Tranh cãi với bọn vừa ngu vừa ác lại lươn lẹo xảo trá nữa quả là bực mình nhưng xã hội ai cũng như nhau, ai cũng giỏi, cũng tốt, cũng thẳng thắn thì mình còn có giá trị gì? Các nhà tư tưởng, các nhà giáo dục và các nhà tâm linh sẽ thất nghiệp. Bàn tay không có ngón dài ngón ngắn, bằng chằn chặn trông cũng hơi buồn cười!
Hôm nay tôi đăng lại cái truyện ngắn viết về sự ích kỷ, sự phản bội và sự vô ơn của con người, mà sự vô ơn, sự phản bội thì ở đâu, ở thời nào cũng có. Giờ đọc lại chính tôi cũng ngạc nhiên là tại sao hồi ấy tôi lại có thể viết được như thế. Lúc viết truyện này tôi mới ra trường, còn “trai tơ”. Một lần Nhà văn Vũ Ân Thy thích một truyện tôi viết nên đã mời tôi đến báo Sài Gòn Giải phóng của anh ấy để “xem mặt”, rồi anh còn mời tôi đến nhà anh ấy chơi nữa. Gặp thằng bé con anh, anh kể nuôi nó cực kỳ gian khổ, vì khi mang thai máu nó có yếu tố Rhésus, một bệnh di truyền rất hiếm ở ta, lúc sanh phải thay máu hoàn toàn mới sống được. Chỉ vậy thôi. Vậy mà ra về tôi đã bịa ra được cái truyện ngắn này, có điều không thể bịa từ hư vô mà phải bằng sự trải nghiệm và những mảnh hiện thực của đời sống. Tôi cũng gởi truyện này tham dự một cuộc thi và được Nhà văn Vũ Thị Thường (Vợ Chế Lan Viên, trong Ban Giám khảo) bảo “được giải đấy”. Sau không được, cô Thường bảo là do bà Lê Giang, cũng trong ban chung khảo, bảo là tôi quen với cô Thường trong Ban giám khảo thì không cho giải! Lý do buồn cười thế đấy!
Hôm nay tôi đăng lại cái truyện ngắn viết về sự ích kỷ, sự phản bội và sự vô ơn của con người, mà sự vô ơn, sự phản bội thì ở đâu, ở thời nào cũng có. Giờ đọc lại chính tôi cũng ngạc nhiên là tại sao hồi ấy tôi lại có thể viết được như thế. Lúc viết truyện này tôi mới ra trường, còn “trai tơ”. Một lần Nhà văn Vũ Ân Thy thích một truyện tôi viết nên đã mời tôi đến báo Sài Gòn Giải phóng của anh ấy để “xem mặt”, rồi anh còn mời tôi đến nhà anh ấy chơi nữa. Gặp thằng bé con anh, anh kể nuôi nó cực kỳ gian khổ, vì khi mang thai máu nó có yếu tố Rhésus, một bệnh di truyền rất hiếm ở ta, lúc sanh phải thay máu hoàn toàn mới sống được. Chỉ vậy thôi. Vậy mà ra về tôi đã bịa ra được cái truyện ngắn này, có điều không thể bịa từ hư vô mà phải bằng sự trải nghiệm và những mảnh hiện thực của đời sống. Tôi cũng gởi truyện này tham dự một cuộc thi và được Nhà văn Vũ Thị Thường (Vợ Chế Lan Viên, trong Ban Giám khảo) bảo “được giải đấy”. Sau không được, cô Thường bảo là do bà Lê Giang, cũng trong ban chung khảo, bảo là tôi quen với cô Thường trong Ban giám khảo thì không cho giải! Lý do buồn cười thế đấy!
ĐÔNG LA
HOA MUA TÍM
Thế là, trong một hoàn cảnh cực kỳ éo le, tôi đã buộc
phải gặp lại Mua. Tôi đã luôn cố gắng để điều ấy không xảy ra, nhưng định mệnh
tò mò lại cứ cố tình muốn như thế còn biết làm sao được.
Câu đầu tiên Mua nói:
Câu đầu tiên Mua nói:
- Thì ra lại là anh.
Tôi chỉ kịp nhận ra một chút ngạc nhiên trong ánh mắt,
ngoài ra không thấy một tín hiệu gì trong câu nói ngắn ngủi ấy. Vì ngượng
nghịu vô cùng, tôi chỉ trả lời Mua bằng những tiếng lắp bắp:
- Trời Mua! May quá… được gặp Mua… may… cho Thảo quá!
- Thôi nha, chúng ta sẽ nói chuyện sau, thời gian bây
giờ cần kíp dữ lắm!
Nói rồi, Mua vượt lên, nhanh chóng vào phòng cấp cứu.
Tôi thẫn thờ, như bị một cái tát nẩy lửa vào mặt. Vì không hiểu nổi thái độ của
Mua nên nỗi băn khoăn cứ xoắn chặt lấy trí não tôi.
