Thứ Ba, 11 tháng 12, 2012

TS NGUYỄN THỊ TỪ HUY: "Triết học là khoa học của mọi khoa học"?

ĐÔNG LA
TS NGUYỄN THỊ TỪ HUY: 
"Triết học là khoa học của mọi khoa học"?

                                   *TS NGUYỄN THỊ TỪ HUY

                       NGỤP LẶN TRONG ĐỐNG CHỮ (PHẦN I)

BÀI LIÊN QUAN:

*TIẾNG PHÁP CỦA BÀ TIẾN SĨ PHÁP HẠNG “TỐI ƯU” NGUYỄN THỊ TỪ HUY

*HUỆ CHI VÀ RUỒI, BÒ

*VÀI Ý NHỎ VỀ DỊCH THUẬT

*Nguyễn Thị Từ Huy – “Ăn cháo đá bát”

      “Triết học là khoa học của mọi khoa học”? Nếu Từ Huy nói câu này cách nay gần hai thiên kỷ rưỡi thì đúng, còn ở năm 2012 này, một TS văn chương mà còn nghĩ rồi đặt câu hỏi như vậy thì  thực sự “không biết” gì! Còn “thần tượng” triết học của cô, ông Bùi Văn Nam Sơn, đã trả lời cô và cho là  “Khoa học không có triết học thì mù quáng” không chỉ sai mà còn là nói ngược.

         Thủa sơ khai, chữ triết học (philosophy) bắt nguồn từ Hy Lạp: philosophia (φιλοσοφία), theo nghĩa đen, tình yêu trí tuệ (philein = "yêu thích" + sophia = "trí tuệ"). Chữ khoa học từ tiếng Latin scienta, nghĩa là tri thức. Chữ scientia lại do chữ scire mà ra, có nghĩa là hiểu biết. Theo Webter’s New Collegiste Dictionary, “Khoa học” là “những tri thức đạt được qua kinh nghiệm thực tế và nghiên cứu”. Khi nền văn minh còn chưa phát triển, thuật ngữ vì thế mà còn ít, nên tất cả những gì thuộc về sự hiểu biết đã được gọi chung là TRIẾT HỌC, một khái niệm bao gồm cả Triết học và Khoa học ngày nay. Dù đứng chung như vậy nhưng Khoa học vẫn thiên về quan sát, tính toán; còn Triết học thiên về suy ngẫm từ những kết quả của khoa học, nghĩa là khoa học luôn phải đi trước để triết học có cái mà suy ngẫm, như Kant từng nói: “Ý niệm không có nội dung là rỗng” (Gedanken ohne Inhalt sind leer). Vì vậy, Bùi Văn Nam Sơn cho Kant nói: “Khoa học mà không có triết học thì mù quáng” là sai. Với tư cách một người học, nghiên cứu, rồi sống bằng chính những kết quả nghiên cứu, từng được giải thưởng Sáng tạo KHKT, tôi thấy câu của Kant: “Anschauungen ohne Begriffe sind blind” dịch là “Quan sát mà không có lý thuyết khoa học thì mù quáng” là đúng nhất. Chữ Begriffe trong tiếng Anh là terms, tiếng Việt là ngôn ngữ, thuật ngữ; mà thuật ngữ thì chính là cách nói tắt của lý thuyết khoa học.
Khi Từ Huy “tự thú” với ông Sơn: “Hai từ “triết học” đối với em, thời đại học, là một nỗi kinh hoàng. Em từng thấy nó trừu tượng, khó hiểu và xa rời cuộc sống. Hình ảnh triết gia được hình dung như những người khô khan, chỉ biết có lý tính mà thôi. Rồi đột nhiên, khi vào một môi trường đại học khác, liền ngay lập tức em bị triết học cuốn hút cho dù biết rằng mình không thể hiểu hết nó” là Từ Huy đã hồn nhiên thể hiện khả năng tư duy của mình. Một người từng “kinh hoàng” với môn Triết ở đại học như vậy thì bây giờ sao có thể nghiên cứu rồi truyền bá triết học? Làm sao có thể hiểu đúng về Hiện tượng học, về NIETZSCHE, v.v… rồi còn lấy đó làm cơ sở tư tưởng để “dấn thân” đấu tranh nữa?!

