Thứ Sáu, 29 tháng 7, 2016

SỰ PHÊ PHÁN CUỐN NỖI BUỒN CHIẾN TRANH VÀ SỰ TỰ PHÊ BÌNH, NHẬN TRÁCH NHIỆM SAI TRÁI CỦA LÃNH ĐẠO HỘI NHÀ VĂN KHI TRAO GIẢI CỦA HỘI CHO BẢO NINH

ĐÔNG LA
SỰ PHÊ PHÁN CUỐN NỖI BUỒN CHIẾN TRANH VÀ SỰ TỰ PHÊ BÌNH, NHẬN TRÁCH NHIỆM SAI TRÁI CỦA LÃNH ĐẠO HỘI NHÀ VĂN KHI TRAO GIẢI CỦA HỘI CHO BẢO NINH

Hôm nay tôi sẽ cho đăng lần lượt hai số về những ý kiến phê phán cuốn “Nỗi buồn chiến tranh” của những nhà nghiên cứu, nhà văn và đặc biệt là của chính Ban Lãnh đạo Hội Nhà Văn VN hồi nó mới chào đời.
“Nỗi buồn chiến tranh” lần đầu được in năm 1990 tại NXB Hội Nhà Văn phải đổi tên là “Thân phận tình yêu” do đề nghị của nhà xuất bản để né chủ đề chính cho cuộc kháng chiến giành lại nền độc lập, thống nhất đất nước của ta không phải niềm vui mà là nỗi buồn. 1991, khi cuốn sách được giải thưởng của Hội Nhà Văn Việt Nam, dư luận đã phản đối dữ dội, đặc biệt là Tạp chí cộng sản có bài TỪ ĐÂU ĐẾN NỖI BUỒN CHIẾN TRANH? của TRẦN DUY CHÂU. Ban Lãnh đạo Hội Nhà Văn VN khóa IV hồi đó đã phải tự phê bình bằng văn bản, đọc trước toàn Đại hội lần thứ V, còn in trên báo Công an TPHCM số  478, ra ngày 13-9-1995. Riêng Nhà văn Vũ Tú Nam (ông nội người mẫu Hà Anh), lãnh đạo cao nhất, khi trả lời phỏng vấn đã nhận trách nhiệm y như các ông Bộ trưởng trên diễn đàn quốc hội thời nay vậy: “Trách nhiệm thuộc về toàn thể Ban Chấp hành, nhưng tôi là người chịu trách nhiệm trước nhất. Sự phê phán của công luận sau đó là chính đáng”.
            Rất gần sau đó, Tổng thống Hoa Kỳ Bill Clinton tuyên bố chính thức bình thường hóa quan hệ ngoại giao với Việt Nam vào ngày 11 - 71995, nhiều nhà văn đã thay đổi quan điểm về cuốn “Nỗi buồn chiến tranh” theo thời cuộc, kể cả những người có trong Ban Lãnh đạo Hội Nhà Văn, như nhà văn Nguyễn Quang Sáng nghe đâu đã xin lỗi Bảo Ninh cứ như Bảo Ninh là quân Mỹ vậy. Từ cái thế đó, năm 2006 Bảo Ninh tái bản cuốn sách lấy lại cái nhan đề thể hiện chủ ý của mình: “Nỗi buồn chiến tranh”.
            Tính chân, thiện, mỹ là tiêu chuẩn vĩnh cửu của văn chương không thể nào thay đổi chỉ trong mấy tháng, mấy năm và phụ thuộc vào một sự kiện ngoại giao!          Các nhà văn, nhất là những người trong Ban lãnh đạo, là người trong nghề, hiểu văn hơn, lẽ ra phải định hướng dư luận, đằng này sao lại theo đuôi dư luận? Vì cái gì?
            1991, khi trao giải của Hội Nhà Văn cho Bảo Ninh, ban lãnh đạo đều biết sai nhưng như chính họ khi tự phê bình đã phân bua là họ đã châm chước, vẫn trao giải để khuyến khích một cây bút trẻ. Sau hơn 20 năm, Ban Lãnh đạo Hội Nhà Văn hôm nay đã quên điều đó sao, đề nghị trao giải to hơn cho một tác phẩm mà các vị tiền bối của mình đã trao giải vì châm chước?
            Như tôi đã viết, nếu thua Việt Nam không phải là một nước giầu như Mỹ mà là một nước nghèo ở châu Phi thì chắc chắn không có sự thay đổi quan điểm buồn cười như trên!
