ĐÔNG LA
MỘT NĂM MẤT MÙA CÁN BỘ
ĐƯỢC MÙA NIỀM TIN
Như
theo tin các báo, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng hôm 28-12-2017 lần đầu tiên dự
và phát biểu chỉ đạo tại Hội nghị trực tuyến của Chính phủ với các địa phương
triển khai nhiệm vụ năm 2018.
Trước
đó, trao đổi với báo chí, Chủ nhiệm, Bộ trưởng Văn phòng Chính phủ Mai Tiến
Dũng nói: “Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc có trân trọng mời Tổng Bí thư Nguyễn Phú
Trọng dự cuộc họp Chính phủ cuối tháng 12”. Chính phủ mời Tổng bí thư dự để Tổng
Bí thư thấy những vấn đề được và chưa được, từ đó có chỉ đạo của người lãnh đạo
cao nhất của Đảng tới Bộ, ngành, địa phương để tang cường sự gắn kết, thống nhất.
Sự kiện này cũng khẳng định mục tiêu của Đảng chống tham nhũng là để làm lành mạnh
hệ thống nhằm đạt được tăng trưởng và phát triển kinh tế.
***
Một
việc đúng là chuyện lạ, cả từ phía mời của Thủ tướng lẫn việc nhận lời dự họp của
TBT. Những trang chuyên nghề xuyên tạc chống phá VN đã cho TBT Nguyễn Phú Trọng
như vậy đã thể hiện sự độc tài, tham quyền cố vị. Nếu máy móc dựa vào Hiến
pháp, các điều luật người ta rất dễ cho như vậy là vi phạm. Nhưng chúng ta cũng
cần phải hiểu quyền lực không phải là quyền mang tính cá nhân, quyền lực cũng
không phải là chiếc bánh để chia phần mà phải tính toán phần sở hữu, cân đo to
nhỏ, mà quyền ở đây là quyền lực chính trị thuộc về thể chế. Hiến pháp VN hiến
định Đảng lãnh đạo cao nhất và toàn diện thì Đảng có toàn quyền tuỳ theo tình
hình sẽ tham gia chỉ đạo cuộc họp của Chính phủ hay không. Nếu sự tham gia có
ích lợi cho dân cho nước thì cần phải tăng cường.
Thời
gian qua việc xã hội VN lập kỷ lục về chuyện cán bộ đảng viên bị bắt, bị kỷ luật
có lẽ bắt nguồn từ sự hiểu máy móc, chưa đúng về sự lãnh đạo của Đảng.
Tôi
đã viết bài “Giám sát quyền lực” hôm nay xin nhắc lại một số vấn đề.
Tôi
cho rằng cách đây không lâu người ta cho do
“Đảng “lấn sân” chính quyền” nên đã gây ra tình trạng “một bộ phận
không nhỏ” cán bộ đảng viên suy thoái xem chừng là nói ngược, không đúng với
thực tế.
Vì trong thực tế vừa qua chính vì những người có chức, có quyền ở những lĩnh vực
liên quan đến tiền bạc, đã móc ngoặc, liên minh liên kết, co cụm, tạo lập những
vương quốc riêng, thoát khỏi sự lãnh đạo chung của Đảng, đã tham ô, tham nhũng.
Những vụ án kinh tế lớn đa phần như ung nhọt tự bể nên mới bị lộ. Lẽ ra nếu sự
lãnh đạo của Đảng thực sự “lấn sân”, những vụ đó sẽ được ngăn chặn.
