Thứ Năm, 12 tháng 10, 2017

Nguyễn Văn Thịnh ĐƯỜNG TRẦN LÀ THẾ

ĐƯỜNG TRẦN LÀ THẾ
                                                   Nguyễn Văn Thịnh
                                    ***
Bạn Trần Tố Nga gửi tặng tôi tập hồi ký Đường trần*. Con đường xưa như trái đất, hằng hà sa số người đi, bao lâu mà vẫn thế – Muôn hình vạn trạng: Trần ai lai khổ hay là gió mát trăng thanh? Gềnh thác chông gai hay là mát mái thuận buồm? Dù sao thì trên con đường ấy chúng ta là bạn đồng hành. Ngoài tuổi thơ đầy tình thương dưới mái nhà êm ấm, là trường Phổ thông cấp III Nguyễn Trãi Cửa Bắc Hà Nội đầy kỷ niệm với niềm tin ngây thơ và ước mơ sôi nổi của tuổi học trò; là con đường từ Trường B105 tới Ông Cụ xẻ dọc Trường Sơn đầy gian khổ hiểm nguy mà lòng phơi phới dậy tương lai; là những ngày mưa rừng hành quân cơm sống măng le; là những ngày tháng gian truân cận kề cái chết và đã vượt qua để được chia sẻ niềm vui chiến thắng; là những năm hậu chiến dài dằng dặc với bao nhiên điều trăn trở về phận mình, phận nước; là những năm tháng cuối đời thấp thỏm âu lo về chất độc dioxin từng hành hạ mình liệu có còn là mầm gây họa cho con cháu đời sau?...
Cuốn sách 450 trang gói gọn 75 năm cuộc đời của người bạn gái cùng cảnh ngộ, làm sống dậy những kỷ niệm vui buồn tưởng đã quên đi...  
Dù ở địa bàn chiến đấu khác nhau: Bạn trong nội đô luôn đối đầu lính kín, cảnh sát và những đòn tra tấn trong tù. Tôi ngoài bưng biền luôn căng thẳng với những trận càn, dưới đất giặc “dí”, trên đầu máy bay rà sát địa hình kêu gọi chiêu hồi; những lúc trân mình dưới hầm chịu trận pháo dùi, pháo chụp, bom trùm giải thảm, bom đìa tọa độ... Song chỉ mong mau có hòa bình dù rau cháo cũng cam, như lời bạn nói: “Tưởng như chỉ cần có hòa bình thì mọi việc trên đời sẽ trở nên tốt đẹp với từng con người và với cả dân tộc. Chỉ cần có hòa bình là hạnh phúc và niềm vui sẽ đến”.
Đúng thế. Đất nước một giải đã về ta, bạn ở đầu phía Nam, tôi ở đầu phía Bắc mà xem như từ một bản sao ra. Bạn xin đi học như ước mơ thời con gái thì người có trách nhiệm trả lời: “Lúc này đất nước cần cháu làm việc hơn là đi học, lẽ nào cháu lại quên nghĩa vụ với các bạn đã hy sinh?”! Bạn xin về trường cũ thì nhận được câu nói sỗ sàng của một anh bạn nào đó gặp may: “Cậu chỉ là viên đá lót đường trong chiến tranh. Cậu đã rời xa khoa học lâu rồi, ở đây cậu không có chỗ đâu, bây giờ là thời kỳ của khoa học, là thời kỳ của chúng tớ!”. Còn tôi, đi xin việc thì được trả lời: “Anh tự đi liên hệ nơi nào nhận thì Bộ sẽ làm quyết định!”. Nhiều cái lắc đầu vô cảm hoặc đôi khi một ánh mắt nhìn thương hại. May là còn gặp người tử tế. Nhưng muốn được đi học bù vào khoảng trống thì nhận được lời hứa vu vơ: “Cứ công tác tốt, có dịp sẽ ưu tiên!”. Và khi quân Tàu đánh sang, theo lệnh Tổng đông viên, bộ phận tuyển quân ưu tiên tuyển những “đồng chí” có kinh nghiệm chiến trường! Bị chính người thân dạy cho bài học: “Hoặc là dốt! Hoặc là đấu đá! Hoặc là bị phỉnh!”. Nhưng phép công là trọng quen nếp mất rồi, đường mây sớm giục xứ trời, xuất chinh thêm 10 năm nữa. Khi được trút bỏ bộ chiến bào thì gối mỏi chân chồn, tuổi xuân đâu còn nữa!                                                                        