            Với tôi, xin tự khoe một tý, phải chăng vì học chuyên môn khó hơn nên tôi thấy môn triết quá dễ dàng. Gần như tôi chẳng học gì cả, chỉ gần đến kỳ thi, “liếc qua” bài vở là thi cũng đậu. Tôi nhớ có kỳ, thầy ra hai đề, đề khó thì ngắn, đề dễ thì dài, trong lớp chỉ có 2 người chọn đề khó, tôi và một người nữa, cuối cùng thì tôi điểm cao, còn người kia trượt chổng vó. Sau này viết khá nhiều về triết đông tây kim cổ, nhiều người quen đã hỏi có phải tôi tối ngày rúc đầu vào sách vở hay không, nhưng thực tế không phải, chỉ khi viết về cái gì đó, tôi mới xem tài liệu mà thôi. Ấy vậy mà tôi vẫn có thể chỉ ra những cái sai của những người thuộc hàng chuyên gia về triết. Như vụ ông PGS Ân ở trường Nhân văn, một người dạy ở khoa Triết trên 30 năm, khi viết phê bình sách Giáo khoa Triết học đã bị Hội đồng Biên tập kiện, khiến cho Bộ Giáo dục chỉ thị xuống trường kỷ luật ông Ân. Chính tôi đây đã viết bài chỉ ra cái sai của Hội đồng Biên tập, giúp ông Ân từng câu chữ một, đã cãi thắng cả cái Hội đồng đó, làm rung rinh cả Bộ Giáo dục, và cuối cùng, Trường Nhân văn đã phải hủy kỷ luật. Còn tôi thì Tết được ông Ân biếu “rượu ngoại”! (xin xem: *ĐẤU TRANH TRÁNH ĐÂU)

