vẫn có quá nhiều cái nhìn sai trái về cuộc chiến. Trong cuốn “Bóng tối của ánh sáng”, tôi đã viết:
Nhìn cảnh máu lửa trên ti vi, người Việt giết người Việt mình, tôi thấy cuộc sống loài người sao có những điều vô lý thế, và nhận thấy chính lòng tham của những kẻ mạnh là cội nguồn sâu xa nhất. Chúng ta đã trở thành nạn nhân của cái lòng tham của những nước lớn, rồi dẫn đến chuyện chúng ta lại trở thành nạn nhân của chính chúng ta bởi những cố chấp, những thù hận; bởi sự nô lệ cho những ý thức xơ cứng, mòn cũ, phản tiến bộ và phản nhân văn.
Phải chăng cái Tôi của một xã hội phong kiến tiểu nông, đầy khí khái, sĩ diện, đã làm mờ mắt nhiều người Việt nên họ không thể có cái nhìn khách quan như các vị chính khách của Mỹ và Đức nói trên?
Tôi vốn ít quan tâm đến lý sự của những người thuộc “Bên thua cuộc” vì có thông cảm đến sự mặc cảm “mất nước” của họ. Nhưng vừa rồi nhân dịp 30-4, tôi đã có ấn tượng khi đọc trên internet bài ông Nguyễn Gia Kiểng trả lời phỏng vấn của ông Trần Quang Thành, tiếc là không phải ấn tượng vì những suy nghĩ sâu sắc, có giá trị mà lại vì có những lý sự buồn cười.
Với câu hỏi: “Ông Nguyễn Gia Kiểng có bình luận gì về cuộc chiến tranh kéo dài 30 năm, 1945 – 1975, ở Việt Nam ta?”
NGK :
Lập luận của Đảng Cộng Sản là môt lập luận tự đắc và tuyên truyền trắng trợn mà ta phải bác bỏ. Phải trả lời một cách rất dứt khoát đây là một cuộc nội chiến. Cả hai giai đoạn mà họ gọi là "chống Pháp" và "chống Mỹ" đều chỉ là hai giai đoạn trong một cuộc nội chiến kéo dài 30 năm, bởi vì khi người trong một nước bắn giết nhau trên một qui mô lớn và trong một thời gian dài thì đó là nội chiến dù có hay không có sự can thiệp từ bên ngoài. Vả lại trong thế kỷ 20, nhất là sau thế chiến thứ hai, làm gì có cuộc nội chiến nào không có sự tiếp tay từ bên ngoài đâu. Nếu ta nhìn lại số người Pháp và số người Mỹ thiệt mạng trong hai giai đoạn của cuộc chiến này thì chúng ta thấy đó là một tỷ lệ không đáng kể so với số tử vong của người Việt Nam. Người Pháp đã thiệt hại 33.000 người, trong đó một phần đáng kể là những người lính châu Phi và Ả Rập, người Mỹ thiệt hại 58.000 người, trong khi đó số tử vong của người Việt ở cả hai phía là trên ba triệu. Nói chung tổng số quân đội nước ngoài thiệt mạng tại Việt Nam trong cuộc nội chiến này chưa bằng 3% của phía Việt Nam”.
Nếu là người có chút hiểu biết ông Kiểng phải hiểu với Triết học và Khoa học có cặp phạm trù Hiện tượng và Bản chất. Có nhiều đối tượng cái quyết định bản chất không phụ thuộc số lượng nhiều ít, kích thước to nhỏ. Như để làm cho ông Kiểng khác với một con vật không phải do kích thước của ông mà do chính cái ADN bé tí trong nhân tế bào của ông.
Có rất nhiều lý sự ngô nghê trong bài đăng nhưng với tư duy thù địch thì tranh luận vô nghĩa bởi các chuẩn mực ngược nhau, nên tôi không muốn mất thời gian với ông Kiểng, chỉ nói thêm ý này nữa của ông ta:
“Một cuộc chiến tranh mà những người cộng sản làm tay sai cho Quốc Tế Cộng Sản, như chính ông Lê Duẩn đã thừa nhận là "đánh cho Liên Xô và đánh cho Trung Quốc".
Ý của ông Lê Duẩn thực ra là ông muốn nói tính có lý khi ta nhận viện trợ của Liên Xô và Trung Quốc. Thực tế ta từng vượt qua quan điểm “chung sống hòa bình” của Liên Xô, chúng ta vượt qua toan tính của TQ muốn đất nước ta mãi chia cắt, không vào liên minh với TQ chống Liên Xô, tiêu diệt chế độ Pôn-Pốt tay sai của TQ, v.v…
Một “tay sai” thì không ai dám làm như thế. Nếu ông Kiểng là người khách quan nhìn nhận những sự thật trên, không có cái nhìn thù địch thì sẽ không bao giờ viết như trên.
Với Mỹ, Pháp, hai kẻ thù chính, chúng ta đã hòa giải được và đã hợp tác tốt đẹp. Tiếc là với những người như ông Kiểng thì chắc sẽ không bao giờ có thể hòa giải. Đơn giản là vì họ không thông minh và bản lĩnh như các chính khách Mỹ và Pháp thôi.

4-5-2016
ĐÔNG LA