Một lát sau Mua trở ra nói:
- Tôi không hiều sao anh lại để Thảo đến tình trạng
như vầy. Nếu Thảo được bác sĩ theo dõi từ những tháng trước thì đâu đến nỗi…
Bây giờ tôi phải nói thực cho anh biết, tình trạng của Thảo rất nguy kịch. Có
những triệu chứng lạ, phải đợi kết quả thử máu mới xác định chính xác được. Còn
ngay bây giờ thì phải mổ. Có thể cháu bé sẽ không qua được. Nhưng nếu không mổ
thì chính tính mạng của Thảo cũng sẽ bị đe dọa…
Tôi choáng váng. Không ngờ tình trạng lại nguy cấp đến
như thế!
Mua nói tiếp:
- Đây là trường hợp đặc biệt, tôi sẽ báo cáo với bác
sĩ giám đốc để chỉ (chị ấy) cho ý kiến chỉ đạo. Anh cứ yên tâm. Tôi sẽ trực tiếp mổ cho
Thảo.
Tôi vô cùng sửng sốt. Không ngờ cô y tá hiền từ, nhẫn
nại trong rừng ngày nào lại có thể tự tin đến thế trước một công việc vô cùng
khó khăn, có ảnh hưởng sống còn đến sinh mệnh của hai con người. Nhưng lúc này
tôi đâu biết được, chi sau sáu năm ra trường, khi tôi còn chưa làm được trò
trống gì, thì với cái bằng đỏ và sự dày dạn ở chiến trường, Mua đã trở thành
người trợ lý số một của nữ giáo sư giám đốc bệnh viện; và tôi cũng đâu biết
được, trong một tạp chí y học, tác giả của công trình dùng một loài hoa làm
thuốc giúp cho sanh đẻ bớt đau cũng chính là Mua cùng với nữ giáo sư.
Sau đó, kíp mổ đã hội chuẩn. Mua đề nghị kiểm tra yếu
tố Rhésus trong máu Thảo. Và, điều dự đoán của Mua là đúng sự thật: máu của
Thảo âm tính!
Thực ra lúc đầu tôi chưa biết tầm quan trọng của vấn
đề, nhưng khi hiểu, tôi vô cùng hoảng sợ và thất vọng. Nếu máu người mẹ không
có yếu tố Rhésus mà đứa con trong bụng lại mang yếu tố Rhésus của cha, nó sẽ
trở thành một vật lạ trong cơ thể người mẹ. Cơ thể người mẹ sẽ dần dần sinh ra
kháng thể để đấy nó ra ngoài, bất kỳ giai đoạn nào! Trường hợp này ở nước ta
rất hãn hữu. Không lẽ vợ tôi lại rơi đúng vào trường hợp này sao?! Trời ơi, mà
sao tính mạng của cả vợ con tôi lại nằm trong tay người bác sĩ có cái tên là
Mua ấy? Người con gái từng bị tôi phụ bạc, từng bị tôi chê khi chọn nghề phụ
sản. Tôi biết, nếu Mua muốn trả thù tôi thì lúc này sẽ là một cơ hội thuận lợi
nhất. Nhưng tôi biết người con gái ấy lắm. Người con gái ấy sẽ dư thừa lòng vị
tha để cứu chữa vợ con tôi hết mình. Nhưng biết đâu được, khi nỗi đau bị phụ
bạc, bị mất mát quá lớn và lòng tự trọng của con người ta bị xúc phạm quá thô
bạo! Trời ơi, Thảo ơi! Liệu em và con có qua được không?
***
- Người ta nói mầu tím là mầu thủy chung đấy. Mà Mua
thấy không, những cánh hoa mỏng manh này lại có mầu tím thật nền nã.
Có một chiều, trên một sườn đồi, tôi đã ngắt một nhành
hoa mua và nói với người con gái ấy như thế.
Hồi ấy tôi còn trẻ lắm. Đầu năm 74, tôi vào chiến
trường và được chọn làm đồ bản (vẽ bản đồ) cho phòng tác chiến quân khu miền
Đông Nam Bộ. Độ sau vài tháng ở rừng chiến khu Đ đầy muỗi, tôi đã bị sốt rét
kịch liệt. Sau những tháng đằng đẵng ở bệnh xá cuả quân khu bộ, tôi đã dần dần
khỏi bệnh, nhưng cơ thể hoàn toàn bị tàn tạ. Lần thứ hai trong đời, tôi lại tập
lần, tập bò như những đứa trẻ. Chính trong những ngày tháng này tôi đã quen
thân với một người con gái có tên là Mua. Có lẽ, nếu không có những mũi tiêm,
những tô cháo và những lần miệt mài dìu tôi tập đi của cô y tá ấy thì tôi sẽ
không đủ nghị lực để trở lại cuộc sống khỏe mạnh bình thường. Ở giữa một quân
khu bộ nghiêm nghị, già nua như vậy, việc chúng tôi quen thân nhau là một điều
dễ hiểu.