            29-7-2016
            ĐÔNG LA

1. TỪ ĐÂU ĐẾN NỖI BUỒN CHIẾN TRANH?
TRẦN DUY CHÂU
Tiểu thuyết Thân phận tình yêu (Nỗi buồn chiến tranh) của Bảo Ninh được Giải thưởng của Hội Nhà văn Việt Nam 1991-1992 đã gây phản ứng khác nhau của bạn đọc và một số nhà phê bình. Tạp chí Cộng sản đã nhận được ý kiến của một số bạn đọc và trên một số bài cũng đã đề cập đến vấn đề này. Gần đây Nỗi buồn chiến tranh được một số tờ báo nước Anh trao giải thưởng trên cơ sở bản dịch tiếng Anh của một dịch giả người Anh, dường như có ý muốn xóa nhòa ranh giới giữa chiến tranh cứu nước và chiến tranh xâm lược. Trong dịp này, chúng tôi lại nhận được ý kiến của bạn đọc phản ứng đối với giải thưởng trên. Dưới đây, chúng tôi trích đăng ý kiến của một bạn đọc.- T.C.C.S.
Không thể nào thực hiện được bằng những tư tưởng, những suy luận sáng sủa rõ ràng, Bảo Ninh phải cầu viện đến sự rối rắm, mơ hồ, hỗn độn của cái gọi là “trực giác” “vô thức” để tạo nên một hình ảnh đảo ngược của hiện thực, chuyển đổi các giá trị, biến trắng thành đen, thay khúc ca khải hoàn của toàn dân tộc thành tiếng hát bi thương của bài ai điếu của những kẻ lạc loài. Người viết (cũng như nhân vật) phải biến mình thành một kẻ mộng du lang thang chập chờn với cái tâm trí huyền thuật (mentalité magique) của người mơ mộng, đúng hơn là của kẻ mắc bệnh tâm thần, nghĩa là những người được “miễn truy cứu trách nhiệm” trước tòa án lương tâm thời đại, được miễn trừ sự phán xét của lý trí lành mạnh, tỉnh táo của bạn đọc xa gần. Vì vậy, theo tôi, cái siêu nhiên, cái hoang đường trong Nỗi buồn chiến tranh chỉ là thuần túy kỹ thuật – một sự khéo tay nếu có – nó không hề mang lại một ý nghĩa nào có giá trị trên bình diện triết học, cũng như trên bình diện thẩm mỹ.
Tác giả cuốn hút người đọc vào không khí hư hư thật thật bằng những lối biểu hiện quanh co, lối diễn đạt nghịch lý (nếu đúng chỗ cũng tạo nên sự thú vị nhất thời cho người đọc) nhưng rõ ràng Bảo Ninh đã không thành công trong việc quấn chặt lấy người đọc (Đây không chỉ là cảm tưởng của người viết bài này; những người quan tâm đến vấn đề thử làm một cuộc điều tra xã hội học xem sao!). Mỗi lần muốn cùng đi với tác giả, hòa nhập vào nhân vật để tìm thử cái lý của nó, tôi – người đọc – lại cứ thoát ra, như một phản xạ tự nhiên, khỏi sự huyễn hoặc, để ngắm, để nhìn, như nhìn vào một cỗ máy được dàn dựng – có lẽ cũng khéo tay, nhưng thiếu hẳn một cái gì đó. Cái thiếu hẫng ấy gọi là “linh hồn của văn học” theo nghĩa người đọc không tìm thấy trong tác phẩm nghệ thuật những điều giúp con người giữ được hình ảnh lý tưởng mà nó có về con người, được thừa kế từ nền văn hóa của dân tộc và của cả nhân loại.
Tác phẩm Nỗi buồn chiến tranh còn được mang một tên khác khi mới ra đời: Thân phận của tình yêu. Cả hai tên sách đều đúng, và nếu đặt bên nhau, người đọc sẽ nắm được ngay ý đồ của tác giả hình thành từ lúc tác phẩm còn trong thời kỳ thai nghén. Bảo Ninh đã trừu xuất tất cả ra khỏi hoàn cảnh lịch sử cụ thể để trình diễn cuộc “xung đột vĩnh hằng” giữa con người (tình yêu) và cái con người đã tạo ra (chiến tranh), tức là phản ánh tình trạng con người đánh rơi mất bản thân mình, nói theo ngôn ngữ triết học. Thêm nữa, trong Nỗi buồn chiến tranh, dụng ý trực tiếp của tác giả còn là muốn vẽ nên huyền thoại về tình yêu để đối lập với một sức mạnh xã hội mù quáng làm cho con người mất hết “nhân hình và nhân dạng”. Tình yêu ở đây – trong quan hệ của Kiên và Phương, một thiếu nữ có “một dạng thánh nhân và tiên nữ”, có một “vẻ đẹp lạc thời và lạc loài” – là sự gần gũi tuyệt đối của “hai chữ tự do”. Họ là những con người không tin vào bất cứ giá trị nào ngoài tình yêu của họ, họ luôn cảm thấy ngột ngạt khi đặt mình vào một tổ chức hay một quan hệ xã hội nào. Họ là “những kẻ xa lạ” trên mảnh đất đã sinh ra và nuôi dưỡng họ. Do đó học không tìm thấy chỗ đứng trong cuộc sống chung của dân tộc. Tình yêu trở thành nơi ẩn náu duy nhất của họ để phản ứng lại cái mà họ xem là phàm tục… Kết cục tình yêu ấy đã bị chiến tranh vùi dập.
