Thứ Năm, 23 tháng 2, 2017

NỖI KHỔ CỦA NGƯỜI QUÉT RÁC

NỖI KHỔ CỦA NGƯỜI QUÉT RÁC

Đã hốt rác tất phải chịu vấy bẩn và ngửi mùi hôi thối, nhưng rác sinh hoạt hót đi là xong còn loại rác tôi thường hót là rác tri thức thì không thế, bởi nó còn phụ thuộc vào cái óc sinh ra đống rác đó. Nếu có trí thì khi có người chỉ dạy cho, nó sẽ biết là mình đã xả rác làm ô nhiễm nền văn minh nên biết mà dừng lại, tiếc là trong thực tế hầu hết tôi đã gặp đều là loại mất trí, hoang tưởng cả.
Anh Qúach Tuấn Ngọc comment vào facebook của tôi câu chuyện tỏ vẻ hiểu biết về những điều cao siêu chính là cái thực tế tôi đã viết suốt 20 năm qua về cái sự làm dáng trí thức của người Việt. Vì thế mà từ nghiên cứu khoa học, làm thơ, viết văn, được cụ Chế Lan Viên ưu ái, đề nghị trao giải thưởng về thơ rồi giới thiệu vào Hội Nhà Văn TPHCM, gần đây tôi lại được Hội Nhà Văn VN kết nạp thành Nhà Lý luận Phê bình!
Y như câu chuyện của anh Ngọc, có người nào đó đưa ra những điều có vẻ cao siêu rồi nhiều người, thường thuộc lớp đàn em, đàn cháu, học trò chẳng hiểu gì nhưng lại tưởng tượng ra đủ thứ để tung hô. Như cụ Cao Xuân Huy bảo thuyết Tương đối sai, trong triết học không có cặp phạm trù nhân - quả, tâm – vật, không gian – thời gian, tức triết học duy vật biện chứng sai. Một ông GS là học trò cụ Huy viết: “Tôi biết sức mình chưa thể hiểu hết… tôi vẫn muốn coi nó là một hiện tượng đột khởi trong lịch sử tư tưởng triết học Việt Nam, tính từ xưa tới nay”; “tôi muốn nói đây là sự im lặng của núi. Núi của tri thức. Núi của trí tuệ. Núi của sự suy tư, của sự nghiền ngẫm”. Tôi đã viết mấy bài chỉ ra những nhận thức sai trái trên, có bài đã in thành sách, ở đây tôi chỉ nêu ra một ý, cụ Cao bảo người ta nhìn thấy vật gì là do ta cùng bản thể với vật ấy, tôi bảo “cái bản thể còn nguyên đó sao trong bóng tối và người khiếm thị không thể nhìn thấy”? Còn thực tế ta nhìn thấy là vì ảnh của vật qua thủy tinh thể hiện đúng tiêu cự nơi có võng mạc là thần kinh thị giác. Còn ông Nguyên Ngọc khi dịch cuốn Le Degré zéro de l'écriture suivi de Nouveaux essais critiques của Barthes là Độ không của lối viết, tức đã dịch l'écriture thành lối viết, trong khi Barthes quan niệm l'écriture chính là chiều cao sâu của tác phẩm, thể hiện sự dấn thân của nhà văn, “độ không” ở đây là độ không của thái độ viết, tức sự vô cảm, còn Độ không của lối viết là vô nghĩa. Vậy mà Phạm Xuân Nguyên và cả một lũ cũng xúm lại tung hô, còn leo lên được chức Chủ tịch Hội Nhà Văn Hà Nội thì buồn cười thật! V.v…
Trước nay, hầu hết những người tôi phản bác hoặc góy ý đều là những người có địa vị tri thức cao, có danh tiếng, rất ít người phản hồi, kể cả khi tôi đăng báo, in sách và được giải thưởng, có thể họ đã nhận ra vấn đề nên tốt nhất lờ đi là hơn.
Riêng lần này tôi gặp phải một ca khó, một “chân đất”, mù tri thức nhưng lại hoang tưởng mình phát minh ra lý thuyết cả nền khoa học chưa làm được từ những hiểu biết ngô nghê và những phép tính thô thiển vô nghĩa. Ánh sáng là năng lượng nghĩa là không có khối lượng như không ai có thể cân được sức nóng. Khoa học đã kiểm chứng, đã dẫn tới hệ quả vận tốc ánh sáng là hằng số, không vật có khối lượng nào có thể đạt được vận tốc ấy. Vậy mà cứ tùy tiện cho ánh sáng có khối lượng, rồi tính được ra lực, rồi hoang tưởng là đã phát minh ra trường thống nhất, trong khi không biết trường thống nhất là gì!
Nội việc không phân biệt được “nhà văn” với “nhà báo” cũng là chuyện buồn cười. Nhà báo là cái danh được cấp thẻ hành nghề, còn nhà văn là người có các sáng tác văn chương đủ mức tài năng nào đó được Hội Nhà Văn xét kết nạp, công nhận. Dù rằng trong thực tế cũng có những nhà báo được coi là lớn, là tài năng.
Vậy mà các bạn bảo tôi phải tranh luận, Làm sao tôi có thể chỉ cho người mù nhìn thấy, nói cho người điếc nghe được đây? Biết vậy nhưng tôi vẫn viết như đã viết, chủ yếu để cho các bạn đọc không hiểu vật lý hiểu, không vì xã giao mà “like” tùm lum, vô tình mà đẩy người bệnh đến chỗ trầm trọng hơn! Vậy cũng là tạo nghiệp đấy!
Còn tôi tốt nhất là stop tại đây, coi như chưa hót cái đống rác này!
23-2-2017
ĐÔNG LA