Thứ Tư, 14 tháng 9, 2016

MỘT FAN Ở HÀ NỘI TÌM GẶP NHÀ THƠ TẠI SÀI GÒN

ĐÔNG LA
MỘT FAN Ở HÀ NỘI
TÌM GẶP NHÀ THƠ TẠI SÀI GÒN

       Có mấy người bảo tiếc khi tôi gỡ bài, cô Hòa cũng vừa kêu bảo sao anh gỡ bài? Vậy tôi sửa lại đăng lên. Mất cả buổi sáng viết vất đi cũng tiếc.
        14-9-2016
         ĐÔNG LA

          Tôi được tin báo Cường ở Hà Nội, một độc giả thường đọc tôi viết chính luận, đặc biệt còn là một fan, hâm mộ thơ tôi từ lâu, vào công tác tại TPHCM muốn mời tôi đi nhậu, gọi cho tôi tôi lại không nghe máy.
          Nhậu nhẹt không quan trọng lắm cái chính là tôi muốn gặp Cường, muốn hàn huyên tâm giao. Cường tên thật là Hoàng Công Cường, từng đặt mua sách của tôi, nói thích thơ tôi, tôi cũng đã tặng một tập thơ, tức một người gặp mặt sẽ có nhiều chuyện để nói.
          Tôi gọi cho Cường theo số gọi nhỡ, Cường bảo nhà anh ở đâu em đến quán nào đó gần cho tiện. Tôi bảo thôi, tôi là thổ công, Cường nói ở đâu tôi đến rồi đi đâu thì đi. Tôi đến gặp Cường rồi dẫn Cường đến cái quán tôi cũng đã đến vài lần ở đường Nguyễn Bỉnh Khiêm.
          Hôm nay sau cả hơn một tuần tôi mới kể lại đơn giản là vì tuần qua tôi bị cuốn vào photoshop để chế ra tấm hình sinh động này chơi, khi cần có thể dùng vào việc phù hợp:
          Nếu hiểu photoshop sẽ thấy từ những ảnh “vật liệu” phải qua cả ngàn động tác mới làm thành tấm hình trên. Cái khó với tôi là tôi không học một giây máy vi tính nào cả nên phải tự tìm ra tất cả. Mà khi nào cần dùng mới tìm hiểu chứ tôi không đủ kiên trì tìm hiểu luôn tất cả một lúc vì khả năng khai thác của photoshop đúng như tài nguyên mênh mông.
          Hôm đó, vào quán, Cường nói:
          -Em biết anh lâu rồi do thích thơ anh. Sau này cũng lại rất thích đọc anh viết chính luận.
          -Trên mạng người thích mình cũng nhiều, có ông đại tá nhà báo kỳ cựu, từng được tháp tùng cả Tổng Bí thư, Chủ tịch nước, coi mình như “một phát hiện” của đời làm báo của ông ấy, ổng bảo có tháng lúc nào cũng tuyên truyền về mình, thần giao cách cảm làm mí mắt mình bị giật rất khó chịu phải dán salonpas vào; nhưng cũng bị bọn xấu chửi không ít. Mình không chấp vì coi chúng là sâu bọ rắn rết mà. Vừa rồi đi họp Hội Nhà Văn mình chợt nhận ra cái ngịch lý. Mạng là ảo nhưng lại là nơi người ta thổ lộ tâm tư thật, còn trong đời thực, tay bắt mặt mừng nhưng đa phần lại là ảo, người ta diễn với nhau thôi.
Trên mạng có cái hay là tự dưng hình thành hai phe tốt xấu, đối kháng nhau. Ngược đời ở chỗ bọn xấu lại có nhiều người đồng tình hơn. Mầm loạn chính là ở chỗ đó. Khi loạn thật xảy ra như Ucraina chẳng hạn, lúc ấy người ta mới nhận ra mình sai khi ủng hộ bọn xấu thì đã muộn mất rồi. Như ông Kravchuk đấy, từng cùng Yeltsin và Shushkevich ký Hiệp định đập vỡ Liên Xô nhưng rồi hối hận. Ông ấy bảo nếu biết trước hậu họa như đã xảy ra thì hồi đó nhất định chặt tay đi chứ không thể ký như đã ký. Vì vậy mà mình viết tận từ hồi 1997 cơ, chỉ với mục đích là chỉ ra cái sai, cái dốt của bọn xấu thôi, viết cũng hoàn toàn tự nhiên, thấy sai quá tức thì viết, vì cái chung chứ không vì cái riêng. Vì mình có làm gì đâu mà tranh ăn với ai, đảng viên còn không có nữa là. Thực ra cái bọn quấy rối chúng đều là con đẻ của thế chế cả. Vì tham vọng chưa thỏa, vì ghen ăn tức ở, chúng mới hay bày trò. Chúng luôn lợi dụng những tệ nạn, yếu kém của xã hội mà hồi đương chức chính chúng cũng từng góp phần tạo ra. Bây giờ người tử tế chỉ mong đất nước như có vết thương thì chữa cho lành, còn bọn chúng lại như ruồi nhặng bu vào, chỉ làm vết thương nhiễm trùng nặng hơn, chúng muốn cái đất nước này chết luôn. Khi ấy thì khốn nạn tất chứ có chừa một ai, vậy mà nhiều người lại đi ủng hộ chứ, đúng là dân ngu cu đen!
          -Vậy anh làm ở đâu? Anh sống bằng gì?
          -Thi mình học hóa, ra trường làm ở viện dược 10 năm, công ty thuốc sát trùng khoảng năm năm, rồi nghỉ ra làm tự do tận từ năm 1994 cơ mà. Mình tự chế ra thuốc cho cây cối, dân xài thấy được thì họ mua, vậy là có tiền thôi. Từ chuyện sinh sống, làm nhà dựng cửa, cho con du học tất cả từ tiền đó. Bây giờ con cái lớn rồi, mình nghỉ luôn.
