Chủ Nhật, 5 tháng 3, 2017

ÂM VANG CỦA MỘT CHUYẾN ĐI

ĐÔNG LA
ÂM VANG CỦA MỘT CHUYẾN ĐI

           
Hôm nay là ngày 8-2 (ÂL), nghĩa là thoắt cái đã tròn một tháng tôi theo “lệnh” của cô Hòa ra chỗ cô dự lễ khai trương công ty trồng dược liệu của cô.
          Tôi ra sân bay buổi chiều, đang xếp hàng xét giấy vào phòng chờ, một cô đã đứng tuổi hỏi:
          -Có phải chú là chú Nhương không?
          -Không phải, hỏi ông Nhương “vé máy bay” phải không?
          -Đúng rồi, cháu trông chú quen quen.
          -Chắc gặp ở chỗ cô Hòa chứ gì? Rồi, vậy thì đi cùng cho vui.
          Vào phòng chờ tôi hỏi:
          -Sao quen cô Hòa?
          -Cháu gặp cô hồi cô giúp tìm hài cốt liệt sĩ ở Xuyên Mộc, cô cảnh báo không nghe để thằng con đụng xe chết đó, rồi thằng em nó cũng bị bệnh cũng phải nhờ cô.
-Vậy là tôi đã gặp và phỏng vấn chồng cô hôm theo cô Hòa xuống nhà thằng Châu rồi còn gì. À, có phải cô Hòa cho thằng chết đó lộn lại, thấy bảo cô sanh đứa con sau này giống nó lắm hả?
          -Vâng, nó giống lắm ạ.
          -Thế là nhà cô là cái nhà làm bánh đa phải không? Tôi đã có lần nhận mấy bịch ông Duật chuyển cho, bảo nhà cô biếu tôi mà.
          -Đúng rồi. À, chú này, trước tết ông Duật bị tai biến đấy, chú biết không?
          Tôi giật mình vì không biết, lặng người ngồi nghĩ vẩn vơ về lẽ vô thường của kiếp người. Từ ngày gặp cô Hòa, trong số “quân” của cô Hòa, ông Duật và gia đình ông ấy là những người tôi gặp nhiều nhất. Tôi từng trên từng cây số lo lắng cho ông này vì những chuyện rắc rối, từng cùng đi Yên Bái cầu cứu cô khi cô còn ở trên đó, luôn nghĩ không biết ông này gánh cái nghiệp gì mà khổ thế? Vậy mà cái khổ của ông ấy không chỉ có thế mà còn vướng trọng bệnh, kể cả gần kề cái chết …          
          Tôi thấy nhà ông Nhương cả một đoàn, anh em, con cháu, dâu rể đủ cả đến, còn có một người trông quen quen hỏi thì nhớ ra là chị dâu cô Hòa ở Bình Dương lên.
          Chúng tôi lên máy bay, sau hành trình quen thuộc lại đáp xuống Nội Bài. Tôi tính gọi cho cô Hòa cho xe đi đón như mọi lần, nghĩ cô bận nên gọi cho Phương. Tôi nói với người chị dâu cô Hòa và cô “làm bánh đa”:
          -Hai bà có muốn về ngay thì theo tôi, xe nhỏ, đoàn đông, còn đồ đạc hoa hoét nữa, họ phải đi chuyến sau.
          Rồi Lịch đánh xe đến đón chúng tôi, đến chỗ cô Hòa, hai người đi cùng xuống đi bộ vào, còn tôi Lịch bảo: “Chú cứ ngồi trên xe, cháu đi vòng có đường vào từ phía sau để chú biết đất của cô luôn”. Thế là Lịch chở tôi theo con đường mới mở như đường Trường Sơn, ngoằn ngoèo qua 22 hecta đồi núi mênh mông mới khai phá, trong đầu không khỏi kinh ngạc, lại phải thú nhận là tôi đã biết nhiều về cô Hòa nhưng vẫn là rất ít nếu so với khả năng và những việc làm thực tế của cô.
          ***
          Lịch chở tôi đến “đại bản doanh” của cô ở vườn vải, nơi đã thân thuộc với tôi nhưng luôn biến đổi khác lạ, phát triển đẹp đẽ hơn:
          Thường cô luôn bận việc gì đó nên muốn gặp cô để chào một câu theo lẽ thường cũng không được, nên tôi “mặc kệ”, đi gặp những người thân quen, còn với cô thì “tùy duyên”, bất ngờ gặp cô chỗ nào đó hoặc tôi đang ngồi tán phét với một nhóm nào đó thì cô chủ động đến. Đợt này vì chú ý chuyện địa phương chặn người dự lễ khai trương nên tôi không nhớ gặp cô như thế nào, chỉ nhớ câu cô hỏi:
          -Các cháu có đi đón anh không?
