Thứ Bảy, 6 tháng 8, 2016

ĐÔNG LA "TÂM SỰ" VỚI INRASARA (Bài I)

Vừa rồi có một bạn cùng giới văn chương gởi cho tôi một e-mail vỏn vẹn có mấy chữ:  “Inrasara viet ve anh”. Để tập trung tinh lực cho việc viết lá thư ngỏ gởi Ban Lãnh đạo HNV, hôm nay xong viêc tôi mới mở ra đọc thì thấy bài này:
Chuyện văn nghệ VN 18. VĂN CHƯƠNG TAN RÃ-02
[Tư liệu Đông La: về Bảo Ninh mất giải thưởng NN - phê bình chỉ điểm - HNV không làm gì ra hồn - nhiều nhà văn bất hảo, thoái hóa nhân tính - vỗ tay loạn…].
Tôi đã chuẩn bị tinh thần chiến đấu nhưng đọc xong thì thấy dù Inrasara viết sai hoàn toàn nhưng với thái độ có văn hóa nên tôi sẽ đáp lại Inrasara bằng đôi dòng tâm sự.
Trước hết tôi phải thú nhận rằng đến nay tôi chưa biết Inrasara là ai? Dù biết Inrasara khá nổi tiếng trong giới văn chương, còn được giải thưởng của HNVVN, dù thấy thấp thoáng khá nhiều lần và như trong bài viết trên, Inrasara nhắc lại cho tôi nhớ chúng tôi đã từng chung bàn tiệc khi cùng dự Hội thảo của Hội đồng LLPB VHNT Trung ương tại TPHCM năm 2013. “Chưa biết” ở đây là chưa biết Inrasara viết gì, hay dở ra sao, tài năng văn chương thế nào? Không phải do khinh người gì mà nếu ai quan tâm về tôi sẽ thấy tôi viết từ khoa học, triết học, lý luận văn học, lịch sử đến chính trị xã hội, phản biện từ cán bộ cao cấp như Trần Độ, Trần Xuân Bách, Trần Phương,..., đến các nhà văn hàng đầu như Nguyên Ngọc, Nguyễn Khoa Điềm, v.v…. thì đúng là không có thời gian để ý đến Inrasara thật.
Chỉ một lần duy nhất khi viết về Hậu hiện đại, tôi tìm tài liệu đọc mang tính nghiên cứu thì thấy những bài viết của Inrasara có quan điểm ngược với tôi về Hậu hiện đại. Bài tôi viết có nhắc đến và trích dẫn bài của Inrasara chinh là bài tôi tranh luận với ông Nguyễn Văn Dân, một nhà phê bình, hình như cũng GS hay PGS gì đó. Vậy trước khi viết mấy lời “tâm sự”, tôi cho đăng trước bài viết có liên quan đến Inrasara. Trong bài này tôi có trích đoạn Inrasara biện hộ và “đấu tranh” đòi quyền bình đẳng cho ngôn ngữ tục tĩu trong thơ của nhóm Mở Miệng nói riêng và Hậu hiện đại nói chung, tôi đã phân tích và trong bài viết về Nhã Thuyên, tôi cũng phân tích thêm cho rõ:
“Đỗ Thị Thoan viết:
Xin đọc lại một số bài thơ đầu tiên của các nhà thơ Mở Miệng … hé lộ phẩm chất của những kẻ có tài. Bùi Chát đem đến phong vị đầy thi tính của đời thường” với những câu: “Tôi ném nước bọt lên tường/ Tôi yêu những người đàn bà đang là chuột dưới cống/ Tôi thấy em mặc quần lót mười nghìn ba cái mua ở vỉa hè”;  “Tôi kêu đòi chữ nghĩa/ Tôi tổ chức chiến tranh/ Tôi nam mô vị chúa trời”; “Tôi cải tạo âm hộ”.
 Dường như giới thiệu như trên chưa đủ, cô bình thêm:
“Những  thi phẩm này  (đúng  là phải gọi bằng  từ „thi phẩm‟) đều  sạch, đẹp và giàu năng lượng lẫn cảm xúc”(Luận văn, tr.64-65).
“có hai thứ  taboo vào loại lớn nhất, nguy hiểm nhất  trong các xã hội Việt Nam là Nói Tục và Chính Trị thì đều được các nhà thơ Mở Miệng và  những người đồng ý hướng xuyên thủng. Sự giải phóng trước hết thể hiện trong những cuộc chơi ngôn từ”.
Thơ nói riêng và văn chương nói chung là sản phẩm văn hóa, tức từ cuộc sống bề bộn và bụi bặm, phải tinh lọc, phải chưng cất công phu qua tài và tâm của thi sĩ thì mới có thể có được. Con người khác con vật vì biết xấu hổ. Bị lột truồng giữa đám đông ai cũng phải thấy xấu hổ. Nên làm thơ bằng cách lột truồng chữ nghĩa một cách vô cảm cũng là mất nhân tính. Vậy mà Đỗ Thị Thoan khen loại thơ tục tĩu và dơ dáy đó như thế này: “Hiếm có bài thơ nào sử dụng những chữ vốn bị cho là cấm kị tài tình và hấp dẫn đến thế”. Cô cho  là “mĩ học của cái tục”: “Quan niệm về ngôn ngữ của họ, khi dùng một cách công khai và vô tội [vạ] các từ chỉ bộ phận sinh dục, hành vi tính giao như… là nỗ lực, theo họ, trả lại sự bình đẳng của từ ngữ”.
Đòi trả lại “sự bình đẳng của từ ngữ” là lý sự mất nhân tính, vì không thể lột truồng chữ nghĩa trong văn chương cũng như người ta không thể lột truồng trước đám đông. Kể cả cô Thoan này tôi tin là cũng không dám cởi truồng tiếp chuyện nhà thơ “tài tình” cởi truồng viết loại “thơ cởi truồng” giữa chốn đông người. Chỉ có súc vật và những người bị điên không còn biết xấu hổ thì mới có thể như thế mà thôi!”
6-8-2016
ĐÔNG LA

