Chủ Nhật, 18 tháng 6, 2017

LÊ TƯ 30 năm Thư chung 1980 của Hội đồng Giám mục Việt Nam

           Facebooker Nguyễn Thị Lý (Vinh) trong một bài viết trên https://kbchaingoai.org/2017/05/08/dang-huu-nam-nguyen-dinh-thuc-dang-lam-o-ue-dao-cong-giao-va-thach-thuc-phap-luat-cha-dap-len-du-luan/ cho rằng hai linh mục Đặng Hữu Nam và Nguyễn Đình Thục “không những vi phạm pháp luật mà còn vi phạm cả về giáo luật năm 1983, đi ngược lại Thư Chung năm 1980 của Hội đồng Giám mục Việt Nam”. VậyThư chungnhư thế nào? Xin giới thiệu bài viết của Lê Tư “30 năm Thư chung 1980 của Hội đồng Giám mục Việt Nam” trên Đại Đoàn Kết 10/07/2010 (http://www.baomoi.com/30-nam-thu-chung-1980-cua-hoi-dong-giam-muc-viet-nam/c/4535414.epi)
LÊ TƯ
30 năm Thư chung 1980 của
Hội đồng Giám mục Việt Nam
Ngày 9-7-2010 dưới sự chủ trì của Ủy ban Đoàn kết Công giáo và Viện Nghiên cứu tôn giáo Việt Nam, hàng chục các nhà khoa học, chức sắc tôn giáo Đạo Thiên chúa và cán bộ phong trào từ cơ sở đã tụ họp tham gia tọa đàm “30 năm Thư chung 1980 của HĐGMVN”.
Kể từ năm 1975 đến nay HĐGM Việt Nam đã có hàng trăm thư chung, tuy nhiên Thư chung năm 1980 đã trở thành dấu son lịch sử đối với đời sống của cộng đồng người Công giáo Việt Nam. Thư chung này là kết quả của Đại hội Giám mục Việt Nam họp tại Tòa Tổng giám mục Hà Nội từ ngày 25-4 đến 1-5-1980. Hội nghị thành lập Hội đồng Giám mục Việt Nam ra quy chế đặc biệt là ra Thư chung 1980. Đây chính là công việc quan trọng và khó khăn nhất của hội nghị này. Đại biểu hội nghị đã bàn đi, sửa lại, cân nhắc từng câu từng chữ để ra bức Thư chung này. Thư gồm 3 phần với 13 đoạn. Đáng chú ý là phần “Đường hướng mới” và “Hội Thánh trong lòng dân tộc” với đoạn thứ 9 là “gắn bó dân tộc với đất nước”. Đoạn này nói rõ, Hội Thánh phải đồng tiến với toàn thể nhân loại và cùng chia sẻ một số phận trần gian với thế giới. Vậy chúng ta phải đồng hành với dân tộc mình, vì quê hương là nơi chúng ta được Thiên Chúa mời gọi để sống làm con của người, đất nước này là lòng mẹ cưu mang chúng ta trong quá trình thực hiện ta gọi là con Thiên Chúa, dân tộc này là cộng đồng mà Chúa trao cho chúng ta để phục vụ với tính cách, vừa là công dân vừa là thành phần dân Chúa. Sự gắn bó hòa mình này đưa tới những nhiệm vụ cụ thể mà chúng ta có thể tóm lại trong 2 điểm chính là: Tích cực góp phần cùng đồng bào cả nước bảo vệ và xây dựng Tổ quốc và xây dựng trong Hội Thánh một nếp sống và lối diễn tả đức tin phù hợp với truyền thống dân tộc. Mục đích cuối cùng của Thư chung nhắm tới là “Sống phúc âm giữa lòng dân tộc để phục vụ hạnh phúc của đồng bào”. Thư chung năm 1980 không chỉ thể hiện đường lối đồng hành cùng dân tộc xây dựng và bảo vệ Tổ quốc Việt Nam Xã hội chủ nghĩa mà còn tỏ rõ đường hướng hội nhập với văn hóa dân tộc. Thư chung này đã định hướng sự phát triển của Công giáo Việt