ĐÔNG
LA
VỀ
CUỘC CHIẾN CHỐNG THAM NHŨNG
TRƯỜNG
KỲ GIAN KHÓ
(Nhân tin về Đinh La Thăng)
2007, khi TT
Nguyễn Tấn Dũng nhận chức, cả nước như lên đồng tin tưởng và hy vọng, nhất là
sau khi ông đối thoại trực tuyến với người dân, một việc chưa có tiền lệ, riêng
tôi lại viết bài phản biện “VÀI SUY NGHĨ VỀ CUỘC
ĐỐI THOẠI CỦA THỦ TƯỚNG” đăng trên Talawas. Phong Uyên, một Việt kiều
Pháp viết: “Đọc
Đông La tôi không thể không liên tưởng tới rượu Pháp có năm đặc biệt ngon được
liệt kê là có "niên hiệu" (millésime). Bài bình luận về những câu trả
lời của Thủ tướng Nguyễn Tấn
Dũng, theo tôi, đáng được "millésimé
năm heo vàng”.
Trong bài đó có đoạn viết về quốc nạn tham nhũng. Với câu hỏi “Thưa Thủ tướng, Thủ tướng sẽ thể hiện quan
điểm Sắt và Sạch như thế nào trong việc chống tham nhũng?” (Lê Thanh (40 tuổi, Nghệ An), Trần Văn
Thanh (36 tuổi, An Giang), Tống Mai Sang (18 tuổi, Hà Nội), Vũ Sang (19 tuổi,
TP. Hồ Chí Minh), Lê Công (17 tuổi, TP. Hồ Chí Minh), Tạ Vinh (Việt kiều châu
Âu)…
Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng trả lời:
“… theo tôi, người lãnh đạo muốn
chống được tham nhũng thì phải có được mấy điều kiện: Thứ nhất là, phải có
quyết tâm chống tham nhũng… phải dám chống tham nhũng dù bất cứ kẻ tham nhũng
là ai, ở vị trí nào, không sợ phức tạp, không sợ bị trù úm, trả thù, mất ghế…
Thứ hai, bản thân anh phải không tham nhũng, không dính đến tham nhũng, không
bao che tham nhũng mới kiên quyết được… phải hiểu biết luật pháp, làm đúng luật
pháp. Đương nhiên, tham nhũng là có tội, nhưng không dám chống tham nhũng hay
chống tham nhũng mà không đúng luật pháp cũng là có tội. Theo tôi, cái khó nhất
trong chống tham nhũng nói gọn lại là ngân sách chưa đủ lo cho đời sống của
công chức. Bên cạnh đó, một bộ phận cán bộ đảng viên, công chức không gương
mẫu, không quyết liệt chống tham nhũng… Thứ hai, Chính phủ đang tập trung chỉ
đạo rà soát các cơ chế, thể chế, thủ tục để bổ sung, hoàn thiện, nhằm ngăn
ngừa, phòng chống tham nhũng…”.
Tôi đã viết:
“Tôi tâm đắc nhất hai ý của Thủ tướng, muốn chống tham nhũng “bản thân anh phải không tham nhũng, không bao
che tham nhũng, không dám chống là có tội”. Qua câu trả lời của thủ
tướng, không ai nghi ngờ quyết tâm chống tham nhũng của ông, có điều những vị
tiền nhiệm của thủ tướng cũng quyết tâm không kém, nhưng tại sao tham nhũng vẫn
mãi là quốc nạn. Như vậy, không thể chống tham nhũng chỉ bằng tinh thần và tình
cảm mà phải bằng biện pháp được thể chế hóa. Không hiểu sao cái công cụ hữu
dụng nhất là minh bạch hóa mà các nước tiên tiến đã sử dụng như: công khai tài
sản, công khai thu nhập, công khai chi tiêu thông qua thẻ tín dụng, nhưng chúng
ta không làm triệt để mà chỉ tiến hành nửa vời hình thức. Chúng ta có đầy đủ
lực lượng thực thi pháp luật nhưng lại đặt dưới sự lãnh đạo toàn diện của Đảng.