Mua vốn gốc gác Sài Gòn, là người con út của một cán
bộ Đảng hoạt động bên Miên. Ba má đã sinh Mua ngay tại đất Miên. Nhưng lúc này,
cả hai ông bà đã hy sinh. Mua khoảng 18, 19, kém tôi độ 1, 2 tuổi. Năm tháng
chiến trường đầy gian khổ vẫn không làm sạm được nước da trắng ngần của cô gái
đang độ rực rỡ nhất. Mua thường mặc những áo bà ba sậm mầu, nên nước da càng
được tôn lên. Khuôn mặt Mua không có những nét đặc sắc, nhưng lại có một sự kết
hợp hài hòa, luôn toát lên một vẻ duyên dáng hiền dịu. Ở chỗ dưới đầu mắt phải
của Mua có một vết chàm nhỏ và mờ, trông như một giọt nước mắt, làm cho đôi mắt
ấy có nét buồn buồn và trông Mua có dáng một người nhẫn nại chịu đựng. Còn tôi,
với cái mác sinh viên dở dang và tài
vẽ bản đồ, gần như đã là thần tượng của Mua. Khi tôi ra viện, thỉnh thoảng
chúng tôi vẫn sang nhau chơi. Mỗi lần nhìn Mua nhanh nhẹn trên con đường mòn,
in bóng trên nền rừng xanh thẫm, ngập nắng, tôi cảm thấy Mua như hiện lên từ
một câu chuyện cổ tích. Trong những đêm rừng lạnh, người con trai hai mươi tuổi
là tôi đã trằn trọc không ít về hình bóng người con gái ấy; và, sức mạnh của
một cơ thể trẻ trung đã làm dậy lên trong tôi những nỗi khát khao…
Đến một buổi chiều, tôi đã xin một ông trung tá dạy
cho một câu tiếng Miên hỏi quê quán để nói với Mua cho vui. Tôi đâu có ngờ là
ông trung tá đã trêu mình. Lòng hí hửng, tôi sang bệnh xá gặp Mua. Mua lại
không có nhà. Tôi thất vọng, nhưng nhớ ngay đến một chỗ bên bờ suối có rất
nhiều cây bòn bon (dâu da) mà Mua hay đến đó hái, liền lần theo một con đường
mòn tới đó. Tới nơi, tôi cũng không thấy
Mua, nhưng lại thấy đâu như từ dưới suối vẳng lên những tiếng bì bõm. Men xuống
gần bờ, tôi thấy một cô gái đang đầm mình dưới làn nước trong vắt bên những
tảng đá. Bộ quần áo sũng nước để bên cạnh. Tôi nhận ra Mua. Tất cả những ánh
mắt như vô thức bị hút về phía cơ thể chắc lẳn mịn nuột của người con gái. Rồi,
khi tự nhận ra mình là một kẻ nhìn trộm, tôi nhẹ nhàng lùi lên, ngồi đợi Mua.
Giặt giũ, mặc đồ xong, Mua về, đi ngang qua chỗ tôi
ngồi mà vẫn không biết. Tôi liền lấy một hòn sỏi nhỏ ném về hướng Mua. Mua giật
mình:
- Há! Trời ơi, anh Hiếu! Anh làm em sợ hết hồn à! Làm
chi mà lại ngồi đây một mình vậy anh?
- Tôi ngồi đợi Mua - khi thấy hai má Mua bừng đỏ, sợ
Mua nghĩ tôi đã nhìn trộm Mua tắm, vội nói: - Tôi đến bệnh xá mà không gặp Mua.
Tôi ra đây, thấy Mua đang giặt, nên ngồi đợi.
Mua vắt quần áo ướt lên một cành cây, rồi ngồi xuống
cạnh tôi:
- Sao lâu không thấy anh qua chơi?
- Dạo này tôi bận lắm, phải vẽ nhiều. Hình như sắp
đánh lớn rồi Mua. Cán bộ dưới các đơn vị lên họp đông lắm. Điệu này chả mấy mà
giải phóng.
- Sau này hòa bình anh sẽ học nghề họa sĩ chứ?
- Tôi cũng chưa biết nữa. Có lẽ tôi sẽ về lại trường
cũ. Thế còn Mua?
- Mua sẽ học bổ túc để lấy cái bằng tú tài trước đã.
Rồi tất nhiên sẽ thi vào trường y thôi.
- Nói chung trường y là nhiều người mơ ước. Riêng tôi,
tôi lại không thích một tẹo nào. Theo nó là một đời phải gắn bó với bệnh tật,
với đau đớn, ghê chết đi được!
- Anh nói vậy chớ, nếu quen thì không có chi sợ hết á!
Hơn nữa, mình đã thương người bịnh thì đâu có ngại ngùng chi nữa!
- Thôi, thôi, tôi chịu Mua đó! – Tôi chợt nhớ đến câu
tiếng Miên mà ông trung tá đã dạy, liền nói: - À Mua này, tôi biết nói tiếng
Miên rồi đấy nhá.
Mua ngạc nhiên, vội hỏi tôi bằng một giọng có vẻ thách
thức, song cũng chứa đựng sự thích thú:
- Anh thử nói một câu xem!
- On xơ lanh boòng tê? (*)
Tôi ngạc nhiên khi thấy hai má Mua bỗng bừng đỏ, hai
mắt long lanh xúc động. Chưa bao giờ tôi thấy Mua lại đẹp và dễ thương đến như
thế. Và, tôi còn ngạc nhiên hơn nữa khi thấy Mua gục đầu vào vai mình. Có một
cái gì đó bỗng trào dâng mãnh liệt trong tôi, khiến tôi khẽ nâng má Mua lên,
rồi rụt rè hôn lên đôi môi mọng đỏ của Mua:
- Mua ơi! Chúng mình sẽ yêu nhau thật nhiều. Sau này
hòa bình, chúng mình sẽ cưới nhau. Em biết không? Anh yêu em nhất trên dời này!
