Thứ Ba, 21 tháng 2, 2017

VÀI LỜI "SỰ THẬT MẤT LÒNG" VỚI PHÙNG TRUYỀN, MỘT TRONG VÀI NGƯỜI TỰ TIN MÌNH GIỎI HƠN EINSTEIN VÀ CẢ NỀN KHOA HỌC

ĐÔNG LA
VÀI LỜI "SỰ THẬT MẤT LÒNG" VỚI
PHÙNG TRUYỀN, MỘT TRONG VÀI NGƯỜI
TỰ TIN MÌNH GIỎI HƠN
EINSTEIN VÀ CẢ NỀN KHOA HỌC

Phùng Truyền mới viết bài BÌNH LUẬN VỀ CƠ HỌC LƯỢNG TỬ trong đó có viết: “Xin chào anh Đông La (Nguyễn Văn Hùng). Rất may mắn là anh không ném đá (phản đối) tôi như các nhân vật Lê Văn Cường và GS Nguyễn Huệ Chi”. Bạn viết chữ “ném đá” là sai bản chất vấn đề vì ném đá mang tính chất bầy đàn mà tôi thì phê phán sự sai trái của họ đàng hoàng chứ không ném đá. Họ có quyền viết bài phản bác, gởi tôi tôi sẽ đăng ngay, thế là công bằng chứ gì, có điều nếu ai hiểu vấn đề thì sẽ thấy họ không thể “cãi lại” được.
Còn những “phân tích” sau khi bạn đọc mấy bài của tôi để trao đổi với tôi thì nói bạn đừng buồn “Bạn chưa hiểu một chút nào vật lý”. Tôi viết hoàn toàn chân thành vì tôi mới biết bạn gần đây, hoàn toàn không có xung khắc gì, trái lại bạn còn nhắn tin cho tôi nói những lời tốt đẹp về tôi, bạn có chia sẻ những bài tôi viết mà bạn tâm đắc, bạn cũng có thái độ giống tôi trong việc phê phán bọn vu khống những người có khả năng ngoại cảm.
***
Bạn chưa viết bài này thì tôi cũng đã đọc và nhận ra những cái sai của bạn và đang phân vân không biết có nên viết ra không vì viết là chắc chắn bạn sẽ mất lòng. Tối qua đang buồn ngủ chợt thấy cuộc cãi nhau của bạn với ông Thái Thượng Triết về vật lý, đọc mà tôi tỉnh ngủ luôn, hơn 2 giờ khuya mới chợp mắt được. Tôi thấy thật khó để làm cho một người như bạn nhận ra cái sai của mình. Nếu bạn là người lạ, hoặc có động cơ xấu như ông Huệ Chi dốt mà ảo tưởng, đi đấu tranh lăng nhăng, quấy rối, hoặc bạn chê tôi chẳng hạn, thì tôi sẽ dễ dàng viết để chỉ ra cái sai của bạn. Đằng này thì không. Nhưng hôm nay bạn đã chủ động trao đổi thì tôi sẽ viết về vài ý của bạn, những ý mà tôi tin bạn đưa cho những ông thầy dạy vật lý, cả những người viết sách mà bạn trích dẫn, họ cũng sẽ thấy bạn sai, còn ai không thấy thì người đó đúng là đã “mất dạy” rồi! Nhưng rồi tôi nghĩ, tôi và bạn đều tin luật nhân quả, tin vào nghiệp của Đạo Phật, tôi thấy bạn sai mà không chỉ tôi chắc chắn phải tội, còn bạn đi tuyên truyền sự sai trái nhưng vô minh thì liệu bạn có tội không?
Bạn viết:
“…Anh có biết tại sao thuyết tương đối của Einstein bị chống đối quyết liệt suốt từ một thế kỷ qua, trong khi các định luật cơ học cổ điển của Newton thì rất ít người chống đối ?
Theo tôi nghĩ là tại vì người ta thấy cơ học lượng tử có một cái gì đó không hợp lý, không phù hợp với cơ học cổ điển…”
Thuyết Tương đối khi mới ra đời mới có người chống đối và nghi hoặc, sau đó khi các thử nghiệm chứng minh nó đúng thì các nhà vật lý không còn ai chống đối nữa và đã tôn vinh Einstein là bác học vĩ đại nhất thế kỷ XX. Còn đến hôm nay mà vẫn chống đối thì người đó hoặc không hiểu vật lý hoặc là dốt.