ĐÔNG LA
TRẢ LỜI  NGUYỄN VĂN DÂN

Nguyễn Văn Dân trong mục Các ý kiến phản hồi của trang web Hội Nhà Văn Việt Nam về bài Chủ nghĩa hậu hiện đại và ảnh hưởng của nó ở nước ta của tôi, viết ý thứ nhất: “Trong lý luận-phê bình văn học ở Việt Nam hiện nay, khâu yếu nhất là khâu trích dẫn và chua từ nước ngoài, một thao tác quan trọng của phương pháp luận nghiên cứu khoa học. …. Trong bài viết của Đông La cũng vậy. Không biết tác giả lấy đâu ra từ "métarécits" của Lyotard để dịch là "siêu văn bản"(!). Thuật ngữ chính xác trong tiếng Pháp do Lyotard dùng là "grands récits" và "petits récíts", có nghĩa đen là "chuyện lớn" và "chuyện nhỏ" … Còn thuật ngữ "siêu văn bản" là một khái niệm của khoa học thông tin…
Ở đầu bài tôi đã viết: “Viết về nó (Chủ nghĩa Hậu hiện đại) là khó, không phải vì cao siêu mà vì nó không thống nhất”. Quả thật, tiếp cận CNHHĐ sẽ gặp cả một rừng tài liệu. Khái niệm CNHHĐ có một nội hàm rất phong phú, nên gặp nhiều bài viết khác nhau là bình thường, kể cả cách dùng và dịch các khái niệm, chỉ có điều bản chất chung nhất của nó thì không được phép hiểu sai. Bài viết của tôi mang chất định tính để đưa ra ý riêng chứ không chủ yếu giới thiệu về CNHHĐ, nên tôi chỉ giới thiệu tài liệu tham khảo chung ở cuối bài, còn trích dẫn nhiều sẽ làm mệt độc giả. Trước một đối tượng nghiên cứu phức tạp như vậy, tôi không hiểu sao Nguyễn Văn Dân với “phương pháp luận nghiên cứu khoa học” lại nhận xét chủ quan một cách không khoa học dẫn đến sai lầm ngô nghê đến thế! Bởi từ "métarécits" tôi đã lấy ra từ “Định nghĩa Hậu hiện đại” của chính Lyotard: "Nói một cách giản dị nhất, người ta coi "postmoderne" là sự không tin vào những lý thuyết lớn, siêu văn bản (métarécits) (ý nói những chủ nghĩa), với nguyên văn tiếng Pháp là:En simplifiant à l'extrême, on tient pour "postmoderne" l'incrédulité à l'égard des métarécits. Câu này tôi đã tham khảo chuyên luận HẬU HIỆN ĐẠI viết rất công phu của Thụy Khuê trong (thuykhue.free.fr/tk03/HHD. html). Nhưng tôi không dẫn ra mà chỉ để tên Thụy Khuê ở phần tham khảo chung vì chị dịch là “Nói một cách giản dị nhất, người ta coi "postmoderne" là sự không tin vào những métarécits (luận thuyết lớn)”. Nghĩa là chị chỉ dịch métarécits theo nghĩa bóng, còn tôi viết thêm nghĩa đen “siêu văn bản” và còn mở ngoặc thêm “ý nói những chủ nghĩa” nữa. Cũng trong chuyên luận đó Thụy Khuê viết:
Tác phẩm của Lyotard dựa trên một số danh từ chủ chốt, nếu không nắm vững nội dung sử dụng của tác giả thì khó có thể đi xa hơn trong việc tìm hiểu tác phẩm. Đó là những chữ récit, métarécit, grand récit, petit récit, légitime, légitimation, savoir, jeux de langage, v.v...
 1. Récit, grand récit, métarécit, petit récit.
Récit, nghĩa tiếng Pháp là relation écrite ou orale de faits réels ou imaginaires (liên hệ viết hoặc nói của những dữ kiện thực hay tưởng tượng). Như vậy, récit trong nghĩa rộng, chỉ toàn bộ những gì viết hoặc nói đến bất cứ một vấn đề nào. Tóm lại récit là tất cả những thể loại văn bản và bài phát biểu”; “Những chữ grand récit, métarécit (có nơi dịch là đại tự sự, siêu ký thuật, truyện lớn, truyện kể vĩ đại v.v...), được Lyotard dùng để chỉ định những lập thuyết lớn như những tư tưởng chủ đạo thời Ánh sáng, hệ thống triết học Hegel, hệ thống triết học Karl Marx, tạm dịch là siêu văn bản, nhưng không phải là cách dịch duy nhất…”.
Ý thứ hai NVD viết: “Còn về ảnh hưởng của chủ nghĩa hậu hiện đại trong văn học Việt Nam, tác giả Đông La đã không chỉ ra được như đầu đề bài viết đặt ra, mà ông chỉ làm công việc giới thiệu lại quan điểm của nước ngoài mà nhiều người đã làm. Thực ra, chủ nghĩa hậu hiện đại ở Việt Nam mới chỉ tồn tại trong sự tuyên truyền của các nhà phê bình nhiều hơn là trong thực tiễn sáng tác
Trong sáng tạo nhất là lý luận, đưa ra ý riêng rất khó, để đưa ra được vài ý nhỏ ở cuối bài viết, đúng như NVD viết, tôi phải “giới thiệu lại quan điểm của nước ngoài” (CNHHĐ khởi phát từ Pháp, giới thiệu về nó không theo quan điểm nước ngoài thì theo ở đâu đây?), bởi tôi không thể đưa ra ý mình từ hư vô, còn NVD không biết có đọc những dòng sau đây không mà nói tôi “không chỉ ra được” sự ảnh hưởng của nó ở văn học nước ta, xin dẫn lại vài ý:
Chủ nghĩa Hậu hiện đại cũng như mọi trào lưu đã xuất hiện khác đều có phần có lý. Tư tưởng chống giáo điều, chống khuôn mẫu xơ cứng, áp đặt; đấu tranh cho bình đẳng, dân chủ, vai trò cá nhân; phá vỡ những quy phạm nghệ thuật mòn cũ… là những mặt tốt. Nhưng ở ta, tiếp thu nó với ý thức mê muội, nô lệ, đề cao một cách phi lý, áp dụng một cách cực đoan thì khó mà được ủng hộ rộng rãi. Về mặt tư tưởng, sự cực đoan theo tinh thần hậu hiện đại sẽ dẫn đến sự hỗn loạn vô chính phủ”...