Về danh nghĩa đúng là Đảng trùm lấp, ở đâu cũng có “Đảng”, có bí thư, có
đảng viên. Lẽ ra sự phạm pháp phải bị kiểm soát tốt hơn những nước “tam quyền
phân lập”. Nhưng thực tế đã diễn ra ngược lại. Có tình trạng như vậy bởi
đúng là Đảng lãnh đạo toàn diện, nói theo “lề trái” là “toàn trị”
nhưng thực tế lại không “trị” được ai. Bởi Đảng có quyền lãnh đạo nhưng
không có quyền chỉ đạo. Đảng chỉ ra đường lối, chủ trương bằng nghị quyết, rồi
mọi chuyện diễn ra ngoài tầm kiểm soát của Đảng. Vậy phải chăng như vậy thực chất
quyền lực của Đảng chỉ là quyền lực rỗng. Đảng lãnh đạo toàn diện nhưng là lãnh
đạo tập thể, cá nhân chỉ là người được phân công phụ trách; ai cũng là người của
Đảng, khi sự cố xảy ra thì chịu trách nhiệm chung, không ai bị làm sao cả,
ngoài những người dính líu trực tiếp đến những chứng cớ phạm pháp.
Vì vậy cần phải có một sự thể chế hoá thế nào đó để làm cho sự lãnh đạo của Đảng
đúng là toàn diện. Có vậy mới giám sát được mọi hoạt động của chính quyền, của
các cơ quan, các đơn vị. Đảng không làm cụ thể nhưng Đảng có quyền giám sát, mà
quyền giám sát là quyền đặt cao hơn. Và càng những lĩnh vực liên quan đến kinh
tế, đến tiền, thì càng cần phải giám sát chặt chẽ hơn.
Còn chuyện sợ Đảng “lấn sân” trở thành độc tài thì có lẽ không có cơ sở.
Đơn giản là vì Đảng không phải là một cá nhân, một nhóm người mà là cả một tập
thể lớn. Mọi cán bộ các cấp của Đảng, kể cả Tổng Bí thư, song song với chuyện
có quyền theo hiến định đồng thời cũng phải chịu trách nhiệm trước pháp luật về
mọi hành vi của mình.
Rắc rối ở ta không phải là
ta không có luật mà chính là sự cả nể, tàn dư của lối ứng xử trong xã hội phong
kiến, thông thường thì ai cũng ngại tố cáo cấp trên.
Như Mỹ, Hiến pháp Hoa Kỳ cho phép Hạ viện luận tội các viên chức cao cấp
liên bang trong đó có tổng thống, cho phép Thượng viện có quyền truất phế
các viên chức bị luận tội. Trong toàn bộ lịch sử, Hạ viện Hoa Kỳ đã luận tội
hai vị tổng thống: Andrew Johnson năm 1868 và Bill
Clinton năm 1998.
Việc
tăng cường quyền hành pháp của chính phủ để chính phủ mạnh hơn, năng động hơn
là tốt nhưng có thời đã diễn ra tình trạng này:
“Tại hội thảo "Chế định Chính phủ và chính quyền địa phương trong Hiến
pháp" … có nhiều góc quan điểm tranh luận song tất cả
đồng tình cần ưu tiên hàng đầu chế định "hành pháp" của CP và không đồng
tình quy định CP là cơ quan chấp hành của Quốc hội ”.
Nếu
Chính phủ chỉ “hành pháp”, không còn “chấp hành” Quốc hội thì
trong tay Chính phủ nắm Quân đội, Công an, Ngân hàng, Doanh nghiệp, v.v… nghĩa
là nắm hết, chính phủ hoàn toàn có thể trở thành một nhà nước riêng, biến Đảng,
Quốc hội thành ngồi chơi xơi nước.
Thời gian qua, một loạt các đại công ty thua lỗ, tham ô, tham nhũng có
lẽ một phần bởi cái NGHỊ ĐỊNH CỦA CHÍNH PHỦ SỐ
132/2005/NĐ-CP về chuyện tăng quyền độc lập cho các đơn vị kinh tế. Điều
4, khoản 5 VỀ CÁC QUYỀN CỦA CHỦ SỞ HỮU NHÀ NƯỚC ĐỐI VỚI CÔNG TY NHÀ NƯỚC:
“đảm bảo quyền tự chủ kinh doanh, tự chịu
trách nhiệm của công ty nhà nước trong quá trình hoạt động.
Cơ quan thực hiện quyền của chủ sở hữu nhà nước
không can thiệp trái pháp luật vào các công việc của Hội đồng quản trị, Tổng
giám đốc, Giám đốc của công ty nhà nước”.