Nhìn vào lịch sử phát triển của khoa học và triết học, ta thấy thực tế không bao giờ “triết học là khoa học của mọi khoa học” với nghĩa Triết học chỉ lối đưa đường cho Khoa học cả. Thậm chí ngược lại. Ngày xưa dường như Triết học thường là sự suy ngẫm của các nhà Khoa học sau những phát minh của họ. Các triết gia chủ chốt trong hành trình của lịch sử triết học đều là các nhà khoa học. Aritstốt (384322 TCN) là một nhà triết học đồng thời là nhà vật lý, nhà sinh học cổ đại.  René Descartes (15961650), cha đẻ của triết học hiện đại, là nhà toán học. Immanuel Kant (1724 - 1804) là triết gia lớn nhất của thời kỳ cận đại cũng là nhà vật lý, từng đưa ra giả thiết về nguồn gốc vũ trụ. Edmund Gustav Albrecht Husserl (1859 - 1938) là một triết gia sáng lập Hiện tượng học đồng thời là nhà toán học v.v…
Vì thế Triết học, theo định nghĩa của Từ điển Triết học, là “khoa học về các quy luật chung”, nghĩa là một khoa học khái quát, nói nôm na là sự suy ngẫm để rút ra những quy luật chung. Vì vậy nó phải đi sau, bởi nếu không có các quy luật cụ thể do Khoa học phát minh ra thì nó khái quát cái gì? Nhất là trong Duy vật biện chứng, lấy quy luật của vật chất, tức khoa học, làm “chứng để biện luận”.
Sự dẫn đường chỉ lối của Khoa học cho Triết học thể hiện cụ thể nhất trong hai vấn đề xương sống của nhận thức nhân loại sau đây:
Khi Newton đưa ra thuyết hấp dẫn, chính Laplace đã cho rằng vũ trụ là tất định. Từ “từ một tọa độ xác định, người ta có thể xác định được mọi chuyển động  xảy ra trong vũ trụ. Từ điều này, ông đã đi xa hơn nữa khi áp dụng  cho cả các quá trình xã hội và hành vi con người, đã đưa ra Quyết định luận máy móc, đồng nhất tính nhân quả với tất yếu, phủ nhận tính ngẫu nhiên, dẫn đến thuyết định mệnh gắn liền niềm tin vào thần linh.
Ngược lại, khi Max Planck phát minh ra lượng tử: Năng lượng của một vật chỉ phát xạ gián đoạn, từng phần một, tức lượng tử. Tiếp theo các nhà bác học đã phát hiện ra bản chất nhị nguyên sóng-hạt của ánh sáng và các hạt vi mô. Từ đó, Heisenberg mới phát biểu nguyên lý bất định, cơ sở của một cơ học mới: Cơ học lượng tử. Nguyên lý này, ngoài ý nghĩa khoa học, còn dẫn tới một quan điểm triết học, một cái nhìn ngược với cái nhìn tất định của quyết định luận Laplace.
Chính từ đây, hai khuynh hướng triết học duy tâmduy vật đã dựa vào để phát triển tư tưởng theo hai khuynh hướng cũng trái ngược nhau. Chủ nghĩa duy vật biện chứng khắc phục được sự hạn chế của cái nhìn máy móc theo quyết định luận Laplace, còn triết học duy tâm đưa ra vô định luận.
Như vậy chính khoa học phát triển nhanh đến mức mà triết học chạy “bở hơi tai” vẫn không kịp. Nên nhà bác học tật nguyền thiên tài  S.Hawking mới nói rằng:
Đến thời điểm này, đa số các nhà khoa học quá bận rộn vào việc phát triển những lý thuyết để trả lời câu hỏi như thế nào và chưa bận tâm đến việc trả lời câu hỏi vì sao? Mặt khác, những triết gia là những người mà công việc là đặt ra câu hỏi vì sao, lại không đủ điều kiện để thông tuệ được các lý thuyết hiện đại. Ở  thế kỷ 18, các nhà triết học xem toàn bộ kiến thức của loài người trong đó có khoa học tự nhiên là thuộc lĩnh vực của họ...? Song đến thế kỷ 19, 20, khoa học trở nên quá toán học đối với những nhà triết học... Các triết gia giới hạn các câu hỏi lại đến mức mà Wittgenstein, nhà triết học danh tiếng nhất của thế kỷ này đã thốt lên: “Nhiệm vụ duy nhất còn lại của triết học là phân tích ngôn ngữ”! (S.Hawking, Lược sử thời gian, NXB Trẻ, tr. 155, Cao Chi, Phạm Xuân Thiều dịch).
       Trong một bài khác, đăng cuộc nói chuyện khác giữa hai “anh em” Nam Sơn và Từ Huy, bài “Để biết mình, hãy nhìn vào mắt người khác!”, cũng trên trang  phebinhvanhoc của Viện Văn.  Nguyễn Thị Từ Huy nói: “…lần trước chúng ta có nói vài điều về Socrates. Bây giờ, có lẽ cần lùi xa hơn để nhớ lại một câu châm ngôn được xem là linh hồn của tư tưởng Socrates cũng như của nền văn minh phương Tây: “Hãy tự biết mình!” (Gnothi seauton)”
Socrates thì tất nhiên là ghê rồi, vì nếu không thế sao ông có thể trở thành bất tử được. Có điều tư tưởng của ông đã quá quen thuộc, trở thành hiển nhiên, thành châm ngôn. Tôi thấy giờ mà còn đăng chuyện thảo luận về nó chẳng khác gì “Thừa giấy làm chi chả vẽ voi”. Cái thời lạc hậu, một anh chàng học ở tỉnh về làng mang “Socrates” ra dọa mấy anh bạn đi cầy thì đúng là khiến cho người ta nể thật, còn bây giờ lên mạng bấm một phát là ra tất cả, có cần phải “chuyện trò”, rồi lại còn đăng lên nữa hay không? Cái chính là giờ Từ Huy có “tự biết mình” hay không mới là quan trọng? Nếu không, rồi có khi lại tan nát cả sự nghiệp, thậm chí còn “tiếp bước” đàn anh Cù Huy Hà Vũ vào tù ra tội mà vẫn không “tự biết” được.
Có lần tôi đã nói với Nguyễn Hữu Sơn, khi còn chưa lên viện phó và Chủ tịch Hội đồng KH của Viện Văn, là cái “Viện Văn” cần phải mở cửa cho bao nhiêu vấn đề nóng hổi của cuộc sống liên quan đến văn chương tràn vào. Còn cứ mãi lọ mọ hết công trình này đến công trình khác, chi li, để có vẻ uyên thâm, hàn lâm, ngụp lặn trong đống chữ mốc meo, có thể rất cần cho việc tạo nên những danh xưng ghê ghớm, nhưng có mang lại ích lợi gì cho xã hội không thì thật khó trả lời. Có một nghịch lý, một nhà nghiên cứu có thể biết rất rõ về cái đề tài mình làm trong phạm vi chuyên môn, nhưng thực ra lại không biết nó là cái gì, nó như thế nào trong phạm vi đời sống? Bởi muốn biết nó là cái gì, như thế nào phải đặt nó trong thế so sánh dưới ánh sáng của cả nền tri thức hiện đại. Mà với mấy con mọt sách bị ngộ chữ, sa lầy trong vũng hẹp chuyên môn của mình, thì lấy đâu ra tri thức?
Nguyễn Thị Từ Huy chính là một điển hình cho loại nhà nghiên cứu như thế. Có thể Từ Huy đúng là rất giỏi trong cái luận án TS của mình, và rất xứng đáng được mấy ông Thầy Pháp đánh giá là “tối ưu”, nhưng qua một số bài viết và hành động của cô vừa qua thì cô lại rất ngu ngơ, “không biết” gì.  
            Trên thethaovanhoa.vn trong bài Tiến sĩ Nguyễn Thị Từ Huy: Để đi đến sự thật, cần biết tự hoài nghi , chỉ vài ý trong vài câu, Từ Huy hoàn toàn đúng như mẫu người ngụp lặn trong đống chữ, bàn về câu nói của Socrates “Hãy tự biết mình!” nhưng chính TH lại không”tự biết” gì về mình (còn tiếp)
 (11-12-2012)
TÀI LIỆU THAM KHẢO:
     *Từ điển Triết học (NXB Tiến bộ Maxcơva và NXB Sự thật Hà Nội, 1986, bản in tại Liên xô); * http://vi.wikipedia.org/wiki/Immanuel_Kant; *CÂU TRUYỆN TRIẾT HỌC (Nguyên tác : The Story of Philosophy - Will Durant - Trí Hải và Bửu Đích dịch); *GSTS Triết học Hồ Sĩ Quý:  Immanuel Kant từ triết học phê phán đến nghiên cứu con người.