Đúng là trong đấu tranh chống lại cái gọi là số phận, tình yêu thường chiếm một vị trí quan trọng, thể hiện những khát vọng của con người, để làm cho “con người trở thành người hơn trong thế giới con người”.
Vậy thì, thử hỏi chiến đấu vì phẩm giá con người gắn liền với phẩm giá dân tộc có làm cho con người trở nên người hơn không?! Với Nỗi buồn chiến tranh, Bảo Ninh muốn gây sự phẫn nộ, muốn gieo sự khiếp đảm cho người đọc. Nhưng tác giả cũng nhận thức được là mình sẽ gặp không nhiều may mắn. Từ trong bề dày lịch sử, người Việt Nam rất nhạy cảm trước những lợi ích sống còn của dân tộc, luôn đủ thông minh và tỉnh táo để phân biệt đâu là “đại nghĩa”, đâu là “hung tàn”, đâu là “chí nhân” và đâu là “cường bạo”. Do đó ở đây một mặt cần phải “viết sao cho xao xuyến nỗi lòng, nỗi dạ, xúc động nổi trái tim con người như thể viết về tình yêu…” (tr.59), mặt khác cần phải có “ảo thuật” trong viết và lách bằng cách luôn luôn công khai phơi bày sự tự mâu thuẫn; không phải là thứ “mâu thuẫn thống nhất” nằm trong sự vật, cũng chẳng phải là những phản đề va chạm nhau trong tư duy biện chứng để tìm ra chân lý, mà là sự mâu thuẫn của những luồng suy nghĩ không những khác nhau mà còn đối địch nhau nhằm đặt lại vấn đề cơ bản trong tinh thần hoài nghi hàm chứa sự phủ định đối với những giá trị đã được xác lập, đối với cả con đường đi lên của đất nước hiện nay và mai sau.
Trong Nỗi buồn chiến tranh, không phải là “cái thật” được chiếc đũa thần của nghệ thuật “làm cho thật hơn”, mà ngược lại “ảo thuật và kỹ thuật” đã làm nó biến dạng, biến chất “như thể ấy là một cuộc chiến tranh chưa từng được biết tới” (tr.53). Chỉ có một cái thật – thật một cách trần trụi và không che giấu: “sự vỡ mộng đau đớn với đời”, đưa đến sự hằn học và cái “cao ngạo” của người viết. Chính những xung lực này đã tạo nên Nỗi buồn chiến tranhvà dệt nên bắc tranh phản hiện thực. Cứ nhìn vào hình ảnh của “cuộc chống Mỹ cứu nước” được vẽ nên trong tác phẩm: “Chân trời chết chóc mở ra mênh mang, vô tận những nấm mồ bộ đội mọc lên nhấp nhô tựa sóng cồn, “bên bếp lửa” đàn ghi ta bập bùng, quân lính thời 74 hát, lời ca khốc liệt làm ớn lạnh những đêm trường, “ôi chiến trận: không bến không bờ – ngày mai hay hôm nay, hôm nay hay ngày mai, nói đi số mệnh ơi, bao giờ tôi sẽ…” (tr.17). Hoặc “Hết trận thắng này đến trận thắng khác, nhưng dường như chiến tranh vẫn hun hút, mịt mù, tuyệt vọng vô phương” (tr.16). Và đây, những nét khắc họa về hình ảnh người lính mang “tính chất nghĩa quân nông dân”, “thích hợp tuyệt đối với cảnh địa ngục chiến hào”. Nào là “đồng đội của anh(Kiên) mỗi người một kiểu say sưa mơ màng trong khói hồng ma”; nào là “cùng với thời kỳ bài bạc và hút xách ấy là thời kỳ mà khắp trung đoàn đầy rẫy những lời đồn đại, những sấm truyền và những điều tiên tri”; nào là “nạn đào ngũ lan rộng khắp trung đoàn, chẳng khác gì những cơn ói mửa làm ruỗng nhiều trung đội, không thể chắn giữ ngăn bắt nổi” (tr.24).
Những người lính “mang tính chất nghĩa quân nông dân” ấy chỉ bị nhồi nhét một thứ: “liên miên chính trị, chính trị sáng, chính trị tối, tối lại cũng chính trị. Ta thắng địch thua, miền Bắc được mùa, thế giới chia làm ba phe rõ rệt” (tr.10), để biến họ thành những máy giết người và bị người giết!
