Thứ Ba, 26 tháng 6, 2018

MỘT NỀN GIÁO DỤC NHƯ VẬY SẼ BIẾN CÔNG TBT NGUYỄN PHÚ TRỌNG THÀNH CÔNG CỐC

ĐÔNG LA
MỘT NỀN GIÁO DỤC NHƯ VẬY SẼ BIẾN 
CÔNG TBT NGUYỄN PHÚ TRỌNG 
THÀNH CÔNG CỐC

           Tôi phải đặt tên "sốc" thế để vừa "câu view" vừa nói lên cái nỗi quá bất bình của mình.
           Một đất nước chỉ có thể phát triển và bền vững với một nền giáo dục tốt, hiệu quả và quan trọng nhất là đúng. Nếu nền giáo dục giáo dục sai sẽ dần dần dẫn đến sự lộn ngược các giá trị. Lúc đó không phải "dư luận thù dịch" mà dư luận chính thống sẽ cho những người có công thành có tội, nặng nhất chính là Chủ tịch Hồ Chí Minh, Lê Duẩn, Võ Nguyên Giáp, v.v... ngày hôm qua, và hôm nay, công TBT Nguyễn Phú Trọng cũng thành công cốc. Chống tham nhũng là quan trọng, nhưng tham nhũng không nguy hiểm bằng bọn cơ hội, lưu manh, phản trắc. Chính bọn chúng mới là lực lượng có thể làm sụp đổ thể chế này, dẫn đất nước đến hỗn loạn, nội chiến. Tiếc thay, hiện có một nghịch lý, chúng lại được không ít "nhân dân" ủng hộ và bọn báo chí của chính thể chế như VietNamNet, Tuổi trẻ, Thanh Niên,v.v... ca ngợi. 
           Trường Đại Học Sư phạm Hà Nội, một trường trung tâm của ngành giáo dục từng cho cô Nhã Thuyên điểm 10 về cái luận văn thạc sĩ ca ngợi thơ của nhóm “Mở miệng”, một nhóm chuyên làm thơ mất dạy, bố láo; xúc phạm, bôi bác từ Chúa, Phật đến Chủ tịch Hồ Chí Minh và kích động lật đổ thể chế. Chính tôi đã lên tiếng mạnh mẽ góp phần dẫn tới kết cục thu hồi cái luận văn đó.
         Khi ông Phùng Xuân Nhạ lên làm Bộ trưởng Bộ Giáo dục, tôi từng ngạc nhiên khi thấy dư luận cả “ta” và “địch” chửi quá trời, nhưng xem chừng dư luận là đúng khi tôi đọc bài của ông TS toán Nguyễn Ngọc Chu cho biết Tổng Chủ biên Chương trình Giáo dục Phổ thông mới lại là ông Nguyễn Minh Thuyết. Nguyễn Ngọc Chu đã viết về ông “tổng chủ biên” này: “Xin hỏi ông Nguyễn Minh Thuyết, khoác hàm giáo sư, lại là tổng chỉ huy chương trình cải cách giáo dục phổ thông, rằng ông có dạy được Lý – Hóa – Sinh ở phổ thông không? Câu trả lời dứt khoát là: KHÔNG”.
         Nguyễn Ngọc Chu còn chưa hiểu trình độ Nguyễn Minh Thuyết nên mới bắt bí thế, vì ngay với chính chuyên môn ngôn ngữ của ông Thuyết ta cũng có thể chỉ ra trình độ của ông “Tổng Chủ biên”.  
              Tôi từng viết bài “GS NGÔN NGỮ THUYẾT LẠI DỐT NGÔN NGỮ RỒI”, khi thấy trên giaoduc.net.vn có bài GS-thuyet-nen-doi-ten-nuoc-thanh-cong-hoa-dan-chu-viet-nam, trong đó viết:
           “Tuy nhiên, với tư cách một chuyên gia về ngôn ngữ, GS Thuyết cho biết tên gọi Việt Nam Dân chủ Cộng hòa đặt theo trật tự từ tiếng Hán (Trung Quốc). “… tên gọi như Việt Nam Dân chủ Cộng hòa … là cách diễn đạt theo tiếng Hán. Bây giờ phải gọi lại là Cộng hòa Dân chủ Việt Nam mới đúng ngữ pháp tiếng Việt”, GS Thuyết phân tích”. 
            Thứ nhất, ông Thuyết nói “Việt Nam Dân chủ Cộng hòa” là “đặt theo trật tự từ tiếng Hán (Trung Quốc)” là sai hoàn toàn. Có lẽ nào Bác Hồ, một bậc thầy ngôn ngữ, một “nhà văn hóa tương lai” lại đặt tên nước theo ngữ pháp Tàu? Câu “Việt Nam Dân chủ Cộng hòa” hoàn toàn là trật tự tiếng Việt, bởi tiếng Việt danh từ đứng trước, tính từ đứng sau, như “hoa đỏ”, “em đẹp”, v.v… Tương tự: “Việt Nam” là danh từ “Dân chủ Cộng hòa” là tính từ, sao “theo trật tự từ tiếng Hán”?  Còn trật tự tên đầy đủ của Trung Quốc là:  中华人民共和国, đúng là có trật tự “Trung hoa nhân dân cộng hòa” nhưng ông Thuyết lại bỏ quên chữ “nước” cuối cùng của người ta. Trật tự tiếng Hán là thế nhưng khi dịch sang tiếng Việt, ta phải dịch ngược lại là: Nước cộng hòa nhân dân Trung Hoa. Ở đây “国: Nước” là danh từ tương ứng như “Việt Nam” trong “Việt Nam Dân chủ Cộng hòa” chứ không phải chữ “Trung Hoa”. Chỉ có người không hiểu ngôn ngữ mới nghĩ như ông Thuyết”.
         Buồn cười hơn nữa về ngành giáo dục, khi mấy ngày hôm nay đồng loạt các báo Thanh Niên, Tuổi Trẻ… và VietNam.net đưa tin “Nhà thơ Nguyễn Duy: "Tôi rất mừng khi ra đề thi THPT quốc gia như vậy" ” khi ông ta rất bất ngờ vì việc  đoạn trích trong bài thơ của mình được đưa vào đề thi THPT quốc gia 2018”. 
            Chuyện thơ ca còn hứng có thể tôi bàn tiếp sau bài này, còn hôm nay tôi thấy ông TBT Nguyễn Phú Trọng nên cách chức Bộ trưởng Bộ Giáo dục Phùng Xuân Nhạ khi ông này để trong Bộ của mình xảy ra một chuyện như thế. Nguyễn Duy đang là một kẻ trên tuyến đầu quấy rối, chống phá, bỡn cợt cái thể chế mà TBT Nguyễn Phú Trọng là người đứng đầu. Việc làm trên của ngành giáo dục đã cung cấp thêm vũ khí cho Nguyễn Duy phản nghịch!
         Hôm nay tôi xin đăng lại một bài như là một trong những ví dụ.
          Los Angeles
          26-6-2018
           ĐÔNG LA
HỒN THIÊNG VÕ THỊ SÁU
TUYÊN TRUYỀN HAY SỰ THẬT

Hôm nay tôi lại viết đôi điều về nhóm Nguyễn Quang A, Nguyễn Duy, Nguyên Ngọc diễn trò bôi bẩn hình tượng Võ Thị Sáu, một nữ anh hùng trong cuộc kháng chiến chống Pháp.
Nhìn lại đôi nét lịch sử chúng ta thấy vào tháng 9 năm 1858, quân Pháp bắt đầu tấn công bán đảo Sơn Trà (Đà Nẵng), mở đầu cho cuộc xâm lược VN. Nhiều cuộc kháng chiến chống Pháp của quân và dân ta đã nổ ra. Một trong vô vàn tấm gương sẵn sàng hy sinh thân mình cứu nước là Nguyễn Trung Trực. Ông đã chỉ huy nghĩa quân đốt cháy một chiếc tầu chiến mang tên L'Espérance (Hy Vọng). Khi bị Pháp bắt và bị hành hình, ông đã nói một câu lưu danh muôn thuở: “Bao giờ người Tây nhổ hết cỏ nước Nam thì mới hết người Nam đánh Tây”. Vì vậy mà với vũ khí hiện đại hơn, phải sau 30 năm, đến ngày 17 tháng 10 năm 1887, Pháp mới chiếm được VN, thành lập Liên bang Đông Dương (Union Indochinoise) cùng với Campuchia; Lào. Tên VN đã bị xóa trên bản đồ thế giới. 

