ĐÔNG LA
SỰ TÌNH CỜ ĐỊNH MỆNH
Tôi vốn rất ít vào trang người
khác đọc, thường chỉ đọc những bài người ta đăng lại nhiều vì “có vấn đề”, và
đó cũng chính là những “đề tài” mà tôi viết. Hôm nay mục thông báo có chuyện
ông Trần Đăng Khoa đưa tin trang facebook của mình bị làm giả nên lần đầu tôi đã vào coi; rồi
tò mò xem ảnh, tình cờ bật một tấm trong tập ảnh thì hiện ra ảnh chụp Hội Nhà
Văn thăm mộ Nhà thơ Anh Thơ. Bà là nhà thơ nữ đầu tiên được giải HCM, hình như đến nay mới có thêm Xuân Quỳnh.
Cả một trời kỷ niệm ùa về,
hơn 30 năm trước tôi cũng tình cờ theo một anh bạn học, đồng hương Bắc Giang của
cô, rủ đến nhà cô chơi, và cuộc đời tôi đã diễn ra sau đó như một sự xếp đặt huyền
bí từ cuộc gặp tình cờ đó. Và lúc này đây đang ở tận nước Mỹ xa xôi, xin kể lại
những kỷ niệm định mệnh này.
4-6-2018
ĐÔNG LA
ĐƯỜNG ĐẾN VĂN CHƯƠNG
Như đã kể, một lần, một anh bạn học đại học rủ tôi đến nhà một người đồng hương Bắc Giang của anh, bà chính là nhà thơ Anh Thơ. Thấy bà là nhà thơ tôi bảo: "Cháu cũng làm thơ được". Cô bảo tôi viết ra một bài. Cô đọc rồi nói: “Hình như cháu cũng có năng khiếu nhưng thơ này (thơ tán gái) chưa được. Thơ bây giờ phải thực, phải tình cảm, phải sâu sắc và không được giống ai”. Đây là bài học sáng tác văn chương duy nhất của tôi, và từ chuyện tôi bị cô Anh Thơ chê đó đã tự ái mà thành nhà thơ. Sau hơn ba mươi năm ngẫm lại, viết cả văn, thơ và phê bình, tôi nhận thấy câu của cô Anh Thơ quá đúng và quá đủ. Lúc đó tôi đã trả lời cô:
-Thế thì cháu làm cũng được.
Từ nhà cô tôi về. Đêm đó tôi cắn bút: “thực”, “tình cảm” thì chỉ có viết về mẹ mình là dễ nhất, “không giống ai” thì tôi sẽ chỉ viết những gì tận mắt tôi thấy, những điều chỉ riêng tôi tưởng tượng, còn sâu sắc thì mông lung không thể cụ thể hóa được. Tôi làm rất nhanh xong bài thơ. Sáng sau tôi sang đưa ngay cho cô Anh Thơ vì khu tập thể tôi ở đường Nguyễn Văn Trỗi rất gần nhà cô ở đường Trần Hữu Trang, đi một khúc đường Hồ Biểu Chánh, rẽ phải là đến. Đó chính là đoạn đường định mệnh của tôi vì nó đã dẫn tôi đến văn chương, đến tình yêu. Lần đầu tiên tôi đã gặp vợ tôi ngay tại nhà cô trong đám cưới chính anh bạn đã dẫn tôi đến nhà cô:
Rồi sau đó là cưới xin, sinh con đẻ cái:
Đọc bài thơ của tôi xong cô Anh Thơ ngạc nhiên và kêu lên là:
-Cháu ơi mày có tài đấy cháu ạ!
Bài thơ tôi viết về mẹ, chuyện tôi ấn tượng nhất là về mùa hanh khô, gót chân mẹ tôi cứ nứt nẻ, bà thường lấy lá khoai đắp vào, nên đã viết:
Đêm thoáng lạnh trùm chiếc chăn nhẹ
Nhớ gió Bấc khô thổi rụng lá xoan vàng
Mẹ ơi, nếp da dầy chân mẹ!
Đã bao nhiêu rồi vết nứt nẻ dọc ngang?