Rồi chúng tôi lại hôn nhau. Cả khu rừng bạt ngàn bỗng
chốc như lặng đi, chỉ còn lại tiếng nô đùa của những con sóng nhỏ bên bờ suối.
Hai bàn tay tôi cứ bám riết, lần tìm trên cơ thể mịn màng, mát rượi của người
con gái ấy, và người con gái ấy đã chiều chuộng tôi biết bao!...
Rồi hòa bình về, cả hai chúng tôi đều thực hiện được
mơ ước của mình. Tôi vào Tổng hợp Văn còn Mua vào Y khoa. Về thành phố quê
hương, ba má không còn nên Mua cũng ở khu ký-túc-xá như chúng tôi. Mua học rất chăm
và rất giỏi. Còn tôi, học hành cũng không đến nỗi nào, nhưng công việc học tập
rất ít gây được hứng thú với tôi. Hình như chương trình giảng dạy văn chương
còn thiếu một cái gì đó khiến nó khô khan. Chuẩn mực văn chương của một thời mà
mơ ước của đa số con người chỉ là sự no đủ, còn nhiều khiếm khuyết. Người ta
còn dạy nội dung nhiều hơn nghệ thuật. Phạm vi của lý luận văn chương được đề
ập còn hạn hẹp.
Có một phong trào sáng tác văn chương trong số những
người bộ đội trở lại trường học. Vì cùng ở chung ký-túc-xá, họ đua nhau. Không
chỉ ở khoa Văn, mà còn ở cả khoa Sử, khoa Chính trị… thậm chí cả các khoa tự
nhiên nữa. Tôi học văn không thể không có trong số đó. Thế mới biết chuyện viết
văn mới dễ làm sao, nhưng để thành công mới khó làm sao. Có khi nó không chỉ
phụ thuộc vào tài năng mà còn do cái “số” nữa.
Nhưng có một điều, tình cảm trong tôi dần thay đổi
thật lạ. Từ ngày về thành phố, choáng ngợp trước vẻ đẹp thướt tha của những tà
áo dài trắng muốt, vẻ trẻ trung, tràn đầy nhựa sống của những thân hình thon
thả tròn đầy, chật căng trong những chiếc áo pull rộng cổ; những nét thiên thần
của cô y tá quân giái phóng ngày nào đối với tôi không còn nữa. Tôi nhận thấy,
hình như do gùi tải nặng nhiều, chân tay và vai Mua có thô hơn những cô gái phố
xá. Khuôn mặt Mua không có “nét”, không có đôi mắt to đen mơ mộng, không có
chiếc mũi cao thanh tú, không có đôi môi trái tim chín mọng, hấp dẫn… Càng
ngày, tình yêu thần tiên nơi cánh rừng ngày nào càng trượt nhanh về ranh giới
của tình bạn. Nhưng với Mua thì hoàn toàn ngược lại. Tôi biết Mua đã không còn
coi tôi là một người yêu nữa mà gần như là một người chồng. Mua rất hứng thú
làm các món ăn ngon để gọi tôi sang ăn. Nhiều khi quần áo tôi thay ra, làm
biếng chưa chịu giặt, Mua cũng mang đi giặt ủi.
Cho đến một hôm, thời kỳ tôi đang học năm thứ ba, tôi
vào phòng Mua thì được gặp một cô gái. Mua giới thiệu với tôi:
- Đây là Thảo, em nhỏ bạn cùng lớp em, đang học năm
thứ hai trường sư phạm. Cũng khoa văn cùng nghề với anh đó.
Tôi hoàn toàn sửng sốt trước vẻ đẹp đài các và có nét
gì đó thánh thiện của cô gái. Đó là vẻ đẹp khiến người ta trân trọng, nâng niu
nhiều hơn sự ham muốn phàm tục. Dù rằng cái cơ thể thanh xuân ấy cũng được bọc
trong chiếc áo pull dài tay ôm sát và chiếc quần jean mầu xanh đậm. Tôi choáng
ngợp khi nhìn vào đôi mắt to đen của Thảo và nhận thấy có vẻ gì đó rất khó nói.
Sau thì hiểu là do mắt Thảo lé kim, lé một tí ti thôi, đủ làm nên cái duyên mà
nhiều cô gái ao ước. Quả thực với Thảo, tạo hóa đã không keo kiệt mà hào phóng
ban phát cho tất cả những nét có thể tạo cảm hứng cho bất kỳ chàng họa sĩ nào
theo trường phái Phục Hưng khó tính nhất.
- Còn đây là anh Hiếu, tác giả những bài thơ mà Thảo
đã đọc đó.