          -Vậy mà em cứ nghĩ anh viết vậy là phải ở cơ quan tư tưởng văn hóa nào đó. Bây giờ mình nói chuyện thơ đi, em rất thích thơ, có làm thơ. Em biết thơ anh cách nay vài chục năm rồi cơ. Hồi đó có cuộc thi bình thơ, người bình bài thơ anh viết về mẹ đoạt giải nhất nên em mới biết thơ anh. Em cũng đọc bài anh bình bài thơ ông Trần Mạnh Hảo mang Hồ Gươm đi. Thật đúng, thật hay mà rất buồn cười. Đúng là người làm thơ nhưng phải có tư duy chính xác như anh mới có thể phân tích được như vậy, ai đọc cũng hiểu.
          -Buồn cười ở chỗ ông Hảo hay chê người ta viết sai tiếng Việt nên tớ mới mất công chỉ cho ông ấy thấy.
          -Vậy thế nào là thơ hay? Theo em nghĩ, cũng như người ta hay nói, thơ hay phải có tư tưởng, có tầm khái quát.
          -Chung chung thì đúng như thế. Nhưng thơ có tư tưởng đến mấy cũng không cao sâu bằng triết học được. Bàn về cái hay của thơ thì mênh mông, riêng cái độc đáo của thơ thì đúng là giống như trời cho vậy. Có những câu viết ra rồi thấy dễ như không nhưng không thể lặp lại được. Như cái bài 4 câu của mình đấy.
Thực ra buổi chiều ấy mình đi ra công viên đầy tuyết trắng ngay cạnh ký túc xá, thấy đứa trẻ con Liên Xô mặc áo ấm tròn như cái kẹo, ngồi trên tấm mê trượt xuống ở cầu trượt tuyết, mình nhớ đứa con gái mới hai tuổi đến đau cả tim, nghĩ mình ở Leningrat nỗi nhớ có về được đến Sài Gòn thì nó phải cong đi, vậy là viết ra ngay trong đầu thôi, có khó gì đâu: Anh xa em gần nửa vòng Trái Đất/ Nỗi nhớ cũng cong theo dáng Địa Cầu.  Mình đổi thành nhớ “em” cho thành thơ tình, bao quát hơn, chứ thực ra là nhớ con khi trông thấy đứa bé đang trượt tuyết. Vậy mà in ra nhiều người thích, có mấy cô còn hỏi mượn để tặng bồ bên Canada, bên Mỹ đấy.
          -Tiếp theo ra sao?
          -Hai câu sau cái hay của nó là cái oái oăm do lệch múi giờ, nỗi nhớ cứ như đuổi bắt, không gặp được nhau: Lúc anh thức là khi em ngủ/ Có bao giờ nhớ và nhớ trùng nhau.
Ông Hữu Thỉnh có cái dở là ông ấy tốt quá, với người xấu tốt gì ông ấy cũng tốt hết, nhưng ông ấy có tài thật đấy. Hai câu mình nhớ không chính xác lắm như: Chị tôi hai mươi năm cứ như đi đò đầy/ Chỉ sợ đắm vì mình còn nhan sắc. Thời chiến tranh sự hy sinh của người phụ nữ nơi hậu phương xa chồng ở nơi trận tuyến thật vĩ đại, câu thơ nói về sự hy sinh nhưng rất con người, vì có nhan sắc là dễ bị đắm nhưng vẫn giữ được mới hay. Hình ảnh được dùng cũng thật là đắt. Cường biết không, ông Thỉnh là thiên tài nịnh người ta, vậy mà khi bốc lên tớ cũng có khả năng nịnh làm Hữu Thỉnh mê ly đấy. Lần đầu gặp ông ấy trong một bữa tiệc, mình cũng làm mấy lon rồi, ồn ào quá nên mình mới ghé tai ông ấy thầm thì:
                   Quàng vai bạn vô tình ta chạm phải
                   Cái cựa mình tin cậy của rừng đêm
          cái cựa mình của thằng đồng đội đực rựa thì ai cũng thấy, còn cái cựa mình của rừng đêm quanh người lính thì chỉ có hồn thơ Hữu Thỉnh mới thấy được thôi. Hữu Thỉnh cứ ngây người ra “Tuyệt! Tuyệt!”. Ngay hồi mới hai mấy tuổi, đến chơi với Chế Lan Viên như ông tổ sư, mình cũng bình thơ của bố ấy luôn mà chẳng có sợ gì cả: Con đi ngủ thì cò cũng ngủ? Cánh của cò hai đứa đắp chung đôi. Lấy cánh cò đắp cho đứa bé đã là lạ rồi, đằng này cánh cò trong thơ chú lại ở tận trong lời ru cơ. Bố Chế cũng tười tít mắt bảo: “Cái Thắm đấy, cái Thắm đấy”, nghĩa là bố làm thơ về Thắm, cô con gái.
          ***
          Nhậu đã đời, tôi chở Cường về khách sạn, lên đánh một giấc. Tỉnh dậy, tôi đi rửa mặt, lấy nước ốp vào mặt mãi mà vẫn không hết ngái ngủ, lại nằm ườn ra giường. Cường cũng nằm, lại nhắc về bài thơ tôi viết về mẹ. Tôi nói, giờ sau 30 năm, là độc giả của chính thơ mình, công nhận là thơ mình được đấy chứ. Hồi ấy làm cứ nhớ lời bà Anh Thơ là “không được giống ai” nên cố viết chứ có tính toán gì đâu:
Cực nhọc vượt qua sáu lăm con dốc của cuộc đời mình
Lần đầu mẹ đến một thành phố
Thành phố còn bình thường
Sao mẹ quá bỡ ngỡ
Bàn chân quen lội bùn run rẩy trên mặt nhựa phẳng gương