Và rồi cũng chính cô Anh Thơ đã viết thư giới thiệu tôi đến một người bạn rất thân của bà, nhà thơ lừng danh Chế Lan Viên! Tôi đã mang đến nhà ông cả một chùm thơ đang dự một cuộc thi, trong đó có bài thơ đầu tiên kể trên. Nhưng bài tủ, theo tôi nghĩ, là bài tôi viết về sự chào đời của thằng con:
Con của ba ơi, con chưa ra đời
Trong bụng mẹ tiếng tim con khe khẽ
Mỗi cựa quậy từ phôi thai nhè nhẹ
Ba đọc được niềm vui trong mắt mẹ con cười
Con của ba ơi con vẫn chưa ra đời
Tháng cuối thai kỳ từng giây ba nóng ruột
Ôi nỗi mong nào bằng lần đầu tiên được gặp
Sự sống của chính mình ở tiếp đời sau
Nhưng Chế Lan Viên được người trong giới phong cho là nhà thơ trí tuệ, về quyền ông thua Tố Hữu nhưng uy danh trong văn chương thì ông là số 1, ông như là một giáo chủ văn chương; một thằng kỹ sư làm thơ tuổi còn kém người con thứ ba của ông làm sao có thể “cưa đổ” Chế Lan Viên đây?
Nếu bài thơ chỉ có tình cảm cha con dù hay đến mấy cũng chỉ là chuyện muôn thủa, không thể làm CLV chú ý được, nhưng bài thơ của tôi hình ảnh người mẹ mang thai con đã được lồng khéo léo vào hình ảnh đất nước “mang thai” ngày toàn thắng, với những điều tương hợp mà tài thơ của tôi phải lắp ghép sao cho khớp. Như vậy bài thơ không chỉ làm từ xúc cảm tự nhiên, hồn nhiên mà còn từ sự suy tư, có dụng công, xử dụng những câu chữ cài đặt những tầng ý nghĩa:
Đất nước mình như bà mẹ con ơi
Ba mươi năm hoài thai đứa con Ngày Toàn Thắng
Trên vai mẹ luôn trĩu oằn gánh nặng
Cũng vuông tròn và cũng những lần sa
Như vậy là thơ tôi có tư tưởng, có lối viết riêng, chính vậy đọc xong, nhà thơ lừng danh Chế Lan Viên phải kêu lên là:
-Ô, ông làm được đấy, ông được giải đấy, tôi có thể cho ông giải nhất cũng được, nhưng ông mới viết, chưa có lực, kẻo chúng nó “giết” ông đấy. Thôi, tôi cho ông đứng đầu giải ba!
Rồi ông lon ton chạy vào buồng bê bản thảo ra khoe cách làm thơ của mình với tôi.
Còn tôi thì đang “sợ bỏ bố” thấy vậy thì quá ngạc nhiên đến bàng hoàng, dù biết ông có trong ban giám khảo cuộc thi, tôi chẳng hiểu “được giải” nghĩa là thế nào? Sao ông lại cho giải ngay tại nhà ông? Mà “chúng nó giết” nghĩa là gì? Về sau thì tôi biết đó chính là thói đố kỵ, ganh ghét, nghề văn háo danh nên ghê gớm nhất, nhưng thực tế lĩnh vực nào cũng có, như một cô không hoa hậu không sao, thành một cái là lắm trò bươi móc! Chế Lan Viên không cho tôi một người mới toanh giải nhất vì ông lo như thế.
Từ đó ông quý tôi vô cùng, quan tâm đến tôi như một người cha, thấy tôi vừa in cuốn văn xuôi “Những dấu vết không phai”, được chọn “best seller”, được lên HTV cùng với Nguyễn Nhất Ánh, ông bảo tôi vào Hội Nhà Văn TPHCM: “Để tôi bảo thằng Nguyễn Quang Sáng nó ghi tên ĐL vào Hội”, nghĩ lại ông nói: “Thôi, bây giờ anh đi gặp anh Chim Trắng bảo là ông Chế Lan Viên nhờ anh cùng Chế Lan Viên đứng tên giới thiệu Đông La vào Hội”. Đến nay, người dưng, ngoài cô Hòa, có lẽ không ai đối với tôi tốt như Chế Lan Viên, tôi thường nói ông quan tâm đến tôi như một người cha là vì như thế. Ông chết, trước khi đậy nắp quan tài, chính tôi là người sau cùng chạm vào người ông, một việc có chủ đích, tôi tay không lau những hạt nước đóng băng đang tan ra chảy trên trán ông vì trước đó thi thể ông bảo quản trong ngăn lạnh!
