Thứ Tư, 28 tháng 6, 2017

HÀNH TRÌNH ĐẾN MỸ ĐOÀN TỤ VÀ… HOÀ HỢP DÂN TỘC

ĐÔNG LA
HÀNH TRÌNH ĐẾN MỸ ĐOÀN TỤ
VÀ… HOÀ HỢP DÂN TỘC

Vợ chồng tôi lên máy bay tại Tân Sơn Nhất lúc 4 giờ chiều, sau 3h15’, bay đến Đài Bắc, quá cảnh khoảng 4 tiếng, gần 11 giờ đêm (giờ VN, giờ Đài Bắc là 12h) chuyển tiếp máy bay đi Los Angeles. Sau một hành trình bay dài dằng dặc 11 tiếng xuyên màn đêm trên biển, bản đồ vệ tinh trên màn hình nhỏ gắn trên lưng ghế trước mặt chỉ đường bay ngang qua biển gần Hàn Quốc, Nhật… rồi hướng về nước Mỹ xa xôi. Tất cả hành khách thấm mệt gà gật ngủ, tận đến lúc thấy trời hửng sáng thì máy bay hạ cánh xuống sân bay Los Angeles, đưa chúng tôi đến nước Mỹ. Nhưng với giờ Los Angeles đã là 8 giờ tối (10 giờ sáng giờ VN).  Như vậy toàn bộ hành trình từ TPHCM đến Los Angeles mất hơn 18 tiếng với hơn 14 giờ bay. Khi làm thủ tục tôi đăng ký trợ giúp nên các khâu kiểm tra qua các cửa hải quan và an ninh rất nhanh. Trên máy bay vợ tôi nói sẽ có cả một đoàn ra sân bay đón chúng tôi: ông con và bạn gái, vợ chồng cô em, vợ chồng cậu em từ VN qua trước chúng tôi 3 tháng, vợ chồng người anh và một người chị con người chị cha vợ tôi từ Florida sang. Nhưng rồi chúng tôi bị thất vọng, dọc đường ra cửa sân bay có rất nhiều người thân vẫy tay nhưng chẳng có ai là người thân của chúng tôi cả. Đợi khá lâu nhưng nhân viên trợ giúp của sân bay vẫn rất thân thiện, họ hỏi tôi số điện thoại của người thân, nối máy xong đưa cho tôi, chồng cô em vợ cho biết lý do đến trễ, một là không ngờ chúng tôi làm thủ tục nhanh như thế, hai là cửa ngõ sân bay Los Angeles đang bị kẹt cứng (thì ra đâu chỉ Tân Sơn Nhất ở ta kẹt). Đợi thêm lúc khá lâu nữa thi thấy ông con chạy ào vào kêu “ba, mẹ!”, rồi kéo nhanh vali của chúng tôi ra xe của nó đậu ở lề đường. Chúng tôi theo nó lên xe yên vị, nó báo mấy xe đi đón quay về vì đã đón được ba mẹ rồi . Sau khoảng nửa tiếng chạy xe, chúng tôi đến nhà cô em. Với tôi dù chưa đến nhưng với google maps thì cũng đã qúa quen thuộc . Một bàn tiệc đã dọn sẵn, nhưng ngạc nhiên là có cả hoa và… bánh sinh nhật. Thì ra cô em vẫn nhớ ngày sinh của chị mình mà tôi và ngay cả vợ tôi lúc ấy cũng không nhớ. Mọi người an vị quanh bàn tiệc rồi thi nhau chụp hình, ghi lại khoảnh khắc đoàn tụ của những người thân, có người sau gần 30 năm mới gặp lại:












         
       ***
         Với nước Mỹ qua truyền thông thì không còn lạ lùng gì với mọi người trên phạm vi toàn thế giới, nhưng vẫn có rất nhiều chuyện lạ với một người lần đầu tận mắt chứng kiến. Rồi tôi sẽ từ từ kể thành nhiều tập hành trình khám phá nước Mỹ. Còn hôm nay tôi sẽ kể một câu chuyện còn là vấn đề “nhạy cảm” của đất nước chúng ta. Đó là sự hoà hợp dân tộc, thú vị ở chỗ là diễn ra trong một gia đình ngay tại nước Mỹ.
