Nguyễn Văn Thịnh
KHÔNG ĐƯỢC XÚC PHẠM
VONG LINH LIỆT SỸ
Ngày
3 tháng 3 vừa qua, tại quán café Sỏi Đá đường Ngô Thời Nhiệm, Quận III, TPHCM,
Ban Vận động thành lập Văn đoàn độc lập (mãi mà chưa biết bao giờ mới thành lập
được) tụ họp phát cái gọi là giải thưởng Văn Việt lần thứ hai cho một số người.
Người
dự chừng vài ba chục, xem ra già nhiều trẻ ít, đủ cả đàn ông, đàn bà, trai, gái
– có thanh lịch không chỉ trời biết, nhưng đều được coi là trí thức. Người có
bằng Tiến sỷ Nguyễn Quang A bao thầu kiêm việc quay phim và dẫn chuyện cho nhà
thơ Nguyễn Duy quen nói hài. Nhà văn Nguyên Ngọc cười nhiều, nói ít và câu động
viên đàn em con cháu có giá nhất của cụ là “Năm sau chúng ta sẽ trao giải
thưởng tại Hội trường dinh Thống Nhất”! Chả hiểu cụ nắm được thiên cơ ra sao
nhưng thiết nghĩ cái mốc năm sau thì chắc chắn là chưa. Cầu mong nhà văn lão
thành sinh năm 1932 được trời thương cho hưởng lộc bách niên mà vẫn giai lão để
được mục sở thị một nhà nước Việt Nam độc lập có chủ quyền sẽ ra sao.
Về cái giải thưởng thì khỏi phải
bàn vì tiền đã có đại gia dân chủ Quang A chịu chi 290 triệu VNĐ cho hai lần
giải. Tuy nhiên có đúng là tiền lần từ hầu bao của vợ ông ra thì khó mà biết
được. Dù sao cũng chẳng hà lạm vào đồng tiền mồ hôi xương máu của dân thì trao
giải cho ai là quyền của các vị. Ai thích cứ tìm mà đọc, khen chê tùy khẩu vị
mỗi người.
Có điều sau đó, các nhà văn dân chủ
bày chuyện tào lao rất vô liêm sỉ là chuyển sang nói chuyện khôi hài về nữ anh
hùng liệt sỹ Võ Thị Sáu!
Tấm gương Võ Thị Sáu – người anh
hùng chết cho muôn đời sau, cả nước từ thiếu niên đến người lớn đều biết hơn
nửa thế kỷ nay với lòng cảm phục và kính trọng.
Cuộc kháng chiến chống các thế lực
xâm lược phương tây thực ra phải kể từ những năm giữa thế kỷ XIX tới gần cuối
thế kỷ XX mới hoàn thành. Một cuộc chiến lâu dài như thế với tương quan lực lượng
giữa người tự vệ với kẻ cướp nước chênh lệch như thế, lại trong bối cảnh thế
giới đảo điên như thế, thì việc giành lại được chủ quyền dân tộc, thống nhất
đất nước, dựng nền độc lập, tưởng như chỉ thấy trong mơ. Niềm vui quá lớn
và nỗi đau cũng lớn. Nhưng biết làm sao. Sách trời định phận cho dân tộc mình
như vậy, phải nhận thôi! Hôm nay, được sống trong hòa bình, ổn định, chăm lo
làm lụng học hành, mong sớm vươn lên bằng người thì càng không ai được phép
quên những người vì nước quên thân. Cùng với việc mau chóng giải đi nỗi đau do
