Thứ Ba, 1 tháng 8, 2017

ĐĂNG LẠI VÀI Ý NHÂN SỰ KIỆN TRỊNH XUÂN THANH BỊ BẮT

ĐÔNG LA
ĐĂNG LẠI VÀI Ý NHÂN SỰ KIỆN
TRỊNH XUÂN THANH BỊ BẮT


Nói mừng khi Trịnh Xuân Thanh bị bắt có gì đó không phải trước nỗi bất hạnh của một con người, nhưng quả thật tôi vẫn thấy nhẹ lòng bởi như vậy kỷ cương phép nước đã được thực hiện. Các lực lượng an ninh đúng là “tài” nếu không không có chuyện kẻ phạm tội tự dưng ra đầu thú. Và Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng là cơ quan phòng chống tham nhũng tối cao của Đảng Cộng sản Việt Nam do Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng làm trưởng ban chỉ đạo đang từng bước làm tốt sứ mệnh đẩy lùi “giặc nội xâm”, giữ gìn sự ổn định và phát triển của đất nước.
Nhân sự kiện rất nóng này tôi muốn đăng lại mấy ý tôi viết rải rác trong các bài viết từ lâu nhưng xem chừng còn lâu mới nguội.
***
 Nhìn lại thời kỳ kế hoạch hóa, cuộc sống diễn ra trong khung của một kế hoạch, một nhóm người nghĩ thay cho mọi người, vì thế đã dẫn đến sự quan liêu, không phát huy sức sáng tạo toàn dân, bó buộc sức sản xuất. Điều này mang tính cứng nhắc siêu hình ngược với Nguyên lý về sự phát triển, quy luật Mâu thuẫn và quy luật phủ định của phủ định. Người lãnh đạo tập thể khác với các ông chủ ở chỗ, ông chủ coi tư sở là của nhà mình nên hết sức vì nó, còn nhà lãnh đạo xấu trong giai đoạn "quá độ" mà vật chất còn là của hiếm sẽ coi công sở là nơi mình cai quản một thời gian để kiếm danh lợi, nên họ làm việc không vì sự phát triển mà vì sự củng cố quyền lực, để ngồi lâu hơn. Vì thế xã hội tập thể hóa kiểu như vậy cũng không thể đạt được sự công bằng và có ưu thế phát triển. Có lẽ, đó là một trong những nguyên nhân đã khiến các nước đi theo hướng XHCN thất thế. 
Mặt khác, ở Liên xô, theo báo Nhân dân online, Brezhnev lại từ câu nói của Khrushchev: “Sự ổn định của đội ngũ cán bộ là sự bảo đảm cho thành công” đã phát triển thành chế độ chức vụ suốt đời, hình thành một xã hội phong kiến kiểu mới, giúp cho tầng lớp đặc quyền sinh sôi. Đến thời Gorbachev, tầng lớp đặc quyền đã biến thành giai cấp tư sản mới. Khi đất nước trước nguy cơ tồn vong, họ đã công khai thúc đẩy vứt bỏ CNXH, tức là lại làm cuộc cách mạng từ phong kiến chuyển sang CNTB, để hợp pháp hóa tài sản tham nhũng. Đó chính là nguyên nhân của đổ vỡ. Nhà kinh tế học nổi tiếng người Mỹ David Code có một câu nói chí lý: “Đảng Cộng sản Liên Xô là chính đảng duy nhất làm giàu trong tang lễ của chính mình”.
