Thứ Tư, 13 tháng 7, 2016

VÀI SUY NGHĨ VỀ GIÁ TRỊ VĂN CHƯƠNG SAU HỘI NGHỊ LLPB CỦA HỘI NHÀ VĂN

ĐÔNG LA
VÀI SUY NGHĨ VỀ GIÁ TRỊ VĂN CHƯƠNG
SAU HỘI NGHỊ LLPB CỦA HỘI NHÀ VĂN

Buổi chiều, sau khi tôi phát biểu trên diễn đàn Hội nghị Lý luận Phê bình HNVVN và cuộc hội thảo cũng đã kết thúc, Đại tá Nhà văn Đỗ Viết Nghiệm, đang ở nhà sáng tác của HNV bên Hồ Đại Lải, gọi:
          -Ông phát biểu hay lắm!
          -Ông có đi dự đâu mà biết.
          -Cần gì phải đi dự, mạng lưới thông tin của tôi ở khắp nơi.
          -Nhưng tôi còn viết lại nữa cơ, chứ lời nói gió bay thì ăn thua gì.
          -Đúng rồi, vậy ráng viết sớm nhá, tôi đợi đấy.
          Cách đây vài ngày, tức tôi đã đăng bài viết, ông Đại tá Nhà Văn lại gọi:
          -Tôi đọc rồi, được lắm, ông viết về thằng Sương Nguyệt Minh đích đáng lắm. Tôi góp ý thế này không biết ông có nghe không, ông biên tập gọn lại, gởi cho báo chính thống nào đó đăng thì có giá trị lắm.
          -Khi gởi đăng báo thì phải biên tập chứ. Có thời Báo Văn nghệ TPHCM đăng của tôi hơn hai chục bài liền, ra Bắc thấy nhiều người đọc thích, nhưng đấy là họ cần tôi, gởi là in ngay, còn tự gởi bài đi rồi đợi duyệt in thì tôi chán không muốn gởi.
          Sau chiều đó hội nghị coi như đã xong, ban tổ chức thông báo sáng sau (26-6-2016) nghỉ, mọi người du lịch Tam Đảo, trưa Ban Chấp Hành Hội chiêu đãi. Còn tôi vừa đến Hà Nội, anh, em trong đại gia đình cô Vũ Thị Hòa đã í ới gọi, Kiều Chí Huệ bảo, cô nói anh nói địa chỉ chỗ anh ở Tam Đảo, sắp xếp thời gian, cô sẽ đích thân lái xe đến đón anh (tôi nghĩ cô biết lái xe mà!). Tính toán xong tôi gọi cho Huệ quyết định sáng sau đi sớm, sang chỗ cô ở luôn đến khi ra sân bay về SG. Lát sau Huệ bảo nếu sớm quá thì cô không đi được em sẽ mang xe đến đón anh. Tôi OK.
          ***
          Cơm nước xong, người cùng phòng tôi nói đi với bạn luôn, nghĩa là tôi còn lại một mình, tôi biết làm gì cả một đêm mênh mông ở phía trước đây? Một mình ở một nơi xa lạ thấy thật trống vắng. Vậy mà bình thường tôi lại có thói quen thích có những lúc ở một mình. Lại nhớ đến Chế Lan Viên, ngày đầu đến với ông, ông tâm sự:
          -Đông La biết tại sao tôi chuyển tới ở nơi xa xôi này không? Vì tôi chán gặp con người rồi, chỉ muốn gần cây cối thôi.
          Ông đặt tên nơi mình ở là Viên Tĩnh Viên, một ngôi nhà nhỏ giữa khu vườn khá rộng, um tùm cây cối. Từ Hòa Hưng, quận 10, ông đã chuyển nhà đến đó, nơi ngày xưa đúng là ngoại thành. Từ trung tâm thành phố phải qua Bảy Hiền, qua cả Bà Quẹo, rồi rẽ trái sâu vào phía Tân Kỳ, Tân Quý, rồi lại rẽ trái, rẽ phải mấy lần nữa.