hậu quả chiến tranh để lại, là việc phải thể hiện lòng kính trọng ghi ơn sâu
nặng tới những người hy sinh vì Tổ quốc. Đó là đạo lý truyền thống của con
người ở mọi quốc gia chứ không chỉ riêng ở nước mình. Những anh hùng liệt sỹ
được nêu danh chỉ là một số tấm gương tiêu biểu hiện thân trong biển người tận
trung với nước, tận hiếu với dân. Cách ứng xử thế nào là thể hiện nhân cách của
từng người. Đôi chút lạ lùng thấy trong cuộc họp mặt này có một số người vào
hàng lão trượng và từng có một quá trình cống hiến đáng ghi nhận. Nhìn những vẻ
mặt hớn hở với những cái mồm móm mén nốc cạn chén rượu tây rồi há hốc ra cười
khoái trá lại càng thấy xót xa trong số đó không ít người thản nhiên ăn mày vào
dĩ vãng của đồng bào, đồng chí nhưng lại “vất cha nó quá khứ (của mình) vào
đống rác bên đường mặc cho ruồi nhặng kéo đến làm tình đẻ dòi đẻ bọ chơi” (Ăn
mày dĩ vãng – Chu Lai)! Suy cho cùng thì đó cũng là cái tình đời dung tục khi
xã hội có sự đổi thay xáo trộn. Như ở Liên Xô, sau cuộc chính biến 1991, nhiều
tượng đài lãnh tụ bị xô đổ, nhiều tấm gương anh hùng bất khuất trước quân phát
xít tội phạm của loài người cũng bị làm vấy bẩn, như câu chuyện về người con
gái Nga anh hùng Dôia bị vu là điên. Phan Huy Lê liền học đòi theo đó, mưu toan
xô đổ tượng đài Lê Văn Tám. Cuối tháng 2/2005 tại Hà Nội ông ta công khai tiết
lộ: “Nhân vật lịch sử anh hùng Lê Văn Tám là hoàn toàn không có thật! Tôi (PHL)
đã và đang viết bài để công bố sự thật về nhân vật này trong thời gian sớm nhất”!
Vậy mà mãi bốn năm sau, khi dư luận bức xúc, lờ đi không được, sau khi “tiếp
cận với sự việc càng rõ ràng”, ông ta xuống nước: “Lê Văn Tám không phải là tên
nhân vật lịch sử có thật (đã chắc chưa?) nhưng phản ánh một sự kiện lịch sử có
thật, một tinh thần hy sinh vì Tổ quốc có thật. Đó là một biểu tượng đã đi vào
lịch sử mang tính phổ biến và thiêng liêng”. Bá ngọ con ong! Vậy mà ông ta còn
lý sự: “Mọi biểu tượng hay tượng đài lịch sử chỉ có sức sống bền bỉ trong lịch
sử và trong lòng dân khi được xây dựng trên cơ sở khoa học, khách quan, chân
thực”. Sử học là chuyện liên quan tới con người, giữa thời hiện tại vẫn có
chuyện cần tranh cãi huống chi thời quá khứ hỗn độn mù mờ mà ông đòi hỏi phải
khách quan chính xác, thì sao không thể hỏi: Phan Huy Lê có đích thực là con
của ông Phan Huy Tùng với bà Cao thị? Cho dù y học tiến bộ đến đâu thì nguyên
lý “không có gì tuyệt đối” luôn là chân lý của khoa học khách quan!