“Một số nhà phê bình người Việt ở hải ngoại đã tuyên truyền hậu hiện đại một cách phi lý: “Cuộc đấu tranh lớn nhất của giới cầm bút Tây phương trong khoảng gần một nửa thế kỷ vừa qua chính là để thoát ra khỏi bóng ma của tham vọng thể hiện cái tôi và tái hiện hiện thực”. “Cái tôi và hiện thực” là toàn bộ cuộc sống loài người, văn chương không thể hiện nó thì thể hiện hư không chăng? Rồi: “Chỉ còn lại hai mối quan hệ chính: quan hệ giữa tác phẩm văn học với chính nó và quan hệ giữa tác phẩm văn học này và những tác phẩm văn học khác”. Có lẽ nên viết cần cắt đứt mọi áp đặt chủ quan lên văn chương thì đúng hơn, còn viết như trên khác gì cho tác phẩm có thể tự sinh ra rồi tự thưởng thức nhau! Có người khi đề cao hậu hiện đại đã rất cao ngạo khi nhìn văn chương trong nước, nhưng chỉ bằng con mắt thô thiển nông cạn: “Mọi người cầm bút dường như có một cái khuôn chung được đúc sẵn… người ta chỉ làm mỗi một công việc đơn giản là "rót" câu chuyện của mình vào””.
…Tinh thần hậu hiện đại đã và đang phảng phất đâu đó trong văn chương Việt Nam cũng là lẽ thường tình, nhưng không có tài, không hiểu biết đến nơi đến chốn mà mê muội bắt chước, thì chỉ làm ra được những bản sao tồi mà thôi. Cũng đã có những nhóm cực đoan đúng là đã làm ra được văn chương hậu hiện đại thứ thiệt nhưng tiếc là chỉ mới ở dạng thấp nhất của nó. Ví dụ như tính phản kháng, phản kháng cao cấp tức là phải có khả năng phân tích sự yếu kém của cái cũ và đưa ra được cái mới tốt hơn thay thế, còn chỉ chống đối suông thì quá đơn giản. Có người đã mạnh miệng tuyên bố chúng tôi viết thế là để chống đối đấy.

Có điều, sự chống đối đó không phải là phẩm chất cao quý để vượt qua chủ nghĩa hiện đại mà chỉ đơn giản là “quậy”, cái thái độ không cần đến nghệ sĩ mà những kẻ bất hảo vô học còn làm tốt hơn. Có quá nhiều sự thô bỉ, bẩn thỉu, nhầy nhụa và hằn học, thậm chí lưu manh, trong văn chương “hậu hiện đại” này. Trong văn chương có hỗn loạn, thô tục, bẩn thỉu, bởi cuộc sống có phần như thế, nhưng coi chúng là “đặc trưng”, là “thi pháp” thì đã phi lý, phi mỹ, phi luân và cuối cùng là phi nhân hóa những đặc tính của văn chương.