Cái chết bao trùm, cái chết khắp nơi, nó biến cuộc đời thành số phận. Khi luôn luôn phải đối diện với cái chết như cuộc đời những người lính trận; mà không thấy rõ cái lý của sự hy sinh chắp cánh cho họ, thì con người chỉ là trò chơi trong bàn tay số mệnh nghiệt ngã, ý thức hiện hữu trước hết gắn liền với ý thức về hư vô, và cuộc đời trở thành vô nghĩa và phi lý! Nhưng những người lính chống Mỹ hay đúng hơn là tuyệt đại bộ phận trong họ lại không phải thế! Cả nhân loại tiến bộ qua hình ảnh của chính họ đã nhìn thấy “cái giới hạn của sức mạnh kỹ thuật khi đương đầu với Con Người” (La-cu-tua, dẫn lại Trần Văn Giàu trong Vĩ đại một con người – Văn nghệ, số 37).
Nhân đây, xin bày tỏ một suy nghĩ của người viết: Bằng sự bôi nhọ sự nghiệp chống Mỹ của nhân dân ta, Bảo Ninh không chỉ xúc phạm đến những người đang sống, đang tiếp tục đi theo con đường lớn mà cuộc chiến tranh cách mạng đã tạo nên một “đột phá khẩu”, “một cái đã sống” để đi lên và đi xa. Tác giả Nỗi buồn chiến tranh còn muốn giết chết hẳn những người đã vĩnh viễn nằm xuống để cho “dân tộc quyết sinh”. Lần thứ nhất, những cái chết của họ là sự hy sinh cao cả – những người có lương tri cần phải biết ơn, không chỉ bằng tượng đồng bia đá, mà cả suy nghĩ, hành động, xử thế hàng ngày. Còn lần sau? Đó là sự khai tử của một ngòi bút quá nhẫn tâm đã coi họ là vật hy sinh mù quáng cho những cuồng vọng của con người. Và hãy nhìn vào những gia đình liệt sĩ, những thương binh, bệnh binh… họ sẽ như thế nào khi mất đi những giá trị làm vật chống đỡ cho cuộc đời bất hạnh của họ? Chẳng lẽ đó không phải là chủ nghĩa nhân đạo, là vấn đề của con người?
Cũng xin nói thêm “Khi đề cập đến con người phải nghĩ rằng con người không chỉ là tổng số những cái nó tự tạo cho nó, mà còn là cái nó đang suy nghĩ, đang hy vọng, còn là cái đang biến đổi nó, tách nó ra khỏi hoàn cảnh và quá trình phát triển của nó. Không như thế thì không bao giờ hiểu đúng con người và nói đúng những vấn đề của con người…
w Nguồn: Tạp chí Cộng sản, Hà Nội, số 10 (tháng 10-1994)

2. SUY NGHĨ VỀ CÁI TANG TÓC
CỦA NỖI BUỒN CHIẾN TRANH
PHẠM CHÍ DŨNG

Đúng ra, một cuốn sách văn học phải là một tác phẩm nghệ thuật, một cái gì đó mang tính chân lý, lạc quan trong cuộc sống. Tuy nhiên, Nỗi buồn chiến tranh của Bảo Ninh lại dường như đi ngược lại chân lý trên.
Thấm thoắt đã 20 năm trôi qua kể từ ngày miền Nam được giải phóng, đất nước thống nhất trọn vẹn. Và chúng ta vừa kỷ niệm hai thập kỷ của một niềm vui khôn xiết nhưng phải trả bằng vô vàn máu xương của những người đã vĩnh viễn nằm lại nơi chiến trường, trong cuộc chiến đấu hào hùng của dân tộc ta chống đế quốc Mỹ và bè lũ tay sai của chúng. Đúng, hẳn chưa một ai, nếu còn lý trí, lại có thể quên đi điều đó.
Nhưng ngay từ những trang đầu của Nỗi buồn chiến tranh, lý trí đã có thể bắt đầu bị tha hóa. Đi suốt chiều dài cuốn tiểu thuyết là chiều dài không gian và thời gian của cuộc chiến tranh diễn ra vào năm 1969, 1972, 1974, thời hòa bình vào năm 1976, rồi lại dội về ký ức của những năm máu lửa. Hơn bất kỳ cuốn tiểu thuyết nào trước đây, cái năm tang tóc và mùi tang tóc ngùn ngụt bốc ra từ Nỗi buồn chiến tranh. Cái tang tóc đó không phải nằm trong những xác người thối rữa, mà kinh khủng hơn lại chính từ những người sống, những người “thoát khỏi cuộc chiến tranh”. Sự dằn vặt, tranh chấp triền miên giữa cái sống và cái chết, giữa cái nhân tính và phi nhân tính trong nhân vật chính – một người có rất nhiều mâu thuẫn. Tại sao lại có nhiều mâu thuẫn như vậy? Tại sao tác giả lại khẳng định rằng sở dĩ con người thoát khỏi cuộc chiến tranh, bởi họ biết buồn về chiến tranh? Như vậy Kiên – một chiến sĩ giải phóng quân, chiến đấu cho cái gì, hay chỉ cho một thứ chủ nghĩa anh hùng cá nhân và suy tôn cá nhân? Chính sự mâu thuẫn về mặt triết học giữa cái chung và cái riêng của nhân vật đó đã dẫn anh ta đến việc nhìn nhận xã hội như một cái ổ của sự u ám, bế tắc, nơi diễn ra cảnh hỗn loạn tinh thần, đầy rẫy những kẻ điên khùng, gái điếm, ăn mày, vô số những con người hung dữ, sẵn sàng xé xác nhau vì một câu chửi thề. Và sau hết, nhân vật chính cho rằng đó là kết quả tất yếu của chiến tranh, một cuộc chiến tranh vô nghĩa. Và nếu như tác giả căm giận cái “cuộc chiến tranh vô nghĩa” đó bao nhiêu, thì tôi lại thất vọng bấy nhiêu vì bi kịch giả tạo của tác giả khi phản ánh cuộc chiến tranh ấy, thông qua nhân vật Kiên.
