ĐÔNG LA
NHỮNG KHÚC QUANH CUỘC ĐỜI
(Truyện ngắn)
Người bạn bị ung thư của
tôi có những kỷ niệm để đời với tôi được viết trong cái truyện ngắn này. Trong truyện có câu “Cái chết của cha tôi thật kỳ lạ! Như một sự
sắp xếp tai ác của định mệnh, ông chết vào đúng hôm tôi bay từ Liên Xô về Sài
Gòn”. Người giúp tôi “chạy trốn” khỏi Liên Xô rồi cùng bay về Sài Gòn chính là
người bạn trên: Nguyễn Khắc Kế. Tối hôm tôi và Kế nhậu vui vẻ với nhà vợ tôi ở Hồ Biểu Chánh, Phú Nhuận, thì đúng là lúc
cha tôi chết.
(Tôi
và Kế tại Leningrat, 1990)
Còn bệnh của Kế tôi tính bảo Kế giữ kín, ồn ào ảnh hưởng xấu đến
tâm lý, chưa kể những kẻ ác còn muốn mình chết đi, nhưng Kế đã dũng cảm công
khai, còn vào facebook của tôi comment.
Bước đầu ăn chay bệnh tình của Kế đã có dấu hiệu tốt, lúc phát
bệnh từ lúc chưa có gì sau ba tháng đã mọc mấy u, nay sau mổ cũng đã gần 3
tháng vẫn không có gì, chỉ còn men gan cao. Có lẽ siêu vi B vẫn “quậy”nên
phải trị cả nó.
Kế, bạn tôi, đúng là đang gặp “khúc quanh” của cuộc
đời cũng như tôi từng gặp những khúc quanh và tôi tin Kế cũng sẽ vượt qua
được như tôi đã vượt qua. Vì vậy mà hôm nay muốn đăng lại cái truyện này.
25-3-2017
ĐÔNG LA
|
Từ tận đáy
của những nỗi tuyệt vọng, sự chông chênh của một cuộc sống bất định, bất an,
thiếu thốn, tôi bất ngờ “đổi đời” như có một sự huyền nhiệm. Đúng ra trò khoe
mẽ cũng không hay ho gì nhưng trong chuyện này cũng có nhiều chuyện đáng nói.
***
Tôi sinh tại một vùng quê, cũng gần Hà Nội thôi nhưng cứ thấy xa
thăm thẳm. Bởi muốn về quê, phải đi qua những con đường huyện, đường thôn chi
chít những ổ gà, ổ trâu mà xe chạy trên đó không khác gì chạy dưới ruộng. Quê
tôi cũng có mấy ông làm to. Nghe nói tỉnh đã định sửa đường mấy lần để các cụ
về thăm quê cho đàng hoàng nhưng cứ chuẩn bị khởi công thì các cụ lại chết! Sau
mấy năm đi bộ đội, hòa bình về tôi được đi học, rồi sinh sống luôn tại Sài Gòn;
một mình ở Sài Gòn, không một người thân. Giờ nghĩ lại thấy có chút gì đó phiêu
lưu. Tất nhiên không phải như những trò mạo hiểm mà chính là sự phiêu lưu trên
con đườnng đi tìm thành công ở cõi đời này. Đã có những lần người này người nọ
nói, kể ra tôi là con một ông to; kể ra tôi khôn ngoan… Tôi sẽ được… Nhưng tôi
không có những cái đó. Cha tôi là nông dân, ông là y sĩ nhưng cũng là y sĩ nông
dân. Đời ông không để lại cho con cái của cải gì, ông chỉ để lại cho tôi cái
tính “Mình làm đúng thì không sợ thằng nào hết”. Có thể ông đúng ở một xã hội
thôn quê đơn giản. Nhưng cuộc sống ở đô thị với dằng dịt mối quan hệ không như
thế. Nó cần có một nghệ thuật sống. Tôi rất biết nhưng lại không có. Bởi người
ta sinh ra trên đời luôn mang trong mình dòng máu của cha ông, cái cốt cách của
một vùng đất mà tuổi thơ ta đã lớn lên.
Sau khi tốt nghiệp, tôi cũng được chọn trong số những người đỗ đầu
các chuyên ngành về làm việc tại một viện nghiên cứu về Dược của Bộ Y tế.
Vừa ra trường, được một nơi sang trọng đến rước ngay, được làm
công việc yêu thích, là một điều chỉ có trong giấc mơ của sinh viên. Tôi thực
sự hạnh phúc. Ở nơi này, vốn là những hãng bào chế của chế độ cũ, từ hội trường
lớn, các phòng thí nghiệm lấp loáng những dụng cụ thủy tinh, thư viện, đến các
phòng ăn, phòng tắm… tất cả, tất cả đều sang trọng, sáng choang. Tôi thầm nghĩ,
mình khỏe mạnh, đầu óc không đến nỗi tồi, cha là chiến sĩ giải phóng Điện Biên,
mình thì giải phóng Sài Gòn, còn điều gì phải lo nữa, cứ làm việc cho tốt là
tiến lên thôi…
Bây giờ nghĩ lại mà buồn cười. Tôi nhớ đến bạn bè trong lớp thuở
nào. Sau hơn chục năm ra trường, đứa làm quan, đứa không, đứa làm chuyên môn,
đứa không, đứa giàu, đứa nghèo, đứa hạnh phúc, đứa bất hạnh … Nhưng có điều lạ,
không phải cứ tài năng, cứ thông minh, học giỏi, đức độ hơn thì thành đạt hơn;
nhưng cũng không phải cứ ngu dốt, cứ đểu cáng, gian manh, lừa lọc thì được… Như
có một sự mầu nhiệm, huyền linh trong cõi sống này. Cả cõi sống như một bàn cờ
vĩ đại.