Bởi đã là con người bình thường ai cũng biết phân biệt tốt với xấu, sạch sẽ với bẩn thỉu, lịch sự với thô tục… người ta chỉ để thùng rác chỗ khuất lấp chứ có ai lại trưng ra trong phòng khách, mà văn chương như phòng khách của tinh thần, không thể quăng bừa rác, uế tạp và thô bỉ lên đó được. Đã có những nhà phê bình, những trang web mang danh ở xã hội hậu hiện đại văn minh đề cao loại văn chương đó, cố công độc đáo hóa cái lập dị, nghiêm túc hóa cái bông phèng, sâu sắc hóa cái vô nghĩa, cao siêu hóa cái tầm thường, và cuối cùng là nhân bản hóa cái phi nhân tính, bởi đã kỳ công đi phân tích mùi thơm của thối rữa, tô vẽ màu sắc cho rác rưởi; cả hai, cả sự sáng tạo và thẩm định, hoàn toàn có thể nói thực chất chỉ là sự xả rác trí tuệ mà thôi”.
Còn tôi không dẫn ra văn chương Hậu hiện đại của các tác giả cụ thể đơn giản là vì tôi sợ mất thì giờ tranh luận.  Còn NVD viết “Thực ra, chủ nghĩa hậu hiện đại ở Việt Nam mới chỉ tồn tại trong sự tuyên truyền của các nhà phê bình nhiều hơn là trong thực tiễn sáng tác” chứng tỏ ông không biết gì đời sống văn học, chỉ tự giam mình trong những khuôn khổ lý thuyết xám xịt.
Xin ông hãy xem những đoạn tôi đã trích trong loạt bài của Inrasara viết về “thực tiễn sáng tác” Hậu hiện đại của người Việt ta (http://www.vanchuongviet.org/vietnamese/vanhoc_tacpham.asp?TPID=7298&LOAIID=33&LOAIREF=1&TGID=730 ), và cũng để cho NTP (ngothachngon@yahoo.com.vn)  nào đó “được đọc thêm về đề tài này”, xem ý phê phán của tôi có phải là “thiển cận” như ông gần như đã tuỳ tiện phê phán tôi không:
 “… có nhóm thơ hay các cá nhân nhà thơ tự/bị đặt mình vào tư thế của kẻ sáng tác ngoài lề, thế đối trọng với các quan điểm được thừa nhận của người cùng thời, cách quyết liệt. Như là định mệnh của người nghệ sĩ hậu hiện đại. Họ là Phan Bá Thọ, Bùi Chát, Lý Đợi, Khúc Duy, Trần Tiến Dũng, Nguyễn Đăng Thường, Đỗ Kh, Nguyễn Hoàng Nam, Khế Iêm,…

Ngôn ngữ thơ Đinh Linh ở “Thơ song nghĩa”(13) là ngôn ngữ trắng, trần, truồng, thứ ngôn ngữ đã được lột bỏ mọi lớp áo ẩn dụ hay biện pháp tu từ, giải trừ mọi mượt mà, ẻo lả, truyền cảm. …
Đấy là ngôn ngữ đời thường, …thi sĩ hậu hiện đại xử sự bình đẳng với chúng. Vú là vú là vú… Tại sao trong khi thơ “đầy tóc, môi và mắt”, đầy bàn tay, bờ vai,… còn vú lại phải xuất hiện sau tấm voan “đôi gò bồng đảo”? Nó cần được bình đẳng, bình đẳng cả lối phát âm địa phương bị cho là ngọng với lối phát chuẩn. … Bùi Chát đẩy sự thể tới tận mút của lối nói “ngọng”…:

Tôi lém lước bọt nên tường
tôi yêu những người đàn bà đang nà chuột jưới cống
tôi thấy em mặc cuần nót mười ngàn ba cái mua ở vỉa hè
xách không nàm tôi tốt hơn                 mỗi khi chủ nhật
tôi nhìn tôi bay chên chời
tôi hành hạ tôi ba bữa
tôi đâm ja
tôi cêu đòi chữ ngĩa…(14)


cái đặc trưng nhất của lối viết hư cấu hậu hiện đại là sự phá vỡ trật tự thời gian, sự phân mảnh, tính lỏng lẻo trong liên kết ý tưởng, sự sáng tạo những cặp vòng tương tác,… thể hiện trong sự rối loạn ngôn từ của kẻ mang chứng bệnh thần kinh phân liệt (schizophrenia). … Phan Bá Thọ… đẩy đến tận cùng của rối loạn: cái rối loạn chỉ có thể hiện hữu trong sáng tác hậu hiện đại:

