Thứ Tư, 21 tháng 6, 2017

CHUYỆN BUỒN VUI ĐI MỸ


ĐÔNG LA
CHUYỆN BUỒN VUI ĐI MỸ
         Hoàn toàn không cố ý nhưng gia đình tôi như một điển hình sống động nhất về sự hòa hợp. Đó là sự hòa hợp Bắc-Nam, Ta-Địch, tôn   giáo. Tôi quê Hải Dương, không tôn giáo đã lấy vợ gốc Long An, một gia đình theo đạo Thiên Chúa giáo, cha mẹ, anh em ruột không ai đi lính thuộc chế độ cũ nhưng có hai chú ruột là sĩ quan, một ông còn là cha tuyên uý, sau giải phóng bị tập trung “học tập cải tạo” đến 12 năm! Một người có thái độ bình thường có tham vọng “phấn đấu” chắc chắn không có ai lấy vợ như tôi. Hồi mới ra trường làm ở viện nghiên cứu về Dược tôi “bắt sống” anh bạn cùng học với tôi ôm hôn một cô dược sĩ cùng phòng, tức họ yêu nhau, nhưng khi cưới, anh bạn đã cưới một cô dược sĩ khác ở trong “rừng” ra. Còn tôi, trong một đám cưới của một anh bạn cũng học cùng lớp đã gặp một cô gái, vốn đang tham vọng trước ngưỡng của của đền đài văn chương, đã bị “sét đánh”, nên dễ dàng bật ra một bài thơ, và chính nó đã bắc cầu nối liền hai cuộc đời: 
           Có phải em như một cánh chim?
           Bất chợt bay vào khu rừng anh ngơ ngác
            Rừng chưa kịp nghe chim vui hót                     
            Nơi khoảng trời nào cánh chim đã bay đi?...
         Nhưng rồi tôi cũng có chút e ngại khi biết cô gái có một chú ruột là đại uý chế độ cũ đã đi “học tập” về, còn một chú là cha tuyên uý, với chế độ mới bị cho là “ghê gớm”, thì chưa. Nhưng tình yêu, tình người đã giúp cho chúng tôi, như “quan hệ Việt-Mỹ vượt qua khác biệt”, đã tiến tới hôn nhân. Lần đầu tôi đến nhà người yêu ở đường Hồ Biểu Chánh, Phú Nhuận là giao thừa 1982-1983, ông bố vợ tương lai vốn là chủ một nhà máy xay lúa ở Mỹ Tho, sau giải phóng về quê Long An cuốc ruộng, trồng khoai mỳ, nên ông chú “đại uý” (khá khéo nấu nướng) đã nấu món vịt nấu chao một mình tiếp tôi. Đối diện nhau qua cái bàn ăn tôi hơi hoảng khi thấy ông ấy to như con gấu, nếu căm thù nổi lên bất chợt thì không biết tôi sẽ thế nào? Tôi nói với ông số phận con người chỉ như hạt cát trước bão tố dòng đời, không ai có thể chủ động được, vậy mọi chuyện thuộc về xã hội nên để ngoài xã hội, con đến với gia đình vì tình người mong gia đình cũng đối với con bằng tình người thôi!
     Rồi một lần cha vợ tương lai ở quê lên gọi tôi đến nói:
          -Sao, chuyện tình cảm của tụi bây thế nào rồi?
          -Cha mẹ con ngoài Bắc hơn sáu mươi mà vẫn chưa có cháu nên giục con cưới vợ từ lâu rồi! Con mới ra trường không có nên con đã viết thư nói cha mẹ con bán một con heo gởi tiền vào làm một cái đám cưới đơn giản thôi.
           -Nhà này trước đây ngày nghỉ cũng tổ chức ăn uống đàng hoàng nên đám cưới phải làm tử tế. Thôi, con có bao nhiêu thì góp, còn lại cứ để ba lo cho. Tao cũng nuôi được đàn gà ở quê sẽ mang lên luôn. 
         Thế là từ bài thơ “bắc cầu” chúng tôi đã làm đám cưới, nên vợ nên chồng:

             Và rồi hai đứa con đã được sinh ra như sinh ra từ thơ ca vậy. Thật kỳ lạ, văn chương chữ nghĩa “vô tích sự” lại liên quan đến toàn bộ cuộc đời tôi. Nó đã không giúp tôi sinh sống lại làm tôi khốn khổ, từng phải phiêu lưu làm một chuyến kiếm cơm xuyên biên giới. Nhưng Trời chưa cho, “số chưa đến”, tôi chẳng làm được bao nhiêu, gần như phải “trốn chạy” về nước. Phải sau đó,  không biết nhờ ơn Nhà nước “đổi mới” hay nhờ linh hồn ông cha phù hộ, giống như sau một giấc ngủ, mở mắt ra tôi thấy mình đã đổi đời! Không tham ô tham nhũng, không cướp giật, chỉ dùng một tí kiến thức "trong túi" tôi tự chế ra mấy sản phẩm cho cây trồng. Làm như chơi thôi, vậy mà đã nuôi được con ăn học, xây nhà dựng cửa:

           Nếu không nặng nợ với văn chương chữ nghĩa, như bạn bè tôi, có thể tôi còn thành đại gia nữa!
      Ăn học trong nước thì chẳng đáng là bao nhưng ông con đang học Công nghệ TT ĐH Bách Khoa đàng hoàng, chán, lại thích du học Mỹ! Đi thì đi vì Mỹ bây giờ đã là "Friend", con mấy ông lãnh đạo đã đi đầy rồi! Số nó sướng, sang Mỹ dì dượng nó khởi công xây nhà mới cho ở:

            Nó  bảo “con vừa học vừa ngủ gật” cũng được huy chương:

          Học xong hai trường, 3, 4 nơi nhận làm, thì đi làm, để “thu hồi lại vốn”. Nó đi một mạch, đúng tròn 7 năm, khi công việc ổn định mới trở về. Đến nay thì nó đã ở Mỹ 12 năm.
       ***
        Nhà vợ tôi có hai chị em gái, mẹ mất sớm, nên rất thương nhau. Khi vợ tôi sinh thằng con, chính tay cô em vợ chăm lo cho chị, phụ nuôi cháu đến 5 tuổi mới đi Mỹ. Từ lâu đã mời chúng tôi sang Mỹ chơi. Rồi thằng con ở Mỹ đã 12 năm cũng rất muốn cha mẹ sang chơi. Được gặp em, gặp con không ai không muốn. Sang Mỹ với em, với con trai, em đã thành đạt, một triệu phú đô-la đích thực, con cũng đã ổn định, không phải lo gì cả mà chỉ để hưởng phúc, vậy mà chúng tôi không háo hức gì cả. Hoàn toàn không phải lý do chính trị vì hai nước Việt-Mỹ đã bình thường hoá quan hệ từ lâu, mối bang giao phát triển từng ngày đã mang lại hiệu quả to lớn, nhiều mặt, cho cả hai nước, từ dân thường cho tới lãnh đạo cao nhất hai nước đã qua lại thăm nhau thân tình.
           Lý do chính chúng tôi ngại đi Mỹ đơn giản là vì thủ tục xin visa khá phiền hà. Nước Mỹ rất sợ công dân các nước “vượt biên” bằng hình thức du lịch tới Mỹ. Hơn nữa có hai đứa con hai nơi, gần đứa này thì nhớ đứa kia, đi sang với đứa kia lại nhớ đứa này, lại mới có đứa cháu ngoại, chẵn 16 tháng chúng tôi chăm sóc nó, tiện thể chăm sóc ba mẹ nó luôn. Rồi căn nhà, rồi con mèo tôi nuôi hơn chục năm như một thành viên trong gia đình, đêm nó luôn ngủ dưới chân tôi, luôn lon ton chạy theo tôi như một đứa trẻ, v.v…
          ***
         Nhưng rồi chúng tôi đã quyết tâm, và hôm nay khi viết những dòng này, vợ chồng tôi đã tới Mỹ gần một tuần rồi, đang ở tại nhà của cô em, đã gặp con trai và họ hàng bên vợ tôi. Tôi đã từng một lần sống ở nước ngoài 7 tháng nên không bỡ ngỡ gì. Vợ tôi xuất ngoại lần đầu nhưng được gặp con, gặp em cũng rất vui. Cả hai chỉ khổ là nhớ con, nhớ cháu, nhớ nhà, nhớ con mèo; còn tôi nhớ thêm cô Hoà và những người thân trong đại gia đình cô nữa. Còn nhớ mồng 8 Tết lần đầu cô mời tôi ra Vĩnh Phúc nơi cô mới chuyển đến, tiệc chính đã xong, tôi nói cô cho tôi về sớm một ngày để về Hà Nội vì ông BS Thành mời. Cô nghiêm mặt bỏ đi ngay. Thần thánh cũng có lúc giận dỗi dễ thương như người thường vậy. Tôi hiểu tình cảm của cô đối với tôi vì vậy đi Mỹ lần này tôi giấu không cho cô biết. Nhưng làm sao giấu cô được? 2 giờ đêm trước giờ vợ chồng tôi lên máy bay, tôi không ngủ được, tôi xuống tầng trệt. Khi tay ướt, để tay khô tôi thường tháo kỷ vật của cô tặng để ở đầu cái võng tôi thường nằm và viết bài. Một lát sau tôi không thấy nó nữa. Với người không hiểu sẽ thấy quá lạ lùng nhưng tôi thì biết cô đã giận tôi. Thôi, vì vợ, vì con, vì cả tình cha con của tôi nữa, đành để cô giận vậy! Đời và Đạo nhiều khi ngược nhau là như thế.
         ***
           Vậy là gia đình tôi, tôi từng đi Liên-xô, đến lượt con tôi đi Mỹ, các cháu vợ tôi đi Đức, rồi hôm nay vợ chồng tôi đi Mỹ. Chỉ trong một gia đình bé nhỏ, cả thế giới, cả lịch sử nhiều đối kháng đã được gói gọn trong đó. Nhưng điều đó đã xảy ra hoàn toàn tự nhiên, hoàn toàn không cố ý và cũng không phải mất một tý cố gắng nào cả. Thì ra tất cả đều là do tâm và trí. Trí giúp ta hiểu đúng, làm đúng và chính tâm sẽ cho ta một tấm lòng biết vị tha, biết yêu thương và tôn trọng nhau, chỉ thế thôi! 
       Los Angeles
      21-6-2016
      ĐÔNG LA