Còn tôi, có thành đạt không? Tôi không biết. Tôi đã có được những
cái mà ngày xưa trong mơ cũng không có, nhưng còn quá nhiều chuyện lẽ ra phải
khác. Người ta bảo ông Trời cũng so đo tính toán lắm, lại còn bảo có luật bù
trừ nữa!
Sau một thời gian về viện, một hôm, vào thời kỳ mà ở viện đã bắt
đầu có những chuyện lộn xộn, anh bạn cùng lớp tên T. đến chơi. Một cuộc gặp gỡ
khó quên. Chính từ nó, một nửa con người tôi vẫn đang lịm ngủ bỗng trỗi dậy, đã
trộn thêm không biết bao nhiêu phức tạp vào cuộc đời vốn đã rất phức tạp của
tôi. Nhưng đến giờ tôi cũng không biết như vậy là tốt hay xấu nữa. T. rủ:
- Tao có bà đồng hương là nhà thơ nổi tiếng (1), bà cũng có một
đứa con gái. Nhà gần đây. Tao với mày sang chơi đi.
Tuổi đôi mươi, nghe thấy có con gái là mắt sáng như sao rồi. Tôi
đi ngay. Nhà bà chỉ cách khu tập thể tôi ở có mấy trăm mét, trong một hẻm nhỏ
yên tĩnh, một trệt, một lầu. Tôi thấy ban-công được phủ kín một giàn thiên lý;
bờ giậu ngoài cửa sổ phòng khách có treo mấy chậu kiểng nhỏ gì đó, luôn túa
xuống những cọng dài, từng khúc, từng khúc lại mọc ra một chùm lá thanh mảnh
mềm mại. Bà trạc tuổi mẹ tôi, khoảng 60, tiếp chúng tôi rất niềm nở, có quan
tâm đến tâm lý người đối thoại. Bà nói, bà muốn tôi thường xuyên đi lại nhà bà
vì nhà neo người. Bà còn hứa sẽ làm mối cho tôi một cô giáo trẻ đẹp lắm. Tôi
ngồi ngắm nhìn một giá sách nhỏ để riêng những tác phẩm của bà, không ngờ từ
lâu đã tồn tại một Hội Nhà văn và đã có biết bao tác phẩm chào đời. Vốn chỉ
thích học Tự nhiên, tôi thực sự chỉ biết nước Việt Nam mình có vài nhà văn, nhà thơ,
mà do phải học môn văn trong trường, tôi mới biết đến mà thôi. Không biết mọi
người có vô tâm với văn chương như tôi không nhỉ? Nhưng tôi biết một cách chắc
chắn rằng, bạn bè cùng học, giới kỹ thuật rất ít đọc sách văn chương; nếu có,
họ chỉ đọc loại văn chương của những tên tuổi mà tầm tư tưởng đủ sức chinh phục
họ.
Chiều ấy, tôi đã tìm mua một tờ Văn nghệ xem văn chương như thế
nào. Tôi đã đọc hoàn toàn hồn nhiên, không bị ràng buộc bởi bất cứ một quy tắc
nào mà những cây bút ít tài lại khệnh khạng, thời gian đã đắp điếm thêm cho bao
hư danh, đã đặt ra cho nghệ thuật; và thấy rất khó đọc. Có một vẻ gì đó lê thê
và khô cứng.
Tôi nghĩ đến những bài thơ đầu tay của mình. Thực ra tôi cũng đã
có làm thơ. Thật lạ, từ một người không bao giờ quan tâm đến văn chương, thế mà
tự dưng lại đi làm thơ. Đó chính là kết quả của mối tình đầu. Tôi đã mang sang
đưa cho nhà thơ xem. Đọc xong bà nói:
- Hình như cháu cũng có năng khiếu. Nhưng thơ cháu chưa được. Thơ
bây giờ phải thực, phải tình cảm, sâu sắc và đặc biệt là không được giống ai.
Đó có lẽ là bài học thơ ca đầu tiên và duy nhất của tôi. Đến bây
giờ thì tôi hiểu thơ ca không phải chỉ có thế. Nhưng hồi ấy nó đã giúp tôi
nhiều trong việc làm ra các bài có thể đăng báo được. Lúc đầu nghe bà nói tôi
tự ái. Không định làm nhà thơ mà cũng tự ái. Đêm ấy tôi cắn bút. Thơ thực thì
dễ, tình cảm cũng dễ, còn sâu sắc thì mông lung lắm biết thế nào. Cứ viết về mẹ
là chắc ăn nhất. Để “không giống ai”, tôi nghĩ mình sẽ chỉ viết ra những cái
chính mắt mình nhìn thấy, những tâm tư của chính mình, và tôi đặt bút viết về
hình ảnh mẹ tôi gánh lúa, một công việc nặng nhọc nhất và cũng là đặc trưng
nhất của những bà mẹ nông dân:
Tuột quai dép dẫm hòn sỏi nhỏ
Xót xa nhớ về bóng mẹ đường dài
Nắng đốt mặt đường đất bốc hơi
Chân đất vai gầy oằn gánh nặng…
Đêm thoáng lạnh trùm chiếc chăn nhẹ
Nhớ gió Bấc khô thổi rụng lá xoan vàng
Mẹ ơi nếp da dầy chân mẹ!