***
Vậy từ làm thơ tôi thành nhà văn của TPHCM, rồi bây giờ sau hơn ba mươi năm, tôi thành nhà lý luận phê bình của Hội Nhà Văn VN. Cũng như thơ, văn, tôi viết phê bình tự nhiên, viết “một phát” là xong. Số là cô Anh Thơ ra cuốn Hồi ký “Từ bến sông Thương”, bị bà quen là Bùi Bội Tỉnh “úynh”. Thấy cô rầu rĩ quá, tôi bảo: “Để cháu cãi lại cho”/ “Mày biết gì? Tao đang rầu thối ruột lên đây! Sáng tác tùy hay dở, ai làm cũng được, nhưng phê bình phải có lý luận”. Hồi ấy tôi chưa vợ, thấy Bùi Mạnh Nhị (giáo viên Đại học Sư phạm, nơi Cẩm Thơ con cô Anh Thơ học, sau lên Hiệu trưởng, rồi ra Bộ làm Cục trưởng) đánh máy được khoảng nửa cuốn hồi ký của cô thì bị đau bao tử, tôi đã đánh tiếp, vì vậy tôi rất hiểu cuốn sách. Tôi so sánh với bài của bà Tỉnh, thấy bà này sai, tôi đã viết một bài “đánh” cho bà này một trận. Ngạc nhiên là bài của tôi lại được đăng trên một tờ báo trung ương đàng hoàng, trụ sở cạnh Tao đàn, là Tuần Tin tức hay gì đó mà lâu quá tôi quên mất. Khi đi nhận nhuận bút, thấy tôi trẻ quá người ta không tin tôi viết, họ nghĩ nhà phê bình nào đó đã ẩn danh mượn tôi. Tôi đưa tờ báo cho cô Anh Thơ, đọc xong cô khóc. Đây là một trong những chuyện khiến cô cho tôi là “thông minh nhất”, rồi bà thấy “chỉ Chế Lan Viên mới làm thầy mày được thôi”!
***
Từ đó, tùy theo hứng, tôi làm thơ hay viết văn, còn viết lý luận phê bình tùy theo “vụ”, gần như chúng đã được đăng hầu hết ở các báo, tạp chí văn nghệ lớn nhất, như Văn nghệ, Văn nghệ Trẻ (HNV VN); Tạp chí VNQĐ; báo Văn nghệ TPHCM; Tạp chí Sông Hương; Người Hà Nội.
Về Lý luận phê bình, với “bọn” văn sĩ Bắc hà khụng khiệng, bài đầu tiên khiến “chúng nó” chú ý đến tôi là bài viết nhỏ “Biên độ của trí tưởng” (sau tôi đặt thành tên sách Biên độ của trí tưởng tượng), đăng trên Văn nghệ Trẻ mới ra, tổ chức bởi Nguyễn Quang Thiều. Nhưng đến bài “Đọc cuốn Ngày Văn học lên ngôi của Đỗ Minh Tuấn” thì mới là “quả bom”. Đỗ Minh Tuấn, nhà thơ, đạo diễn, từng làm ở Viện Triết, khoe là từng làm “liên lạc” cho ông “trùm” Lê Đức Thọ. Với những khái niệm “phân tâm học”, “vô thức”, “vô định luận”, v.v… Đỗ Minh Tuấn đã làm hoa mắt các nhà văn đa phần từ trong rừng ra, tung hoành trên văn đàn như chốn không người, coi Trần Mạnh Hảo đang “hot” không ra gì, cho văn học kháng chiến tầm thường là thứ “văn học dây dẫn”. Thấy vậy tôi đã ra tay, cũng chính là dịp tôi mang tri thức của tôi về siêu thực, quyết định luận, vô định luận, thuyết tương đối, cơ học lượng tử, v.v… “dọa” thiên hạ, chỉ cho thiên hạ thấy Đỗ Minh Tuấn chỉ giỏi lu loa, rỗng tuếch, “đếch” biết gì. Cuối năm tôi được TC Văn nghệ QĐ trao tặng thưởng bài đó. Lần đầu cùng ông anh ruột đến tòa soạn, ông anh tôi ngạc nhiên, không biết thằng em mình làm cái gì mà toàn đại tá đại tiếc đón tiếp quá nồng nhiệt. Nhà Văn Nam Hà ôm chầm lấy tôi “Đông La đây à?!”; Nhà thơ Anh Ngọc: “Đang ăn, đọc bài của ông hay quá, rơi cả đũa”!
Los Angeles
4-6-2018
ĐÔNG LA