Thứ Hai, 10 tháng 12, 2012

TS NGUYỄN THỊ TỪ HUY NGỤP LẶN TRONG ĐỐNG CHỮ (PHẦN I)

ĐÔNG LA
TS NGUYỄN THỊ TỪ HUY
NGỤP LẶN TRONG ĐỐNG CHỮ
(PHẦN I)

BÀI LIÊN QUAN:

*TIẾNG PHÁP CỦA BÀ TIẾN SĨ PHÁP HẠNG “TỐI ƯU” NGUYỄN THỊ TỪ HUY

*HUỆ CHI VÀ RUỒI, BÒ

*VÀI Ý NHỎ VỀ DỊCH THUẬT

       Trong bài “Ranh giới cho những khả thể của con người”, đăng cuộc chuyện trò triết học của TS Nguyễn Thị Từ Huy với Nhà nghiên cứu Bùi Văn Nam Sơn trên trang  phebinhvanhoc của Viện Văn học, cô đã hỏi ông Sơn: “Anh có thể giải thích một cách giản dị và dễ hiểu về mệnh đề này: “triết học là khoa học của mọi khoa học”?”.
Với tôi, chỉ một câu như vậy, đã biết “sự không biết” gì của Từ Huy về triết học và khoa học.
Còn Bùi Văn Nam Sơn, tôi đã giật mình khi thấy Từ Huy viết thế này: “qua những gì được biết về quá khứ của anh, hình như đối với anh còn có một điều quan trọng hơn triết học, đó là đất nước này. Anh đã từng hy sinh triết học cho hai chữ đó: Việt Nam?”.
Hồi tôi có chơi với “đám văn chương”  lớn lên tại miền Nam, có loáng thoáng nghe đến những cái tên như Trần Thái Đỉnh, Lê Tôn Nghiêm lớp trước và lớp sau là Bùi Văn Nam Sơn. Tôi không quan tâm lắm vì nghĩ nếu giới trí thức miền Nam trước giải phóng mà giỏi thật thì họ đã không để cho chính quyền làm “mất nước”! Nay Từ Huy cho biết Bùi Văn Nam Sơn đã “hy sinh triết học cho hai chữ Việt Nam”, không biết là VN nào? Việt Nam dân chủ cộng hòa hay Việt Nam cộng hòa?
Còn Bùi Văn Nam Sơn khi trả lời Từ Huy quả là người có học triết và rất đúng khi nói: “sự nối mạng giữa các ngành khoa học tự nhiên và kỹ thuật với các bộ môn khoa học xã hội và nhân văn có thể dẫn đến chỗ hội tụ thành một văn hóa - khoa học duy nhất. Có người gọi đó là cái khung lý thuyết triết học”; “triết học có thể giữ trở lại vai trò của một “khoa học phổ quát”, theo nghĩa là lý thuyết về các cấu trúc phổ quát của thế giới diễn ngôn” (universe of discourse) như cách nói ưa chuộng hiện nay”.
Nhưng Bùi Văn Nam Sơn lại rất sai khi nói: “Tóm lại, triết học và khoa học cần đến nhau, nếu mượn cách nói của Kant: triết học mà không có khoa học thì trống rỗng; khoa học mà không có triết học thì mù quáng”.
Ở đây có 2 cái sai, một là về cái ý trong câu nói của Kant, và thứ 2, Kant đã nói khác chứ không “dốt” như vậy.
Tôi vốn dư thời gian, không đi đâu mà vội, hôm nay nhân dịp người ta lại mang Kan kiếc ra dọa thiên hạ, tôi thử bàn sâu hơn một chút về nhà triết học này.
Kant, một triết gia được cho là lớn nhất của thời kỳ cận đại, theo Will Durant: “toàn thể tư tưởng triết học thế kỷ 19 đều xoay quanh những tư duy của ông”; “Schiller và Goethe nghiên cứu Kant, Beethoven đầy thán phục trích dẫn câu nói thời danh của Kant về hai điều kỳ diệu của cuộc đạo đời: "Bầu trời đầy sao ở trên đầu, luật đạo đức ở trong hồn". (The Story of Philosophy - Trí Hải và Bửu Đích dịch).
Ở thế kỷ 19, người ta nói vậy là đúng. Còn hôm nay, dưới ánh sáng của nền văn minh hiện đại, chúng ta thử xem những nét chủ yếu về tư tưởng của Kant ra sao?
 Tư tưởng “phê phán lý tính thuần túy” có thể vẫn còn đúng và đúng mãi mãi khi Kant đã chỉ ra cái giới hạn của lí tính, đó là nó không thể nhận thức được cái vô điều kiện (das Unbedingte) tức những cái không có gì để thực chứng, như tính bất tử của linh hồn, tính vô biên của vũ trụ hoặc sự tồn tại của thượng đế. Ngay ngày nay, khi người ta đã tìm ra được Big Bang sinh ra vũ trụ, nhưng cái gì đã sinh ra Big Bang thì có lẽ không bao giờ trả lời được. Cũng như Đức Phật giác ngộ thấy linh hồn là thần thức luân hồi qua các kiếp theo nhân quả, trong 6 cõi sống, nhưng thần thức sinh ra từ đâu?
Còn cái “cuộc cách mạng Copernicus nổi danh của Kant” đưa ra thuyết “không thể biết” xuất phát từ việc cho lý tính có tính “an-ti-nô-mi”, tức tách đôi thành những mặt đối lập: Người ta không nhận thức được vật tự nó (Ding an sich), mà chỉ nhận thức được hiện tượng (Erscheinung) mà nó thể hiện. Con người cũng không tưởng tượng ra được những đối tượng không có không gian và thời gian. Theo Schopenhauer: "Giá trị lớn lao nhất của Kant chính là sự phân biệt hiện tượng với “vật-tự-nó".