Viết như trên bạn cũng không hiểu lịch sử vật lý. Trước khi nền vật lý hiện đại ra đời, có những tính toán lý thuyết của vật lý cổ điển và các thí nghiệm mâu thuẫn nhau, như kết quả đo năng lượng phát xạ và kết quả đo vận tốc ánh sáng bằng hằng số, tức nền vật lý cổ điển đã bế tắc. Để khắc phục, Planck đã đưa ra giả thuyết năng lượng phát xạ không liên tục mà từng lượng tử; Einstein đưa ra Thuyết Tương đối hẹp, những lý thuyết kỳ lạ với những nhận thức theo vật lý cổ điển hồi ấy. Nhưng cả hai đã được kiểm chứng đúng và đã đưa nền vật lý hiện đại phát triển với hai cột trụ là cơ học lượng tử và thuyết Tương đối hẹp và rộng. Chúng không chỉ có ý nghĩa về lý thuyết, về nhận thức mà còn là nền tảng cho khoa học ứng dụng và công nghệ phát triển, làm ra biết bao sản phẩm phục vụ con người.
Hiện tại khi các nhà vật lý muốn khám phá cao hơn, sâu hơn vũ trụ, ở cái trạng thái mà các lực cơ bản của tự nhiên đồng nhất (thống nhất được) mới diễn tả được, muốn vậy cần phải dựa trên cả thuyết Tương đối lẫn Cơ học lượng tử.  Có điều thuyết Tương đối và Cơ học lượng tử lại mâu thuẫn khi tổ hợp lại với nhau. Vì thế mà các nhà vật lý mới đi tìm các lý thuyết thống nhất, hiện nay Lý thuyết Dây là có triển vọng nhất và đang ở trên tuyến đầu của hành trình khám phá.
Sự thực là thế chứ không phải như ý bạn “Người ta gọi đây là sự KHỦNG HOẢNG của khoa học
***
Bạn viềt thế này:
Để truy tìm nguyên nhân NỀN MÓNG KHÔNG VỮNG CHẮC trong vật lý hiện đại là một công việc không khó, nhưng cái quan trọng là chúng ta có nhìn thấy được tòa nhà đang nghiêng hay không? Nếu chúng ta nhìn thấy nó nghiêng thì mới sửa chữa, nếu nó không nghiêng, thì chúng ta sửa chữa để làm gì, phải không anh?
Phát hiện đầu tiên của tôi năm 1997 là… HẠT PHOTON KHÔNG CÓ KHỐI LƯỢNG…
Einstein là người đưa ra khái niệm “hạt photon” (hạt sáng). Photon là hạt dẫn truyền năng lượng của sóng ánh sáng, Điều này cũng giống như phân tử chất khí (hoặc chất rắn) dẫn truyền năng lượng của sóng âm thanh.
Phân tử thì có khối lượng, thế nhưng photon thì… không có khối lượng… Vật chất mà không có khối lượng ư? Thật là phi lý
…”
Viết vậy bạn cũng chưa hiểu photon là gì. Photon là hạt truyền tương tác của lực điện từ, bản chất là năng lượng, khi còn là lực nó vô hình mà vật lý gọi là “hạt ảo”. Như điện tử quay quanh hạt nhân được giữ bằng lực điện từ giống như một sợi dây cao su vô hình, khi điện tử rơi vào quỹ đạo thấp hơn thì đoạn thừa sợi dây bị đứt và thoát ra. Đó chính là photon, là năng lượng, tùy theo bước sóng mà mắt người có nhìn thấy hay không, tự lan truyền với vận tốc là hằng số, là giới hạn trên, không vật nào có khối lượng mà có thể đạt được. Bạn nói “photon như chất khí (hoặc chất rắn) truyền năng lượng sóng âm thanh” là chưa hiểu.
Khoa học dù không tuyến tính nhưng là chuỗi logic nên từ nhận thức sai đó bạn đã suy diễn, tính toán sai dây chuyền tiếp theo sau đó.
Từ công thức Plank: E = h.υ và công thức Einstein E=mc2, bạn tính ra m= h.υ/c2, về hình thức là đúng nhưng bạn không hiểu ý nghĩa vật lý. Bạn cho m là khối lượng của photon là sai. Bạn cần phải hiểu photon là năng lượng, mà theo vật lý, đã là năng lượng thì không thể có khối lượng. Khối lượng và năng lượng là hai mặt của một vấn đề, như một tấn thóc bán được bao nhiêu tiền đó, có giá trị tương đương, nhưng thóc không phải là tiền, cũng như vậy, năng lượng không thể là khối lượng. Như một vật được nung nóng tỏa ra nhiệt, không ai có thể cân được độ nóng đó nặng bao nhiêu cả. Ánh sáng cũng như vậy. Công thức Plank chỉ giá trị năng lượng của một photon (giá tiền); công thức của Einstein chỉ mối tương đương giữa khối lượng của bất kỳ chất nào với năng lượng nó tích tụ trong khối lượng đó (thóc – tiền). Nên m bạn tính ra là khối lượng của bất kỳ chất nào tương đương với giá trị năng lượng của photon chứ không phải là khối lượng của photon. Như nung nóng một thanh sắt nó phát xạ 1 photon thì khối lượng nó giảm đi một lượng m bạn tính ở trên.