          Sau ba mươi năm tôi gặp cô Vũ Thị Hòa, một người có khả năng siêu phàm, dù còn không ít kẻ vô minh, ngu xuẩn, láo lếu đối với cô, nhưng có rất nhiều người chứng kiến tin, rồi kháo nhau, cứ thế mà lan xa, nên cô đi tới đâu, biết là người ta sẽ tìm đến đông như kiến. Vậy mà cũng có những thời điểm cô không muốn gặp ai nữa. Y như Chế Lan Viên chỉ muốn gần cây cối, cô như đi trốn vào rừng, lấy lá cọ làm mái che, ngồi thiền liên tục bên suối.
Thú vị ở chỗ nơi cô thiền cũng chính là ở Tam Đảo, nơi 2 năm sau tôi đã đến họp, chỉ khác là cô ở trong rừng chứ không phải khách sạn.
Còn tôi thật kỳ lạ, từ lâu hình như cũng đã mắc căn bệnh chán con người, nhất là giới nhà văn. Thời mới viết, hình tượng nhà văn trong tôi thật cao đẹp, không bao giờ dám nghĩ đến chuyện có thể gặp được cỡ Chế Lan Viên nhưng cũng ao ước được gặp người này người nọ. Rồi khi xông vào trường văn, trận bút, riêng chuyện gặp Chế Lan Viên đã thành một chuyện cổ tích, còn thì hình tượng cao quý của nhà văn trong tôi đã dần bị sứt mẻ. Nhà văn thường có cái tôi cao nên thật khó chịu khi phải gặp một người cho mình là rốn vũ trụ nhưng lại dốt, và những ngày hôm nay đây, thật kinh tởm khi nhìn thấy những kẻ lưu manh, những kẻ cơ hội, đã tôi cao, trí thấp, tâm lại còn tối, vậy mà lại nhân danh đủ thứ cao quý, đòi làm cách mạng văn chương, cách mạng xã hội!
Thời Thơ Mới trình độ nhà văn cao hơn dân chúng, ngược lại ở thời hiện đại này, ngoài năng khiếu văn chương, trình độ nhà văn thường kém trình độ nhiều tầng lớp xã hội. Văn chương cũ là những câu chuyện kể, văn chương hiện đại là những vấn đề, những vấn đề thường liên quan đến các lĩnh vực tri thức, đến văn hóa, đến lịch sử và cả khoa học, triết học, nhà văn nếu không có trình độ thì sao phản ánh? Tối ngày lo đổi mới thì đổi mới cái gì?
***
Một mình, thường 12 giờ khuya mới đi ngủ, không có máy miếc gì, nên tôi khóa cửa phòng, lững thững đi dạo phố đêm Tam Đảo:
          Đến một quán nhậu đồ nướng bên vệ đường khá đông, không đói nhưng tôi vẫn muốn làm vài “lon” thử thưởng thức ẩm thực miền rừng và cả không khí đêm Tam Đảo. Hết chỗ, cô chủ quán lấy một cái ghế nhựa làm bàn, một cái làm ghế bảo “Chú ngồi tạm được không?”. Tôi: “OK”. Ở Sài Gòn nên tôi chọn bia Hà Nội, kêu vài món nướng, thấy mấy thỏi trắng như đẵn mía hỏi thì được biết là “Cơm Lam”, tôi kêu một mẩu ăn thử. Ở nhà, buổi tối tôi cũng hay ra một cái quán trên lề đường bên cái đại lộ lớn nhất làm vài lon ngồi ngắm người xe đi lại. Theo Đạo Phật, bia rượu thuộc món độc “si” làm mê con người, nhưng với tôi vài lon bia thường làm tôi tỉnh ra chứ không mê, ý tứ thâm sâu độc đáo cũng từ đó mà bất ngờ sinh sôi. Tôi nghĩ về đủ thứ trên đời và rồi lại nghĩ về cái số phận kỳ lạ của mình, tôi cũng đã làm một bài thơ về nó
MỘT MÌNH
                       
