Thứ Năm, 29 tháng 6, 2017

ĐẾN LITTLE SÀI GÒN ĂN PHỞ PASTEUR VÀ DỰ LỄ Ở NHÀ THỜ

ĐÔNG LA
ĐẾN LITTLE SÀI GÒN ĂN PHỞ PASTEUR 
VÀ DỰ LỄ Ở NHÀ THỜ
        
Cô em vợ tôi bảo:
         -Hôm nay chúng em sẽ đưa anh chị đến khu người Việt chơi, ăn đồ ăn VN, đi siêu thị, chiều đi lễ, xong mình đi chợ rồi về. Sợ chị mệt nên mình đi muộn một chút.
         Đến giờ, chúng tôi theo ông em cọc chèo xuống ga ra phía sau nhà leo lên chiếc xe “mẹc xi đì” màu đen bóng. Cô em nói:
         -Anh ngồi ghế trên ngắm cảnh  nước Mỹ.
         Từ nhà cô em đến trung tâm người Việt chạy trên “phri-uây” khoảng hơn một tiếng.
***
Xin nói trước tôi viết hoàn toàn khách quan, thấy gì viết nấy chứ không có thái độ cuồng Mỹ hay chống Mỹ ở đây, những người chống Mỹ theo tinh thần “Trăng Liên Xô tròn hơn trăng nước Mỹ” ngày xưa, không thích đọc những điều tôi thấy tốt đẹp ở nước Mỹ thì “đi chỗ khác chơi”!
Ấn tượng đầu tiên của tôi về nước Mỹ khi xuống sân bay, lên xe thằng con chạy trên xa lộ về đến nhà dì dượng nó, đó là hệ thống giao thông nước Mỹ thật vĩ đại và khoa học. Vĩ đại ở chỗ những xa lộ rất dài rộng, những dòng xe ô tô đủ kiểu luôn chạy đầy y như nước của những dòng sông miên man chảy vậy:


 Khoa học ở chỗ đường ở khu dân cư đúng như bàn cờ, chủ yếu là đường để về nhà chứ không phải giao thông, là chỗ để xe hơi của gia đình, nên xe để đầy đường mà yên tĩnh gần như tuyệt đối, rất lâu mới thấy có người ra xe chạy:
***
Gần đến nơi ông em bảo:
-Ở đây người ta còn thù hận lắm, anh tránh nói chuyện ở VN nhá.
Tôi nghĩ ông em lo qúa xa, tính tôi người quen tôi còn không nói huống chi người không quen, lại ở một nơi quá xa lạ.
Vợ chồng tôi được dẫn đi ăn “phở Pasteur”. Chưa biết như thế nào nhưng tôi thấy bãi đậu xe rộng mênh mông. Sau đó tôi thấy bãi đậu xe nào cũng thế, bởi dân Mỹ xài xe hơi như VN xài xe máy, nước Mỹ đất rộng người thưa nên người ta hoàn toàn có điều kiện để quy hoạch như vậy:

Vào tiệm cũng rộng mênh mông, toàn người Việt nói tiếng Việt y như ở VN. Ông em kêu cho hai người phụ nữ hai tô “phở Bắc” còn hai đàn ông chúng tôi hai tô “phở Kobe”. Tôi cũng biết nấu nướng, còn được khá nhiều người khen, nhưng phải ngạc nhiên mà thú nhận là phở ở Mỹ ăn cũng rất ngon. Ngon bởi nước phở ngọt đạm chứ không phải ngọt đường, thơm mùi phở đặc trưng y như ở VN, và đặc biệt, thịt bò đúng là thứ thiệt, rất mềm:













Ăn xong, ông em dẫn chúng tôi đến “Phước Lộc Thọ” trên phố Bolsa, một thương xá đã trở thành một biểu tượng trung tâm của dân Việt tại Mỹ:

Tiếp theo chúng tôi được dẫn đến Macy’s thuộc một trong những hệ thống siêu thị lớn của Mỹ. Bãi đậu xe cũng rộng mênh mông, bên trong không gian và hàng hoá cũng mênh mông luôn. Nhưng chỉ mấy người phụ nữ thích mua sắm thích, còn đàn ông nhất là người thiên về  đầu óc như tôi thì đi cho biết chứ hoàn toàn không thích thú gì. Ở TPHCM cũng không thiếu siêu thị, cũng tràn ngập hàng hoá, chỉ có đất vàng, đất kim cương thì không thể có những bãi đậu xe mênh mông như Mỹ thôi.
Đi riết thấm mệt, ông em đưa chúng tôi đến bãi đậu xe bên nhà thờ St Barbaras, đợi 1 tiếng, chúng tôi vào dự lễ.
***
Như đã nói tôi không theo đạo nào dù đã viết khá nhiều về tâm linh. Là con rể nên trong những đám cưới, đám tang của gia đình vợ, tôi buộc phải có mặt, các lễ lại diễn ra trong các nhà thờ nên tôi đã không ít lần dự lễ. Chỉ như một người tham quan, nhưng cũng phải đứng, ngồi, quỳ theo người ta, chứ một mình không giống ai ở chỗ nghiêm trang sao coi được. Riêng cầu nguyện và làm dấu thánh giá thì tôi không làm vì kinh thì không thuộc, còn làm dấu giả thì tôi ngượng.
Theo giáo lý  Ki-tô giáo (người Việt thường gọi là Đạo Thiên Chúa), Chúa Giê-su Ki-tô vì loài người và để cứu độ loài người đã từ trời xuống thế. Bởi phép Ðức Chúa Thánh Thần đã nhập thể trong lòng Trinh Nữ Maria, sinh ra làm một con người. Vì tội lỗi loài người và để cứu chuộc loài người Chúa Giê-su Ki-tô đã phải chịu khổ hình và cuối cùng phải chịu đóng đinh vào thập giá. Ngày thứ ba Chúa sống lại, lên trời, ngự bên hữu Ðức Chúa Cha, và sẽ lại xuống thế để phán xét kẻ sống và kẻ chết.
Trong nghi lễ Ky tô giáo cử hành trong nhà thờ có phần quan trọng nhất là “Tiệc mình thánh”. Tất cả giáo dân dự lễ đều phải quỳ, tôi quỳ theo, nhưng nếu nhà thờ dở thanh gỗ để quỳ không bọc nệm, không quen đầu gối sẽ rất đau. Lúc đó chủ tế là Linh mục sẽ dang tay cầu xin Chúa: “thánh hóa những của lễ là bánh và rượu nho trở nên Mình và Máu Ðức Giêsu Kitô cho chúng con”.
Điều này xuất phát từ chuyện khi tự nguyện nộp mình chịu khổ hình, Chúa Giê-su cầm lấy bánh, tạ ơn, bẻ ra và trao cho các môn đệ nói:Tất cả các con hãy nhận lấy mà ăn. Vì này là Mình Thầy, sẽ bị nộp vì các con”. Cùng một thể thức ấy, sau bữa ăn tối, Chúa cầm lấy chén, cũng tạ ơn, rồi trao cho các môn đệ nói:Tất cả các con hãy nhận lấy mà uống. Vì này là chén Máu Thầy, Máu giao ước mới và vĩnh cửu, sẽ đổ ra cho các con và nhiều người được tha tội. Các con hãy làm việc này mà nhớ đến Thầy”.
Việc này được coi là “mầu nhiệm đức tin”.