Vì vậy, muốn bốc thuốc kê toa cho chế độ, cần phải chẩn đoán đúng, kê toa đúng. Nếu không chỉ làm bệnh nhân bệnh nặng thêm, thậm chí tử vong. Nước ta đã từ bỏ mô hình XHCN Liên xô mấy chục năm rồi và đã đi theo mô hình Kinh tế thị trường định hướng XHCN. Một mô hình theo lý thuyết là rất hay, bởi vừa phát huy được sự năng động của sản xuất tư bản vừa đi theo lý tưởng XHCN với những chính sách hướng tới số đông người lao động. Tiếc là mô hình này trong thực tế lại nảy sinh mấy cái rắc rối:
Thứ nhất, nó đã sinh ra cái tình trạng công tư nhập nhằng. Trong khi đó lại chưa có cơ chế giám sát phù hợp. Trong cuộc sống, không ai không mong muốn thành đạt. Nhưng ở ta, đồng lương của cán bộ thực chất rất thấp. Thế là ai ai cũng phải “tự cứu lấy mình”, tìm mọi cách để kiếm thêm. Trong muôn hình vạn trạng của cái việc kiếm thêm ấy, ranh giới giữa những việc làm chính đáng và bất chính vô cùng mong manh. Tiền bất chính lại rớt vào túi dễ như nước chảy xuôi, trái lại, kiếm được đồng tiền chính đáng phải đổ mồ hôi sôi nước mắt. Đó chính là cái gốc rễ đã sinh ra quốc nạn tham nhũng.
Thứ hai, ở những nước tư bản, những nhà tư bản thành đạt đều do mồ hôi, tâm sức và tài năng của họ, như Ford, Bill Gates,… còn ở ta nhiều quan chức không chỉ thiết lập vương triều tại cơ quan mà còn lập ra những công ty gia đình (như vụ Điện kế điện tử, Bệnh viện Chợ Rẫy, vụ in tiền, vụ Than - khoáng sản, v.v…).  Bởi dựa vào quyền thế, người ta dễ dàng có vốn và có cửa đầu tư vào những lĩnh vực béo bở nhất. Chúng ta thật e ngại khi có thực trạng đất đai và nền kinh tế bị xẻ ra như những miếng bánh bỏ vào túi riêng. Sự định giá tài sản công rẻ mạt để chia nhau cổ phần, nhưng người lao động được rất ít và cũng không ít người lại không tiền mua. Như  vậy một phần nào đó Kinh tế thị trường lại định hướng Tư bản chủ nghĩa, đã tạo ra một sự bất công mới, có người giầu người nghèo trong chính tổ chức ĐCS, như TBT Nguyễn Phú Trọng đã phát biểu từng được chiếu lại trên VTV.
Về chuyện Kinh tế thị trường định hướng XHCN lấy kinh tế quốc doanh làm chủ đạo. Vì thực sự nước ta người giàu đã có nhiều nhưng chủ yếu do may mắn, do trúng mánh trong buôn bán, do trúng mánh về biến đối giá cả đất đai, khai thác tài nguyên; có sản xuất thì cũng chỉ là gia công, hoặc làm công việc thiên về cơ bắp sinh lợi thấp; chứ chúng ta không có những nhà đại tư bản tạo ra những vương quốc bằng kỹ thuật công nghệ cao, bằng chất xám, có thể làm xương sống cho cả nền kinh tế. Nên ở ta việc nhà nước nắm những ngành kinh tế quan trọng để duy trì sự ổn định và phát triển là đúng. Có điều lại liên quan đến cơ chế. Có cơ chế đã trở thành lỗi thời, trong khi nhiều cái mới nảy sinh lại chưa có cơ chế giám sát, nên sự điều hành nền kinh tế của chính phủ chưa tốt. Trong khi đó, năng lực của những lãnh đạo tại các đại công ty nhà nước lại quá kém, dẫn đến tình trạng đầu tư tràn lan, không có sức cạnh tranh, làm ăn kém hiệu quả, thua lỗ, nợ nần, làm thất thoát tiền bạc công, tham nhũng, lãng phí, như  các tập đoàn Vinashin, Than – Khoáng sản, Điện lực, Cao su, Dầu khí, Xăng dầu, Đường sắt, Hàng hải, Hàng không, Xi măng, Mía đường, Thép v.v… Tất cả đã đẩy đất nước đến tình trạng mà cũng chính TBT Nguyễn Phú Trọng đã nói là “nguy cơ tồn vong của chế độ”.
Trên diễn đàn Quốc hội, thật lo ngại khi nhìn mấy ông bộ trưởng về đầu tư, về tài chính v.v… mặt ngây ngô nói không biết chuyện Vinaline bỏ ra mấy chục triệu đô mua đống sắt rỉ là ụ nổi về, không phải để dùng mà để sửa chữa, đến tận hôm nay chưa xong! Tại sao chúng ta đã nói quá nhiều, đã nói liên tục những lời rất hay ho, soạn ra vô vàn văn bản rất chặt chẽ, vậy mà sao lại có cái chính sách kỳ quái là giao quyền cho những cá nhân chi tiêu tự do công quỹ nhà nước!