Anh ta, một người đã chứng kiến “tất cả những đau thương đổ vỡ” của cuộc chiến tranh, đã hành động như thế nào? Dưới làn mưa đạn khi đối mặt với kẻ thù, anh ta cứ lừng lững tiến lên. Khi anh ta giết chết kẻ thù một cách tàn nhẫn, thì đồng đội anh ta cũng giết không thương tiếc một kẻ đào ngũ. Ở đây, những cái chết đều như nhau, và tác giả đã đồng hóa thẳng thừng những chiến sĩ cộng sản và bọn thám báo ngụy, không một sự phân biệt về nhân cách, để tất cả đều dẫn đến cái chung nhất là sự chết chóc. Chỉ có duy nhất, tác giả đã “thành công” khi mô tả Kiên như một kẻ đào ngũ về mặt tinh thần, như một người hùng giữa hằng hà sa số thứ nhơ nhớp bẩn thỉu. Cuối cùng, người hùng ấy cũng không tìm thấy lối ra trong cuộc sống. Trở về nhà sau chiến tranh, anh ta lại tiếp tục rơi vào trạng thái bình thản đến điên loạn, với những bực bội trong người không thể viết ra được, những mảnh tình chớp nhoáng với một cô gái ăn sương, một người tình cũ có mệnh danh là “đĩ thập thành”, một người đàn bà câm… Tôi bật cười, té ra cái “hùng” của con người ấy lại được kết thúc bằng những hành vi theo kiểu “bản năng gốc” như vậy. Có đáng học hỏi chăng? Có và không, thực chất là một bài học khốn khổ cho những kẻ lạc lối trong cuộc đời, những kẻ “nô lệ của tình dục”, biết “núm vú đàn bà còn hơn cả một chú bé con” mà chúng ta vẫn đôi khi gặp phải.
Với cái logic như thế, tác giả đã dùng nhân vật chính để phản chiếu cái thế giới “Các chiến sĩ giải phóng quân ăn nhậu ngay bên cạnh xác đàn bà lõa lồ vào ngày 30-4-1975 ở sân bay Tân Sơn Nhất”. Trong số các trung đoàn đã đánh chiếm sân bay, ai sẽ là người đứng ra làm chứng cho Bảo Ninh về những hành động đó? Nếu không có bằng chứng gì, chẳng lẽ tác giả có cái quyền “hư cấu” đến mức như vậy sao? Cũng với cái logic như thế, tác giả đã nói với kẻ ăn mày: “Ăn mày mà lập trường gang thép gớm chưa! Mẹ kiếp, cái dân An Nam nhà mình chỉ giỏi chống ngoại xâm chứ đến ăn xin cũng chả biết đường. Ê, hạ lập trường xuống, thì cho”. Đến đây, tôi giật mình tự hỏi: mỗi dân tộc đều có phẩm giá, mỗi con người đều có lòng tự trọng tối thiểu, vậy có còn đạo lý hay không khi tác giả cố ý dẫm nát phẩm giá và lòng tự trọng đó xuống bùn đen? Đâu là cái nhân tâm của người cầm bút?
Thêm vào đó, trong cái thế giới nội tâm của nhân vật chính, rừng rú luôn tồn tại ma quái, xã hội luôn đầy rẫy những hình ảnh siêu linh. Thật khó hiểu là với cái mớ bòng bong vàng thau lẫn lộn như thế, anh ta có thể sống sót được đến hết cuộc chiến tranh và thậm chí một phần thời hòa bình, và cũng thật dễ hiểu, vì trong xã hội đã và đang có những kẻ như vậy, cam chịu làm kiếp “con sâu cái kiến” để bào mòn cuộc đời trong ký ức cặn bã của mình.