          -Lịch nó đi đón em cô ạ.
          Ông Duật là người tôi muốn gặp sau cô, xem tình trạng thế nào, và tôi đã thấy, từ một người khỏe mạnh, năng nổ, ông ấy đã thành một “em bé” nhão nhoẹt được ông bạn Diện đồng tuế cõng như thế này đây:
         
          Ông Duật thấy tôi ngồi dậy nói nhưng giọng còn chưa chuẩn. Bà vợ bảo:
          -Hôm nay được cô cứu nên đỡ nhiều rồi đấy, hôm đầu nằm bất động luôn.
          Quyền, một anh chàng tôi gặp nhiều lần ở chỗ cô, nói:
          -Hôm trước cô bảo với bọn cháu đêm… (tôi không nhớ) là chú Duật sẽ “đi” đấy nhưng cô sẽ cứu, nên mọi người phải túc trực bên ông ấy.
          Tôi nghe mà thấy thật ái ngại, thông thường bị tai biến dù thoát chết thì cũng thành tàn phế. Vậy mà hôm qua thật bất ngờ khi thấy ông em Trần Miêu, nhà báo và mới biết có thêm không phải “tài lẻ” mà “tài chẵn”, sáng tác một bài tuyệt hay về cô Hòa gởi email khoe tôi, tôi trả lời “Biết trước rồi!”, đã đưa mấy hình ảnh mới về ông Duật lên facebook phong độ như thế này đây:
          Còn toe toét bên vợ như chàng trai mới lớn được gặp “nàng” trong buổi đầu hò hẹn:
Trần Miêu viết:
“Anh là Trần Nhật Duật, thường trú tại Sài Gòn, quê ở Nghĩa Hưng, Nam Định. Căn bệnh của anh, được Cô báo từ 3 năm về trước. Và rồi nó nhe nanh định cướp anh từ tay người vợ hiền thân thương của anh, có bao sự chứng kiến của đại đia đình Vườn vải, dịp tất niên Bính Thân vừa qua. Ai cũng sửng sốt, một ông to béo vậy, bước chân nhẹ nhàng như voi dẫm vậy mà bỗng...lăn đùng, xõng xoài. Người dìu, người nâng. Ăn, ngủ, rồi...thải, anh chỉ ở một căn lều bạt. Lều vườn vải.
Và rồi lại điều kỳ diệu đến với anh. Điều kỳ diệu chỉ có thể có từ đôi bàn tay nhỏ năng lượng vô biên Vũ Thị Hòa. Anh được uống nước – chai nước giàu năng lượng, cả khi huyết áp 230/90. Thật khó mà tin. Cây đổ bệnh, cây héo rũ, vậy mà rồi dần được tái sinh. Anh được ông bạn đồng niên (Bùi Diện), cùng nhiều người trong tổ ấm Vườn vải, mà trước đó họ chẳng hề biết, chẳng hề thân thích với anh tập trung nâng đỡ. Anh nói được, ngồi lên được. Rồi, đúng như lời Cô nói, chỉ 17-18 tết Đinh Dậu là anh đi được. Quả nhiên vậy. Không thể tả được hết nỗi niềm sung sướng trong anh.
Thân tình hỏi anh. Anh cười hiền, vợ anh cười trong rưng rưng ngấn lệ: Anh sống rồi chú ạ. Trời cao, đất dày cũng chẳng thể ví rộng dài, sâu đậm được như ân đức của Cô. Cả gia đình Vườn vải lại có dịp về nhà anh, về trrong hân hoan từ cõi chết trở về của anh. Hạnh phúc nào bằng”.
***
Chuyện thứ hai cũng là chuyện tôi chú ý. Bùi Kiều Ly đang đẩy xe nôi có một cháu bé thấy tôi nói:
-Con cháu đấy.
-Tóc nó đen quá nhỉ?
Mãi sau đó tôi mới biết sự thật, cháu bé chính là nhân vật thương tâm trong câu chuyện bị mẹ bỏ rơi một thời ồn ào trên mạng:
“Dù không có mối quan hệ máu mủ ruột rà nhưng chứng kiến tình cảnh đáng thương của bé Yến Nhi, bất chấp sự phản đối của gia đình, 9X xinh đẹp người Lào Cai vẫn quyết tâm cưu mang Nhi”.