Thảo nhìn tôi, chỉ hơi gật đầu. Hai má có thoa phớt
một chút phấn ửng đỏ. Không hiểu sao, tất cả những vẻ linh hoạt ngày thường của
tôi đã không cánh mà bay đi hết. Lần đầu tiên, tôi hiểu được quyền lực của sắc
đẹp, và thấy mình mới yếu đuối làm sao, nhợt nhạt làm sao! Liệu tôi có phải là
một người mắc bệnh háo sắc không? Mà trên đời này, có một người đàn ông bình
thường nào thực sự không háo sắc? Ngay cả Chúa Jê-su, trước khi thành Đấng Cứu
Thế, thành cha của thời gian, hình như cũng có một tình yêu… Bằng sự nhạy cảm
của một cô gái, không muốn tôi ở trạng thái lúng túng lâu, Thảo cáo từ ra về.
Trong tôi bỗng trào lên một cảm giác tiếc nuối như vừa để vuột mất một cái gì
đó rất quý giá, rất thiêng liêng. Tôi không còn chút hứng thú nào để ở lại ăn
cơm với Mua nữa. Tôi đã bịa ra một lý do, rồi thơ thẩn trở về phòng mình. Lúc
này, anh chàng nghệ sĩ trong tôi bắt đầu trỗi dậy, buộc tôi phải cầm bút viết
ra những cảm xúc mới lạ của mình.
Tôi ao ước có một dịp nào đấy trao được bài thơ tận
tay nhân vật của nó. Nhưng đợi hoài, đợi hoài, không thấy Thảo trở lại
ký-tuc-xá. Hỏi Mua địa chỉ Thảo thì tôi không dám. Mà có biết chưa chắc tôi đã
dám mò đến. Bởi muốn thì rất muốn, nhưng lại còn sĩ diện, còn tự ái, sợ người
ta không tiếp, bẽ mặt. Rồi thời gian trôi đi, lòng tôi cũng dần nguôi đi gió
bão.
Một hôm, tôi nhận được thư của bố tôi, lại chuyện giục
lấy vợ: “Thày hiện đang nằm viện đợi cắt
dạ dầy. Hiếu ạ, thày mẹ đã già rồi, lại ốm đau luôn, không biết sống chết lúc
nào. Nên con phải thu xếp xây dựng gia đình ngay đi. Nếu không, có khi thầy mẹ
nhắm mắt xuôi tay rồi mà còn chưa được thấy mặt đứa cháu nội…”. Tôi băn
khoăn. Đang học hành lại cưới vợ thật bất tiện. Nhưng tôi không thể khất lần
mãi được nữa. Tôi nghĩ đến Mua, thầm an ủi: “Cho dù là tình yêu hay cái gì đi chăng cũng tương đối thôi”. Nhưng
thật oái oăm, tôi và Mua lại mới giận nhau. Khi biết Mua chọn chuyên khoa Phụ
sản. Vốn học văn, lại còn nông nổi, tôi thấy cái nghề ấy thật không thơ mộng
chút nào nên tôi đã cáu, nói Mua là ngu, bao nhiêu công việc sang trọng không
chọn lại chọn cái nghề đỡ đẻ! Lần đầu tiên Mua thực sự giận tôi. Kể lúc chưa
giận nhau thì việc ngỏ lời của tôi sẽ chẳng khó khăn gì, nhưng lúc này tôi
ngại. Tôi vốn hiếu thắng, không chịu “thua” ai bao giờ. Thôi, viết vài dòng là
hay nhất. Nghĩ thế, tôi liền lấy giấy bút, hí húi viết:
Em thân yêu!
Anh vừa nhận
được thư nhà. Anh rất lo là bố bị cắt dạ dầy. Ông già muốn anh xây dựng gia
đình ngay. Bố mẹ cũng đã già rồi. Riêng anh, anh cũng muốn như thế. Anh cũng đã
đợi em quá lâu rồi phải không Mua?
Anh
Hiếu
Đến chiều, nhét lá thư vào túi, tôi dũng cảm bước vào
phòng Mua. Nhưng thật bất ngờ, tôi không gặp Mua mà lại gặp Thảo. Thảo đang đọc
một tờ báo. Tim tôi tự nhiên đập loạn lên. Tất cả những nỗi xúc động từ trong
sâu thẳm của lãng quên chợt dồn dập xô về. Tôi chợt hiểu, trái tim bất kham của
tôi chỉ có thể bị chế ngự bởi người con gái này, bởi cái sắc đẹp mà tôi cảm
thấy không bao giờ với tới này. Tôi lúng túng như gà mắc tóc. Khi thấy tôi,
Thảo kêu lên, bằng một giọng tự nhiên của một người không hề có chút tình ý gì:
- A, anh Hiếu! Mời nhà văn vô nhà chơi. Chị Mua đi
tắm. Một lát là chỉ về liền hà.
Lòng đầy thất vọng, tôi bước vào, kéo ghế ngồi đối
diện với Thảo và nhận ra được tờ báo Thảo đang đọc chính là tờ có đăng truyện
ngắn đầu tay của tôi. Thảo đã lấy trên giá sách của Mua.
- Anh Hiếu viết truyện hay dữ. Đọc chỉ khó vô lúc đầu,
đoạn kết trí tuệ lắm.
- Thảo quá khen, chứ tôi mới tập viết đấy mà.
Tuy nói vậy nhưng trong lòng tôi vẫn ngầm có một sự
đắc ý và trào lên một niềm vui. Trong khoảnh khắc, tất cả những dự định của tôi
với Mua đã biến mất. Tôi nhớ đến bài thơ viết tặng Thảo ngày nào, rồi mạnh dạn:
- Tôi có thể làm một bài thơ tặng Thảo được không?