Dầu cuộc đời biến đổi thế nào tôi cũng nghĩ y như bạn: “Lịch sử càng lùi xa, ta càng có điều kiện nhìn lại cuộc chiến tranh chống Mỹ cứu nước một cách sâu sắc hơn, đầy đủ hơn. Trong đạn bom gian khổ, đã có những gương hy sinh và những kẻ phản bội, đã có những quyết định đúng đắn và những sai lầm, nhưng những mục tiêu cao đẹp của cuộc chiến tranh vệ quốc là điều không thể nào phủ nhận được. Chúng tôi, lớp người trực tiếp tham gia cuộc chiến – Những người đã ngã xuống trong chiến tranh và những người còn sống ngày mai một dần, chúng tôi không bao giờ tiếc nuối những năm tháng đã sống và chiến đấu. Chúng tôi luôn tin rằng đã làm đúng những điều mà người dân yêu nước nào cũng phải làm vào thời buổi sơn hà nguy biến”. Như tâm tư của một bà mẹ Quảng Bình: “Mỹ đến xâm lược nước mình, nó thua thì nó về nước nó, mình thua thì mình biết đi đâu?”; Như lời mẹ tôi dặn: “Con đi chân cứng đá mềm!”, cũng như lời bà ngoại bạn khuyên: “Hùm chết để da, người ta chết để tiếng, con nhớ không?”, là nguồn sức mạnh để cháu con vượt qua muôn vàn thử thách. Đó hoàn toàn là truyền thống từ tổ tiên ông bà để lại đã thành nền tảng đạo đức gia đình, dân tộc chớ không phải là do một “ý thức hệ ủy nhiệm” xa lạ nào như mấy anh trí thức dởm ăn theo hãnh tiến báo hại một thời, nay hết vận còn muốn tạo tiếng tăm để lưu cái danh suông. Chúng ta theo cha ông làm cách mạng chỉ vì điều Chân-Thiện-Mỹ chứ không vì miếng cơm manh áo đi tìm “quả thực”. Tạm hài lòng với những gì làm được. Nước mất thì ta lấy lại được rồi. Dân ta tự quyết định vận mệnh tổ quốc mình. Dần dà ta mới hiểu ra: Thể chế chỉ là chiếc áo. Chẳng nên cầu toàn ở một xã hội nào. Mọi khái niệm đều chỉ là tương đối. Bình đẳng trong một nhà đã khó huống chi giữa xã hội của ít người nhiều mà lòng tham thì không giới hạn? Dân chủ với ai trong xã hội mà người xây thì ít, người phá thì nhiều? Tự do làm sao trước hàng tỷ người nhưng muôn ngàn vạn ý? Chỉ mong mối quan hệ con người ngày một lành mạnh hơn, ấy là khả năng kiềm chế bản năng ích kỷ của con người. Vận nước đổi thay tùy lúc: Có minh vương thì có hiền thần, dân thịnh nước cường. U vương lên ngôi thì gian thần lộng hành, dân suy nước nhược.    
Cuộc đời của mỗi con người chỉ giới hạn trong một giai đoạn lịch sử nhất định thôi. Chúng ta may thoát ra khỏi cuộc chiến tranh và được hưởng lộc trời là tuổi thọ với nỗi niềm Lạc, Ai, Nộ  Vui vì trên đất nước ta sạch bóng quân xâm lược, giang sơn thống nhất, tổ quốc hòa bình độc lập và dân ta làm chủ vận mệnh của mình.  Buồn vì những sai lầm trong chính sách kinh tế và xã hội kéo dài, chậm sửa để dân chịu khổ quá lâu và nạn tham nhũng tác oai tác quái làm mất lòng tin. Giận những ai đã sớm quên máu xương của đồng bào, đồng đội, quên đi những ân tình bảo bọc của dân, quên đi cội nguồn và trách nhiệm của mình, chẳng khác chi quân bội phản.
