Thứ Sáu, 6 tháng 7, 2018

VÀI Ý VỀ CHUYỆN TƯỚNG VÕ TRỌNG VIỆT NÓI SAI TIẾNG ANH


ĐÔNG LA
VÀI Ý VỀ CHUYỆN TƯỚNG 
VÕ TRỌNG VIỆT
NÓI SAI TIẾNG ANH

Tôi tính đã viết sớm mấy chữ về chuyện “những đứa mất dạy” giễu cợt ông Tướng Võ Trọng Việt phát âm sai tiếng Anh “Hiện nay Gu gờ và Phê tê bốc”, nhưng bận, vì phải viết lại cuốn sách tiếng Anh. Sau một thời gian đến lớp học tiếng Anh tại Mỹ, tự coi lại ngữ pháp nghiêm túc, tôi tự nhận ra mình quả là liều khi viết sách bằng tiếng Anh sau đến gần 30 năm học một lớp tiếng Anh có một năm hồi còn làm ở viện nghiên cứu; tôi tự nhận ra mình viết sai trong một cuốn sách nhiều quá nên phải sửa lại.
Nói những đứa “mất dạy” vì tiếng Anh không phải là cái đánh giá trình độ và khả năng của một người. Như ở trường tôi học có một chàng người Mỹ cao to đẹp trai “nói tiếng Anh như gió” nhưng chỉ làm công nhân vệ sinh, anh chàng có gỏi giang gì đâu! Chúng nó cười một ông tướng VN nói tiếng Anh sai nhưng khi mấy ông Tổng thống Mỹ đến Việt Nam không biết gì tiếng Việt nhưng chẳng đứa nào cười cả, thể hiện một não trạng nô lệ, vọng ngoại.
Với Tướng Võ Trọng Việt trên cương vị là Chủ nhiệm Ủy ban Quốc phòng và An ninh Quốc hội khóa XIV thì việc Quốc hội VN có thông qua được một luật quan trọng để bảo vệ đất nước là “Luật An ninh mạng” hay không chứ không phải chuyện ông có giỏi tiếng Anh hay không? Tất nhiên nếu ông có giỏi tiếng Anh nữa thì tốt hơn. Vừa qua, trước sự chống phá điên cuồng của bọn xuyên tạc, có tật giật mình như Huy Đức, trước những kẻ mang danh Đại biểu QH mà chỉ tài diễn, mị dân, dự thảo luật nào cũng chống, là Dương Trung Quốc, Tướng Việt đã ba lần kiên quyết đề nghị Quốc hội "cho giữ như dự thảo Luật". Điều đó chứng tỏ bản lĩnh của ông, tinh thần trách nhiệm vì công cuộc bảo vệ an ninh đất nước của ông. Vậy ông là người đáng khen chứ không phải là người bị giễu cợt trên mạng.
         Còn những người đáng chê là người như ông BT Phùng Xuân Nhạ  đã để Bộ Giáo dục dùng thơ làm đề thi của Nguyễn Duy, một kẻ đã tham gia “Văn đoàn Độc lập”, một trong những hành động thể hiện sự chống phá thể chế VN, và trong vô vàn chuyện bắng nhắng của Nguyễn Duy có chuyện láo lếu nhất là chuyện giễu cợt nữ anh hùng Võ Thị Sáu!
         Người đáng chê kế tiếp là ông BT thông tin Trương Minh Tuấn, ngoài chuyện sai phạm trong vụ AVG, tôi thấy ông đáng chê hơn ở chuyện, với cương vị Bộ trưởng thông tin kiêm phó Ban Tuyên giáo mà để cho một người quá non kém về trình độ chính trị là Phạm Anh Tuấn làm Tổng Biên Tập VietNamNet, một tờ báo mạng lớn nhất nước, luôn ca ngợi những nhân vật có mưu đồ lật đổ thể chế VN, trong đó có việc đang ca ngợi “Nhà thơ Nguyễn Duy”.