Cuối cùng, tác giả kết luận “Nghĩa vụ của một con người trước trời đất là sống chứ không phải là hy sinh nó, là nếm trải sự đời một cách đủ ngành ngọn chứ không phải là chối bỏ… Không phải ta khuyên con trọng mạng sống hơn cả, nhưng mong con hãy cảnh giác với tất cả những sự thúc giục con người lấy cái chết để chứng tỏ một cái gì đấy” (tr.61) và “Chao ôi! Chiến tranh là một cõi không nhà, không cửa, lang thang khốn khổ và phiêu bạt vĩ đại, là cõi không đàn ông, đàn bà, là thế giới thảm sầu vô cảm và tuyệt tự khủng khiếp nhất của dòng giống con người” (tr.32).
Tôi hiểu, điều tác giả muốn thể hiện ở đây là một quân đội cộng sản lộn xộn, vô kỷ luật, nằm trong một xã hội đầy bất công và nhung nhúc những kẻ tha phương khốn nạn theo kiểu Chí Phèo, một bản năng tình dục theo thuyết hiện sinh vương vấn chút mùi vị vô luân, một cái chết từ từ không tưởng của tất cả những kẻ nào sống bế tắc. Thật tồi bại, đó là một cái nhìn hoàn toàn sai lệch về cuộc chiến tranh của tác giả! Đối với những chiến sĩ cộng sản đã kinh qua cuộc chiến tranh, đó là cách nhìn bệnh hoạn của những kẻ bệnh hoạn.
Tôi đã đi theo tác giả từ trang đầu đến trang cuối của cuốn sách, nặng nề, bi đát, chán ngán, đủ cả. Nhưng sau tất cả, tôi phải quay về với hiện thực mà nói với tác giả bằng bài thơ tôi đã được đọc ở đâu đó:
Cuộc chiến tranh thần thánh
Đồng đội tôi nằm đâu
Trái đắng các anh nhận
Trái ngọt dành đời sau
Cuộc chiến tranh thần thánh
Trái ngọt hẳn ngọt môi
Ai nhận phần trái ngọt
Có nhớ đồng đội tôi?
Tất cả là như vậy, cuộc chiến tranh của dân tộc Việt Nam chống đế quốc Mỹ và những tàn dư của chúng, là chân lý! Chân lý đó, không ai có quyền phủ nhận, trước biết bao xương máu của hàng triệu con người đã phải nằm xuống để chúng ta có cái nhìn cuộc đời như ngày hôm nay. Chính nghĩa của cuộc chiến tranh đó, như tôi đã nói, chỉ có những kẻ mất trí mới không thấy được, chỉ có những kẻ hèn nhát mới trốn chui trốn nhủi trước số phận.
Được biết Nỗi buồn chiến tranh đã nhận giải thưởng Hội Nhà văn Việt Nam, tôi vô cùng kinh ngạc. Chẳng lẽ người ta đang quên đi cái gốc gác của mình sao? Chỉ có điều cần nhắc lại, nguyên nhân chính của sự tan vỡ Liên Xô là sự xét lại, và ngay lúc này đây sự xét lại đó vẫn luôn ngấm ngầm ẩn trong cái “diễn biến hòa bình” của người phương Tây.
w Nguồn: Công an thành phố Hồ Chí Minh, Tp. HCM (11-8-1995)

3. Về "Nỗi buồn chiến tranh"

Bảo Ninh là một tài năng, một tài năng độc đáo. Ngặt một điều, cái độc đáo quan trọng nhất của anh là ở cách nhìn khác về cuộc chiến tranh chống Mỹ xâm lược. “Chính thống” nói “thắng lợi”, nói “anh hùng”…, thì anh, bằng tiểu thuyết của mình “nói điều ngược lại: đây là cuộc chiến tranh “thất bại”, nói như một tờ báo hải ngoại, tờ Hợp Lưu thì phải: đọc xong cuốn tiểu thuyết này, ta thấy Việt Cộng thảm bại. Và là một cuộc chiến tranh hết sức bi đát, buồn bã, rữa nát… từ trong tinh thần, tâm trạng, hành động.

Ở nhiều nước, sau một cuộc chiến tranh khốc liệt, lâu dài, có tâm trạng “hậu chiến”, nhìn lại chiến tranh và “hoảng hốt”, thấy đáng sợ quá, hy sinh nhiều quá, thậm chí vô nghĩa quá. Có luận điểm: “bên nào thắng thì nhân dân đều bại”, “Dân túy” quá! Còn những luận điểm: “chiến tranh ý thức hệ”, “huynh đệ tương tàn”, “nội chiến”… thì ta biết đã lâu, che giấu dưới những luận điểm ấy là sự biện minh cho thất bại nhãn tiền.
Bảo Ninh là một nghệ sĩ. Anh có quyền có một “điểm nhìn”, một “cách nhìn” riêng về chiến tranh. Duy chỉ có cái nhìn ấy không đi ngược lại chân lý lịch sử, đi ngược dân tộc, chưa nói đến cảm quan nghệ thuật “hậu hiện đại”, loạn điểm nhìn, chống “đại tự sự”… không thích hợp khi viết về một cuộc chiến tranh yêu nước, chính nghĩa, và thắng lợi. L.Tolstoi đã “cũ” rồi, nhưng cái nhìn cách mô tả của ông về cuộc chiến tranh chống Napoléon xâm lược vẫn còn để lại cho hậu thế những bài học.