Chiến tranh cũng để lại hậu quả vô cùng tệ hại lâu dài ngay cả với những người chiến thắng. Nghĩ tới cùng thì những người ở tuyến trước, một thân một mình “da ngựa bọc thây” nào có xá chi. May còn sống trở về sức lực tiêu hao, tài mòn, trí lụt, có được học cũng chẳng thể bằng người. Trong khi những người ở tuyến sau cũng phải trần thân lo cả hậu phương lớn nhỏ đùm đề. Triền miên vất vả mãi sinh ra óc thực dụng. Tật thu vén, dối trá, ki cóp, ích kỷ, nảy ra từ đấy. Và cũng từ đấy nảy nòi ra lũ láu cá, khôn ranh, lừa lọc. Khi đổi mới tư duy từ “kinh tế tập trung” sang “kinh tế thị trường” thì tư duy lợi nhuận thâm nhập vào mọi lĩnh vực, thao túng toàn xã hội. Lũ cơ hội gặp thời mọc ra như nấm sau mưa. Lợi ích cá nhân hợp thành lợi ích nhóm cạnh tranh nhau quyết liệt. Sự tha hóa con người không có điểm dừng, gây ra bao điều tệ hại, thậm chí phản lại mục tiêu lúc khởi đầu!                                                  
Một thế hệ đang ở chân cái dốc bên kia của cuộc đời. Xã hội hay dở là việc của lớp người sau. Tuy nhiên chúng ta còn bị giàng buộc với cuộc chiến tranh này bởi đã không may nằm trong số 4 triệu nạn nhân của chất độc dioxin có trong thuốc diệt cỏ màu da cam mà từ năm 1961 quân đội Mỹ đã rải trên các vùng rừng núi nửa phần phía Nam tổ quốc ta suốt 10 năm. Tác hại và di chứng của nó gây ra rất nhiều thảm cảnh cho các gia đình nạn nhân cả nước. Đặc biệt ở tỉnh Thái Bình, trong số 400.000 thanh niên đi bộ đội thì gần 100.000 đã hy sinh và thương tật nặng, 15.000 gia đình có người bị di chứng chất độc hóa học nhiều hay ít. Thuốc diệt cỏ có chất dioxin từ tay những lính Mỹ rải ra và những người lính Việt Nam hứng chịu, gọi là bị phơi nhiễm. Tuy nhiên khi các cựu chiến binh Mỹ là nạn nhân của thuốc diệt cỏ màu da cam khởi kiện thì những công ty hóa chất Mỹ sản xuất ra loại thuốc ấy đưa ra khoản tiền 180triệu USD để “hòa giải ngoài tòa”, khép lại tranh chấp. Ngầm hiểu là họ thể tình, nại lý.
Với đơn khởi kiện của các cựu chiến binh Việt Nam cũng là nạn nhân của cùng loại hóa chất ấy, trong thời điểm ấy, trên cùng một địa bàn chiến tranh thì bị Tòa án Mỹ tìm cách vô hiệu hóa và không chấp nhận. Cái luật lớn-bé của lẽ đời xưa nay là vậy. Đấy là nhân quyền Mỹ! Trước sĩ diện của kẻ mạnh thiên hạ phải làm lơ. Nước Đại Việt ta không chỉ một lần đánh đuổi giặc to mà vẫn phải chủ động cầu hòa, chỉ mong được sống yên thân. “Kẻ mạnh cái lẽ vốn già” (La raison du plus fort est toujours la meilleure), ông La Fontaine đã nói rồi. “Vô phúc đáo tụng đình”, công của tốn kém theo đòi kiện tụng biết rằng vô vọng chi bằng để lo cho những nạn nhân quá ư khốn khổ. Thay vì sự bồi thường là sự trợ giúp, xem ra cũng có chút tình. Dù đền đáp bao nhiêu cũng chẳng thể so được với những gì đã mất. Chỉ mong sự trợ giúp nhiều hơn và thời gian cũng khẩn thiết hơn với những người mắc nạn và chút đền đáp ấy được dành đúng chỗ.
Vụ kiện của các cựu chiến binh Việt Nam xem ra không còn hy vọng! Riêng bạn Tố Nga mang 4 trong số 17 chứng bệnh có thể liên hệ đến chất độc da cam, lại được sự giúp đỡ của những người bạn quốc tế có lương tri thì cứ tiếp tục cuộc hành trình. Bạn đấu tranh không chỉ vì mình mà cũng để loại trừ một căn nguyên diệt chủng. 19 công ty hóa chất Mỹ sản xuất thuốc diệt cỏ màu da cam có nồng độ chất độc dioxin cao đã thuê 38 luật sư sừng sỏ để đối đầu với ba luật sư tích cực ủng hộ vô tư nạn nhân Trần Tố Nga với niềm tin “Không phải số lượng, mà chứng cứ, luận điểm và sự thật chính nghĩa sẽ quyết định thành bại chung cuộc”. Xã hội loài người đã sang thế kỷ thứ XXI rồi mà con người vẫn đốt đuốc đi tìm công lý!
Những chiến hữu của bạn và nhân dân cả nước luôn ủng hộ bạn. Ở Pháp, phong trào mua một cuốn sách do bạn viết Mảnh đất bị nhiễm độc của tôi là góp 5 euro vào quỹ của vụ kiện, thì ở trên tổ quốc Việt Nam từng chia sẻ đau thương với bạn, sao không thể có phong trào “Hãy mua một cuốn sách Đường trần là góp 120.000VNĐ vào quỹ của vụ kiện, là thiết thực chung sức với cựu chiến binh Trần Tố Nga – người đang vượt qua bệnh tật hiểm nghèo với nghị lực phi thường.  
Cầu chúc bạn sức khỏe để giữ “Ngọn lửa không bao giờ tắt” đặng truyền tiếp cho lớp người sau.
                     
                      Tuần báo Văn nghệ Thành phố Hồ Chí Minh
                          Số 470 Thứ năm ngày 5 tháng 10 năm 2017


* Đường trần (Ngọn lửa không bao giờ tắt) – NXB Trẻ 2017