Chủ Nhật, 26 tháng 3, 2017

Ngô Quỳnh Lan CHUYỆN LẠ TRONG ĐÊM Ở NGHĨA TRANG HÀNG DƯƠNG

                 CHUYỆN LẠ TRONG ĐÊM Ở
                NGHĨA TRANG HÀNG DƯƠNG

   Lời giới thiệu: Mấy ngày nay dư luận trên truyền thông sôi nổi phản ứng chuyện ông Nguyên Ngọc, Nguyễn Quang A, nhà thơ Nguyễn Duy bịa đặt nữ liệt sĩ anh hùng Võ Thị Sáu là một người "điên"...Rõ ràng họ xúc phạm một liệt nữ cả dân tộc kính trọng. Những người hiểu biết ai cũng thấy được mục đích của họ. Tôi không góp thêm sự phản đối mà xin gửi đến độc giả bài viết của nhà báo Ngô Quỳnh Lan kể chuyện có liên quan đến vấn đề tín ngưỡng Liệt sĩ Võ Thị Sáu. Bài in ở sách "Một thời làm báo" (tập 8), Của Các Nhà Báo Cao Tuổi Tại TP. HCM. NXB Thanh Niên năm 2011.
                      (Một Độc Giả Thân Thuộc của Đông La).

(Nhà báo Ngô Quỳnh Lan)

  "Ngày 30-4-1998, huyện Côn Đảo là đơn vị đầu tiên của cả nước tổ chức lễ dâng hương các liệt sĩ và đồng bào yêu nước hy sinh tại Côn Đảo. Các nghĩa trang Hàng Dương, Hàng Keo và Bãi Sọ Người đều có hàng vạn liệt sĩ quê ở mọi miền Tổ Quốc, từ Mục Nam Quan đến Mũi Cà Mau nằm yên nghỉ nơi đây. 7 giờ sáng ngày 30-4, tôi cùng với quay phim Việt Thắng của VTV (Đài Truyền hình Việt Nam) ra Côn Đảo quay buổi lễ dâng hương và những hoạt động của huyện đảo. Đoàn đi dự lễ dâng hương gồm các đồng chí lãnh đạo của các thời kỳ ở tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu và Đặc khu Vũng Tàu - Côn Đảo nên máy bay hết cả chỗ. Đồng chí Nguyễn Trọng Minh, Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch Ủy ban Nhân dân tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu liền nhường chỗ cho tôi rồi vào ngồi trong buồng lái cùng với các phi công. Tôi cảm động quá chừng!

  Chuyến đi đảo lần này đều là các cựu lãnh đạo của các thời kỳ của Đặc khu và tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu. Chủ tịch tỉnh Nguyễn Tường Minh thường xuyên quan tâm đến các bậc tiền bối của Tỉnh nên đã gửi thơ mời và bố trí máy bay đặc biệt chở các cô chú ra dự lễ. Là một lãnh đạo trẻ, năng nổ, chú Sáu Minh xông xáo trong mọi công việc và luôn tạo điều kiện thuận lợi cho các phương tiện thông tin đại chúng hoàn thành nhiệm vụ.
  Một tiếng rưởi đồng hồ vượt biển, máy bay đáp xuống sân bay Cỏ Ống - Côn Đảo. Sau khi gặp gỡ cán bộ, chiến sĩ và bà con ở huyện thì đoàn nghỉ trưa.