Phương Tây, mà ở đó, người đọc là rất nhiều thành phần, không đơn giản. Những người bị “thảm bại”, chống Cộng, chống Việt Nam thì tung hô Nỗi buồn chiến tranh như một liều thuốc “giải độc” tinh thần. Té ra Việt Cộng cũng như lính Mỹ, cũng đau khổ, hoảng loạn, tan rã, và hai bên có thể ôm nhau, cùng nhau… khóc, sám hối vì đã đánh nhau, giết nhau! Vì thế họ hối hả dịch, trao giải, mời mọc… Chỉ ngờ rằng mục đích của họ chẳng phải vì văn chương, hay trước hết vì văn chương. Ngay ở trong nước, khủng hoảng sau 1975 đã đẻ ra bao tâm trạng bất mãn, chán chường, “sám hối”…, cùng một tâm trạng tác giả, và họ cũng hưởng ứng, ngợi ca, ngợi ca “văn” nhưng chủ yếu là ngợi ca cách viết, cách nhìn, sự “lộn trái”.
Sau Nỗi buồn…, Bảo Ninh viết có nhiều truyện “chừng mực” hơn, cũng trăn trở, đau xót nhưng xem ra có thể “chịu” được.
Đã có rất nhiều tác giả và tác phẩm viết về chiến tranh. Không ai ngây thơ đòi hỏi nó phải lúc nào cũng “ta thắng, địch thua”. Không phải ta lờ đi những nỗi đau, những mất mát, những vết thương trong đời và cả trong tâm trạng, những cái mà có người cho là "tính toàn nhân loại". Văn chương phải ghi nhớ điều ấy, càng sâu càng tốt. Nhưng có điều không được một chiều, không nên đem cái tâm trạng hoàng hôn của cá nhân mình che trùm lên cuộc đời.
Cuốn Được sống và kể lại của Trần Luân Tín, một họa sĩ tham chiến ở Thành cổ Quảng Trị, dữ dội, hy sinh nhưng biết mình chiến đấu cho cái gì. Được biết, 81 ngày đêm chiến đấu ở Thành cổ, mỗi ngày ta hy sinh 1 đại đội! Cái giá phải trả cho chiến tranh giải phóng là rất lớn, là rất thương đau. Mỗi ngày sống bây giờ ta luôn nhớ điều ấy, nhưng ta không được phép bi lụy, sầu não, thoái lui…

Chung quanh Nỗi buồn chiến tranh còn rất nhiều chuyện đáng bàn. Dưới đây, nhân Nỗi buồn… được giải của Nikkei Asia (Giải thưởng châu Á), Hồn Việt đăng ý kiến của GS Trần Thanh Đạm và nói thêm mấy lời trên đây.

Tin vui từ một nỗi buồn, nỗi buồn từ một tin vui
GS TRẦN THANH ĐẠM
Tin vui phát ra đầu tiên từ báo Tuổi Trẻ ở TP Hồ Chí Minh, sau đó trên Đài VTV4 trong chương trình Thông tin quốc tế. Tin rằng: Một tờ báo kinh tế của Nhật Bản, tờ Kinh tế Nhật Bản, đã quyết định tặng Giải thưởng châu Á cho một nhà văn Việt Nam, nhà văn Bảo Ninh, với tác phẩm tiểu thuyết Nỗi buồn chiến tranh, xuất bản năm 1991 ở Việt Nam và đã được dịch từ lâu ra tiếng Anh lưu hành ở một số nước.
Tờ tạp chí kinh tế này đánh giá tác phẩm là “xuất sắc”, thuộc loại “tinh hoa của văn học thế giới”, cho nên, giải thưởng được mệnh danh và vinh danh là Giải thưởng châu Á tức là có tầm cỡ quốc tế. Thật là vinh dự cho văn học Việt Nam khi một tác phẩm của mình được các nhà kinh tế Nhật Bản đánh giá cao như vậy. Chưa biết các nhà kinh tế thì đánh giá văn học chính xác đến đâu, song các nhà kinh tế, nhất là kinh tế Nhật Bản, thì chắc chắn là những người giàu cho nên giải thưởng sẽ lớn, giá trị có thể hàng triệu yên hay hàng chục nghìn đô-la.
Đó là tin vui đối với các nhà văn Việt Nam vốn là những người nghèo trong một nước nghèo. Tin lại cho biết rằng: Giải thưởng sẽ được phát tại khách sạn Hoàng Gia Imperial ở thủ đô Tokyo; bên cạnh nhà văn Việt Nam, có một nhà kinh tế Đài Loan và một nhà kỹ thuật Philippines. Thật là vinh dự cho cả phía trao giải lẫn người nhận giải. Phía trao giải vinh dự là vì một tờ báo kinh tế của Nhật Bản mà lại trao giải văn học cho một nhà văn châu Á, dù giải thưởng cao đến đâu thì sự mua danh ở đây như vậy là khá rẻ. Nói như tục ngữ Việt Nam, “mua danh ba vạn, bán danh ba đồng”, thì ba vạn đối với người giàu mua danh vẫn là rẻ.