Về đại thể đất nước chúng ta đã hoà hợp. Sau cuộc chiến mưa bom, bão đạn, đầu rơi, máu chảy, thù hận ngút trời, rồi thiếu thốn, đói khát, chiến tranh biên giới, nhưng đất nước đã vượt qua tất cả; hơn 40 năm không một lần bom nổ, thanh bình; hệ thống giao thông, cầu đường, xa lộ dần mọc ra, nối liền tất cả các vùng miền của đất nước; các nhà cao tầng, các khu dân cư ở các đô thị cũng ngày ngày mọc lên, tràn ngập ánh điện; hàng hoá tràn ngập, quê tôi ông em mới vào chơi nói thịt heo rẻ hơn rau!
Nhưng với những người thuộc chế độ cũ sống tại nước ngoài, nhất là ở Mỹ, ở little Sài Gòn, thì còn rất nhiều người ôm lòng thù hận. Cũng là lẽ thường tình, chỉ bất thường ở chỗ ngay tại Việt Nam, có những người thuộc “bên thắng cuộc” lại tìm cách chiêu hồi một chế độ đã không còn nữa đến 42 năm! Cũng là bất thường khi ở VN có hai thái độ đối nghịch nhau: cuồng Mỹ và chống Mỹ. Câu trả lời ở đây là chúng ta cần có thái độ sao đó để tốt nhất cho sự ổn định và phát triển của VN chứ không phải là cuồng hay chống Mỹ. Vì vậy cứ việc tuân theo chính sách của nhà nước là “khép lại quá khứ, vượt qua khác biệt, hướng tới tương lai” là tốt nhất thôi. Còn nhớ 1979, khi chiến tranh Biên giới với TQ nổ ra, tôi đang là sinh viên, trên đài báo luôn phát oang oang  lời kêu gọi của các nhà lãnh đạo VN kêu gọi Liên Xô và các nước trên toàn thế giới giúp chúng ta bảo vệ biên cương của tổ quốc. Hôm nay, thử hỏi với tinh thần AQ, thói kiêu ngạo tiểu nông, anh hùng nhất khoảnh, khi đất nước có biến, với thế, lực, trình độ khoa học công nghệ, cụ thể là khả năng chế tạo vũ khí như của ta, một mình chúng ta đối phó sẽ ra sao?
Tôi viết phê bình, tranh luận tận từ năm 1997, tức là đã tròn 20 năm, nhận ra một điều là người ta không thể tranh luận được với nhau. Vì người ta cố chấp hơn tôi tưởng, người ta ngu dốt hơn tôi tưởng. Dù tranh biện với những cơ sở từ khoa học, triết học đến những chứng cớ như thế nào đi chăng nữa thì ta vẫn không thể thay đổi được quan điểm và nhận thức  sai trái của người đối thoại. Kền kền dân chủ thì sẽ mãi mãi là kền kền dân chủ, chân đất mắt toét hoang tưởng về khoa học thì mãi mãi hoang tưởng về khoa học. Nhưng phạm pháp thì coi chừng cơ quan chức năng tóm, còn “phạm” khoa học thì không ai tóm chỉ khổ vợ con có thằng chồng, thằng cha bị tâm thần mà y học thì không thể phát hiện và cũng không thể chữa trị được.
         Còn tôi cũng bị lũ rắn rết chó điên chuột chù cho là tâm thần nhưng tôi viết về lĩnh vực nào thì chính những người trong lĩnh vực đó hiểu và tôi có không ít “fan” hâm mộ, trong đó có cả những chuyên gia, những nhân vật nổi tiếng.  Ngay tại nước Mỹ cũng đã có tới hơn 40.000 người vào đọc blog của tôi, chưa đến Mỹ mà đã có người mong gặp và tha thiết mời đến nhà chơi đàm đạo. Vậy mà tôi vẫn e ngại khi vừa tới Mỹ vợ tôi nói mai là father’s day (ngày của cha) gia đình cô em sẽ mời vợ chồng một người chị, một người em của ông em cọc chèo của tôi sang chơi, cũng là để chào mừng chúng tôi và gặp lại vợ tôi là người quen cũ của hai người phụ nữ khi còn ở VN. Tôi ngại là vì hai ông chồng của họ đều từng là sĩ quan VNCH. Vợ tôi dặn: “Ông nhớ đừng có nói chuyện chính trị đấy”. Thằng con tôi cũng nói: “Ba cẩn thận vì người ta đâu có hiểu lịch sử sâu xa,  chỉ biết đang yên ổn thì bị mất hết, vượt biên chết chóc, còn sống sang đây tất  thù hận thôi”.