  5 giờ 30 phút chiều, đoàn tập trung tại Ủy ban Nhân dân huyện. 6 giờ, đồng chí Huỳnh Thiện Hòa (Hai Hòa) Chủ tịch Ủy ban Nhân dân huyện Côn Đảo đưa đoàn ra thắp nhang cho chú Lê Hồng Phong và cô Võ Thị Sáu cùng các liệt sĩ ở nghĩa trang Hàng Dương trước khi làm lễ dâng hương. Anh Hai Hòa phổ biến: "Các đồng chí không nên tập trung thắp nhang cho một mộ mà thắp hết cho các mộ để các liệt sĩ ấm lòng". Nghe lời, tôi cứ lom khom thắp cho các ngôi mộ ở xa. Loay hoay thắp nhang, tôi bị cả đoàn bỏ rơi lại hồi nào không hay. Đến khi ngước lên, tôi sợ hết hồn hết vía vì đoàn đã về từ lâu rồi. Một mình tôi còn ở lại nghĩa trang Hàng Dương không có đèn điện, một vùng đất cát rộng mênh mông, mộ lớn mộ nhỏ lớp lớp chồng lên nhau và ở xa nhà dân, chẳng biết chỗ nào là hướng đi ra cổng. Đất, đá lởm chởm, cỏ gai lúp xúp. Hàng vạn liệt sĩ và đồng bào yêu nước khắp mọi miền Tổ Quốc từ thời thực dân Pháp thành lập nhà tù đã yên nghỉ nơi đây. Vào nghĩa trang Hàng Dương chân chúng ta đã vô tình dẫm lên thi thể và mặt, mũi của các liệt sĩ mà chúng ta không ngờ tới. Mộ chưa được xây, chỉ có đất vùi lấp lên và cắm một bia nhỏ hoặc một viên đá, viên gạch bể, đánh dấu chữ chi, chữ thập để hy vọng sau này vợ, con, cháu ra Đảo tìm thấy. Cứ nghĩ đến như vậy mà tim tôi quặn thắt, cảm thấy như mình có lỗi với các liệt sĩ. Đêm ở nghĩa trang Hàng Dương thật tĩnh mịch, yên ắng; trời không trăng, sao, dưới đất không đèn điện, mộ chi chít...mộ. Tôi sợ nổi cả gai ốc. Mặc dù biết chung quanh mình là mộ của các cô, chú, ông, bà liệt sĩ chứ không phải là "ma quỷ" gì. Nhưng mà tôi vẫn sợ lạnh toát cả người. Tôi lo quá! Tối nay mà không có tôi thì không biết Việt Thắng có quay được không nữa? Rồi làm sao gửi kịp ra cho Hà Nội để nhân nhân cả nước được biết hoạt động của Côn Đảo? Chợt trong đầu hé ra một ý nghĩ, tôi liền chắp hai tay lại vái lạy các liệt sĩ ở bốn phía. Tôi khấn cầu thành tiếng hẳn hoi: "Con lạy các ông, bà, cô chú. Con là Quỳnh Lan, vợ của anh Sáu Chương - Phó Chủ tịch huyện Côn Đảo. Con ra Côn Đảo quay phim lễ dâng hương của Côn Đảo để gửi ra Hà Nội phát cho nhân dân cả nước xem. Chú Lê Hồng Phong, cô Sáu và các ông, bà, cô chú liệt sĩ linh thiêng phù hộ cho con tìm được đường ra khỏi nghĩa trang để con về kịp buổi lễ". Tôi không mê tín dị đoan. Nhưng chắc vì tôi có lòng thành nên các liệt sĩ ở nghĩa trang Hàng Dương thương phù hộ độ trì cho tôi. Tôi thấy hiển linh ngay. Vừa dứt lời khấn nguyện thì tự nhiên tôi nhìn thấy và nghe ở dưới đất chỗ tôi đứng một tiếng xẹt nhỏ như ai quẹt diêm hút thuốc lá, rồi một tia lửa nhỏ phụt lên và quay về hướng tay phải của tôi cứ thế mà bay chầm chậm. Tôi cảm thấy như ai đó thúc giục tôi đi nhanh theo tia lửa đó. Tôi liền xoay người lại và đi theo hướng tay phải. Tia lửa dẫn đường cho tôi. Tôi mặc áo dài, đi guốc cao gót nên vội vàng cởi guốc, đi chân đất bước thấp, bước cao theo tia lửa nhỏ. Sợ không đi lịp sẽ bị lạc nên mỗi lần té lên, té xuống, tôi lại lật đật ngồi dậy, xoa đầu gối rồi lại bước đi. Mộ toàn là đá và gai nhọn lởm chởm rất khó đi. Không như sau này xây lại Nghĩa trang có đường tráng bằng xi măng dễ đi. Thật lạ lùng và đúng là tâm linh. Mỗi lần tôi té quỵ xuống thì tia lửa nhỏ đó dừng lại, không đi, như đợi tôi vậy. Tôi cứ theo tia lửa đó mà đi hoài. Chẳng cần đắn đo suy nghĩ, chần chừ, cũng không biết sẽ đi đến đâu nữa; chỉ biết ngoan ngoãn cắm đầu, cắm cổ mải miết theo tia lửa nhỏ cho kịp. Vướng áo dài, tôi liền túm lại và xắn quần thật cao y như lội ruộng. Tuy vậy, tôi vẫn sợ khủng khiếp vì vắng lặng, yên ắng quá chừng. Nếu đi mãi mà không thấy lối ra chắc tôi chết ngất vì sợ và ngủ lại cùng các cô, chú ở nghĩa trang quá! Đang đi, một lúc sau thì bỗng nhiên tôi nghe tiếng xe honda rồ máy. Tôi mừng quá, ráng gọi thật lớn mong người nào đi ngang qua nghĩa trang Hàng Dương nghe thấy mà đưa tôi ra khỏi đây: "Ai đó? Tôi là Quỳnh Lan, vợ của anh Sáu Chương đây! Tôi bị lạc ở nghĩa trang Hàng Dương". Nhưng rồi, không nghe tiếng xe nữa. Lạ thay, đang sợ nhưng nghe được tiếng xe là hết sợ, trở lại bình thường. Rồi tôi lại tiếp tục đi theo tia lửa nhỏ đó giữa trời đêm nghĩa trang Hàng Dương tối mịt. Đi bước thấp bước cao, té rồi lại đứng lên. Chiếc quần trắng lấm lem, rách lỗ chỗ vì bị gai cào, đá nhọn đâm. Đầu gối bị trầy xước. Mặc kệ, tôi vẫn vừa bước đi vừa khấn cầu các liệt sĩ phù hộ. Đi một đoạn lại nghe tiếng xe rồ máy và tiếng nhiều người nói chuyện rì rầm mà không thấy mặt. Tôi mừng quá! Tôi bỗng hết sợ và phấn chấn hẳn lên. Tôi hét thật to mong ai đó nghe được tiếng mình kêu cứu. Một lần nghe được tiếng xe honda và tiếng người nói là tôi hết sợ và cảm thấy phấn chấn trong lòng. Nhưng rồi khoảnh khắc hy vọng đó nhanh chóng tan biến, nhường chỗ cho sự sợ hãi mất hy vọng...