Vì
thế chúng ta đã từng thấy trên diễn
đàn Quốc hội mấy ông bộ trưởng về đầu tư, về tài chính v.v… mặt ngây ngô nói
không biết chuyện Vinaline bỏ ra mấy chục triệu đô mua đống sắt rỉ là ụ nổi về,
không phải để dùng mà để sửa chữa và mãi chưa xong! Tại sao chúng ta đã soạn ra
vô vàn văn bản rất chặt chẽ, vậy mà sao lại có cái chính sách kỳ quái là giao
quyền cho những cá nhân chi tiêu tự do công quỹ nhà nước! Vì
vậy, cần phải tạo ra một cơ chế để có thể giám sát được từ sự điều hành
kinh tế của Chính phủ đến sự chi tiêu ngân sách của các đơn vị kinh tế. Cần phải
công khai tài sản của quan chức và những người thân, minh bạch hóa những khoản
thu nhập lớn, buộc phải chứng minh được nguồn gốc của các loại tài sản. Đó
chính là toa thuốc trị căn bệnh xã hội hôm nay. Nghĩa là càng thực hiện kinh tế
thị trường phát huy sức sản xuất thì càng phải giám sát để chống tham nhũng và
làm giàu bất chính, bởi đó chính là sự bất công lớn nhất, cái việc một thời cả
nước đổ máu để rồi cho hôm nay một số nhỏ trục lợi.
Cơ chế Kinh tế Thị trường định hướng XHCN có lý tưởng, mục đích tốt. Nhưng triển
khai trong thực tế còn nhiều khiếm khuyết, nhất là về sự giám sát. Chính nó đã
sinh ra tình trạng “công tư” nhập nhằng, tạo điều kiện cho các “nhóm lợi ích”
lợi dụng để làm kinh tế thị trường, không phải định hướng XHCN mà là TBCN cho
cá nhân mình! Dùng vốn công làm kinh tế tư. Chính điều này đã dẫn đến thực trạng
mà chính TBT Nguyễn Phú Trọng đã nói là trong Đảng đã có phân hóa người giàu
người nghèo!
***
Tóm lại Hiến pháp chính là đạo luật gốc đưa ra nhằm bảo đảm quyền làm chủ của
nhân dân. Nhưng vì nhân dân đông quá, trình độ khác nhau quá nên mới sinh ra “dân
chủ đại diện”, đó là Quốc hội. Trền nền đó lại chọn ra “đại diện của đại
diện” để thành lập Nhà nước điều hành công việc của đất nước. Để điều hành
cần phải có quyền, nên cũng lại phải có điều luật để chống lạm quyền. Bên cạnh
đó xã hội cũng phải có luật để ngăn chặn mọi người phạm tội. Tất cả những cái
đó là Hiến pháp, là luật pháp.
Như đã nói chúng ta có đầy đủ Lập pháp, Hành pháp, Tư pháp, cạnh đó còn có sự
lãnh đạo của Đảng bao trùm, lẽ ra kỷ cương phép nước phải tốt hơn các nước
không có Đảng lãnh đạo. Có lẽ bởi trình độ chính trị cũng như trình độ về Kinh
tế, Khoa học công nghệ v.v… ở ta còn yếu. Những điều luật chung của chúng ta
quá tốt nhưng không cụ thể. Chúng ta chưa luật hóa cụ thể quyền cũng như chưa
luật hóa cụ thể sự chịu trách nhiệm.
Chính vì vậy, có nhiều vụ việc sai phạm trầm trọng, một thời gian dài đã cho là
lỗi của tập thể, là lỗi của cả hệ thống, không ai bị sao cả, thậm chí phạm pháp
vẫn được thăng quan tiến chức, chức rất cao như Đinh La Thăng chẳng hạn. Vì vậy
theo tôi, ngoài sự vận dụng cơ chế kiểm soát quyền lực theo cơ chế “tam quyền
phân lập” một cách phù hợp trong thể chế Đảng lãnh đạo toàn diện, cần phân
chia và kiểm soát quyền lực theo nguyên lý cân bằng âm dương của triết cổ
phương Đông và của cấu tạo vật chất: Cần tăng quyền cho phía ít lực,
ngược lại cần tăng lực cho phía ít quyền. “Lực” ở đây là tiền.