9X Lào Cao chính là cô gái Phạm Thị Thanh Tâm này đây:
          Từ một cháu bé teo tóp xác xơ như vậy, qua bàn tay tâm đức của hotgirl Thanh Tâm, Yến Nhi đã béo trắng, cô bé ngủ ngon lành trong lòng nhà văn Đông La, luôn dữ với kẻ ác, kẻ xấu, người dốt nhưng hơi bị hiền với con trẻ:
          Như nước chảy về nguồn, hành động nghĩa nhân sẽ hội tụ về trung tâm nhân nghĩa, bản thân tôi có mặt nơi vườn vải cũng xuất phát như vậy, Thanh Tâm đã đưa đứa con tâm đức đến chỗ cô Vũ Thị Hòa, do trải qua biến cố khủng khiếp, thể trạng cháu còn những khiếm khuyết cần nương tựa nơi cô.
          ***
          Một chuyện thường diễn ra nơi cô Hòa là lúc cô rảnh mọi người hay tranh thủ quây quần bên cô nghe cô giảng đạo, đạo làm người. Mà làm người thì ít hoặc nhiều, nhẹ hoặc nặng, ai cũng có tội lỗi. Trước đôi mắt siêu phàm của cô thì tất cả như bị lột truồng hết, chẳng ai giấu được gì, cả chuyện ông Ba già rồi mà còn sung, cô bảo “bà Ba không chịu nổi đâu”. Khác thường ở chỗ bị vạch tội, vạch tật, thậm chí còn bị cô đánh cho vào mặt, nhưng tất cả già trẻ lớn bé, học cao học thấp vẫn cứ bám lấy cô. Đơn giản là vì cô nói đúng quá. Còn với tôi thì hiểu đạo quá dễ hành đạo mới khó, có chuyện biết là tốt đấy nhưng vẫn không thể làm được. Những bài giảng của cô tôi cũng đã thuộc từ lâu vì dù là nhiều chuyện nhưng đều có chung ý nghĩa. Nên kỳ này tôi “chuồn” đi uống trà. Mỗi ngày người ta cũng thường ngóng đợi cô ban “nước thánh” là những chai nước cô truyền năng lượng nóng khoảng 70-800C. Tôi ngồi uống nước với Việt, chồng Huyền, Việt nói:
          -Biết nước của cô là quý nhưng em không ham, càng không mong cô gọi, cô gọi nghĩa là mình có bệnh gì đó rồi, là mệt rồi!
          -Việt nói đúng ý của tớ.
          Cũng như hôm cô chia cao rắn ở nhà ông Duật, người ta được cô chia cho mẩu nhỏ như ngón tay, nhà tôi được gần 1kg và cái mật to như quả trứng gà, có người ganh, vợ tôi bảo: “Chị mang bệnh cho tôi đi tôi nhường hết cho chị!”.
          ***
          Trước lễ khai trương, tôi được MC báo cho biết “Chú được cô chọn cùng mấy người lên cắt băng khai trương công ty đấy”. Dù bị nhiều cản trở, nhưng công việc chính của cô đã thành công rực rỡ. Dù vậy trong tôi vẫn còn bao chuyện buồn lo như viết ở bài trước. Chính tôi đã khuyên cô nên kiếm luật sư vì dù cô là ai thì nhiều luật lệ của đời phàm cô phải theo. Tôi dù giỏi đến mấy cũng không theo cô từng bước, mỗi lĩnh vực cũng có đường đi nước bước riêng của họ. Rồi cô khoe đã tìm được luật sư rồi, có tài lắm, có tâm lắm, hứa là rồi sẽ kiện bọn vu khống đi tù hết. Tôi rất mừng cho cô. Nhưng qua sự việc chính quyền địa phương vẫn tổ chức chặn lễ khai trương như đã xảy ra, xem chừng luật sư chưa làm được bao nhiêu trong việc đòi lại công bằng cho cô! Vì vậy mà tôi vẫn luôn lo cho cô. Đường đạo đường đời luôn vênh nhau mà cô cũng như tất cả những ai hành đạo, nếu không hành ở đời thì hành ở đâu? Có người thần phục cô tuyệt đối bảo cô là Bồ tát rồi, giỏi nhất thế giới rồi, không sợ cái gì cả. Nhưng cô có một mình đâu, còn bao người thân, người quen theo cô. Tôi biết chắc chắn, dù cô có là ai thì cô vẫn mang dáng vóc và tính nết của đời phàm mà cha mẹ đã sinh ra cô. Tôi khuyên cô: “Cô ơi, có chuyện gì cô bảo luật sư thay cô nói chuyện với chính quyền đi, cần thì kiện đàng hoàng, cô cáu lên chửi người ta, từ không có tội thành ra có tội đấy. Mà bọn xấu thì chỉ mong có cớ để hại cô thôi!”