Tập đoàn kinh tế này thật là giỏi quảng cáo và tiếp thị. Cũng như các ngôi sao nghệ thuật, ngôi sao thể thao đứng ra làm quảng cáo, lần này nhà văn Việt Nam làm quảng cáo thì còn gì bằng. Hẳn rằng ở đây có vai trò giới thiệu của Quỹ Giao lưu Quốc tế Nhật Bản (Japan Foundation) ở Việt Nam. Quỹ này đã từng giới thiệu và vinh danh cho Đỗ Hoàng Diệu, tác giả nữ của tác phẩm tai tiếngBóng đè, của Việt Nam, bằng một chuyến giao lưu khắp nước Nhật Bản. Bây giờ đến lượt Bảo Ninh. Đỗ Hoàng Diệu đi trước và Bảo Ninh đi sau, là hai người đi tiên phong trong sứ mệnh đối ngoại vẻ vang này, đem văn chương và hình ảnh Việt Nam, tức là quốc hoa và quốc thể của Việt Nam quảng bá ra nước ngoài. Xét về mặt kinh tế, thế cũng là ít tốn kém, là rẻ. Đúng là “bán danh chỉ có ba đồng” mà thôi .
Tuy nhiên, tin vui ở đây cùng đi kèm với một nỗi buồn. Đúng như tên của tác phẩm Nỗi buồn chiến tranh. Tác phẩm này ra đời ở Việt Nam cách đây hơn 20 năm, đã từng gây ra tranh cãi, không chỉ tranh cãi về nghệ thuật mà về chính trị, về cách nhìn, cách tiếp cận, cách miêu tả, thể hiện cuộc chiến tranh chống Mỹ cứu nước của Việt Nam. Những người tán dương thì chú trọng về khía cạnh “đổi mới nghệ thuật” của tác giả, ở cách viết mới lạ, độc đáo. Còn những người phản đối thì phê phán cách thể hiện xuyên tạc, thiên lệch đối với tính chất chính nghĩa, anh hùng của cuộc chiến tranh từ phía Việt Nam tiến hành vì sự nghiệp độc lập, tự do, thống nhất, hòa bình của nhân dân Việt Nam.

Nỗi buồn chiến tranh ở đây mang màu sắc của một sự sám hối của những người anh hùng đã lỡ gây nên một sự nghiệp anh hùng. Cho nên sau khi ra đời, tác phẩm được phía bên kia hào hứng hoan nghênh, tán dương. Hóa ra không chỉ những kẻ phi nghĩa “sám hối” mà cả người anh hùng cũng “sám hối”. Thế là huề! Thật là hân hạnh cho nước Mỹ thua trận mà có người ở phía bên kia biện hộ cho.
Nỗi buồn chiến tranh được dịch, phổ biến ở một số nước phương Tây (có cả bản dịch xuyên tạc cả nguyên bản) là do vậy. Thậm chí người ta tung tin là nó sẽ được tặng Giải Nobel, hoặc là ứng viên của giải danh giá này. Thế rồi, danh giá cũng đến, nhưng thấp hơn. Tờ báo Independent của Anh hình như cũng là tờ báo kinh tế, đã tặng giải thưởng cho Bảo Ninh.
Hai mươi năm qua, Nỗi buồn chiến tranh đã nguôi ngoai rồi, tác giả cũng không còn cảm thấy buồn nữa. Thì tờ Kinh tế Nhật Bản lại lôi tác phẩm ra tặng giải thưởng, hình như muốn khơi lại nỗi buồn xưa. Cũng có thể Nỗi buồn chiến tranh tiêu cực của Việt Nam lại có ý nghĩa tích cực với Nhật Bản chăng? Trong chiến tranh, người chính nghĩa cũng như kẻ phi nghĩa, người chiến thắng cũng như kẻ chiến bại đều… buồn. Ở Việt Nam hay ở Nhật Bản đều thế. Năm 1975 hay năm 1945 đều thế. Thế là thiện ác đảo điên, chính tà lẫn lộn, vinh nhục bất phân.
Đó là giá trị “xuất sắc”, “tinh hoa” của tác phẩm văn học này của Việt Nam được một tờ báo kinh tế Nhật Bản tặng thưởng và vinh danh. Một bên mua danh chỉ có ba vạn, một bên bán danh chỉ có ba đồng.
Đó là một tin vui từ một nỗi buồn và một nỗi buồn từ một tin vui cho những người viết văn và người đọc văn ở Việt Nam hiện nay, trong đó có người viết mấy dòng này.
5/2011
          (Còn tiếp)