          Tôi cứ đọc trước, Cường cũng thuộc nên cùng đọc theo. Tôi bảo:
          -Hai câu kết đúng là bọn trẻ bây giờ không sao hiểu thấu được: Hạt gạo ở đây người ta coi bé nhỏ/ Nhưng quen như ở nhà mẹ cứ mang thùng gạo ra đong.
          Cường như chợt nhớ ra, phải tranh thủ chụp ảnh tự sướng chứ. Tôi bảo:
          -Coi chừng bọn đểu xuyên tạc tao với mày pê đê đấy.
          Cường cười:
          -Vậy em cách anh một tí.
          Tôi cũng lấy cái “aiphôn” ra chụp, Cường khen:
          -Máy anh trông nét thật:
          Điện thoại Cường reo liên tục. Cường bảo:
          -Toàn chiến hữu đấy, thấy em vào là tụ họp, gọi đi nhậu đấy. Hay bây giờ anh đi luôn với em.
          -Thôi mình phải về, cũng có chuyện ông thông gia nhờ mình bốc thuốc cho mẹ ông ấy đau khớp, mình sắc thử một ấm hẹn ông ấy đến lấy.
          -Vậy anh về đi, tối em ở quán nào, em sẽ gọi.
          -OK.
          Tôi chia tay Cường ra về. Nhưng tối trời mưa, đi cũng ngại, Cường gọi bảo kẹt xe quá, tôi được dịp từ chối luôn.
          14-9-2016
          ĐÔNG LA