- Vậy thì hay quá. Thảo rất mừng khi có được một diễm
phúc bất ngờ như thế.
Tôi liền chép lại bài thơ cũ, nhưng lại giả vờ nhăn
trán suy nghĩ theo kiểu các thiên tài “xuất
khẩu thành chương” để gây ấn tượng đối với người đẹp:
Như là gặp em
ở mãi trong mơ
Ơi cô gái
xinh đẹp và xa lạ!
Em sát bên mà
xa xôi quá!
Ta như đôi bờ
giữa là biển-vô-tư
Chép xong tôi đưa cho Thảo. Thảo reo lên:
- Úi da! Anh Hiếu tài quá há! Làm chút xíu là xong bài
thơ hà! Mà thơ của anh đọc dễ thương quá đi!
Tôi thấy mặt Thảo bừng đỏ khi xem bài thơ. Bộ ngực
phập phồng dưới làn áo mút-xơ-lin màu huyết dụ có in những bông hồng lớn. Lúc
đó, Mua khệ nệ bưng thau quần áo đầy về. Thảo cất ngay bài thơ vào túi xách.
Phơi xong, Mua vào phòng ngạc nhiên khi thấy tôi, nhưng rồi trấn tĩnh lại ngay,
giữ một thái độ như là chưa hề có một sự giận dỗi:
- Sao, hai anh em đợi tui có lâu không? – Nói rồi Mua
quay sang Thảo: - Chị còn ký đậu xanh, mình nấu chè ăn nghe Thảo?
Thảo đòi về, sợ trời tối. Cuối cùng, nói qua nói lại
mấy câu, Thảo chịu ở lại. Nấu nướng, xì xụp ăn uống xong, thoáng chốc đã 9 giờ
tối. Vì nhà Thảo ở mãi quận 3, nhiều đoạn phố lại tối, con gái về một mình
không tiện, nên thời cơ ngàn năm có một đã đến với tôi: Tôi đã được người đẹp
đồng ý cho đưa về nhà. Và, trước đó, tôi cũng đã bí mật xì hơi làm xẹp bánh xe
Thảo!
Lòng vui như hội, trên con đường Ngô Gia Tự có chan
hòa ánh trăng trộn lẫn với ánh điện, tôi đạp xe chầm chậm. Phía sau, Thảo ý tứ
ngồi xích ra một khoảng ngắn. Tôi bỗng muốn con đường sẽ dài ra vô tận. Mỗi khi
đi hết một dãy phố, tôi lại có một tâm trạng tiếc nuối như là một kẻ nghèo khó
tiếc của khi thấy số tiền eo hẹp của mình vơi đi quá nhanh. Đến đường 3-2, bỗng
Thảo ngập ngừng hỏi:
- Không biết anh Hiếu đưa Thảo về như vầy chị Mua có
buồn không ha?
Tôi vội chống chế:
- Không có đâu, tôi và Mua không có gì đâu. Trước kia
chúng tôi cùng đơn vị đấy mà!
Tôi muốn phân bua, muốn nói chuyện thật nhiều với
Thảo, nhưng tôi cảm thấy mình ngô nghê thế nào ấy. Chẳng mấy chốc chúng tôi đã
tới trước ngôi biệt thự hai tầng lầu nhà Thảo. Tôi cảm thấy rất rõ sự sang
trọng được cất giữ cẩn thận sau những rèm cửa thấp thoáng trong những ô cửa của
ngôi nhà ấy. Tôi ấp úng nói với Thảo:
- Từ nay Thảo sẽ đến ký-túc-xá nhiều nhé. Đừng ngại
xa, tôi sẽ đưa Thảo về.
- Thảo chỉ ngại phiền anh thôi.
- Với tôi, được đưa Thảo về là một diễm phúc, làm sao
lại có chuyện phiền hà được.