Đêm tối mịt mùng, vắng lặng. Nhưng tia lửa đó vẫn bay chầm chậm trước mặt tôi. Tôi cứ thế mà giao tính mạng mình cho tia lửa nhõ dẫn đường đó. Đi một đoạn rất xa, lần này, tôi mới thực sự nghe tiếng gọi của người thật. Tôi nghe gọi: "Chị Sáu ơi! Chị đang ở đâu? Em là Sáu Thái - Chỉ huy trưởng Công an huyện Côn Đảo đây. Em ra đón chị. Chị đừng sợ. Em chẳng biết chị đang ở đâu? Chị cứ đi và vừa đi vừa gọi tên em để em định hướng được chỗ chị đứng nghen chị". Đúng là giọng nói của các đồng chí ở Côn Đảo rồi! Vì Côn Đảo gọi vợ theo tên và thứ của chồng. Tôi mừng quá, trả lời ngay: "Chị đây, chị là vợ của anh Sáu Chương! Chị chẳng biết đứng ở chỗ nào nữa. Vậy chị vừa đi vừa gọi Sáu Thái nghen!". Thế là tôi vừa đi vừa gọi Sáu Thái. Một lúc sau thì Sáu Thái nói với tôi: "Thôi chị đứng lại đi. Em biết chị đang ở chỗ nào rồi. Chị đừng sợ. Em tới ngay đây!". Khoảng vài phút, tôi thấy có ánh đèn pin rọi sáng. Tôi mừng quá gọi: "Sáu Thái hả em? Chị Quỳnh Lan đây!". Ánh đèm pin và Sáu Thái thực sự đứng trước mặt tôi. Thật là trên đời không mừng nào hơn! Tôi hỏi ngay: "Ủa! Sao em biết chị lạc ở nghĩa trang Hàng Dương mà ra tìm? Chị nghĩ chắc đêm nay ngủ lại nghĩa trang Hàng Dương với các cô, chú liệt sĩ rồi đó!". Sáu Thái trả lời: "Về đến chỗ làm lễ, điểm quân, anh Hai Hòa phát hiện không thấy chị. Ảnh lật đật nói em ra nghĩa trang tìm chị ngay. Ảnh lo chị sợ mà chết xỉu. Anh Sáu Chương bắt đền ảnh". Tôi hỏi: "Ủa! Tự nảy giờ có hai ba lần chị nghe tiếng xe honda rồ máy và có tiếng của nhiều người nói chuyện rì rầm nhưng không thấy mặt. Mỗi lần nghe như vậy, chị cũng sợ. Chị gọi thật lớn để báo cho họ đến dẫn chị ra khỏi nghĩa trang nhưng rồi chẳng thấy ai trả lời. Bây giờ mới nghe tiếng em, chị mừng quá trời!". Sáu Thái nói: "Chắc mấy cô, chú liệt sĩ thấy chị sợ quá nên hiện làm tiếng xe rồ máy và tiếng của nhiều người nói cho chị đỡ sợ. Các cô, chú cũng không hiện lên. Chị mà nhìn thấy người giữa nghĩa trang, chắc té xỉu ngay vì phát hiện ra người âm, không phải người trong đoàn đi lạc như chị. Chị hỏi anh Sáu Chương, ảnh nói như em thôi. "Các nghĩa trang Hàng Dương, Hàng Keo và Bãi Sọ Người, dân Côn Đảo sợ ma lắm, không ai dám qua lại đâu. Chỉ có ngày lễ, sáng đi thắp nhang ở mộ rồi về. Tối nay, bà con tập trung hết để làm lễ, có ai đi ngang qua đây đâu mà có tiếng xe và tiếng người nói chuyện". Tôi ngẫm nghĩ lời của Sáu Thái, Chỉ huy trưởng Công an huyện nói mà thấy sởn gai ốc. Tôi bảo Thái: "Ờ! Sáu Thái nói, chị thấy đúng quá. Chắc các cô, các chú thấy chị sợ nên làm tiếng xe rồ máy và nhiều người nói chuyện rì rầm để chị đỡ phát khiếp. Nhưng các vị không hiện lên để chị thấy mặt vì thấy người giữa nghĩa trang Hàng Dương, chị sẽ xỉu ngay. Biết đâu đứng tim chết luôn tại nghĩa trang Hàng Dương". Sáu Thái cười dễ thương và nói: "Đúng là như vậy chị à!".