Số phận dành cho ta một độc đạo
Một mình lầm lũi đi trong cuộc đời này

Phía sau lưng là cỏ,
                             xung quanh là cát,
                                      trước mặt là rừng núi và biển cả

Ta có thể vui một mình
                                      buồn một mình
                                                đau một mình
Chỉ sợ cô đơn khi thiếu người tri kỷ

Và có một điều em biết không?
Anh không thể một mình mà yêu được.
                                                                      Sáng 7-11-2001

Còn ở cái quán cóc bên đường phố Tam Đảo, sau Hội nghị LLPB của Hội HNV, tôi lại nghĩ sao tôi hiểu biết nhiều làm gì để đi phê người này, phán người nọ, để rồi chỉ để gây thù chuốc oán? Đúng là trách nhiệm công dân nhưng nước VN có biết bao công dân? Đúng ra việc phân định đúng sai cao thấp trách nhiệm chính thuộc về những người có chức trách. Nhưng sự phân định lại hơi bị khó. Trước hết phải có trình độ để hiểu biết; hiểu biết rồi lại phải có tâm để khách quan, công minh. Một điều thật đơn giản theo lý thuyết nhưng làm được trong thực tế lại vô cùng khó. Vì thế mà giới văn chương hay cãi nhau. Tóm lại là người ta phải có tâm và có tài. Nhưng thời “dân chủ”, để có chức quyền người ta không chỉ cần tâm và tài mà quan trọng hơn là phải được lòng nhiều người trong các cuộc bầu bán. Ý kiến số đông là kết quả cuối cùng nhưng nhiều trường hợp ý kiến số đông không phải là chân lý. Vì thế mà xã hội không bao giờ hết chuyện rắc rối.
Thật e ngại khi trong Hội Nhà Văn có khuynh hướng lộn ngược các giá trị, lộn ngược lịch sử, họ công khai trình bầy quan điểm của mình trước diễn đàn. Nhiều người cho rằng có ý kiến khác nhau như thế là chuyện thường, có điều họ không biết rằng những ý đó là sai trái chứ không phải ý khác. Cái “khác” và cái “sai” là hai cái hoàn toàn khác nhau!
Tôi từng chỉ ra những cái sai của cả Giải Hồ Chí Minh (Cao Xuân Huy), phê phán Giải thưởng hàng năm của Hội Nhà Văn (Trần Mạnh Hảo) và Giải thưởng của các cuộc thi Văn chương. Nhưng từ lâu tôi không chú ý nữa vì chuẩn mực văn chương trừu tượng, không cụ thể như khoa học công nghệ, nó phụ thuộc vào trình độ và tâm mỗi người. Nhận thức của tôi dường như thuộc một hệ quy chiếu khác. Vậy mà có những trường hợp tôi không thể không chú ý vì chúng quá ngược đời.
Như chuyện Hội Nhà Văn VN từng đề cử Nguyên Ngọc Giải thưởng Hồ Chí Minh nhưng ông ta đã xin rút. Trước đó năm 2000, Nguyên Ngọc cũng vắng mặt trong Lễ trao Huân chương Độc lập, từng từ chối nhận Giải thưởng Nhà nước đợt đầu tiên.
Phải chăng HNV có lối ứng xử hoàn toàn cảm tính, không theo luật? Cha ông ta đã dạy “quân pháp bất vị thân”; với nhà nước pháp quyền như Mỹ, tổng thống bị phát hiện nghe lén điện thoại phải từ chức, Bill Clinton không minh bạch thuế phải điều trần. Vậy tại sao HNV lại ưu ái một người có quá nhiều quan điểm và hành động sai trái như Nguyên Ngọc, kể cả chuyện khinh thường và bất hợp tác với chính HNV?