Những ngày sau đó đầu óc tôi lung mung. Tôi đã không
do dự xé đi bức thư định gửi cho Mua. Và, không đợi nổi Thảo đến ký-túc-xá, tôi
đã tự tìm đến nhà Thảo. Từng là một đứa trẻ lớn lên ở vùng quê nghèo. 17 tuổi
đi bộ đội ở trong rừng biết bao gian khổ, về thành phố đi học ở ký-túc-xá sinh
viên, tôi thực sự choáng ngợp trước cảnh sống sang trọng ở ngôi nhà đó. Trước
giải phóng, ba Thảo vốn là một ông chủ một nhà máy hóa chất mà. “Chà, nếu lấy được Thảo mình sẽ có tất cả! Cả
tình yêu, cả sang giầu, trên đời mấy ai được như thế?”. Tôi đã hình dung ra
cảnh dẫn Thảo đến chơi với lũ bạn, chứng kiến những ánh mắt thèm muốn, ghen tỵ
của chúng, mà lòng đầy kiêu hãnh… Với tất cả những động cơ ấy, tôi đã hạ quyết
tâm, bằng bất kỳ giá nào cũng phải chinh phục được Thảo. Quyết tâm thì nhiều,
nhưng hy vọng chẳng được bao nhiêu. Nhưng cuộc đời, có những cái người ta tưởng
có thể nắm chắc trong tay, thì lại không đạt được gì, trái lại, có những cái ta
tưởng nằm rất xa ngoài tầm tay ta, nó lại đến với ta bất ngờ, như là quà tặng
của may mắn, của định mệnh. Tôi đã gặp may như vậy. Sinh ra, lớn lên trong
nhung lụa, con người ta không coi trọng lắm ý nghĩa, giá trị của vật chất,
người ta coi đó như là một sự hiển nhiên. Thảo là một cô gái mơ mộng, thích văn
chương. Trong Thảo, tôi đã là một “tài
năng đầy hứa hẹn”. Cùng cái mẽ cao to, khuôn mặt vuông, góc cạnh, đầy nam
tính, nhưng đôi mắt luôn phủ một màn sương suy tư, mơ màng của một thi sĩ lớn, tôi đã nhanh chóng chiếm
được tình yêu của Thảo không mấy khó khăn. Còn ba Thảo, một ông già rất chiều
con, ông cũng muốn gia đình có một chàng rể là dân cách mạng, nên cũng dễ dàng
chấp thuận. Tôi đã bịa ra một lý do, nếu đã xây dựng gia đình, sau này ra
trường sẽ dễ được phân công ở Sài Gòn hơn nên chúng tôi đã vội vàng cưới nhau.
Tôi đã phân bua với Mua, vì gia đình thúc ép, tôi không thể chờ Mua học xong
trường Y dài đằng đẵng được. Tôi biết Mua buồn lắm. Tôi cũng rất thương Mua, vì
không có lý do gì để ghét cả. Nhưng biết làm sao? Trong ngày cưới, Mua đã tận
tình chăm lo cho Thảo như một người chị gái. Còn người chị Thảo đã theo chồng
định cư bên Mỹ. Tôi cũng được biết, Thảo còn có một ông anh là trung úy chế độ
cũ đang học tập cải tạo. Trong đám cưới, vợ ông anh đang dạy học ở Mỹ Tho đã
mang con về dự.
Giai đoạn đầu, tôi và Thảo sống rất hạnh phúc. Vợ
chồng tôi được chọn một căn phòng rộng ở trên lầu, sang trọng tiện nghi. Mỗi
lần nằm ngửa trên những chiếc nệm bọc nỉ mầu nâu đậm, phẳng căng lót trên chiếc
ghế dài của bộ sa-lông, ngắm nhìn bốn bức tường được ốp gỗ đánh vec-ni màu cánh
kiến; những tấm rèm cửa trong suốt, mỏng như cánh chuồn; những bức tượng, bản
sao những kiệt tác điêu khắc của thế giới bằng đồng, bằng đá trắng, đá đen…
được đặt trên những khoang trống của chiếc giá sách đồ sộ, không biết bằng gỗ gì
mà đen nhẫy… Rồi đến những bữa ăn thường nhật lịch sự, kiểu cách, đều đều như
những bữa tiệc nhỏ… Tất cả, tất cả luôn vượt lên trên rất xa sự hình dung ban
đầu của tôi về sự sang trọng. Mà quả thật, đời tôi chưa từng được hưởng sự sang
trọng, nên không biết mặt mũi nó ra sao thật? Từ cái chốn ký-túc-xá chật chội,
bề bộn, thiếu thốn, bước đến cái thiên đường này, sống bên người vợ tuyệt đẹp,
hiểu biết, tôi luôn thầm nhủ là, mình đang sống ở cõi mơ, chứ không phải cõi
thực. Chính vì tôi không đủ sức tạo dựng, cũng như không thể chế ngự được nó,
nên tôi luôn có cái cảm giác là hạnh phúc này rất mong manh, dễ vỡ.
Đúng như linh cảm, một thời gian sau, khi mãn hạn cải
tạo, ông anh Thảo trở về. Tất nhiên, người ta không thể quý mến một người đã
góp phần đẩy người ta vào trại cải tạo, một người từng là kẻ thù, dù bây giờ đã
là em rể. Tôi đã nói với ông anh vợ là: “Chúng
ta là những hạt cát trong cuộc đời, những chuyện lớn thuộc về các bậc vĩ nhân,
vậy chúng ta nên chỉ coi nhau như những người trong gia đình bình thường”.