          Hoàn toàn không có chuyện như bạn viết:
Einstein cho rằng photon không có khối lượng (m = zero) khi ở trạng thái nghỉ (đứng yên). Bởi vì khi photon đứng yên (trạng thái nghỉ) thì tần số (υ = 0) , do đó (m = 0). Khi photon dao động, thì mới có tần-số dao-động (υ > 0) , do đó (m > 0). Như vậy photon chỉ có khối lượng khi ở trạng thái dao động mà thôi.
Thế nhưng khi photon dao động bằng vận-tốc ánh-sáng, thì nó lại cũng không có khối-lượng. Phép biến đổi LORENTZ (thuộc về hình học “phi Euclide” của Bolyai và Lobachevski ) có công thức là: m = mo chia cho căn bậc 2 của {1 – (V2 / C2 )}. Khi photon dao động bằng vận tốc ánh sáng (V = C) thì (V2 / C2) = 1, do đó: [1 – (V2 / C2 )] = 0, suy ra: m = mo / 0 = lớn vô cùng. Lúc đó khối-lượng của 1 hạt photon sẽ vô cùng lớn. Chính vì thế mà Einstein mới đặt lại giả thuyết: “Nếu đạt đến vận-tốc ánh-sáng, thì khối-lượng photon phải bằng zero”.
Chẳng có Einstein nào lại ngớ ngẩn tính toán theo công thức LORENTZ, chính là phương tiện giúp ông phát minh ra thuyết Tương đối hẹp, ra một sự mâu thuẫn để rồi ông giả thuyết ngược lại như vậy. Einstein cũng như toàn bộ nền vật lý cho khối lượng của ánh sáng bằng 0 vì là điều hiển nhiên nên nó mới có vận tốc lớn nhất và bằng hằng số. Viết vậy bạn cũng không hiểu ý vận tốc của ánh sáng là lớn nhất bao hàm trong công thức của LORENTZ mà tất cả những vật có khối lượng không thể đạt được vận tốc đó, nếu đạt được thì khối lượng của nó sẽ tăng theo vận tốc cho đến vô cùng!
Bạn cũng sai khi viết: “khi photon đứng yên (trạng thái nghỉ) thì tần số (υ = 0) , do đó (m = 0). Khi photon dao động, thì mới có tần-số dao-động (υ > 0) , do đó (m > 0). Như vậy photon chỉ có khối lượng khi ở trạng thái dao động mà thôi”. Vì tự nhiên không có chuyện photon đứng yên.
***
Phùng Truyền viết:
“Vì photon không có khối luợng (m). Sóng ánh sáng thì không có gia tốc (a), cho nên trong cơ học lượng tử không tính được lực tương tác (F = m.a) . và do đó không thể thống nhất được 4 trường tương tác. Việc tìm ra khối luơng photon và GIA TỐC DAO ĐỘNG SÓNG năm 1997, đã bổ sung thêm vào kho tàng khoa học vật lý một công thức để tính lực tương tác của dao động sóng điện từ (kể cả sóng âm thanh, sóng nước, sóng điện electron trong dây dẫn…)
F = m.a = m.V2 /λ = m.V.υ
trong đó:
m là khối lượng photon = 0.7x10-35kg
a là gia-tốc dao-động sóng ( m/s2 )
λ là độ dài bước sóng (m)
υ là tần số của sóng (Hz)
V là vận-tốc của sóng điện từ (3 x 108 m/s).
(Mời anh xem thêm chi tiết trên trang: LÝ THUYẾT THỐNG NHẤT CÁC TRƯỜNG TƯƠNG TÁC
https://drive.google.com/…/0B0-TzswGBvziSlhvMms4MHJBMnM/view
Photon đúng là không có khối luợng (m), sóng ánh sáng có vận tốc bằng hằng số đúng là không có gia tốc (a), cho nên đúng là không tính được lực tương tác (F = m.a). Bạn viết như trên vì không hiểu rằng photon là sản phẩm, là hạt truyền tương tác của lực điện từ chứ không phải là lực điện từ. Nó không trọng lượng, không điện tích, chỉ là năng lượng, tự nó không tạo ra lực được, nếu có phải chuyển hóa nó.
Vì thế đoạn trên bạn tự sướng hơi bị vĩ cuồng đấy, nói thế hơi nặng nhưng ngôn ngữ chính xác là thế. Bạn cũng chưa hiểu THỐNG NHẤT CÁC TRƯỜNG TƯƠNG TÁC là gì.