Thua keo này bày keo khác, những
người cùng hội cùng thuyền với ông ta bày ra câu chuyện liệt nữ Võ Thị Sáu “chập”,
“khùng”, bị những người kháng chiến lợi dụng vào việc “diệt ác phá tề”, bị bắt
vẫn “nổ” nên chịu án tử hình. Bị giam trong khám tối vẫn luôn miệng hát (những
bài ca cách mạng) và khi đem ra pháp trường vẫn tỉnh queo, lại hái hoa cài lên
mái tóc…! Chẳng lẽ tòa án của nước đại Pháp văn minh với những tên tuổi tỏa
sáng toàn thế giới như Voltaire, Rousseau, Hugo… lại dễ dàng khép án tử hình
một người con gái ở tuổi vị thành niên? Tinh thần bất khuất của người con gái
vùng Đất Đỏ, ngay cả các thế hệ cách mạng tiền bối lúc đó đang bị cầm tù tại
nhà lao Côn Đảo cũng tỏ lòng ngưỡng mộ và lấy đó làm gương. Người viết vẫn có
cảm giác rùng mình mỗi khi nghĩ tới 13 liệt sỹ bị đưa lên đoạn đầu đài ở Yên
Bái ngày 17 tháng 6 năm 1930. Ông Nguyễn Thái Học giơ tay chào mọi người với
lời nhắn lại: “Rồi thế nào cách mạng cũng thành công”! Ông Phó Đức Chính nói: “Đại
sự không thành chết là vinh”! và giật băng bịt mắt đòi nằm ngửa để nhìn lên cỗ
máy chém khổng lồ lao xuống cổ! Cái gì đã làm con người trí thức ở tuổi 23 can
tràng như thế? Người viết chợt nhớ tới mấy câu thơ của Chế Lan Viên: “Lũ chúng
ta ngủ trong giường chiếu hẹp/ Giấc mơ con đè nát cuộc đời con/ Một mái nhà
xinh rủ bóng xuống tâm hôn/ Hạnh phúc chứa trong một tà áo đẹp”. Sự nghiệp của
Cụ Hồ thành công bởi bằng việc làm và tấm gương đạo đức của mình, Cụ đã khơi
dậy lòng yêu nước thương dân tiềm ẩn trong mỗi con người Việt Nam và làm cho tính
người trong mỗi con người lớn vượt trội lên. Phải chăng trong hoàn cảnh đặc
biệt, người ta chẳng nuối tiếc gì khi được chết vì đại nghĩa? Khi liệt nữ Dôia
hiên ngang bước lên giá treo cổ là báo hiệu ngày tận số của quân phát xít! Vào
lúc hừng đông ngày 23/1/1953, khi liệt nữ Võ Thị Sáu hồn nhiên trước họng súng
của bầy lang sói báo hiệu chỉ một năm sau đội lính Lê dương đó nhục nhã theo
nhau xuống tầu về nước!
Trở lại cuộc bù khú chén chú chén
anh giữa thành phố Hồ Chí Minh đang từng ngày từng bước đi lên. Miếng ăn quá
khẩu thành tàn, khi quá chén rồi chẳng còn biết mình là ai nữa, tới mức xúc
phạm tới vong linh anh hùng liệt sỹ thì đâu còn gì để gọi là nhân cách nữa!
Ông Nguyên Ngọc có nhớ ông từng nói:
“Cái cốt yếu của văn chương là tính nhân đạo” và “Văn chương giúp cho con người
không sa xuống thành con vật”. Những lời bộ sậu các ông đang nói có mang tính
nhân văn nhân đạo hay không? Và ngay tại cái quán Sỏi Đá ngày hôm ấy, không khó
nhận ra bao nhiêu con người đã sa xuống cấp do ông nhà văn đàn anh cho sập bẫy!
Đấy là cái tài và cũng là công lớn để đời của ông ta!
Như nhà thơ Nguyễn Duy đấy, ông ta
lỉn xỉn khoa tay múa chân lè nhè kể ra những chuyện nhặt nhạnh ở đầu đường xó
chợ về một người con gái đã bị lũ đầu trâu mặt ngựa trói thúc ké vào cây cọc để
một bầy ma quỷ mắt xanh mũi lõ nhằm thẳng vào cái thân hình bé nhỏ tội nghiệp
ấy mà nhả đạn! Cách đây ngót hai chục năm, lúc sinh thời ông Võ Văn Kiệt, mọi
người còn nghèo, giới văn nghệ sỹ càng nghèo, hẳn ông Sáu thì không. Nhà thơ
Nguyễn Duy được thay mặt giới tài tử văn nhân đọc một bài thơ than thân trách
phận nửa nạc nửa mỡ gây cười, láu cá thọc lét mấy ông lãnh đạo. Lúc ấy nhìn
Nguyễn Duy tội nghiệp mà dễ thương, tấm thân gày, da xám xạm, giọng hài hài, bộ
ria cụp mà chẳng ai chê. Bây giờ vẫn con người ấy, hồng hào, béo tốt, ria nửa
đen nửa bạc, cười nham nhở, giọng đầy hơi rượu nửa đểu nửa hài, thiên hạ kháo
của chìm thì không biết nhưng của nổi ông ấy có hai cái nhà giữa thành phố đấy!