Tuy thế, hai người vẫn thường tránh những cuộc nói chuyện tay đôi. Mọi chuyện
bắt đầu xáo trộn lung tung cả. Ông anh Thảo đã kéo ngay vợ con ở Mỹ Tho về, bỏ
nghề dạy học, mở ngay quán cà phê ở khoảng sân trước phòng khách. Thế là cuộc
sống của tôi ở ngôi nhà đó không còn yên tĩnh nữa, Là một thằng hay tự ái, dần
dần tôi rất ngượng khi nhận ra mình như một kẻ ăn bám trong nhà Thảo. Dù tiếc
cay tiếc đắng căn phòng sang trọng, tôi vẫn nói Thảo về khu tập thể ở bằng
được. Cũng may, tôi đã ra trường, đã xin được làm một chân phóng viên văn nghệ
tại một tờ báo thành phố và được phân chỗ ở. Và tại đây, tại một căn phòng tối
tăm chật hẹp, xung quanh lúc nào cũng ồn ã tiếng trẻ con nghịch ngợm, phá
phách, tiếng quát mắng, đánh đập của những ông bố, bà mẹ, tiếng thụi nhau huỳnh
huỵch của đôi vợ chồng sát vách… Lối sống tiểu thư của Thảo bắt đầu xung khắc
với lối sống dân dã lính tráng của tôi. Thảo không bao giờ ăn một món ăn nếu
không ướp đủ gia vị và nấu đúng kiểu, dù chỉ là việc kho con cá cơm bằng đầu
đũa. Tôi buồn. Nhưng tôi biết Thảo không xấu. Thảo sinh ra như thế, Thảo có
cách sống như thế. Lắm lúc tôi thở dài, kể Thảo có thêm được những đức tính của
Mua nữa thì thật hoàn hảo. Tuy vậy, mỗi khi chở Thảo đến bạn bè chơi bằng chiếc
xe máy bóng nhoáng của ba vợ, tôi vẫn ngầm kiêu hãnh với bạn bè: “Mình vừa có tài, lấy được vợ vừa giầu vừa
sang, hơn đứt bọn bay đi chứ!” Tôi luôn thấy mình đủ sức mạnh để không cần
đến ai, và không bao giờ tôi biết ân hận về lối sống vô trách nhiệm của mình.
Còn Mua, vì ngại, tôi luôn trách mặt. Nào ngờ…
***
Sau khoảng thời gian mà tôi thấy dài như hàng thế kỷ,
ca mổ được thực hiện xong. Mua cho tôi biết:
- Ca mổ tốt. Thảo có mệt nhưng rồi sẽ hồi phục. Còn
cháu bé thì khó qua nổi. Nó là con trai, được có một ký tám. Ngày nay, người ta
đã cứu được những trường hợp đẻ non hơn, nhưng đứa trẻ phải khoẻ. Còn đứa nhỏ
nhà anh thì… Nhưng chúng tôi sẽ ráng, còn nước còn tát.
- Thế … bây giờ… tôi có thể gặp Thảo và cháu được
không?
- Anh có thể được gặp cháu ở phòng dưỡng nhi. Còn Thảo
đang ở phòng hậu phẫu, có lẽ anh chưa nên vô.
Nói rồi, Thảo dẫn tôi vào phòng dưỡng nhi. Tôi bàng
hoàng khi thấy một đứa bé như một con mèo ướt nhăn nheo nằm trong lồng kính.
Đứa con trong mộng của vợ chồng tôi là như thế sao?
Một thời gian sau, khi trong phòng chỉ còn tôi với
thằng bé, tôi vô cùng hốt hoảng khi thấy da nó bỗng tái tím, chân tay co giật.
Tôi chạy vội đến phòng trực báo cho Mua. Mua đến ngay xem xét.
- Tình hình rất nguy kịch – Mua nói – Đây chính là hậu
quả của việc máu Thảo không có yếu tố Rhésus. Bây giờ phải thay ngay máu hoàn
toàn cho nó. Nếu không, máu nó sẽ bị ngưng kết và sẽ chết.
Công việc được triển khai ngay. Còn tôi thì như bị sét
đánh. Lảo đảo ngồi xuống hàng ghế ngoài hành lang, tôi bỗng thấy trong bụng
nhói đau. Tôi biết là mình đã bị đau dạ dầy, nhất là những lúc thần kinh lại
quá căng thẳng như thế!
Tôi cũng không biết sau bao lâu, việc thay máu được
thực hiện xong. Mộ cô y tá dìu Mua trở về phòng bác sĩ. Xong, cô ra nói Mua mời
tôi vào.
Tôi ngại ngùng bước vào phòng. Mua nằm trên chiếc
giường, vẻ mệt mỏi, da tái, trên chiếc bàn nhỏ có một cốc nước chanh đường. Mua
nói, nhưng là bằng cái giọng thân thiết ngày xưa:
- Cháu bé sẽ qua khỏi anh à, cả Thảo cũng vậy. Nhưng
anh sẽ cực nhiều đấy. Thật tội nghiệp!
Tôi kéo nhẹ ghế ngồi cạnh Mua, rồi ấp úng nói:
- Tôi biết cảm ơn Mua thế nào bây giờ. Mua ơi! Hãy tha
lỗi…
- Thôi đi anh! Chẳng phải chúng ta vẫn luôn là bạn tốt
của nhau đó sao!
- Mua ơi! Nếu sau này thằng bé qua khỏi, Mua hãy là
người mẹ thứ hai…
Nói đến đó, tự dưng tôi không thể tiếp được nữa. Âm
thanh như mắc nghẹn trong cổ họng. Tôi biết, dù tôi có đểu cáng, có vô ơn đối
với Mua một lần nữa, thì đứa con tôi vẫn là đứa con của Mua, bởi chính Mua đã
hồi sinh cho nó. Và, phải chăng dòng máu đang căng đầy trong huyết quản nó kia,
tràn đầy trong buồng tim nó kia, chính là dòng máu chảy từ chính trái tim Mua?
TPHCM 1983