***
Tôn giáo là hệ thống giáo lý được tôn thờ, mà đã tôn thờ thì không thể dùng lý lẽ đời thường , kể cả của khoa học để phán xét. Sự tôn thờ không thể tự nhiên mà có mà đúng là phải tuân theo nguyên lý triết học: “tồn tại xã hội quyết định ý thức xã hội”. Nếu không có sự truyền đạo thời Pháp thuộc, ở VN chắc chắn sẽ không có Ky tô giáo. Một đứa trẻ bình thường sinh ra trong xứ đạo, hàng tuần đi nhà thờ nghe cha giảng đạo, không thể không theo đạo. Chỉ có những nhà tư tưởng hoặc suy nghĩ độc lập như tôi mới có thể vượt ra khỏi hoàn cảnh sống để có thể có nhận thức khách quan và đúng. Nhưng tôn giáo thuộc về thế giới tâm linh, mà thế giới tâm linh là thế giới vô hình đến khoa học cũng không thể biết được, nên nhận thức thế nào là đúng về tôn giáo thật quá khó!
 Tôi sinh ra ở một vùng quê không theo đạo, lớn lên học khoa học, vào đời làm việc ở các viện và trung tâm nghiên cứu khoa học, đến kiếm sống cũng từ các kết quả nghiên cứu khoa học, nên chắc chắn không mê tín, nhưng tôi không bao giờ bài bác tâm linh và sinh hoạt văn hoá tâm linh, có điều tin tưởng thì chưa. Chỉ khi xuất hiện hiện tượng ngoại cảm ở VN, gặp và thực chứng những khả năng siêu phàm của cô Vũ Thị Hoà, gặp các nhà ngoại cảm Nguyễn Ngọc Hoài, Lê Trung Tuấn, v.v…  tôi khẳng định thế giới tâm linh là có thực và trong thế giới ấy có thực tồn tại linh hồn con người sau khi chết đi. Như vậy là có cơ sở thực tế để các tôn giáo xuất hiện, tồn tại và được tín ngưỡng. Nhưng thế giới tâm linh với hầu hết người bình thường là vô hình, mà ngay thế giới hữu hình khoa học cũng chưa thấu hiểu hết thì làm sao con người không nghĩ khác nhau về thế giới tâm linh? Chính vì vậy mà đã sinh ra các tín ngưỡng, tôn giáo khác nhau. Chỉ tiếc là sự khác nhau đó lại là nguyên nhân sinh ra các cuộc chiến đẫm máu và còn kéo dài cho đến tận ngày nay!
***
Ngoài phần nghi thức bắt buộc, trước lần dự lễ này vợ chồng tôi cũng dự một buổi lễ do “cha Mỹ” làm chủ tế tôi cũng thấy y như vậy, trong các buổi lễ, linh mục chủ tế thường giảng đạo. Hiện ở VN đang có một số linh mục như Nguyễn Đình Thục (Song Ngọc, Quỳnh Lưu), Đặng Hữu Nam (quản xứ Phú Yên), Nguyễn Văn Lý mới ở tù ra… đang lợi dụng sự cố Formosa kích động giáo dân biểu tình, chống phá Nhà nước VN, tôi nghĩ ở trung tâm tị nạn của người VN tại Mỹ, các linh mục giảng đạo nhất định phải có phần nói về tình hình VN. Nhưng rồi tôi ngạc nhiên vì vị linh mục ở nhà thờ St Barbaras chỉ nói về sinh hoạt tôn giáo của giáo xứ, chuyện nâng cấp tiện nghi như lắp máy lạnh và hệ thống âm thanh cho nhà thờ và trường dạy giáo lý thuộc nhà thờ, v.v… Ông nói làm cha đã 30 năm, mới có hai năm ở nơi đây, nhưng ông thấy rất hạnh phúc khi thấy những giáo dân đang ngồi dự lễ gương mặt ngời sáng đạo đức và thánh thiện. Ông mong mọi người mãi như thế để rồi sẽ được về sống bên Chúa đời đời… Ông tuyệt nhiên không nói một lời nào mang tính thù hận, kích động để chia rẽ người Việt hải ngoại với đồng bào trong nước.
         Và đó cũng là một chuyện lạ đối với tôi ở nước Mỹ.
         Los Angeles
         29-6-2017
         ĐÔNG LA