Đã bao nhiêu rồi vết nứt nẻ dọc ngang?
Cứ thế, không khó khăn lắm, sau một lúc thì tôi làm xong bài thơ.
Nhưng có phải là thơ? Có hay không?... thì quả thật tôi không biết.
Sáng sớm hôm sau, tôi sang đưa bài thơ mới làm cho nhà thơ coi.
Tâm trạng hồi hộp như chờ đợi một kết quả thi cử. Không ngờ bà nói:
- Bài này ai làm đây?
- Cháu làm đó cô.
- Cô không tin là cháu đấy. Cháu có tài đấy cháu ạ, mày viết hay
lắm. Nhưng còn phải thế này… thế này… Bây giờ cháu làm tiếp mười bài nữa và
phải nghĩ ra một cái bút danh.
Tôi nghĩ đến quê mình. Ngay đến cả cái huyện to tướng cũng không
bao giờ thấy tên trên báo, huống hồ cái làng bé tí ti kia. Tôi nói:
- Quê cháu là một nơi khỉ ho cò gáy. Cháu muốn tên làng cháu được
in trên báo. Nó là ĐÔNG LA.
Bà nói:
- Tên nghe ngồ ngộ. Thôi cũng được, không lẫn với người khác.
Tôi ra về, bụng mừng lắm, lâng lâng như một kẻ vừa được đặt chân
lên ngưỡng cửa của một khu vườn hứa hẹn nhiều hoa thơm, trái lạ. Tôi nhớ đến
hồi ở ký-túc-xá, dù không chú ý các khoa xã hội, nhưng tôi cũng đã để ý đến
những người ở khoa văn có tác phẩm được đăng, đã thấy ở họ có một cái gì đó hay
hay, huyền bí. Tôi đâu biết chính cái hay hay huyền bí ấy, khi người ta “dính”
vào có thể bị nghiện như chơi, như nghiện một thứ thuốc phiện mạnh nhất. Nó có
thể làm rạng danh một con người, nhưng cũng có thể quật ngã một con người. Làng
tôi có một anh chàng dáng người tiền sử; da đen; trán thấp; mũi ngắn và hếch;
môi thâm; cổ to và ngắn… không hiểu do duyên cớ nào tự dưng muốn trở thành nhà
thơ. Anh chàng một năm đi đóng gạch mấy tháng để chuẩn bị “cơ sở vật chất”, bỏ
vợ để toàn tâm toàn ý cho sự nghiệp. Đêm đêm, trong ngôi nhà như một túp lều,
vách trát bùn, mái rạ, trong bản hòa tấu râm ran, miên man của ếch, của chão
chuộc, của sọt sành… anh chàng làm những bài vè trong quầng sáng tù mù của ngọn
đèn dầu sạm muội khói. Tất nhiên là không thành công. Dù không chỉ một lần, với
chiếc xe đạp cọc cạch, anh chàng đã vượt qua cả chặng đường dài 60km lên Kinh
đô, đã gặp được những nhà thơ hàng đầu nhưng vẫn không thể vượt qua được cửa ải
của chữ nghĩa. Anh ta làm đến khi bị tâm thần thì thôi. Mỗi khi có máy bay bay
qua làng anh ta ra giữa sân chửi:
- Đả đảo bất công! Chúng bay không dìm được ông đâu!...
Thế mà bây giờ tôi cũng làm thơ. Đang là kỹ sư, làm công việc
nghiên cứu ngon lành, lại đi làm thơ. Không biết rồi tôi có bị thơ “vật” cho
như anh chàng cùng làng kia không?
Tất nhiên, đầu óc tôi không thể đồng hạng với anh chàng thôn quê
không thi nổi tốt nghiệp cấp 1 ấy được. Nhưng độ “điên khùng” thì chưa chắc ai
hơn ai. Tôi làm một lèo mấy chục bài chứ không phải chỉ mười bài. Một hôm, khi
đã đọc hết mấy chục bài của tôi, nữ thi sĩ già đã nói với tôi một cách trang
trọng:
- Cháu ạ, cô đã gặp và đào tạo được nhiều nhà thơ trẻ. Có người
bây giờ còn nổi tiếng hơn cả cô. Nhưng cô thấy cháu là thông minh nhất. Có lỗi,
người ta phải hàng tháng, hàng năm mới sửa, mới thay đổi được. Còn cháu thì làm
được ngay. Có lẽ mày rồi sẽ “hậu sinh khả úy” đấy cháu ạ.
Đến lúc này thì không phải là chuyện chơi nữa rồi. Mặc dù không
biết nhà thơ nhận xét mình có đúng không, nhưng bất chợt, tôi cảm thấy mình như
được giao một sứ mệnh cao cả, thiêng liêng. Chưa hề được đăng một chữ nào mà
tôi thấy mình như đã nổi tiếng lắm. Từ đó, giống như anh chàng cùng làng ngày
nào, đêm đêm, tại căn phòng 14
m2 , không cánh cửa sổ, mưa gió hắt đầy nhà mà tôi không
cảm thấy gì, tôi chong đèn làm thơ. Ban ngày thì vẫn đi làm bình thường nhưng
chủ yếu để lĩnh lương chứ không ôm mộng thành tiến sĩ nữa. Dù đã có một thời,
cứ thấy hình ảnh những người mặc áo choàng trắng trong phòng thí nghiệm, lòng
tôi lại dậy lên những xốn xang. Nhưng khi bước vào thực tế, tôi đã bị thất
vọng, tôi ngạc nhiên khi thấy trong lĩnh vực nghiên cứu khoa học uyên thâm này
người ta cũng đấu đá, tranh giành nhau!