Sự lãnh đạo toàn diện nếu mọi người đều đồng lòng hướng về điều tốt sẽ tạo ra
sức mạnh vô địch, nhưng cũng có chuyện ngược lại, người ta cũng hoàn toàn có
thể liên minh toàn diện để làm điều xấu. Vụ Năm Cam đã dẫn là một ví dụ. Vậy
theo tôi, dù xã hội ta dưới sự lãnh đạo toàn diện của Đảng nhưng vẫn cần phải tạo
ra những hình thức sao đó, để mọi hoạt động của mỗi cơ quan đều có sự giám sát
lẫn nhau, không thể phạm pháp được. Vừa qua, rất nhiều vụ án lớn không phải do
các cơ quan thực thi pháp luật phát hiện mà chủ yếu những vụ đó như những nhọt
bọc tự bung vỡ người ta mới thấy: như nợ ngân hàng không trả được, riêng vụ Năm
Cam nếu Hải Bánh không giết Dung Hà chắc bây giờ vẫn chưa bị phát hiện. Như
vậy, còn biết bao vụ phạm pháp được che chắn kỹ như những căn bệnh mãn tính vẫn
đang hàng ngày làm mục ruỗng nền kinh tế cũng như sức mạnh của đất nước chúng
ta? Cuộc chiến chống tham nhũng còn cam go, bởi bài toán về tiền lương chưa
giải được, không ai phấn đấu lên quan chức chỉ để lĩnh đồng lương kém thu nhập
của những bà tiểu thương ở các chợ. Kinh nghiệm chống tham nhũng của ông Lý
Quang Diệu ở Singapore cũng rất chú ý điều đó, ngoài khả năng chuyên môn, ông
chọn những người gia đình có công việc ổn định, thu nhập khá vào nội các để
toàn tâm phục vụ đất nước. Còn ở ta, nhiều cán bộ sử dụng cái ghế làm công cụ sản xuất.
Về giáo dục, với một câu hỏi, Thủ
tướng Nguyễn Tấn Dũng trả lời:
““Nhân tài là nguyên
khí quốc gia”, “Một dân tộc dốt là một dân tộc yếu”, ông cha ta đã đúc kết chân
lý như vậy. Đảng và Nhà nước đã coi giáo dục là quốc sách hàng đầu. Trong suốt
những năm đổi mới vừa qua, chúng ta đã tập trung phát triển giáo dục đào tạo.
Nói một cách công bằng, nếu không quan tâm đến giáo dục đào tạo, chúng ta không
có nguồn nhân lực như hiện nay, không thể đạt được những thành tựu trong quá
trình đổi mới. Đảng và Nhà nước ta đặc biệt quan tâm đến người nghèo, để tạo
điều kiện cho đồng bào ta như Bác Hồ mong muốn “người nghèo cũng được đi học”.
Đây là mục tiêu, bản chất của chế độ ta”.
Dưới thời Bộ trưởng giáo dục Nguyễn
Minh Hiển, ngành giáo dục nước ta có quá nhiều chuyện quái lạ: có học sinh học
cấp hai chưa biết đánh vần, có học sinh học dốt muốn trượt không được, có học
sinh không làm được bài thì hát một bài thầy sẽ cho điểm cao. Bộ trưởng mới
Nguyễn Thiện Nhân mới lên một thời gian đã có công hạ được chỉ số khá giỏi của
học sinh xuống cho gần với sự thực. Nhưng nhiệm vụ chính của bất kể ông bộ
trưởng nào cũng phải làm là đưa chất lượng thực của học sinh lên chứ không phải
kéo xuống. Có lẽ ông Nguyễn Thiện Nhân bận quá còn chưa có nhiều giải pháp cụ
thể cho điều này. Như tôi đã viết vài lần về giáo dục, cái quan trọng nhất là chúng
ta cần phải thay đổi chiến lược đào tạo, phải dạy cho học sinh hiểu biết chứ
không phải thuộc bài, thi cử nhắm vào hiểu biết chứ không phải thi thuộc bài,
cần tạo cho các em tăng tính độc lập suy nghĩ, sáng tạo, học một biết mười chứ
không phải học mười biết một như hiện nay; còn giáo dục đại học cần phải gắn
học đi đôi với hành nhiều hơn, chương trình ở ta nhiều thứ sinh viên học xong
không biết để làm gì, ngược lại, thực tế cần quá nhiều thứ sinh viên lại chưa
được học. Thật buồn khi đến tận hôm nay, một công trình lớn, một dây chuyền
công nghệ lớn, ta đều phải dựa vào trí tuệ nước ngoài. Đóng góp vào ngân sách
chủ yếu vẫn là sản phẩm của tài nguyên, khoáng sản, dịch vụ, gia công, sản phẩm
hoạt động cơ bắp chứ không phải sản phẩm của trí tuệ. Chính vậy, nền kinh tế
của ta mãi là nhỏ. Chỉ số phát triển nền kinh tế của ta là cao nhưng lại của
một nền sản xuất nhỏ, như 10% của 1 triệu chẳng thấm gì khi so với 1% của 1 tỷ.
Không có sự phát triển đột biến về trí tuệ của nguồn nhân lực để tạo ra một nền
kinh tế tri thức thì chúng ta, không phải như ông Trưởng Đại diện Quĩ Tiền tệ
quốc tế (IMF) tại Việt Nam, IL
Houng Lee nói: 197 năm nữa mình sẽ đuổi
kịp Singapore mà là mãi mãi, vì người ta có dừng lại cho mình theo kịp đâu”.