  Mãi nói chuyện với Sáu Thái, tôi quên mất tia lửa nhỏ dẫn đường. Sực nhớ, tôi liền hỏi ngay: "Ủa! Sáu Thái! Tia lửa nhỏ đâu rồi? Em có nhìn thấy không?" Sáu Thái ngạc nhiên hỏi lại: "Tia lửa nhỏ nào hả chị Sáu? Em hổng thấy gì hết!". Tôi kể: "Hồi nảy, khi chị đứng và phát hiện ra mình bị đoàn bỏ rớt lại. Sợ quá, chị khấn các cô, chú. Bỗng nhiên, sau khi khấn xong, chị nghe một tiếng xẹt như mình quẹt que diêm từ dưới đất phụt lên rồi quay về hướng tay phải của chị mà bay chầm chậm trước mặt dẫn đường và có ai như giục chị đi nhanh theo tia lửa đó, em à! Chị cứ thế mà đi theo tia lửa và rồi gặp được em...". Tôi chậm rãi kể lại chuyện cho Sáu Thái nghe. Sáu Thái nói giọng Nam Bộ dễ thương: "Chị gặp được em rồi nên các cô, các chú yên tâm không cần dẫn đường cho chị nữa". Tôi nói với Sáu Thái: "Em đợi chị chút xíu nghen. Chị quỳ lạy cảm ơn các cô, các chú đã phù hộ chị". Rồi tôi quỳ xuống vái lạy. Sáu Thái chở tôi về chỗ làm lễ dâng hương. Tối đó, tôi và Việt Thắng quay phim được trọn vẹn buổi lễ dâng hương và qua hôm sau, liên tiếp quay những hoạt động của Côn Đảo mừng  kỷ niệm 30-4 giải phóng miền Nam, giải phóng Côn Đảo, kịp gửi ra để Đài Truyền hình Việt Nam phát. Lòng tôi tràn ngập niềm vui hạnh phúc. Những chùm tin Côn Đảo gởi ra được phát đi, phát lại nhiều lần và được đánh giá cao. Tôi tin rằng các cô, chú liệt sĩ và đồng bào yêu nước hy sinh tại Côn Đảo ở trên trời thiêng liêng cũng sẽ rất vui vì các thế hệ con cháu vẫn luôn luôn nhớ đến mình. Sự hy sinh của các liệt sĩ và những đồng bào yêu nước, chiến sĩ vô danh đã đem lại cho Tổ quốc chúng ta một đất nước thống nhất hòa bình và đời sống từng bước được ấm no, hạnh phúc. Sụ hy sinh oanh liệt của các liệt sĩ trở thành "Tượng Đài hoa Bất Tử" giữa Biển Đông chói sáng mãi cho con, cháu muôn đời noi theo.
  Có lần tôi kể về chuyện lạ trong đêm ở nghĩa trang Hàng Dương với tia lửa nhỏ dẫn đường và tiếng xe rồ máy cho các nhà tâm linh nghe thì các anh, chị đều khẳng định: Cô Võ Thị Sáu và các liệt sĩ ở nghĩa trang Hàng Dương rất linh thiêng. Quỳnh Lan may mắn được gặp các cô, chú qua sự xuất hiện của tia lửa nhỏ, hai lần tiếng xe rồ máy và nhiều tiếng người nói chuyện  râm rang để đỡ sợ mà Quỳnh Lan không biết. Các cô, chú không hiện lên cho thấy mặt vì sợ Quỳnh Lan xỉu. Chính các liệt sĩ đã phù hộ cho Quỳnh Lan đó!
  22 năm đã trôi qua, tôi vẫn không bao giờ quên đêm bị lạc ở nghĩa trang Hàng Dương, Côn Đảo. Tôi càng tin rằng: Các ông, bà cô, chú liệt sĩ không bao giờ chết! Các liệt sĩ đang từng giờ, từng phút phù hộ cho đất nước ta bình yên, hòa bình, hạnh phúc và mọi người đều có cơm ăn, áo mặc...Đất nước sẽ giàu mạnh, phồn vinh, sánh vai cùng cường quốc năm châu trên thế giới. Các thế hệ con, cháu chúng ta nhất định sẽ thực hiện đúng như lòng mong ước của các anh hùng liệt sĩ ở nghỉã trang Hàng Dương".                              
                                               Ngô Quỳnh Lan