Sau đó, sự nghiệp văn chương của tôi có tiến triển. Mà hình như
tôi cũng có thông minh thật. Chỉ sau một thời gian rất ngắn, không chỉ làm thơ,
tôi còn viết truyện ngắn, viết phê bình nữa. Những bài viết đã khiến không ít
người ngạc nhiên. Có người hỏi, tại sao tôi là kỹ sư lại viết được như thế? Tôi
không trả lời. Thế những người không là gì viết thì sao? Nhưng để lại ấn tượng
sâu đậm nhất vẫn là bài thơ đầu tiên được đăng báo. Tôi ngẩn ngơ mất mấy ngày.
Kể hiểu được điều, đăng một bài thơ sẽ có bao nhiêu người đọc nó, có một ai
đồng cảm không? Có lẽ người ta sẽ không mất công xúc động quá như thế! Nhưng
chính cái phép “thắng lợi tinh thần” ấy lại là một thuộc tính của con người,
chính nó đã giúp người ta đứng vững trong cuộc đời có quá nhiều nỗi buồn và lắm
tai ương này!
Thế rồi, qua nhà thơ, tôi đã có một cuộc gặp gỡ quan trọng. Cuộc
gặp gỡ có ảnh hưởng dài lâu đến chí hướng, đến cuộc sống tinh thần và tình cảm
của tôi.
Một lần bà nói:
- Cháu ạ, nếu cháu được gặp ông Chế (2), được ông ấy giúp cho thì
tốt. Nhưng gặp được ông ấy cũng khó, ông ấy tự kiêu mà cũng bận lắm.
Nghẫm nghĩ một lát bà bày mưu:
- Bây giờ cô sẽ đưa cho cháu một chai rượu thuốc mang lên biếu ông
ấy. Nhưng cháu cứ làm quen với cô Thường (3) trước đã. Cô sẽ viết giấy nhờ cô
ấy đọc góp ý cái truyện ngắn mới đăng của cháu. Rồi từ từ có dịp thì đưa thơ
cho ông ấy đọc. Nếu ông ấy mà bảo “được” thì mày nhất định sẽ thành danh.
Tôi mừng lắm. Được gặp một trong mấy nhà thơ lớn của đất nước là
một điều bất ngờ lớn đối với tôi. Hồi nhỏ, dù ghét cay, ghét đắng môn văn nhưng
không hiểu sao tôi vẫn nhớ và yêu mến thơ ông. Một sự yêu mến hồn nhiên. Tôi
còn trẻ, còn tò mò, cứ biết được mặt ông cũng là tốt rồi.
Thế rồi tôi đã đến nhà ông, được gặp ông như gặp một nhân vật của
truyện cổ tích. Nhưng mãi đến dịp Hội Nhà văn Tp HCM tổ chức một cuộc thi thơ
mà ông được mời chấm chung khảo, tôi mới nhờ được cô Thường đưa thơ của tôi cho
ông coi. Sáng đó bà đã nói với ông:
-Anh Hoan (tên ông) ơi, cậu này cũng có làm thơ, cậu ấy có chùm dự
thi đây này, anh coi giúp xem.
- Ông (ông thường gọi tôi vậy, còn tôi gọi ông là “chú” xưng
“cháu”) cũng có làm thơ à? - Rồi sau khi đọc xong, ông reo lên: - Ô, ông làm
được đấy, ông sẽ được giải đấy!
Tôi ngạc nhiên đến độ không còn biết
đến vui mừng nữa vì không hiểu “được giải” nghĩa là thế nào? Sao ông lại cho
giải ngay tại nhà ông? Rồi ông tiếp: “Tôi có thể cho ông giải cao nhất cũng
được, nhưng ông chưa có lực khéo người ta giết ông đấy! Thôi, tôi cho ông đứng
đầu giải 3!” Nói xong, ông còn vào trong buồng, bê ra một chồng vở khổ lớn ra
khoe với tôi một cách hồn nhiên như khoe một người bạn tâm giao vậy:
- Ông biết tôi làm thơ như thế nào không? Khi nào nghĩ ra được một
câu hay tôi chép vào quyển đầu này, khi nào có tứ sẽ phác thảo vào cuốn thứ
hai, tôi đánh mục lục đàng hoàng để hoàn thiện dần.
Từ đó, như một quà tặng của số phận, tôi được trở thành một người
quen thân với gia đình và được ông dành cho nhiều ưu ái. Tôi được nói chuyện
với ông rất nhiều lần. Không hiểu sao tôi lại rất nhớ câu ông tâm sự:
- Sao bây giờ tôi ngại gặp mặt con người quá ông ạ. Tôi chỉ thích
gần cây cối thôi. Vì thế tôi mới chuyển nhà lên tận đây.