***
Xin nhắc lại, hiện tại khi các nhà vật lý muốn khám phá cao hơn, sâu hơn vũ trụ, ở cái trạng thái mà các lực cơ bản của tự nhiên đồng nhất (thống nhất được) mới diễn tả được, muốn vậy cần phải dựa trên cả thuyết Tương đối lẫn Cơ học lượng tử.  Có điều thuyết Tương đối và Cơ học lượng tử lại mâu thuẫn khi tổ hợp lại với nhau. Vì thế mà các nhà vật lý mới đi tìm các lý thuyết thống nhất.
Trong lịch sử người ta đã thống nhất được lực điện và lực từ thành lực điện từ, rất lâu sau đó Weinberg, Salam đã chứng tỏ  năng lượng cao (lớn hơn 100 GeV), lực điện từ và lực hạt nhân yếu (gây ra sự phóng xạ) hợp thành một lực, được thực nghiệm kiểm chứng nên năm 1979, Salam và Weinberg cùng với Sheldon Glashow đã được tặng giải Nobel Vật lý. Còn "lực hạt nhân mạnh", lực giữ các quark lại với nhau trong proton và neutron cũng có những đặc tính khiến các nhà vật lý cố gắng phối hợp với ba lực trên bằng lý thuyết thống nhất lớn (grand unified theory, hay GUT). Nhưng năng lượng thống nhất lớn có thể phải ít nhất một ngàn triệu triệu GeV. Một máy đủ mạnh để gia tốc các hạt tới năng lượng thống nhất lớn sẽ phải lớn bằng Thái Dương Hệ nên lý thuyết thống nhất lớn vẫn là giả thuyết. Mà dù chứng thực được, lực hấp dẫn vẫn nằm ngoài sự thống nhất đó.
Chính vậy mà hiện tại các nhà vật lý đã đưa ra Lý thuyết Dây đi theo hướng khác, tiếc là giới hạn một bài viết không thể viết ra được. Nếu có hứng rất có thể tôi sẽ viết dịp khác. Đây là một lý thuyết có triển vọng nhất và đang ở trên tuyến đầu của hành trình khám phá.
***
Từ khả năng Phùng Truyền không hiểu ý nghĩa vật lý của các công thức, kể cả các thuật ngữ vật lý đơn giản nhất, như bạn viết: “Ánh-sáng cũng có tính-chất điện-từ như là dòng điện trong dây dẫn” là bạn chưa hiểu gì. Ánh sáng là sản phẩm của lực điện từ, còn dòng điện trong dây dẫn là dòng điện tử, mà dòng điện thì chỉ sinh ra lực từ thôi. Vậy điều đơn giản thế bạn còn chưa hiểu, rồi chỉ bằng mấy phép toán thô sơ, bạn tính ra các lực bằng các trị số vô nghĩa, là bạn “đã bổ sung thêm vào kho tàng khoa học vật lý một công thức” toàn năng, một LÝ THUYẾT THỐNG NHẤT CÁC TRƯỜNG TƯƠNG TÁC mà cả nền khoa học của nhân loại còn đang bí được sao?
Vào facebook, tôi thấy trong số các bạn của Phùng Truyền “like” có người tôi quen, tôi biết. Như Nguyễn Ngọc Hòai, một nhà ngoại cảm tức khả năng thuộc ngoại khoa học thì không nói làm gì, ông BSTS Lương Chí Thành chắc rành về sinh học nên cũng có thể không kể, tôi chỉ lạ là ông Quách Tuấn Ngọc, người tự giới thiệu trên facebook:
*Từng làm Tổng giám đốc điều hành tại MOET-ICT
*Từng làm Nguyên Cục trưởng. tại Cục CNTT. Bộ GD&ĐT
*Từng làm Giảng viên tại Trường Đại học Bách khoa Hà Nội
*Học Traitement de l'information tại Grenoble INP - Institut polytechnique de Grenoble
*Học Vô tuyến điện tại Trường Đại học Bách khoa Hà Nội
*Đã học tại Khối Phổ Thông Chuyên Toán - Trường Đại Học Tổng Hợp Hà Nội
Một người được đào tạo và làm việc như vậy mà không có ý kiến gì về những “phát minh” của Phùng Truyền thì đúng là lạ thật!
Còn tôi rất biết “sự thật mất lòng”, hoàn toàn không muốn làm mất lòng Phùng Truyền, nhưng viết về khoa học mà không viết thẳng, viết thật thì không phải khó mà không thể viết nổi. Tôi cũng không mất thì giờ để tranh luận tiếp vì sự thật khoa học là thế nào thì tôi chỉ ra như thế, Phùng Truyền không nghe, cứ tự tin thì cũng chẳng sao!
21-2-2017
ĐÔNG LA