Sau ba năm, cuối năm 2009, trong một
phiên chất vấn Thủ tướng trên diễn đàn quốc hội, ĐẠI BIỂU LÊ VĂN CUÔNG hỏi:
“Tình
hình tham nhũng, lãng phí không những chưa được ngăn chặn, đẩy lùi mà có biểu
hiện hoạt động ngày càng tinh vi, phức tạp… Nhiều vụ án trọng điểm chậm và có
biểu hiện “đầu voi đuôi chuột. Vừa qua Ủy ban Kiểm tra trung ương đã chỉ ra hàng
loạt sai phạm của ban cán sự Đảng tại các tỉnh và bộ ngành trung ương, có nhiều
chủ tịch tỉnh không chấp hành nghiêm ý kiến chỉ đạo của Thủ tướng, đặc biệt có
chủ tịch tỉnh (Hà Giang – HP) năm lần không chịu chấp hành chỉ đạo của Thủ
tướng mà vẫn không bị xử lý. Đề nghị Thủ tướng Chính phủ cho biết nguyên nhân,
trách nhiệm và biện pháp giải quyết?”.
Đại
biểu Trần Thị Quốc Khánh hỏi: “Vì sao Thủ tướng chưa thực hiện hết nhiệm vụ,
quyền hạn được pháp luật giao, nhất là thực hiện quyền miễn nhiệm, cách chức một
số lãnh đạo UBND tỉnh, TP trực thuộc trung ương đã không tuân thủ chỉ đạo của cấp
trên? Thủ tướng còn gặp khó khăn gì hay ngại xử lý cán bộ lãnh đạo cấp dưới có
sai phạm?”.
Thủ
tướng Nguyễn Tấn Dũng trả lời:
“…Xử
lý kỷ luật cũng phải theo trình tự quy định của pháp luật, theo tính chất, mức độ
của từng sự việc, theo quy định của pháp luật và quy định của Đảng. Việc này
Chính phủ cũng như Thủ tướng hết sức cố gắng làm đầy đủ chức năng, nhiệm vụ,
quyền hạn của mình…
Tôi
nhớ đồng chí Phạm Văn Đồng - có lẽ làm thủ tướng lâu nhất - có lần nói chưa xử
lý kỷ luật một đồng chí nào. Hơn ba năm nay tôi làm thủ tướng cũng chưa xử lý kỷ
luật một đồng chí nào, chắc là cũng phải học theo đồng chí Phạm Văn Đồng…”
Thật
bất an khi một vị Thủ tướng kiêm Trưởng Ban chỉ đạo trung ương về phòng chống
tham nhũng trả lời như vậy. Quả thật, qua hai nhiệm kỳ của TT Nguyễn Tấn Dũng,
sự tham nhũng, lãng phí, các đại công ty thua lỗ, các đại dự án ngàn tỷ, chục
ngàn tỷ đắp chiếu là nhiều nhất, nghiêm trọng nhất. Nhiều đơn vị, cá nhân bất
tài, sai phạm đã không bị xử lý lại còn được khen thưởng, lên cao và lên rất
cao nữa. Như trường hợp Đinh La Thăng là một thí dụ điển hình.
Vậy
mà tôi vẫn viết, viết rất nhiều bài bảo vệ chế độ. Có lần cô Hòa gọi: “Anh Đông
La, anh còn viết bảo vệ cái chế độ thối nát này làm gì?”. Tôi trả lời: “Chế độ
này như ngôi nhà dột, nó thối nát nhưng ta còn có nhà mà ở, giờ theo bọn ngu
dốt lưu manh, tay trắng, đập bỏ đi thì biết ở đâu?”. Một lần nói chuyện với
Tướng Nguyễn Ngọc Doanh tôi nói: “Nước mình như đứng trước hai thằng, một kẻ
giết người và một thằng ăn cắp, cháu phải bảo vệ thằng ăn cắp chống lại thắng giết
người trước, còn thằng ăn cắp thì tính sau”.
Như
vậy trước hai cái xấu, ta phải bảo vệ cái xấu ít hơn, chứ một dân oan mãn tính
như tôi sao không biết những yếu kém, tệ nạn của xã hội? Có điều nếu các vị
lãnh đạo không chỉnh đốn, không giữ nghiêm kỷ cương, phép nước, hoặc pháp luật
chỉ có ở cấp này chứ không ở cấp khác, chỉ đối với người này mà không đối với
người khác thì những kẻ cắp cũng sẽ dần thành kẻ giết người, sự tham nhũng, tư
bản đỏ hóa cũng sẽ giết chết thể chế này. Rất có thể bánh xe lịch sử lại đi vào
vết cũ, lại loạn ly, nội chiến, nước lớn xâu xé, can thiệp như Syria trong những
ngày hôm nay!
Vậy
pháp luật cần hồi sinh, mọi công dân đều bình đẳng trước pháp luật, hãy học Hàn
Quốc, Tổng thống sai cũng đi tù; hãy học Mỹ, đương kim Tổng thống điều khiển cả
hệ thống truyền thông cũng không lèo lái được kết quả bầu cử.
Tôi
đã viết pháp luật đã hồi sinh khi được tin Đinh La Thăng bị đề nghị chịu trách
nhiệm về những sai phạm ở ngành Dầu khí là vì thế!
28-4-2017
ĐÔNG LA