Không biết, đây có phải là dấu hiệu mệt mỏi của một cơ thể đã về
già hay là sự mệt mỏi của một cuộc đời đã trải qua biết bao sự phức tạp của
những mối quan hệ giữa con người với con người?...
Rồi cho đến một hôm, viện tôi chọn ra một đội tuyển để đi thực tập
ở nước ngoài, trên dây chuyền tổng hợp Tetracyclin bằng vi sinh. Tôi cũng được
chọn. Dù sao tôi vẫn làm tốt công việc ở viện. Chúng tôi được đi học ngoại ngữ.
Nhưng thật oái oăm, đúng lúc này lại có một cuộc thi truyện ngắn. Thế là vừa
học ngoại ngữ tôi vừa cắm cúi viết một truyện. Cũng chẳng phải lấy ở đâu xa cho
mất công mà viết ngay về những ngang tai trái mắt ở viện mình. Bây giờ thì mới
biết là thậm ngu, vì tự dưng lại đi phê bình người chọn mình đi nước ngoài và
bênh vực một người về hưu! Chẳng có ai lại ngược đời như thế cả. Nhưng lúc ấy
thì tôi không nghĩ thế. Tôi cứ nghĩ mình viết đúng thì không làm sao cả. Mà hơn
nữa, đã dám nhận một sứ mệnh cao cả thì còn phải tính toán gì nữa! Viết xong,
tôi liền gửi báo và sau một tuần thì được đăng. Không ngờ, chuyến ra quân văn
xuôi lần này cũng rầm rộ lắm. Đài thành phố, đài Trung ương dồn dập đọc truyện
của tôi. Về khu tập thể, tôi thấy suy nghĩ của mình cứ oang oang phát trên đài.
Với tâm trạng của một người đang bay trên tầu vũ trụ, tôi núp ngoài cánh cửa
nhà người ta nghe nhờ (vì tôi chưa sắm được đài). Hàng xóm xôn xao, cơ quan xôn
xao, cả ngành xôn xao, mãi tít mù ngoài Bắc quê tôi cũng xôn xao. Mọi người ở
các xí nghiệp đổ xô đi mua tờ báo. Tôi nhận được thư cha tôi chúc mừng: “Thấy
rất mừng là con đã trở thành một nhà văn khá giỏi”. Tôi còn biết, một lần ông
nói với cán bộ xã: “Chúng mày thì là cái chó gì, tao đây này, tao còn là bố nhà
văn đây này!”. Thật tội nghiệp ông. Bởi đúng ra tôi chỉ là một đứa con vô tích
sự. Cho đến lúc ông mất, tôi chưa báo hiếu được một điều gì. Đây chính là nỗi
ân hận lớn nhất của cuộc đời tôi.
Còn đối với lãnh đạo viện, truyện ngắn của tôi như một đòn sấm
sét. Một nhân vật phải về hưu để “thế mạng” cho cả một ê-kíp, trấn an dư luận
(kiểu Tào Tháo mượn đầu quan coi lương trấn an quân lính). Còn tôi, tất nhiên
là không được đi nước ngoài với một lý do thật giản dị, “để đến lần sau”! Cái
lần không bao giờ có!
Thế là chính từ đây, cuộc đời tôi đã bị đẩy tới một khúc
quanh. Cả phòng tôi đi nước ngoài hết chỉ còn lại độc một mình tôi. Rồi tôi bị
cho nghỉ 70% lương, rồi không lương, là hợp lý lắm! Chua chát thay, văn với chả
thơ!
Lúc này, nhà thơ nữ già đã về Bắc. Tuổi già của bà không chịu nổi
nỗi cô đơn ở nơi đây. Bà viết một thư muốn tôi chính thức là con của bà, ra Hà
Nội ở, rồi sẽ thừa kế toàn bộ tài sản vật chất cũng như tác phẩm của bà. Tiếc
là tôi đã làm buồn lòng bà vì tôi đã có vợ và đứa con trai, với tôi không có gì
sánh được với nó. Tôi thì thế nào cũng được, nhưng vợ con tôi sống quen ở Sài
Gòn, làm sao có thể ở Hà Nội? Còn nhà thơ lớn kia thì thật đau đớn, ông đã mất!
Trong một lần khám bệnh, bác sĩ đã phát hiện ra khối u ác trong phổi ông!
Thế là không còn gì nữa. Tôi đã đột ngột từ biệt văn chương như
lúc đầu đột ngột đến với nó. Tôi không hối hận gì cả, chỉ thấy trào lên một
niềm căm giận, mình có làm điều gì sai đâu? Tôi không biết là mình đã thực hiện
một sự phiêu lưu. Làm một việc cần đến sức mạnh mà trong tay lại không có gì
cả. Chiều chiều, tuyệt vọng nằm gác tay lên trán, tôi nghĩ kế sinh nhai. Tôi có
thể chịu được mọi gian khổ, nhưng còn thằng con nhỏ đầu lòng mới sinh của tôi,
tôi đau đớn khi sinh nó ra trên đời mà lại để nó khổ. Tôi không thể đi đạp xích
lô, đi vá xe đạp, vì lỡ là nhà thơ, là kỹ sư rồi! Tôi vùng dậy, đi gõ cửa tất
cả các nơi có dính dáng đến hóa, đến dược. Nhưng người lớn họ quen nhau hết
ráo. Với tai tiếng chuyện viết báo của tôi thì Sài Gòn cũng nhỏ thôi. Không một
nơi nào dám nhận tôi vì đều được báo trước: Nó là nhà văn đấy! Cơ quan làm ăn
mà lại đi nhận một thằng nhà văn tọc mạch là toi ngay mọi chuyện! Một tối! ngồi
xem ti-vi nhờ, diễn vở kịch bộ đội ta đánh sân bay Tân Sơn Nhất, tôi ứa nước
mắt, chửi đổng: “Đ.mẹ! Bố mày cũng từng đánh nhau ở Định Quán, La Ngà, Xuân
Lộc, chôn không biết bao thằng bạn 19 tuổi chết tươi; bây giờ phải chịu nhục
thế này à?! Còn mấy thằng cơ hội thì lại vênh vang, được trọng dụng; lại còn
nước ngoài với nước trong tu nghiệp nữa! Đời thật chó má!” Sáng sau, tôi hầm
hầm đến cơ quan, gặp viện trưởng:
- Các ông mà không cho tôi đi làm là tôi lại viết nữa đấy!
