Thứ Ba, 30 tháng 4, 2019

ĐẾN NHÀ TRẮNG QUA KHU TƯỞNG NIỆM CHIẾN TRANH VIỆT NAM


Hôm nay là 30-4-2019, tôi muốn đăng lại bài này
ĐÔNG LA
ĐẾN NHÀ TRẮNG QUA KHU TƯỞNG NIỆM
CHIẾN TRANH VIỆT NAM

Sau khi tham quan đền tưởng niệm TT Lincoln, trong khuôn viên mênh mông cây lá, tôi lững thững theo hai đứa con, vừa đẩy mẹ vừa theo bản đồ trên điện thoại tìm đường đến Nhà Trắng, chợt thấy nhóm tượng 3 người lính (The Three Soldiers), gần bên là Tượng của 2 phụ nữ Mỹ mặc đồng phục chăm sóc một binh lính bị thương, là Đài tưởng niệm phụ nữ phục vụ tại Việt Nam (The Vietnam Women's Memorial). Thì ra đó là khu vực có “Bức tường Chiến tranh Việt Nam” nổi tiếng, là đài tưởng niệm cựu binh Mỹ (The Vietnam Veterans Memorial Wall). Nó là một bức tường dài, hình chữ V, bằng đá hoa cương đen, do cô Maya Ying Lin, một nữ sinh viên kiến trúc người Mỹ gốc Hoa của Đại học Yale, thiết kế mẫu, khắc tên của hơn 58.000 chiến binh Mỹ đã thiệt mạng hoặc mất tích khi tham gia trong cuộc chiến tranh Việt Nam. Hơn rất nhiều lần số đó người dân Việt Nam cũng đã chết vì cuộc chiến đó, trong đó có anh ruột tôi, và chính bản thân tôi cũng suýt mất mạng. Vì vậy không thể không nhớ lại đôi dòng lịch sử.
         ***
 Năm 1946, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã gửi thư cho Tổng thống Mỹ Harry Truman kêu gọi sự ủng hộ của Mỹ với nền độc lập non trẻ của Việt Nam, nhưng đã không được hồi đáp, và đó chính là khúc ngoặt đầu tiên dẫn tới cuộc chiến tranh mà Mỹ tiến hành tại Việt Nam.
TT Eisenhower với thuyết Domino cho rằng nếu để mất Đông Dương, Đông Dương trở thành con bài Domino đầu tiên, sẽ gây ra mất nốt phần còn lại của Đông Nam Á. Mà mục tiêu của Mỹ là toàn bộ vùng Đông Nam Á vì đây là một trong những khu vực giàu có nhất thế giới. Sau Hội nghị Genève, CIA báo cho Tổng thống Mỹ Eisenhower thấy rằng khoảng 80% dân số Việt Nam sẽ bầu cho Hồ Chí Minh nếu cuộc tổng tuyển cử được thi hành, vì ông là một George Washington của Việt Nam. Do vậy Hoa Kỳ đã hậu thuẫn Ngô Đình Diệm. Thượng nghị sĩ  (sau trở thành Tổng thống) John F. Kennedy tuyên bố vào ngày 1/6/1956:
“Nếu chúng ta không phải là cha mẹ của nước Việt Nam bé nhỏ [Việt Nam Cộng hòa] thì chắc chắn chúng ta cũng là cha mẹ đỡ đầu của nó. Chúng ta là chủ tọa khi nó ra đời, chúng ta viện trợ để nó sống, chúng ta giúp định hình tương lai của nó (…). Đó là con đẻ của chúng ta - chúng ta không thể bỏ rơi nó, chúng ta không thể không biết tới những nhu cầu của nó”.
Từ đó Ngô Đình Diệm công khai bác bỏ tổng tuyển cử, ngày 23-10-1955, tổ chức cuộc "trưng cầu dân ý" để phế truất Bảo Đại, lên làm Tổng thống.
Ngày 31/5/1961, tiếp Tổng thống Mỹ John F. Kennedy tại Paris, Thống chế Pháp Charles de Gaulle cảnh báo Mỹ:
“Người Pháp chúng tôi có kinh nghiệm về chuyện đó. Người Mỹ các anh trước đây từng muốn thay chỗ chúng tôi ở Đông Dương. Và hôm nay anh muốn nối gót chúng tôi để nhen lại ngọn lửa chiến tranh mà chúng tôi đã kết thúc. Tôi xin báo trước cho anh biết: anh sẽ từ từ sa vào vũng lầy quân sự và chính trị không đáy, bất chấp những tổn thất [nhân mạng] và chi tiêu [tiền của] mà anh có thể phung phí ở đó”.
Đúng như lời “tiên tri “ đó, sau 20 năm, ngoài núi tiền của Mỹ phải đổ ra, số lính Mỹ chết và mất tích là 58.220 người! Những người sống sót tiếp tục phải đối mặt với các vấn đề nghiêm trọng và lâu dài về kinh tế, xã hội, môi trường, sức khỏe và tâm lý mà cuộc chiến đã gây ra.
Sau thất bại ở Việt Nam, Tổng thống Richard Nixon nhìn nhận:
“Chưa bao giờ trong lịch sử nước Mỹ, có nhiều nguồn lực như vậy đã bị sử dụng một cách kém hiệu quả như trong chiến tranh ở Việt Nam. Cuộc chiến tranh đối chọi giữa một siêu cường hạt nhân với tổng sản lượng quốc dân 500 tỷ đôla, một lực lượng vũ trang trên một triệu người và dân số 180 triệu chống lại một cường quốc quân sự nhỏ với tổng sản lượng quốc dân chưa được 2 tỷ đôla, một đội quân 250.000 người và một số dân chỉ có 16 triệu”
Đại tướng Maxwell D. Taylor, cố vấn đặc biệt của Tổng thống Johnson, từng chỉ huy quân viễn chinh Mỹ ở Việt Nam đã khái quát:
“Tất cả chúng ta đều có phần của mình trong thất bại của Mỹ ở Việt Nam và chẳng có gì là tốt đẹp cả. Chúng ta (nước Mỹ) không hề có một anh hùng nào trong cuộc chiến tranh này mà toàn là những kẻ ngu xuẩn. Chính tôi cũng nằm trong số đó”.
41 năm sau chiến tranh, tổng thống Mỹ Barack Obama đã phát biểu về bài học mà Mỹ rút ra trong chiến tranh Việt Nam:
“Chúng ta (Việt Nam và Mỹ) là 2 nước độc lập và dù lớn hay nhỏ cũng đều có chủ quyền của mình, phải được tôn trọng tuyệt đối. Nước lớn không thể “ăn hiếp” nước nhỏ... Bài học của chúng ta trong chiến tranh, trong quá khứ cũng là bài học của cả nhân loại. Những chân giá trị của hòa bình đã được chỉ ra. Chúng ta cũng thấy một điều có tính nguyên lý là độc lập, không một quốc gia nào có thể áp đặt ý chí lên Việt Nam và số phận của Việt Nam là do người dân Việt Nam quyết định”.
***
Tôi bảo con tôi chụp cho tôi vài tấm hình kỷ niệm ở “Bức tường” rồi chúng tôi phải đi bộ khá lâu qua khu công viên, qua một số con phố mới đến Nhà Trắng, nơi ở và làm việc của TT Mỹ.
Chúng ta cần phân biệt có nhiều “nước Mỹ” khác nhau, có khi đối chọi nhau trong một danh từ chung là nước Mỹ. Nước Mỹ của nền giáo dục, nền khoa học, nền công nghệ tiên tiến nhất, cả thế giới hiện đang sống trong nền văn minh internet mà nước Mỹ đã phát minh ra; Nước Mỹ cũng là nơi sinh ra nền cộng hoà, tức chủ nghĩa bình đẳng, sinh ra Tuyên ngôn giải phóng nô lệ. Tiếc là với chính sách ngoại giao của Mỹ có nhiều khi giữa lý thuyết nhân đạo và kết quả thực tế lại ngược nhau, làm khốn khổ dân nhiều nước và cả chính nước Mỹ. Các TT Mỹ nhiệm kỳ kế tiếp thường phê phán chính sách của vị tiền nhiệm, đến lượt mình lại bị người tiếp theo phê phán. Với Việt Nam, có những vị TT gây chiến, tham chiến, cũng lại có Bill Clinton từng là công dân chống chiến tranh VN, khi là TT Mỹ đã tuyên bố bình thường hoá quan hệ với VN, sau những lần đến  VN, ông nói “Việt Nam là đất nước có vị trí đặc biệt trong trái tim tôi”. Cũng chính vì vậy mà những ngày hôm nay có chuyện tôi, gia đình tôi đã chụp ảnh kỷ niệm trước Nhà Trắng, nơi TT Donald John Trump vừa đón TT Nguyễn Xuân Phúc, trước đó Nhà Trắng cũng từng đón TBT Nguyễn Phú Trọng và trước nữa là các vị Chủ tịch nước và Thủ tướng của VN. Đường trước Nhà Trắng không trải nhựa mà trải “đá rửa” như những bức tường những toà nhà Mỹ xây ở Sài Gòn trước 1975. Thấy bên đường phía trái Nhà Trắng có bức tượng rất đẹp, tưởng là Washington, tôi chụp một ảnh. Về tra cứu thì không phải mà là Thống chế nước Pháp Rochambeau, người có công trong cuộc cách mạng giành độc lập của Mỹ. Thì ra Mỹ và Pháp đã có duyên nợ ngay từ ngày đó!  
Sau khi chụp được những tấm hình làm kỷ niệm, chúng tôi vào một quán McDonald’s giải lao, rồi về nơi nghỉ. Qua một cây cầu thấy một toà nhà rất rộng, chỉ nhìn được một phía trông như một bức tường, thì ra đó là “Lầu 5 góc”, Bộ Quốc phòng Mỹ. Chiều ông con chở vòng vòng qua những khu dân cư có những ngôi nhà đặc trưng của Washington, chiêu đãi món cá sống vùng Hawaii hay Haiti gì đó, không gói kiểu sushi Nhật mà trộn trong tô. Vợ chồng tôi ăn cũng được nhưng đúng là không thích vì chưa quen, ông con phải kêu thêm món nấu chín.
Sau đây là mấy tấm hình chụp chuyến du hành trong ngày.
Los Angeles
30-7-2017
ĐÔNG LA