Thứ Năm, 18 tháng 4, 2019

CHUYỆN VĂN VỚI BẠN TRẺ VĂN CHƯƠNG


ĐÔNG LA
CHUYỆN VĂN VỚI BẠN TRẺ VĂN CHƯƠNG

Hôm nay tính vả tiếp vào mõm con chó điên Nguyễn Ngọc Hoài và thằng thầy Khanh vừa bất tri vừa bất lương của nó thì mở facebook lại thấy bạn Trẻ Văn Chương-Skyline Pigeon gắn thẻ mình vào bài mà bạn ấy chia sẻ tấm ảnh bìa tập thơ “Đêm thiêng” của chính mình mà mình đã tặng Văn Chương vào buổi tối hôm qua. Số là chiều qua Văn Chương gọi:
         -Chú có rảnh không? Cháu đến nhà chú nhé?
         -Chú vẫn đang “chiến đấu”, vài ngày nữa là xong luôn, cháu cứ đến mình nhậu lai rai, mình nói chuyện.
         “Chiến đấu” là chuyện tôi sửa nhà, hết chuyện nọ xọ chuyện kia. Vì Văn Chương thích rủ tôi ra quán ở bờ sông cho thơ mộng nhưng tôi thấy phí tiền nên trong số công việc tôi đang làm có việc tôi đã làm một cái bàn nhậu trên nóc nhà tôi, chiều tối gió rất mát và ngắm thành phố ban đêm cũng rất đẹp. Chương nói đến nhà tôi nghĩa là mang đồ đến nhậu. 

Lần trước trong bữa khai trương, cũng tôi và Chương thôi, Chương nói:
         -Đọc mấy bài chú chửi người ta ghê quá!
         -Người ngoài cuộc thường thấy như vậy, còn người trong cuộc thấy bọn bất nhân chúng quá đểu cáng, quá lưu manh và độc ác, mình biết mà không chửi chúng nó thì chính mình lại là kẻ vô cảm, kẻ bất nhân.
         -Nhưng đọc tác phẩm văn thơ của chú, không ai nghĩ lại là cùng một người.
            -Yêu thương và căm giận thực ra là hai mặt của một đồng xu. Nếu ta biết yêu cái đẹp tất phải ghét cái xấu. Chắc không ai nghĩ ông Đông La chuyên chửi bới la hét lại làm những câu thơ về cánh đồng quê như thế này:
Dường như không phải ở nơi Tạo Hóa đặt ngày tạo Thiên, lập Địa
Mà ở tận cùng sâu thẳm của ký ức
Nơi mây bông đêm đêm vẫn lót đệm ta nằm
Những hạt mưa mát lành vẫn tắm gội tuổi thơ ta trong những giấc mơ sâu
 Nơi có đêm trăng mười sáu ta đã bất chợt được chiêm ngưỡng một vầng trăng khác cũng tròn mười sáu
Em tắm sông hay là em tắm trăng?
Những giọt trăng lung linh đậu trên mịn màng da thịt
Đêm mỏng manh không che được nữa rồi
Em chưa biết hay quên mình đã là mười sáu?
Để ta sững sờ sau bụi cây  thưa
Để ta một đời tơ tưởng mộng mơ
Ôi cánh đồng quê! 
         ***
         Tối qua, chuyện trò quanh quẩn với Văn Chương một hồi rồi lại vướng vào thơ ca. Thấy Chương tâm sự hồi nhỏ nhà nghèo nhưng ba má vẫn quyết chí cho mình đi học nên mới được như hôm nay. Tôi cao hứng đọc:
Rồi tôi đến trường trong một sáng thiêng liêng
             Kiến thức đầu tiên ông giáo trao cho là con số 1
             Có phải mày là khởi đầu của bao điều không hở con số 1?
            Như chiếc gậy thần tôi vịn dọc đời đi
Rồi nói:
         -Chú đi học muộn, nên bài đầu chú được ông giáo dạy viết số 1 chứ không phải chữ a nên chú viết như thế? Cháu thấy hay không? Cháu thấy toàn bộ nền thơ ca của thế giới có ai làm thơ về chuyện giải toán như chú làm thế này không?
Như đứa trẻ mới tập đi lẫm chẫm trong khu rừng bí ẩn  
Mỗi bài toán đơn sơ giống một cuộc ú tim
Cái ẩn số cứ chập chờn phía lùm cây trước mặt
Đốt đèn lên con lóng ngóng đi tìm
            -Chú phải lưu lại, quảng bá thế nào đó cho người đọc biết chứ không thì phí quá.
-Nhiều khi thấy thơ của người ta chả ra gì lại được vinh danh, được vào sách giáo khoa, nghĩ thơ mình như vậy rồi dần trôi vào lãng quên cũng tiếc thật!
         Nói rồi tôi xuống nhà lấy lên tập thơ “Đêm thiêng” đưa cho Chương:
         -Cái bìa này hồi đó mới có máy tính mà chú mầy mò thiết kế luôn đấy, chú viết tay chữ “đêm thiêng”, làm bóng chữ luôn. 