- Anh thông cảm, hiện tại phòng anh đã đi hết rồi, còn có một mình
anh thì làm được việc gì?
- Các ông thật bất công. Các ông đã không cho tôi đi nước ngoài
thì phải xếp việc cho tôi chứ. Không lẽ ở viện này chỉ có phòng “Tổng hợp hữu
cơ” thôi sao?
- Thôi được rồi, anh cứ về đi. Tôi sẽ bàn bạc với ban giám đốc. Có
thể sẽ xếp anh làm tại phòng “Hợp chất thiên nhiên”.
Cũng may, ông viện trưởng là người mới ở trên xuống, thay cho ông
viện trưởng già về hưu, không có “ân oán giang hồ” gì với tôi. Có điều, ông
không “mạnh” lắm, tính ông nhu nhược. Đối thủ chính của tôi là nhóm ông viện
phó thì có thực quyền, thực chất. Trong đó, có một bà còn ghét tôi hơn cả kẻ
thù. Tôi không hiều tại sao, vì thực ra chưa bao giờ tôi đụng chạm tới bà ta.
Bà ta cũng là dân khoa học, cũng là phó tiến sĩ, trưởng một phòng nghiên cứu
khác. Có thể do bà ta ganh với bà trưởng phòng và phòng “Nghiên cứu trung tâm”
của chúng tôi chăng? Bà này còn có bà chị ruột mới lên thứ trưởng, nên rất
“mạnh”. Nhưng người lớn họ cũng khôn lắm. Họ rất hiểu “già néo đứt dây, chó
cùng cắn giận”. Biết đâu, tôi điên lên, lại tương cho một quả lựu đạn là toi
đời! Hơn nữa, đúng lúc này, bộ lại mới giao cho viện một công trình cực kỳ khó
mà cả viện chưa có một ai dám nhận: Chiết xuất thuốc chống ung thư Vinblastin
từ cây dừa cạn.
Thế là tôi lại được đi làm. Khi trong lòng thanh thản trở lại, lần
đầu tiên tôi hiểu được giá trị của những hành vi, của những cách ứng xử, của
nghệ thuật sống trong cuộc đời; mà trước đây tôi chỉ biết đến có khả năng
chuyên môn. Từ một kẻ thất nghiệp tôi lại được trở thành người quan trọng. Tôi
đã nhận đề tài với tâm trạng của một người cưỡi trên lưng hổ và một lời thề
không dính đến văn chương nữa. Phải đứng trước bờ vực chông chênh của sự tồn
tại, người ta mới nhận ra được sự vô nghĩa của những hư danh. Văn chương với
tôi lúc này thực sự là trò vô tích sự. Tôi cũng đã thấy trong cái đền đài nghệ
thuật thiêng liêng ấy cũng có lắm chuyện.
Tôi đã nhận trọng trách chủ nhiệm đề tài và dốc toàn bộ tâm sức
vào làm việc với cung cách của một thủ lĩnh, đứng đầu một nhóm mười đứa, cả
dược sĩ, cả kỹ sư bách khoa phụ trách máy và kỹ sư hóa phụ trách khâu phân
tích, làm sắc ký.
Với dược liệu là cây dừa cạn, chúng tôi tiến hành quy trình qua
nhiều giai đoạn phức tạp. Từ việc chiết xuất, cô đặc, loại tạp, đến việc phân
lập hoạt chất với một tỷ lệ vô cùng nhỏ trong alkaloid toàn phần bằng phương
pháp sắc ký cột. Chỉ sau ít tháng, nhóm chúng tôi đã làm ra được mấy gam loại
thuốc cực kỳ quý và đắt này (Giá thị trường thế giới hàng triệu USD một ký).
Chuyên gia của Pháp, của Ý đã đến thăm nơi làm việc của nhóm chúng tôi. Tôi có
nhiều triển vọng được đi Pháp tham quan, học hỏi thêm.
Trước một kỳ phép, tôi phải trình bầy toàn bộ quy trình chiết xuất
trước hội đồng khoa học của viện. Như một sự báo công, một sự khẳng định, chứng
tỏ năng lực của một người được quay lại làm việc, tôi say sưa trình bầy tất cả
mọi chuyện. Một lần nữa, tôi lại mắc sai lầm. Một người từng trải, khôn ngoan,
không hành động như thế. Muốn tồn tại, người ta phải luôn giữ dịt lấy những bảo
bối.