Cũng trong kỳ đi dự hội nghị, tôi lại được biết thêm chuyện cuốn Nỗi buồn chiến tranh của Bảo Ninh cũng được lãnh đạo HNV đề cử Giải thưởng Nhà nước 2016. Nỗi buồn chiến tranh là cuốn sách viết về một người lính giải phóng đã trải qua cuộc chiến tàn khốc trở về với sự đổ vỡ của tình yêu và đổ vỡ niềm tin, vì thế, theo ý Nguyên Ngọc, đã “tìm lẽ sống hôm nay” và  “chiến đấu lại, bằng cách “dầm mình trong rượu” và phải “làm cách mạng văn chương, nhưng chỉ kể lại những gì bi thảm nhất của cuộc chiếnTôi như sẵn sàng nhập thân trở lại với cảnh lửa, cảnh máu, những cảnh chém giết cuồng dại, méo xệch tâm hồn và nhân dạng. Thói hiếu sát. Máu hung tàn. Tâm lý thú rừng. Ý chí tối tăm và lòng dạ gỗ đá” và những gì xấu xa nhất của đội quân mình đã đứng trong đó. Nếu thời chiến đa phần thanh niên ra đi theo lý tưởng giải phóng thì nhân vật Kiên ra đi với lời dặn: “Nghĩa vụ của một con người trước trời đất là sống chứ không phải hy sinh nó, là nếm trải sự đời một cách đủ ngành ngọn chứ không phải là chối bỏ…, mong con hãy cảnh giác với tất cả những sự thúc giục con người lấy cái chết để chứng tỏ một cái gì đấy”. Hình ảnh “anh chiến sĩ giải phóng” toàn là những chuyện kinh tởm: hiếp dân lành, hành lạc tập thể, bài bạc, hút xách, trốn chạy, tàn sát tù binh. Từ đó, với “Trách nhiệm lương tâm” (ý Nguyên Ngọc) đã chỉ ra sự hy sinh của mình và bao đồng đội trong cuộc chiến là vô nghĩa.  Phạm Xuân Nguyên cũng cho biết: “Gần đây nhất,… Dennis Mansker… khi đọc Nỗi buồn chiến tranh. … ông  choáng váng và xúc động. Ông viết: "Đây là một bức tranh trung thực và tàn nhẫn đến kinh ngạc về bi kịch của một người lính Bắc Việt bị tê liệt hết nhân tính của mình sau mười năm tham chiến…”.
          Một cuốn sách viết sai sự thật về cuộc kháng chiến giành độc lập vĩ đại của dân tộc như vậy sao lại được Hội Nhà Văn VN đề nghị trao giải thưởng Nhà nước?
Cũng trong những ngày ở Tam Đảo vừa rồi tôi nghe đồn hình như Nỗi buồn chiến tranh bị “trên” “xem xét”. Trong Bản tổng kết Hội nghị Lý luận Phê bình, ồn ào quá tôi cũng chỉ nghe loáng thoáng, hình như lãnh đạo Hội còn có kế hoạch “đấu tranh” để Nỗi buồn Chiến tranh được giải thưởng!
Khi có quyền người ta có thể toàn quyền hành động. Có điều nếu hiểu Đạo, biết làm trái Đạo sẽ bị quả báo chắc sẽ khiến người ta phải e ngại. Nhưng bị cuốn theo cái guồng máy gắn với quyền lợi, danh lợi, mấy ai hiểu được Đạo?
          ***
          Thật e ngại trước tình trạng trắng đen lẫn lộn, thiện ác bất minh như cố GS Trần Thanh Đạm viết. Còn e ngại hơn khi người ta không chỉ vô cảm mà còn a dua, tung hô, suy tôn cái sai, cái xấu, cái ác. Mầm mống bất ổn và hỗn loạn chính là ở đây.
Trước đây trong kháng chiến, các nhà văn đúng là những chiến sĩ đã hợp đồng tác chiến rất hiệu quả cùng các lĩnh vực nghệ thuật khác, nhất là ca nhạc, đã đóng góp tài, sức, kể cả máu cho thắng lợi sau cùng của cuộc chiến. Còn những ngày hôm nay, trước cuộc chiến bảo vệ sự ổn định và phát triển của đất nước mà TBT Nguyễn Phú Trọng còn nói là trước “nguy cơ tồn vong”, với dư luận xã hội, đúng là người ta hoàn toàn không biết Hội Nhà Văn đã làm được những gì. Ngược lại, người ta lại chỉ thấy trên tuyến đầu của sự quấy rối, gây mất ổn định xã hội, còn chống lại cả chính Hội Nhà Văn, lại là những nhà văn tên tuổi: Nguyên Ngọc, Dương Thu Hương, Nguyễn Huệ Chi, Trần Mạnh Hảo, Võ Thị Hảo, Nguyễn Quang Lập, Phạm Viết Đào, v.v… Trong đó có những người còn bị “tóm”!
Chợt nhận ra một nghịch lý, chính trên không gian ảo, internet, vì được tự do thể hiện, tâm địa thực của con người ta lại được thể hiện; vì thế mà nhiều cái sai, cái xấu, cái ác đã hiện nguyên hình, ảo mà lại thực; tiếc là nhiều vị có trọng trách lại không thèm biết “mạng miếc’ là gì; Ngược lại, giữa các cuộc gặp gỡ, hội hè, đúng là cuộc đời thật, nhưng tình thật thì hình như lại đa phần là ảo.
13-7-2016
ĐÔNG LA