hemingway & bướm - nguyễn & xe tăng

ông ấy là một người [Mĩ] trầm lặng - ai cũng bảo vậy - với 60 % tính trầm tĩnh + 30 % tư chất của những con người thông minh linh lợi
 từng đoạt chức quán quân trong cuộc bơi xuyên đại dương [từ vịnh con heo đến vịnh bắc bộ] chỉ mất 2 giây 10 %, bơi theo thể thức telephone internet card
về thứ 2 trong cuộc đua năm ấy: phan khôi, mất quãng thời gian [tính từ  tình già đến lúc tình thôi xót xa] vị chi 80 năm chẵn lẻ
 lại nói về ernest hemingway, sau khi cắm cờ trên nóc hầm đờ cát thì được tưởng thưởng & tung hô vinh hiển đủ thứ, được về hà nội ăn phở, nghe hẹn hò & bên cầu biên giới, được phạm duy dắt đi hút thuốc phiện & hát ả đào 2 tháng miễn phí đến sình cả bụng, lại được mang họ mới [nguyễn ernest hemingway] & kết nạp vào hội viên hội nhà văn việt nam [sướng nhé]....
vì ernest chưa hoàn tất cuộc tẩy trần để trở thành nguyễn ernest hemingway chính hiệu nên sau đấy, ông gởi đơn tới tướng nguyễn sơn, xin đầu quân về khu 4, biên chế 50 % ở mặt trận văn nghệ 50 % ở các phòng karaoke máy lạnh hát với nhau. nơi đấy, cứ mỗi 2 chiều một lần ông lại lội ra bãi biển thanh hóa [do đã nhờ kafka hoá trang kỹ lưỡng thành một ông già biển cả hiền từ] vờ, ngồi câu cá thiền định. nhưng cốt chỉ để rình các o du kích mọi nhỏ tắm táp trần truồng cho…monroe…đỡ nhớ.
...& hemingway thì ai cũng biết: đích thị là một người Mĩ trầm lặng. nhưng hắn ta cũng đồng thời lại là một nhà văn việt nam bi bô & láo toét vào loại bậc nhất…(17)


Bài thơ tiêu biểu 04

Trần Wũ Khang
QUÀ TẶNG CỦA QUỶ SỨ

bọn thi sĩ làm thơ – tao khủng bố
lũ trai gái hôn hít nhau – tao khủng bố
thợ may vào xưởng, đám nhóc tan học – tao khủng bố
chúng đánh bạc – tao khủng bố
chúng tắm biển – tao khủng bố
chúng hoảng loạn, chúng bị thương, chúng chết
– tao khủng bố nhà thờ, nhà nước, khách sạn, chợ, nhà thương điên, tàu điện ngầm
nắng, mưa, gió, bão, tắc đường, đồng đôla sụt hay lên giá – tao khủng bố
cha cố giảng đạo, ca sĩ chạy sô, bọn cai trị đè đầu cưỡi cổ thiên hạ, đám tỉ phú vạch dự án làm tiền, bọn khố rách chết đói – tao khủng bố

chúng làm tình
chúng sinh con đẻ cháu
chúng nuôi nấng dạy dỗ nhau
chúng ca ngợi hay tố cáo nhau
chúng giả vờ hay thật lòng với nhau
chúng lo lắng cho SIDA cho lỗ đen cho cách mạng xanh cho cái chết trắng
tao khủng bố

không ai khủng bố – tao khủng bố
thây kệ đứa nào, nhóm đảng nào khủng bố hay không khủng bố – tao khủng bố
tao nhận tao khủng bố, dù là tao hay không phải tao khủng bố
chúng biểu tình lên án tao – tao khủng bố

nhân loại toàn cầu hoá hay quay lại hang ăn lông – tao cũng khủng bố
tao khủng bố dưới đất, trên mặt trăng, tận sao hoả, sao chổi, tao khủng bố mọi mọi sao sao chúng tìm ra triệu triệu năm nữa
kiếp này chết tao tiếp tục khủng bố hằng hà sa số kiếp sau

vui – tao khủng bố; buồn – tao khủng bố; không vui không buồn – tao khủng bố
tao ăn ngủ đụ đái với qua bằng cho khủng bố
chúng chế ra bom, tao mua – tao khủng bố
tao không mua được, tao tự làm lấy – tao khủng bố