Vì vậy, cần phải tạo ra một cơ chế sao đó để có thể giám sát được các hoạt động kinh tế, giám  sát được sự chi tiêu ngân sách. Cần phải công khai tài sản của quan chức và những người thân, minh bạch hóa những khoản thu nhập lớn, buộc phải chứng minh được nguồn gốc của các loại tài sản. Đó chính là toa thuốc trị căn bệnh xã hội hôm nay. Nghĩa là càng thực hiện kinh tế thị trường phát huy sức sản xuất càng phải coi trọng “đấu tranh giai cấp”, cụ thể là việc chống tham nhũng và làm giàu bất chính, bởi đó chính là sự bất công lớn nhất, cái việc một thời cả nước đổ máu để rồi cho hôm nay một số nhỏ trục lợi. 
        Trong thực tế vừa qua chính vì những đảng viên có chức, có quyền ở những lĩnh vực liên quan đến tiền bạc, đã móc ngoặc, liên minh liên kết, co cụm, tạo lập những vương quốc riêng, thoát khỏi sự lãnh đạo chung của Đảng; đã tham ô, tham nhũng, hình thành nên “một bộ phận không nhỏ”. Những vụ án kinh tế lớn bị điều tra đa phần vì vụ việc như ung nhọt tự bể, công an, kiểm sát cứ nhắm mắt bắt và kết tội cũng không sai được.
         Về danh nghĩa đúng là ở đâu cũng có “Đảng”, có bí thư, có đảng viên. Nước ta cũng có cơ chế tam quyền phân lập, cũng có Quốc hội lập pháp, Chính phủ hành pháp, Tòa án tối cao xử án. Bao trùm lên cơ chế đó còn có Đảng lãnh đạo. Lẽ ra sự phạm pháp phải bị kiểm soát tốt hơn cơ chế chỉ có “tam quyền phân lập”. Nhưng thực tế đã diễn ra ngược lại. 
          Có tình trạng như vậy bởi đúng là  Đảng lãnh đạo toàn diện, nói theo “lề trái” là “toàn trị” nhưng thực tế lại không “trị” được ai. Bởi Đảng có quyền lãnh đạo nhưng không có quyền chỉ đạo. Đảng chỉ ra đường lối, chủ trương bằng nghị quyết, rồi mọi chuyện diễn ra ngoài tầm kiểm soát của Đảng. Chính vậy mới có chuyện Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng khi tiếp xúc cử tri 2 Quận Hoàn Kiếm và Ba Đình đã nói: “Cha ông ta nói rất hay: “Miếng ăn là miếng tồi tàn / Mất ăn một miếng lộn gan lên đầu”…  Đụng đến lợi ích là phản ứng, nhất là một khi lợi ích nhóm móc ngoặc với nhau thành đường dây vô cùng phức tạp”. Như vậy phải chăng thực chất quyền lực của Đảng có giai đoạn chỉ là quyền lực rỗng. Đảng lãnh đạo toàn diện, nhưng là lãnh đạo tập thể, cá nhân chỉ là người được phân công phụ trách; ai cũng là người của Đảng, đồng thời là người của Quốc hội, đồng thời làm quan chức; khi sự cố xảy ra thì chịu trách nhiệm chung, không ai bị làm sao cả, ngoài những người dính líu trực tiếp đến những chứng cớ phạm pháp.
         Vì tất cả các lẽ đó, cần phải làm cho sự lãnh đạo của Đảng đúng là toàn diện. Có vậy mới giám sát được mọi hoạt động của chính quyền, của các cơ quan, các đơn vị. Đảng không làm cụ thể nhưng Đảng có quyền giám sát, mà quyền giám sát là quyền đặt cao hơn. Và càng những lĩnh vực liên quan đến kinh tế, đến tiền, thì càng cần phải giám sát chặt chẽ hơn.
31-7-2017
ĐÔNG LA