Tôi đã mang theo về kỳ nghỉ phép một niềm vui của một người vừa
làm được một công việc quan trọng và quay lại cơ quan với hy vọng tràn trề,
chuẩn bị triển khai quy trình với một quy mô lớn. Không ngờ…
Ngay hôm đầu đi làm trở lại, ông trưởng phòng tổ chức tìm gặp tôi.
Ông này cũng bộ đội chuyển ngành, không đến nỗi xấu. Ông nói:
- Bà Mận mới lên viện trưởng thay ông An. Bà ấy có ý định cho ông
nghỉ làm đề tài đấy. Bà ấy bảo ông không hòa đồng với anh chị em. Ông cũng để
cho công nhân làm bể mất cái bình cầu quý 20 lít nữa… Có lẽ ông lại nghỉ một
thời gian, chứ bây giờ không biết xếp vào đâu. Nếu ông kiếm được cơ quan nào
nhận nên chuyển đi.
Tôi bàng hoàng, không tin ở đôi tai mình nữa. Có lẽ nào lại có một
sự vô lý đến như thế?!
Nhưng tôi biết làm sao được khi bà ấy bây giờ đã làm viện trưởng,
chị bà ấy lại làm thứ trưởng. Lẽ phải thuộc về tôi nhưng chân lý luôn thuộc về
kẻ mạnh, đi kiện tôi sẽ thắng nhưng sẽ phải tiêu tốn cả cuộc đời mất. Tôi chỉ
có duy nhất một thứ vũ khí, đó là những bí mật của công việc, thì lại trao cho
kẻ thù mất rồi! Làm sao người ta có thể để tôi làm tiếp để rồi sẽ được đi Pháp,
đi Ý?!
Thế là lần thứ hai, tôi lại thất nghiệp! Tôi đã khóc khi đột ngột
bị dứt ra khỏi công việc đang làm dở dang và cũng mới tìm lại được niềm say mê
quý giá từng đánh mất. Tôi lại được nghỉ ở nhà để mà lại vắt tay lên trán kiếm
kế sinh nhai, kiếm một công việc xứng với cái danh tiếng (không biết có không)
của mình. Đã khó lại còn sĩ và thế mới khổ! Có biết bao hy vọng, thất vọng,
luân phiên trào lên rồi lịm đi, bóp nghẹt tim tôi…
Từ đó, cuộc đời còn tiếp tục giáng cho tôi những đòn chí mạng nữa.
Nhưng tôi không chết đói mà chỉ gầy thôi. Tôi đã từ bỏ tất cả xin đi Liên Xô,
thực chất là đi buôn xuyên quốc gia một chuyến kiếm tiền, nhưng sau sáu, bảy
tháng, không chịu nổi cảnh xô bồ, chụp giật, tôi đã chịu phạt bỏ về. Tưởng đã
cùng đường. Phải đến khi cha tôi mất, sau một giỗ, thì như người ta thường nói,
tôi ĐÃ ĐỔI ĐỜI!
Do sự đổi mới của nhà nước đã mở ra cho tất cả mọi người những cơ
hội để tìm đến sự thành đạt hay do cha tôi phù hộ? Tôi không trả lời được. Tôi
không mê tín, nhưng thật khó phủ nhận sự linh thiêng!
Cái chết của cha tôi thật kỳ lạ! Như một sự sắp xếp tai ác của
định mệnh, ông chết vào đúng hôm tôi bay từ Liên Xô về Sài Gòn. Ông đã để lại
một niềm tiếc thương vô bờ cho dân làng. Bởi bình thường ông hiền như đất và là
một bác sĩ làng rất có uy tín. Có đứa trẻ là con nuôi ông vì đã được ông cứu
sống. Cả đời ông không màng tới một điều gì, tiền tài, danh vọng… Ông chữa bệnh
không lấy tiền. Nhưng ông lại muốn tôi đạt được một cái gì đó để làm vẻ vang
dòng họ!
Từ Sài Gòn, tôi muốn bay ngay về với cha, nhưng không tiền, đành
cắn răng ngồi trên con tầu ì ạch nặng nhọc. Tôi đã gặp lại cha khi người đã bị
dìm sâu dưới một khoảnh đất nghĩa địa ngập ngụa bùn nước. Tôi đau đớn khóc và
thầm nghĩ, ông còn khỏe lắm, mới 69 tuổi! Đêm đêm tôi không ngủ được. Trong
ngôi nhà cổ hoang vu, mênh mông, giăng kín những dải vải trắng, từng đàn dơi
bay phần phật phần phật và tiếng con mèo rền rĩ khóc! Tôi ân hận khôn nguôi vì
chưa làm vui được tuổi già ông!
*
* *
Sau giỗ đầu cha tôi, mọi chuyện hoàn toàn thay đổi. Tôi không cần đến
viện viếc gì nữa vì tôi đã là một ông chủ. Tôi đã đến với nền kinh tế thị
trường như một người lính ra trận. Tôi đã chiến đấu bằng tất cả trí tuệ, bằng
cả nỗi đau. Tôi đã dấn thân vào một cuộc cạnh tranh vô tư, mà sự ngu dốt, ích
kỷ, đố kỵ, gian manh không được bao cấp. Và, cuộc đời không còn thử thách nữa,
tôi đã được trả công. Dường như mỗi bước đi của tôi trong công việc như có một
sự dẫn dắt của thần linh, cái công việc mà tôi đã tự tạo ra được từ chính những
công trình nghiên cứu của mình. Tôi cũng đã tạo ra được một thị trường rộng
khắp nước. Nhờ nó, tôi đã giúp cho nhiều người có việc làm, có người trở nên
giầu có. Vừa rồi tôi có về quê cải táng cha… Tôi đã xây mộ cha và ông nội theo
kiểu nghĩa trang công giáo ở Long An, quê vợ tôi, mà ở quê chưa có, và làm một
bữa tiệc đông vui rất nhiều người tham dự. Nhưng cha ơi! Ở nơi chín suối cha có
biết chăng?