Nam từ suốt 30 năm qua. Cuộc vận động “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa ở khu dân cư” do Mặt trận phát động đã được trên 8 triệu người Công giáo toàn quốc hưởng ứng rất nhiệt tình. Mỗi nơi, mỗi xứ, mỗi họ của người Công giáo đều có những phong trào riêng như “Sống tốt đời đẹp đạo”; “Kính Chúa yêu nước”; “sống phúc âm trong lòng dân tộc”... Dù mô hình nào thì người Công giáo vẫn lấy tiêu chí thi đua từ tinh thần Thư chung năm 1980 của HĐGM Việt Nam. Những phong trào của người Công giáo toàn quốc đã trở thành những phong trào thi đua yêu nước vô cùng hấp dẫn, được giáo dân Kitô hưởng ứng nhiệt tình. Kết quả của những phong trào đó đã có hàng vạn gia đình xóa được đói, giảm được nghèo, đời sống của bà con vùng giáo Kitô hữu đã ngang bằng, thậm chí có nơi còn cao hơn so với mặt bằng xã hội. Người Công giáo đã đóng góp nhiều công sức vào công cuộc xây dựng quê hương đất nước, đặc biệt là tỷ lệ gia đình, văn hóa ở vùng giáo thường cao hơn so với mặt bằng chung. Phong trào “Đoàn kết Công giáo” đã trở thành tình cảm tự nhiên trong tâm chí người Công giáo với cộng đồng dân tộc. Những ngày lễ trọng của người Công giáo cũng đã trở thành ngày lễ của tất cả mọi người trên địa bàn dân cư. Những điều dăn dạy của Chúa cũng đã được toàn thể mọi người nơi theo, bất kể người có đạo hay không có đạo. Ủy ban đoàn kết Công giáo Việt Nam đã trở thành tổ chức giương cao ngọn cờ thi đua yêu nước để người Kitô hữu thể hiện mình với dân tộc. Mấy chục năm qua nhờ những phong trào thi đua yêu nước mà người Kitô hữu đã làm được nhiều điều cho chính mình và cho cả dân tộc. Tại buổi hội đàm này, đại biểu từ một số địa phương như Cần Thơ, Huế, Bắc Ninh... đã thông báo những thành tích mà người Kitô giáo đã làm được trong thời gian qua, những kiến nghị, nguyện vọng của bà con, lên Đảng, Chính phủ xung quanh những chính sách xã hội trong thời gian tới. Đặc biệt, là số lượng người giáo dân Kitô ngày càng tích cực tham gia vào các cơ quan Đảng, chính quyền, Mặt trận tại địa phương đã minh chứng cho tinh thần Thư chung năm 1980 của HĐGM Việt Nam. Nhiều họ đạo được công nhận khu dân cư văn hóa, không có tệ nạn xã hội, không có hiện tượng ly hôn. Tinh thần làm từ thiện, giúp đỡ người nghèo trong cộng đồng là một trong những hoạt động rất có hiệu quả thiết thực trong nhiều vùng Công giáo trên địa bàn cả nước... Tòa thánh Vatican đã cổ vũ và hậu thuẫn cho đường hướng Thư chung năm 1980 của các giám mục Việt Nam. Giáo hoàng Gioan Phaolô 2 đã gửi sứ điệp cho cộng đồng Công giáo Việt Nam tháng 7-1984 như sau: “Giáo hội tự hào về anh chị em vì biết rõ anh chị em đang chân thành thiết tha yêu mến quốc gia, dân tộc mình. Giáo hội xin khích lệ anh chị em trong nỗ lực hợp tác với toàn thể đồng bào để kiến tạo một tương lai tốt đẹp hơn cho toàn thể dân tộc Việt Nam”.
Lê Tư