         Nếu những người có trọng trách mà “trắng đen lẫn lộn, thiện ác bất minh” chiếm đa số trong guồng máy thể chế thì chế độ sẽ sụp đổ chứ không phải do chuyện tham nhũng, bọn phản động hay thế lực thù địch. Tôi không công chức, không đảng viên, không có bổng lộc gì gắn với thể chế, nếu thể chế VN hiện tại sụp đổ mà biến nước ta thành Mỹ, Đức, Nhật, Bắc Âu… thì tôi đồng tình cả bốn tay, chân, và bảo con mèo mà tôi nuôi cũng đồng tình luôn. Khốn nạn ở chỗ chế độ sụp đổ, quyền lực rơi vào tay toàn bọn phản trắc, lưu manh, ngu như lợn thì nước ta sẽ lại nội chiến và nước lớn sẽ lại can thiệp như các nước Trung Đông và Nam Á hiện tại.  Khi ấy thì ai ở VN cũng khổ nên tôi mới phải viết rất nhiều để vạch mặt bọn xấu và mở mắt bọn “dân ngu cu đen”. Nhưng xem chừng sự lưu manh và ngu dốt mênh mông như Dãy Trường Sơn nên đôi lúc tôi cũng thấy nản chí vì bất lực.
         ***  
         Còn liên quan đến tiếng Anh, “người” đáng chê thứ ba, về ngoại ngữ nói chung  và về chính tiếng Anh nói riêng, là cả nước Việt Nam thân yêu của chúng ta. Từ quá lâu, có quá nhiều từ chúng ta nói sai âm của người bản xứ, như “Trung Quốc” (Trung-của) , “Bắc Kinh” (Bẩy-ching), “Liên Xô” (Xa-vet-xki Xa-iu-z); rồi “Mạc Tư Khoa”, “Pháp”, “Đức”, v.v… và về tiếng Mỹ, khi đến lớp học tiếng Anh do chính cô giáo người Mỹ dạy, tôi tự nhận ra mình và cả nước VN nói sai nhiều quá những chữ thông dụng nhất của người Mỹ. Như TT “Lincoln” mình nói là “Lin-côn”, Mỹ nói là “lín cừn”; “Capital” mình nói là Ca-pi-tôn, Mỹ nói là “Ca-pi-đô”; “twenty” mình nói là “thoen-ty”, Mỹ nói “thoen-ny”; “total” mình nói là “tô-tan”, Mỹ nói “thố-đồ”; “pretty” mình nói prét-ti, Mỹ nói “prế-đì”; “important” mình nói im-pooc-tan”, Mỹ nói “im-pó-ần”; v.v…
         ***
         Còn tôi, kể chuyện riêng liên quan đến tiếng Anh một tí, theo kế hoạch của ông con, kỳ này vợ chồng tôi sẽ ở Mỹ hơi lâu, nhớ hồi quen với ông Hoàng Hưng, “chiến sĩ rân trủ” bây giờ, ông ấy kể “nhờ” bị tù 3 năm, ông ấy đã giỏi tiếng Anh, nên tôi nói với thằng con:
         -Huy ơi, mày kiếm xem có lớp tiếng Anh gần đây để ba đi học tiếng Anh, chủ yếu để giao tiếng cho quen chứ ba viết sách thì cần coi lại ngữ pháp là chính.
         Đúng là “cầu được, ước thấy”, ngay trên trục đường nhà chúng tôi ở, đi bộ mất 12 phút, có một trường dạy tiếng Anh cho người nước ngoài. Sau khi đăng ký, ông con dẫn tôi đến phòng học số 24, gõ cửa, một cô giáo dáng người mẫu (hiếm vì bên Mỹ dáng “thùng phuy” rất nhiều), tóc hung, mắt xanh, niềm nở nhận tôi vào lớp. Cô tên là Jennifer Martin, Việt Nam đọc là “Gien-ny-phơ Mac-tin”, Mỹ nói là “Chen-ni-phơ Mác-ìn”.
         Thế là sau gần 60 năm, tôi được gặp lại cái cảm giác lần đầu đến trường. Ngày ấy ông nội tôi đã dẫn tôi đến lớp học ở làng, ngay tại nhà thờ họ tôi. Tôi đã viết nó thành văn trong cuốn “Những dấu vết không phai”, một cuốn từng được một báo điểm là “best sellers”. Tôi học muộn nên chữ tôi học đầu tiên là số 1, điều này tôi cũng đã viết thành thơ:

            Rồi tôi đến trường trong một sáng thiêng liêng
         Kiến thức đầu tiên ông giáo trao cho là con số 1
          Có phải mày là khởi đầu của bao điều không hở con số 1?
            Như chiếc gậy thần tôi vịn dọc đời đi.

         Viết đến số 2 khó quá, tôi đứng dậy nói: “Báo cáo ông giáo em đau mắt em xin về”. Lần này vào lớp cô giáo thấy tôi VN nên xếp ngồi cạnh một cô Việt gốc Hoa vốn ở Định Quán. Cô giáo hỏi tôi “thoéo?” gì đó mà tôi không sao nghe hiểu, cô người Việt giải thích lằng nhằng tôi cũng không hiểu luôn. Sau mấy ngày tôi thấy đầu giờ học ngày nào cô giáo cũng hỏi cả lớp ý đó, tôi nhận ra, thì ra cô giáo hỏi học sinh đăng ký giờ về, nghĩa là cô hỏi tôi, “Hâng, twelve?” (Hùng, 12 giờ về phải không?) Tôi đã lớn nên không “báo cáo đau mắt” như ngày xưa, quyết tâm ở lại học. Lớp tôi phần đông là dân “Mễ”, trò chuyện tiếng Anh với cô giáo “như gió” nhưng khi vào bài học, viết và đọc từng chữ y như những đứa trẻ. Rồi sau một thời gian cô giáo nhận ra do tôi chưa quen, nghe và nói tôi kém gần nhất lớp, nhưng vào bài học, tôi đọc và viết nhanh như chớp, thậm chí tôi viết còn nhanh hơn cô giáo viết trên bảng. Có lần cô giáo viết xong quay lại hỏi “ Sao “Hâng” (Hùng) không viết đi?”, cô bạn ngôi cạnh tôi trả lời hộ “Ổng viết xong rồi!”. Khi giảng bài, cô thường hỏi ý này ý kia và cũng thường chỉ có tôi trả lời, nhiều lần quá thành buồn cười, nên tôi và cô lại cười với nhau. Vì thế cô đã đánh giá tôi là 1 trong 2 người giỏi nhất lớp, lẽ ra phải học lớp cao hơn mấy nấc.
Thật tiếc, sau hai tháng “cắp sách đến trường”, khả năng nghe, nói, và sự bạo dạn tiếp xúc với người Mỹ của tôi tiến triển tốt, nhưng bà xã ở nhà cô đơn quá, tôi sợ bả phát bệnh nên đành nghỉ. Hôm chia tay, ông con đến nói với cô giáo “Ba tui xin nghỉ vì phải về VN”, cô giáo như muốn khóc.
         Và rồi, sau khi coi lại hàng ngàn chi tiết ngữ pháp tiếng Anh, tôi thấy cách dùng từ tiếng Việt khác tiếng Anh rất nhiều, có những câu tiếng Anh viết theo cấu trúc câu tiếng Việt, người Mỹ sẽ không hiểu. Như nói “Khi người ta ăn nhiều người ta sẽ mập” người Việt sẽ hiểu, còn tiếng Anh đây là câu “điều kiện” phải dùng “nếu” (if) chỉ điều kiện mới đúng, còn “khi” (when) là chỉ thời gian.
         Vì vậy, không học chuyên ngành tiếng Anh, không ai có thể tự tin là giỏi tiếng Anh, đến ông TT “Trăm” còn bị một cô giáo chê viết sai tiếng Anh kia mà!
         Vì vậy những kẻ chế giễu tướng Việt trong vụ “pê-tê-bốc” đúng là những đứa mất dạy!
Los Angeles
6-7-2017
ĐÔNG LA