*
* *
Giờ đây, khi đã trà dư tửu hậu, tôi bỗng lại nhớ đến văn chương,
nhớ đến một thời gian khó và những kỷ niệm. Thì ra văn chương không phải là tất
cả cũng không phải không là gì cả. Tôi phải trở lại với nó để tìm sự cân bằng.
Không hiểu sao bây giờ, khi không còn một điều gì nữa khiến tôi phải lo lắng về
miếng cơm, manh áo, nhưng trong lòng vẫn không một giây yên ổn. Phải chăng,
lòng tham của con người cũng có sức hành hạ người ta, làm điêu đứng người ta,
không kém những nỗi bất hạnh, tuyệt vọng?
TPHCM
Viết nhân ngày giỗ thứ 5 của cha 13-5-1995
1) Nhà thơ Anh
Thơ
2)
Nhà thơ Chế Lan Viên
3)
Nhà Văn Vũ Thị Thường
Anonymous •
Bài thơ về mẹ của bạn làm
mình ứa nước mắt đấy.Còn qua câu chuyện đời bạn mình thấy bạn là người có
tài,chắc là thông minh nữa. Bạn làm gì nữa đi,đừng thỏa mãn với cuộc đời sớm
nhé. Mong được nghe đến bạn nhiều lần nữa.
ĐÔNG LA •
Bạn đúng là người có tâm và
hiểu biết. Cảm ơn bạn.
Giuse Lê Thắng •
Rất xúc động bác ĐL ạ. Người
ta thường nói "nghiệp văn chương", với bác có lẽ văn chương đã vận
vào rồi và như là cái nghiệp với đầy đủ ý nghĩa của nó. Bác đã từng là người
giàu có nhưng lại không mãi chạy theo tham vọng giàu có mà lại đi tìm sự cân
bằng trong đời sống cá nhân và mối tương đồng xã hội quả là khác biệt, hiếm có.
Hiểu về con người, hoàn cảnh của bác ắt sẽ có nhiều người yêu mến
hơn. Thậm chí những kẻ mà bác thường gọi là rắn rết, tai trâu...cũng sẽ phải
ngộ ra cái sự phi lý khi họ vào nhà bác để phá phách, "phun nọc độc",
nếu...
Như bác luôn tâm niệm về linh sản mà người cha của bác để lại là “Mình làm đúng thì không sợ thằng nào hết”. Bác đã làm đúng, thậm chí rất đúng, nhưng...
Như bác luôn tâm niệm về linh sản mà người cha của bác để lại là “Mình làm đúng thì không sợ thằng nào hết”. Bác đã làm đúng, thậm chí rất đúng, nhưng...
Sự thật như thuốc đắng, tuy giã tật nhưng khó uống, những góp ý
của bác đều trên cơ sở những viện dẫn chứng minh khoa học và tri thức, người
đồng cảm khi chia sẻ sẽ có thể vỗ đùi một cách vô thức mà buột miệng la lên
rằng "Hay! có lý!"... nhưng những kẻ bị bác phê phán thì lại khác. Họ
sẽ "không đau vì quá đau" mà tìm mọi cách để trả thù, không đủ tri
thức để trả thù thì họ sẽ trả thù vặt như bác thấy: "phun nọc độc"
vào nhà bác, giá như trong cách nói của bác...
Tôi vẫn có niềm tin rằng kẻ cướp của giết người vẫn có cơ hội hoàn
lương nếu cho họ cơ hội để ăn năn, hối cải. Tất nhiên chúng ta còn phải xem
thái độ của họ có thiện chí, thiệt tâm không đã...
Những cái từ dừng lại ở trên: "nếu", "nhưng"
hay "giá như" là những từ dùng để bày tỏ sự nuối tiếc về cái đã qua,
sự nóng nảy đôi khi làm hỏng đi những điều lớn lao hơn mà mình khó nhọc chắt
chiu... Hy vọng, bác ĐL sẽ kìm chế được như bác từng chiêm nghiệm cuộc đời
mình, kiểm soát được như kiểm soát chính hơi thở của mình... thì tốt biết bao!
Vài lời tri giao với bác.
Giuse Lê Thắng
ĐÔNG LA •
Cái truyện này thì tôi hoàn
toàn là tôi.
TT •
Truyện đọc hay!
Lamda •
Thực ra với cuộc đời phải chịu những thăng trầm khá cay đắng vì
cái "nghiệp hư danh văn chương" này chính Đông La phải là người ghét
chế độ này mới phải chứ nhỉ? Thế mà anh lại không, ngược lại còn ca ngợi. Phải
chăng chính trí tuệ và bản lĩnh đã giúp ĐL đứng vững cũng đồng thời giúp anh
nhận biết và phân biệt được đâu là lẽ phải cần hướng tới.