Nếu “lực” mà có quyền tuyệt đối sẽ thao túng được tất cả nên cần phải tăng quyền cho những người
không nắm tiền, quyền đó chính là quyền chất
vấn, quyền giám sát, quyền truy tố.
***
Sau
hơn 1 năm qua, xã hội VN đã có những chuyển biến rất tích cực, thể hiện ở các
chỉ tiêu kinh tế; ở sự đánh giá tích cực của các tổ chức quốc tế với sự thăng hạng
ngoạn mục của môi trường kinh doanh, năng lực cạnh tranh và dự báo tăng trưởng
và sự sôi động của thị trường chứng khoán. GDP năm 2017 tăng 6,81%. Tổng cục Thống kê đánh giá đây là năm đạt được
thắng lợi kép bởi GDP tăng trưởng cao trong khi chỉ số giá tiêu dùng (CPI) dừng
ở mức 3,53%, thấp hơn so với chỉ tiêu Quốc hội giao là 4%.
Tại
hội nghị trực tuyến của Chính phủ hôm 28/12/2017 Thủ tướng Nguyễn Xuân
Phúc có những phát biểu thú vị. Nói về công tác thanh tra, giải quyết khiếu nại
tố cáo, phòng chống tham nhũng, ông nói:
“Chúng
ta không chịu đối thoại với dân, bỏ mặc dân. Chủ tịch huyện, chủ tịch xã có đối
thoại với dân không? … Tôi năm nay sẽ thực hiện chủ trương, ở nơi nào dân kéo lên
Hà Nội thì tôi mời Chủ tịch tỉnh lên nhận dân về giải quyết việc này”.
Nhắc
đến Chỉ thị của Ban bí thư về cấm tặng quà Tết, ông cũng nói toạc móng lợn:
“Đừng biểu xén Tết nhất nữa. Ông Chủ tịch, ông
Bí thư, các đồng chí lãnh đạo các địa phương không phải lên TƯ để biếu xén lãnh
đạo. Phải chống tham nhũng từ địa phương, từ cơ sở trở đi mới chuyển biến được”.
Về môi
trường đầu tư kinh doanh, Thủ tướng nói:
“Năm
qua cắt trên 5.000 thủ tục, nhiều bộ đã làm tốt việc này như Bộ Công thương,
NN&PTNT, Bộ Xây dựng đã cắt từ 1/3 đến 1/2 thủ tục. Họ đã dám cắt bỏ, từ bỏ
quyền lực để tạo điều kiện môi trường kinh doanh”.
Từng
là người kinh doanh tôi thấy thật chí lý, đúng là người ta từng đặt ra đủ mọi
chuyện không phải để sản xuất phát triển hơn, tốt hơn mà để dùng quyền lực để làm
tiền.
***
Một
năm cũ sắp qua, đúng là một năm mất mùa cán bộ, có nơi bị bắt cả cụm, cả chùm,
cả nguyên uỷ viên Bộ Chính trị cũng xộ khám, một chỉ dấu rất xấu của một chế độ.
Nhưng rất may là đất nước còn phúc, đất nước còn những người lãnh đạo có đức,
có bản lĩnh, đã dũng cảm đưa những khẩu hiệu chỉnh đốn của một thời trở thành
hiện thực, đất nước đã mất mùa cán bộ nhưng lại được mùa niềm tin. Niềm tin đó
chính là niềm tin của nhân dân, niềm tin của bạn bè quốc tế, nó mới chính là
cái quan trọng nhất cho sự ổn định và phát triển của một đất nước. Nếu không sẽ
là hỗn loạn, là mất tất!
29-12-2017
ĐÔNG LA