KHỦNG BỐ là tên TAO
là việc làm của tao, sứ mạng của tao, tình yêu và thù hận của tao, trò chơi và cuộc chiến của tao, miền đất hứa của tao, hữu thể và hư vô của tao, niềm tin và đam mê của tao, thiên đường của tao…
tao khủng bố tao khủng bố tao khủng bố
khủng bố khủng bố khủng bố
Ngày đăng: 16.6.2008


Bài thơ tiêu biểu 06

Thời kì hậu hiện đại phát triển mạnh với phong trào nữ quyền mới, … Với các tên tuổi: Trịnh T. Minh-hà, Phạm Thị Hoài, Lê Thị Huệ, Lê Thị Thấm Vân, Nguyễn Hương, Đỗ Lê Anh Đào,… và phần nào đó cả ở nhóm Ngựa Trời với “cuộc cách mạng thơ dang dở” của họ nữa. … chỉ bằng một nhát dao, Nguyễn Thị Hoàng Bắc đã cắt đứt cái đuôi hậu tố “nữ”, rất ngọt. Thử thưởng thức:

Ngọn cỏ

tiếng nước đái
                   nhỏ giọt
trong bồn cầu tí tách
thứ nước ấm sóng sánh vàng
                             hổ phách
trong người tôi tuôn ra
phải rồi
tôi là đàn bà
hạng đàn bà đái không qua ngọn cỏ
bây giờ
được ngồi rồi trên bồn cầu chễm chệ
tương lai không chừng tôi sẽ
to con mập phệ
tí tách như mưa
ngọn cỏ gió đùa
(Nguyễn Thị Hoàng Bắc, 26 nhà thơ Việt Nam đương đại, NXB.Tân Thư, Hoa Kì, 2002).

Ngày đăng: 22.6.2008

Nhập lưu HẬU HIỆN ĐẠI CUỐI CÙNG Hay Giải [minh & giải] oan cho một từ

Hậu hiện đại có được [cần] giải minh hay giải oan?
Riêng tôi, trước khi về hưu … cũng cần giải minh cho mình. Về vài chữ mình lỡ xài khi đương chức đương quyền đương đè đầu cưỡi cổ.


LỒN. Đây là từ xảy ra trong tập thơ Chuyện 40 năm mới kể & 18 bài thơ tân hình thức, NXB Hội Nhà văn, 2006. Xin trích nguyên văn cho bà con gần xa thưởng lãm:

Chuyện 14. Thằng hoang

Lớp mười bỏ trường đi hắn kêu
chương trình quá chật, thằng hoang đàng
chuyên chọc ổi trộm bài không học
cũng thuộc ấy. Mười bảy tuổi bỏ

nhà ra đi hắn bảo làng quá
chật, cái thằng to xác siêu sao
ghi không dưới chục bàn một trận
xóm dưới ấy. Bỏ đất ra đi

hắn bảo Phan Rang quá chật. Bỏ
đại học hắn cho giảng đường quá
chật. Tổ quốc quá chật, lễ lạc
ý hệ, văn chương, triết lý quá

chật không chứa đủ hắn, thằng hoang
đãng ấy đang sống chết nơi đâu
Hắn đã tặng cho hoa hậu lớp
Msa một bụng rồi bỏ đi mất

tăm dặn đợi anh em nhé, mười
năm chờ hết nổi nàng chửi gió
đợi nó cho mệt cái lồn vụt
cưới chồng Hamu Crok. Hắn vẫn

không chịu dẫn xác về, nước mắt
bà mẹ tội nghiệp không làm mềm
hắn, bốn mươi năm thằng hoang hủy
hắn dọc ngang chân mây góc phố

nào bà con dòng họ vừa làm
tang hờ nhốt hồn vía hắn vào
cái klong đang rất chật.