         Với người thân phía nhà vợ tôi đã quá hiểu tôi thì không sao. Ngay người anh con bà chị ba vợ tôi cùng vợ từ florida bay sang đây thăm vợ chồng tôi cũng từng đi lính VNCH. Tôi thoải mái hỏi chuyện anh vượt biên thế nào? Anh vui vẻ kể phải đi hai lần, một lần bị bắt, lần sau mới “thoát” sang Mã lai, bọn anh phải chọc thủng tầu để rơi vào trường hợp cùng đường, buộc người ta cứu mình. May là anh từng làm phiên dịch trong quân đội, tiếng Anh giỏi nên nhanh chóng được gặp nhân viên LHQ, sau một năm thì được sang Mỹ. Vợ anh từng là giáo viên dạy văn xem chừng thích nghe tôi nói chuyện. Một người sống ở nước Mỹ mấy chục năm thường có thái độ coi thường dân ở nước kém phát triển hơn tới. Nhưng với tôi chị đã không ngại nói thẳng ra là rất thích nghe “dượng ba” nói chuyện vì có nhiều tri thức chị chưa biết, kể cả chuyện ăn uống liên quan đến sức khoẻ dù rằng chị có một con là bác sĩ, một con dạy ở trường Y mà chị chưa hề được nghe chúng nó nói.
         ***
         Ngày lễ father’s day, hai cặp vợ chồng người thân của ông chủ nhà tới. Hai người đàn bà gặp lại vợ tôi sau mấy chục năm rất mừng. Mọi thủ tục xã giao hoàn tất chúng tôi vào bàn tiệc. Hai ông rể từng là sĩ quan chế độ cũ, thái độ ông anh cởi mở, vui vẻ hơn, ông em cũng thân thiện nhưng ít nói, có trình độ bởi hiện là kỹ sư làm ở nhà máy chế tạo chi tiết cho các bộ phận máy bay. Tôi ngồi sát bên ông này. Ông là vai em ông chủ nhà nhưng lại hơn cả chủ nhà và tôi 10 tuổi. Sau một hồi rượu bia, vẻ căng cứng, giữ ý giữa hai bên không còn. Tôi không chủ động nhưng cũng không nhớ chi tiết nguyên do dẫn đến chuyện “tình hình VN”. Nghe họ nói ý ở VN còn phân biệt đối xử với người chế độ cũ, tôi mới lên tiếng. Tôi bảo các anh có biết chuyện mới xảy ra không, một ông cục trưởng ở Bộ Văn hoá ra lệnh gì đó, trong đó có chuyện tạm đình chỉ phổ biến bài hát “Con đường xưa em đi” để xem phần lời có đúng bản gốc của tác giả không. Vậy mà báo chí làm um lên khiến ông ấy bị cách chức luôn đấy. Đêm nhạc Phạm Duy người ta treo ảnh của ông ấy to gần kín cả bức tường. Khánh Ly và một loạt ca sĩ từng thề “ra đi sẽ không thèm quay lại” cũng lần lượt về hết, gặp lại người xưa, chốn cũ, mừng mừng tủi tủi. Tất cả họ có ai bị làm sao đâu? Còn Hoài Linh, Đức Huy, Chí Tài, v.v… thì chiếm sóng luôn của Đài Truyền hình VN rồi. Tóm lại ở VN hoàn toàn không còn chuyện phân biệt đối xử với người từng sống dưới chế độ cũ. Còn các anh không nhớ quê thì thôi còn nhớ thì hãy cứ về. Xã hội Việt Nam không đẹp như người ta tô hồng cũng không không xấu như người ta bôi đen. Tuy còn nhiều chuyện nhưng cũng có rất nhiều điều thú vị. Đúng như thằng con tôi khá rõ về hai nơi nên nó nói khá chính xác là “Mỹ có cái sướng của Mỹ, VN cũng có cái sướng của VN”.
         Ông kỹ sư ngồi bên tôi nói:
         -Nhất định tôi sẽ trở về!
         Los Angeles
         27-6-2017
         ĐÔNG LA