Tất nhiên là với mấy tập thơ hài hài tếu tếu nửa thành thị nửa quê mùa mà chẳng
chứa nội dung gì lớn lao và với mớ rổ rá thúng mủng chổi cùn rế rách đề thơ bán
rao đầu hè quán sách thì chẳng thể có được cơ nghiệp ấy. Chỉ kẻ tiểu nhân mới
ganh với người giàu. Nhưng giàu mà chẳng thành nhân là họa!
Tiến sỹ Nguyễn Quang A thoạt nhìn
hao hao giống Năm Cam. Tuy là giới anh chị nhưng y sướng từ thuở nhỏ nên mày
râu nhẵn nhụi dễ lừa đời và quả là y đã làm cho mấy vị đại quan chết nổi chết
chìm. Còn ông A có một tuổi thơ mồ côi vất vả vẫn còn in vết hằn trên mặt thì
dù có nên danh nên giá lắm của nhiều tiền nhưng chẳng có phép màu nào xóa đi,
chẳng thể lừa ai! Tôi từng một thời là lính chiến, sống chết với anh em bộ đội,
từng nhiều lần chôn cất anh em thương binh tử sỹ trên rừng sâu hay dưới bưng
biền. Nhiều huống cảnh thương tâm lắm, chẳng nên mang nặng trong lòng. Tuy
nhiên tôi cũng biết có những cái chết oanh liệt oai hùng nhưng có những cái
chết hoàn cảnh cần xá cho nhau. Giữa trận mạc giao tranh, mấy ai chứng kiến
được đồng đội mình ngã xuống thế nào. Gặp bạn nằm đấy thì bảo nhau tìm cách tải
về thôi. Làm sao ông A biết tường tận lúc cha mình ngã xuống? Nhưng ông A đã được
hưởng đầy đủ lộc đời. Tổ phụ, tiền nhân mong có đứa đích tôn nhang khói. Xã hội
mong có được một truyền thống như mạch nước ngầm trong trẻo. Một nhà khoa học
háo danh hiếu thắng mà thành tri kỷ tri âm với một nhà văn lão làng tài ba công
tích, dọc ngang nào biết trên đầu có ai, chẳng biết liệu có bền?
Xã hội đang ở trong giai đoạn
chuyển mình lắm điều bức bối. Thiếu gì chuyện để nói để bàn, bày cách cho xã
hội đi lên. Người dân đủ tỉnh táo phân biệt điều hay dở, đúng sai. Nhưng các
nhà dân chủ nhằm mục tiêu trái đạo, làm cho xã hội bất ổn để đục nước béo cò.
Chẳng lạ gì các ông khi đương chức đương quyền thì miệng ngậm tăm, chỉ biết cúi
mặt mà ăn. Nhưng khi hết thời thì tức khí bày trò đòi quyền tự do dân chủ cái
mà các ông đã được hưởng chán chê! Nhà văn Đông La ví von nghe ra hợp lý hợp
tình: Cái nhà dột thì chịu khó lợp chắp vá lại, ở tạm rồi cũng qua, chừng nào
tích góp đủ sức đủ tiền thì làm mới lại. Chớ nghe ai phá phách banh ra giữa lúc
người khôn của khó thì toàn gia lâm cảnh màn trời chiếu đất, nheo nhóc bơ vơ,
chẳng thể trông chờ vào một mái ấm tình thương của ai hứa hão! Nhìn người ngẫm
ta lấy đó làm gương để tự lo liệu cho mình.
Thành phố Hồ Chí Minh ngày 15/3/2017