Chương biết tại sao chú đặt là “Đêm thiêng” không? Chú soạn xong tập thơ rồi thấy phải làm một bài để đặt đầu đề? Vậy cái gì là quan trọng và thiêng liêng nhất đối với cuộc đời một con người, đó chính là đêm tân hôn, tất cả hạnh phúc hoặc khổ đau của loài người đều bắt nguồn từ cái đêm ấy. Nên chú làm một bài và lấy tên đặt cho tập thơ luôn. Chú nghĩ phải viết làm sao thật thơ mộng và thật ý nghĩa. Nên khổ đầu chú viết thế này:
Đêm nay
Anh sẽ ngắt trăng về làm đèn ngủ
Ôm mấy ôm mây trải nệm
Trong những ô cửa sổ
Giam giữ các loại hương hoa
Cháu thấy thơ mộng không? Còn đoạn kết:
Đêm nay
Anh đã đến được rồi giấc mơ hạnh phúc
Nơi cây số 29 cuộc đời anh
Từ bao giờ em đã đứng đợi?
Ta hãy mang hai nửa phần chông chênh nhập vào nhau khăng khít
Lắp ráp một cuộc đời!
Cháu thấy ý nghĩa không?


Thấy Chương chụp lia lịa, tôi bảo:
-Cháu chụp làm gì, chú tặng cháu luôn mà, cháu thấy lời đề từ tập thơ của chú hay không?
“Tôi khát khao đạt được cái bất thường của cái bình thường
Bất chợt có một kẻ lạ mặt
Đã chán cái bất thường của cái bất thường!”
Phải hiểu Đạo Phật mới thấy hết ý nghĩa đoạn này nhưng hồi ấy chú còn trẻ con chưa hiểu gì vậy mà viết được thế, đúng là tiên tri đấy. Vì theo Đạo Phật tất cả là vô thường mà.
         -Nhưng “kẻ lạ mặt” là ai chú?
         -Là cái cớ để chú viết thôi.
         -Đúng là chú có những suy nghĩ khác người. Như người ta sẽ viết: “Kính tặng cha, người luôn tự hào về đứa con này” thì chú lại thêm chữ “vô tích sự” vào, “Kính tặng cha, người luôn tự hào về đứa con vô tích sự này”, buồn cười thật nhưng lại thấy thấm thía.
         ***
Tập thơ tôi in từ năm 1996, tức đã 23 năm. Tôi nghĩ thơ quá tinh tế cao siêu nếu không được lăng xê thật khó đến được với công chúng vậy nên thi thoảng tôi rất ngạc nhiên khi gặp người ta nói thích tập thơ của mình. Có câu chuyện làm tôi nhớ mãi, có bạn Nguyễn Thánh Ngã cũng làm thơ ở Đà Lạt thích tôi viết lý luận phê bình làm quen với tôi và một lần về Sài Gòn hẹn gặp tôi. Tôi đến chỗ hẹn, gặp Ngã và Ngã giới thiệu một người bạn:
         -Thật là ngẫu nhiên thú vị anh ạ. Đây là bạn em cũng làm thơ, chịu lạnh ở Đà lạt không nổi về đây, hồi nãy gặp lại nó, nó khoe: “Ở Sài Gòn có ông Đông La ra tập thơ “Đêm thiêng” hay lắm mày ạ!”/ “Trời đất, kỳ này tao về Sài Gòn chính là để gặp mặt ổng đó”. Và bây giờ tao sẽ gọi điện cho ổng”.
         Đã hơn 23 trôi qua, những kỷ niệm thai nghén sinh nở tập thơ vẫn không quên. Hồi ấy tôi thân với anh Hoài Anh hơn tôi gần hai chục tuổi. Tôi nhờ anh viết bài giới thiệu để in luôn vào sách, tôi nhắc: “Anh nhớ viết ông Chế Lan Viên vào nhá”, không ngờ anh Hoài Anh viết thế này:
         “Một điểm chung nhất toát lên từ tập thơ của Đông La là cái cách viết,  nó giúp anh thấy được tính cụ thể trong cái trừu tượng, tính trừu tượng trong cái cụ thể… Thành công của anh còn do anh may mắn được gần gũi các bậc thầy về thơ như Chế Lan Viên… được thừa hưởng bí quyết tâm truyền”
         Thú thật “bí quyết tâm truyền” đó là gì tôi cũng không biết nhưng vẫn rất khoái khi thấy anh Hoài Anh viết về mối quan hệ của tôi với Nhà thơ lớn Chế Lan Viên như vậy.

         18-4-2019
         ĐÔNG LA