Cái tính “an-ti-nô-mi” trên có thể đúng khi ta suy ngẫm về các hiện tượng xã hội. Như với nền kinh tế thị trường, tự do làm ăn được khuyến khích đã tạo ra nhiều của cải, nhưng nó lại cạnh tranh khốc liệt, sinh ra nhiều tệ nạn, làm thoái hóa thiện tính. Như “tự do dân chủ” rõ ràng là mục tiêu cao đẹp của mỗi xã hội nhân đạo, nhưng chính nó cũng lại là là mầm mống của bạo loạn, vô chính phủ; khuyến khích “cái tôi đáng ghét”, làm con cãi cha, trò cãi thầy, điên lên thì xả súng giết người hàng loạt!
Còn việc khám phá thế giới tự nhiên, xem chừng những thành tựu của khoa học ngày nay đã vượt xa tư tưởng “thuyết không thể biết” của Kant rất nhiều, mà bây giờ ông có sống dậy, cũng không thể tưởng tượng ra nổi. Như internet, công nghệ gen, mô hình chuẩn, hạt Higgs v.v… tất cả đều được nhận thức bằng cách khác, bằng “con mắt” của khoa học, chứ không phải bằng những “hiện tượng” từ “vật tự nó” biểu lộ cho con người thấy theo tư tưởng của Kant.
Còn tư tưởng của I. Kant đúng là duy tâm khi cho các phạm trù đều có sẵn trong nhận thức. Thế giới có trật tự bởi vì ý thức biết đến thế giới là một trật tự. Định luật của tư tưởng cũng là định luật của sự vật. Kant cho rằng với luận lí tiên nghiệm (transzendentale Logik) thì các khái niệm, tức các phạm trù (Kategorien), không tuỳ thuộc vào kinh nghiệm (erfahrungsunabhängige Begriffe). Ông cho tri thức tiên nghiệm là một cái gì đó có sẵn, như kết quả toán học 7 + 5 = 12 vậy.
Nhưng trong thực tế, có những thí nghiệm khoa học vĩ đại buộc không chỉ Kant mà cả loài người phải nghĩ ngược lại.
        Theo tư tưởng trên của Kant thì  vận tốc ánh sáng phải tuân theo phép cộng vận tốc đúng với nguyên lý toán học. Tổng vận tốc ánh sáng chiếc đèn pin của người cầm trên máy bay tất phải nhanh hơn người cầm đèn đứng yên dưới đất. Nhưng không phải vậy, chính các thí nghiệm tinh xảo của các nhà bác học đã chỉ ra vận tốc ánh sáng luôn là một hằng số. Và cái thí nghiệm này, với cái kết quả đã làm băn khoăn chính những người thực hiện, còn nghi ngờ nó sai, chỉ riêng Einstein thì không nghi ngờ gì cả, ông đã chỉ cho toàn bộ loài người, cả Kant nữa nếu còn sống, phải nghĩ ngược lại: vận tốc ánh sáng đúng là hằng số, và như thế, không gian và thời gian là tương đối. Và như thế, tư tưởng của Kant cho các phạm trù có tính tiên nghiệm không tùy thuộc vào kinh nghiệm như trên là duy tâm, là sai!
          Như vậy sự tồn tại và quy luật của thế giới hoàn toàn khách quan không phụ thuộc vào ý thức chủ quan của con người. Còn cùng một kinh nghiệm người ta nhận thức khác nhau là do trình độ và trí thông minh khác nhau, và dù nhận thức thế nào, thì đối tượng được nhận thức vẫn y nguyên như nó vốn có.
Còn có lẽ chính câu này của Kant:
"Ý niệm (suy nghĩ, tâm trí) (Gedanken ) không có nội dung là rỗng tuếch, trực quan (sự quan sát) (Anschauungen) không có khái niệm là mù quáng" (Gedanken ohne Inhalt sind leer, Anschauungen ohne Begriffe sind blind),  là câu mà "anh" Bùi Văn Nam Sơn đã “mượn” để trả lời "em" Từ Huy, nhưng lại viết thành: “triết học mà không có khoa học thì trống rỗng; khoa học mà không có triết học thì mù quáng”.
Có điều viết vậy là sai! Cũng như câu hỏi “không biết gì” của Từ Huy nói trên: “Anh có thể giải thích một cách giản dị và dễ hiểu về mệnh đề này: “triết học là khoa học của mọi khoa học”?”. Bởi không lẽ chính Kant cũng cho triết học có khả năng chỉ lối đưa đường được cho khoa học? Mà dù Kant có đúng ở thời của ông thì trong thực tiễn khoa học hôm nay có còn đúng như vậy không?
 (Còn tiếp) 
(10-12-2012)
TÀI LIỆU THAM KHẢO:
     *Từ điển Triết học (NXB Tiến bộ Maxcơva và NXB Sự thật Hà Nội, 1986, bản in tại Liên xô); * http://vi.wikipedia.org/wiki/Immanuel_Kant; *CÂU TRUYỆN TRIẾT HỌC (Nguyên tác : The Story of Philosophy - Will Durant - Trí Hải và Bửu Đích dịch); *GSTS Triết học Hồ Sĩ Quý:  Immanuel Kant từ triết học phê phán đến nghiên cứu con người.