          ***
          Rồi tôi cũng phải lo “về với vợ”, phải báo với cô để cô bảo ai đó đưa tôi ra sân bay. Cô đang giảng đạo, trước mặt cô là Đại tá Sử, tôi ngồi xuống bên cạnh, thấy cô nghe điện thoại, xong cô bảo:
          -Anh Trần Miêu có mời cô và mấy anh chị em đến nhà chơi, cô bận không đi được thì cô sẽ sắp xếp mấy người đi.
          Đại tá Sử:
          -Nhà Trần Miêu xa lắm cô ạ!
          Nghe vậy cô nghiêm mặt:
          -Nói như anh thì còn gì tình nghĩa nữa.
          Thế là đại tá đại tiếc, nhà báo nhà biếc gì cũng gãi đầu gãi tai như chú học trò mắc lỗi trước cô giáo.
          Lựa một thời điểm thuận lợi tôi nói:
          -Cô ơi chiều mai cho em về nhá, cô mua vé rồi.
          Cô cũng nghiêm mặt nói rất nhiều, tôi không ghi âm nên không thể viết chính xác mà chỉ thuật lại những ý chính của cô:
          -Cái ông Đông La này, đọc thiên kinh vạn quyển, tranh luận không ai cãi nổi, vậy mà cái điều đơn giản nhất cũng không hiểu. Ở quê cha mẹ mất rồi thì vẫn còn người anh, thằng em, còn mồ mả tổ tiên, cô đã tính cho một cháu đánh xe đưa anh về quê thăm. Vậy mà chỉ lo về.
          -Trước tết em mới về quê mà cô!
          -Anh về có việc chứ có phải về thăm đâu.
          -Nhưng cô mua vé vậy mà.
          -Đúng là cô mua, nhưng ông ấy còn định về trước một ngày nữa cơ đấy, không có vé nên mới phải chịu ở lại đấy.
          -Vì em cũng nhớ cháu ngoại, vợ em cũng yếu nữa.
          -Thế đấy, lẽ ra mọi người đến với cô là phải mong ở lại đằng này cứ mong về. Hết lý do chăm cháu, chăm gà, chăm gà, chăm lợn. Như ông Dậu đấy, ông sướng quá… ha ha… bảo ở lại không ở, bây giờ chết nhăn răng rồi lấy đâu mà chăm này chăm nọ. Từ nay mọi người nhớ nhé, ông… ông là không bao giờ giữ một ai ở lại nữa nhé… Ông Đông La này được cái chăm lo cho con cái tốt nhưng cô tính cho ông ấy đi thăm vùng có những người đàn bà địu con đi làm nương cơ, vậy mà chúng nó vẫn lớn lên thành người đấy.
          Thế là gay to, cô không cho về thì không ai dám về, mà không về thì đúng là nóng ruột. Tôi nghĩ ngợi lan man, sau đó gặp cô một mình tôi trổ tài thuyết khách:
          -Cô ơi, nếu có việc, cô gọi em ra là em ra, giờ ở đây cô bảo ông Đông La phải cuốc cái ruộng này em sẽ cuốc, còn cô bảo em ở đây đi du lịch thì đúng là có cháu nhỏ ở nhà nóng ruột quá. Mà cô ơi, em còn phải về viết bài đánh cho bọn địa phương này một trận, làm ăn mà nó phá như thế thì làm sao được!
          -Đúng rồi, nhưng anh từ từ hẵng viết nhá, để cô bảo cháu Phương nó gửi mấy tài liệu cho anh. Mà kỳ này mình làm đơn kiện gởi thẳng ông Nguyễn Xuân Phúc luôn!
          Thế là bài toán đã được giải. Sau cả buổi chiều vui vẻ, tiệc tùng tại nhà Trần Miêu, chiều hôm sau tôi và cháu Phúc, con cô, được cháu con Việt, Huyền chở ra sân bay.
          Về Sài Gòn, tôi đã viết bài như đã hứa với cô nhưng cô thấy còn “nhẹ” quá, cô muốn kiện luôn cơ. Cô đã có luật sư, tôi không muốn dẫm chân nhau nên nói với cô là nên để luật sư lo, nếu cần tham khảo thì tôi sẽ góp ý.
          5-3-2017
ĐÔNG LA