Gởi bản thảo cho một nhà xuất bản trước đó, Ban biên tập chỉ đề nghị tôi bỏ ba bài khác chứ không đả động gì đến bài có “nó”. Bốn chị em tuổi trên dưới ba mươi báo cáo anh, “tụi em hội ý nhiều lần thấy không cách nào biên tập được, nên để lại nguyên xi như nó là thế”. Đùng cái, Hội Nhà văn thành phố có quyết định tài trợ in tập thơ. Dĩ nhiên, Hội chuyển bản thảo qua nhà xuất bản khác. Và tập thơ được in nguyên bản.

Gần tháng tập thơ mở mắt chào đời, BBT nhà xuất bản phone cho tôi thu hồi lại số sách tồn đọng, xóa “nó” đi mới phát hành [tặng] tiếp. Tôi nghiêm chỉnh chấp hành.
Chưa hết, sáng hôm sau tôi nhận cú phone của anh Lê Văn Thảo từ Văn phòng Hội Nhà văn: “Sara viết gì mà họ kêu, mậy. Mang hai bản cho tao cói”. Tôi chạy qua Hội. Anh giở ngay “Thằng hoang” nheo mắt dò tìm. – “Nó đâu mất rồi?”. – “Sara bôi rồi!” – “Mầy lấy cái bản chưa xóa cho tao”. Tôi đưa bản khác cho anh, thế thôi.

Nghĩa là tập thơ đã gây xôn xao dư luận!
Bạn thơ đùa: “Tập thơ đó có hai cái nhất: 18 bài thơ tân hình thức đầu tiên đường đường xuất hiện chính thống tại Việt Nam, và ăn theo nó là từ ’lồn’ cũng nghiêm chỉnh ló mặt đầu tiên”. Tôi bảo bạn thử thay cái từ nào khác đi. Ví thay bằng “âm vật”, “âm hộ”, nó vừa thừa chữ với không chuẩn và nhất là không ăn vần; còn nếu thay bằng “l.” thì nó yếu và nghe bị phân biệt đối xử quá đi. “Lồn”: đầy đủ, chuẩn xác và có thể nói, rất đẹp!(2)
… mười
năm chờ hết nổi nàng chửi gió
đợi nó cho mệt cái lồn vụt
cưới chồng Hamu Crok…
Tưởng đến đó là hết chuyện, ai ngờ chuyến đi thực tế cùng đoàn nhà văn thành phố lên Lâm Đồng, một nhà văn cho tôi biết: “nói thật với Sara, nếu không có ‘nó’, thì tập Chuyện 40 năm… đã đoạt cái giải của Hội ta năm ngoái rồi!(1)

Sài Gòn 23.06.2008.
_______________

Ghi chú:
(2) Tôi không chủ trương [và không năng khiếu] dùng từ [lâu nay bị cho là] húy kị trong văn chương, cả ở đời thực cũng vậy: đố ai thấy tôi nói tục bao giờ. Nhưng tôi không thanh cao, đạo đức với văn chương phải ẩn dụ đầy sạch sẽ. “Lồn” lần duy nhất xảy ra trong thơ tôi, tự nhiên như nhiên nên, không thể khác. Và tôi không nỡ xử sự tệ hại với nó. Nó chỉ là một từ, không hơn. Không khiêu dâm cũng chẳng khiêu khích ai. Lạ, trong khi ta mân mó nó, hít hà nó, liếm láp nó mỗi ngày mà ta cứ sợ nó làm dơ văn chương thanh tao ta, hỏi như thế có công bằng không? Hậu hiện đại quyết đánh tan mặc cảm đó.
Ngày đăng: 25.6.2008”
TPHCM
26-2-09