Việc giành lại chủ quyền đất nước là một công cuộc chính nghĩa thiêng liêng, biết bao người con của đất nước đã hy sinh thân mình vì nghĩa lớn. Việc giết người bình thường là việc cực ác nhưng giết quân địch bảo vệ đất nước lại trở thành một hành động anh hùng. Vì vậy giả sử hình tượng Võ Thị Sáu có là hư cấu, không có thực, thì việc tuyên truyền với mục đích cao cả cũng hoàn toàn là chính đáng. Chỉ có những kẻ mất nhân tính mới mang những điều chính đáng ra bỡn cợt!
Có điều nhân vật Võ Thị Sáu không phải là hư cấu mà là sự thật, cuộc đời chị đã trở thành huyền thoại và thực tế chị đã trở thành thánh. Sau khi chị bị quân Pháp tử hình mới 19 tuổi, đã xuất hiện nhiều hiện tượng tâm linh liên quan đến linh hồn chị Sáu với những nhân chứng sống. Từ đó mới có sự tôn kính chị, chứng tỏ việc chị hiển thánh đúng là sự thật.
Như những câu chuyện liên quan đến ngôi mộ của chị Võ Thị Sáu. Sau khi chị bị tử hình, do cảm phục người con gái anh hùng, người ta cứ đắp mộ, đúc bia cho chị dù những tên chúa đảo nhiều lần lệnh cho lính đập nát bia và san bằng ngôi mộ chị.
Chính từ đó đã xuất hiện những câu chuyện huyền bí về những kẻ phá mộ chị đã, hoặc bị chết “bất đắt kỳ tử” hoặc bị khùng điên!  Và cũng từ đó mà ở Côn Đảo đã xuất hiện lời thề: “Có cô Sáu chứng giám”. Không ai nhớ hết có bao nhiêu tấm bia xi măng đã được dựng lên tiếp theo nhau, cho đến tấm sau cùng được tồn tại vì đến ngày giải phóng. Đó chính là tấm bia phía trước bên phải ngôi mộ.
Cũng phía trước, phía trái ngôi mộ chị Sáu, có một tấm bia cũng chuyên chở một câu chuyện độc đáo không kém. Một đôi vợ chồng, khi người chồng là Tỉnh trưởng Côn Đảo, ông Tăng Tư, tức phía đối nghịch với chị Sáu:
  Vì lòng cảm phục chị, họ đã bất chấp hậu họa, đã làm một tấm bia với hàng chữ  “Liệt nữ Võ Thị Sáu sinh năm 1933 tại Bà Rịa, mất ngày 23/1/1952” từ Sài Gòn mang ra Côn Đảo, nửa đêm bí mật dựng tại mộ chị:
  Như vậy, tại mộ chị Sáu có tới 4 tấm bia, hai tấm dựng trước giải phóng nói trên. Tấm bia thứ ba bằng đá đen với những dòng chữ nhũ vàng: “Liệt sĩ, Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân Võ Thị Sáu...” được đặt ở vị trí trung tâm trang trọng nhất. Đó là tấm bia với danh nghĩa Nhà nước và nhân dân ta ghi công chị . Tấm bia thứ tư bằng đá, phía sau cùng như một tác phẩm nghệ thuật, có gắn tượng chị hình tròn bằng đá mầu trắng tượng trưng cho tinh thần vì nước quên thân ở tuổi 19 của chị mãi mãi rực rỡ, sáng trong như vầng trăng 16.
  ***
  Vậy mà những ngày hôm nay Nguyễn Quang A, Nguyễn Duy, Nguyên Ngọc… những kẻ đã giầu có, thành danh, được hưởng cuộc sống thanh bình lại bầy trò bôi bẩn bình tượng Võ Thị Sáu, hàm ý cho việc tuyên truyền của ta trong cuộc kháng chiến chống Pháp giành lại nền độc lập là ba xạo.
Có điều với Nguyên Ngọc, Nguyễn Duy làm vậy chẳng khác gì tự vả vào mồm mình.
Việt Nam, một nước nhỏ, nghèo nàn, lạc hậu, để có được một sức mạnh chiến thắng trong các cuộc chiến giành lại và bảo vệ nền độc lập như đã chiến thắng đã phải biết kết hợp nhiều nguồn sức mạnh, trong đó có sức mạnh của tuyên truyền. Trong lĩnh vực tuyên truyền, văn chương được coi là một trong những mũi chủ công. Nhà văn được khuyến khích, ưu ái, tôn vinh viết những tác phẩm đáp ứng được công tác tuyên truyền. Họ được gọi là những chiến sĩ cầm bút. Trong đội quân trùng điệp ấy có Nguyên Ngọc và Nguyễn Duy. Vậy xin nói chuyện văn chương đôi chút để mọi người thấy tại sao tôi lại bảo “Nguyễn Duy, Nguyên Ngọc đã tự vả vào mồm mình”?
Nguyên Ngọc thời chiến tranh đã viết những tác phẩm “người tốt, việc tốt”, những tùy bút giọng điệu còn hơn cả hô khẩu hiệu, vì vậy mà được đặc biệt chú ý. Tên tuổi Nguyên Ngọc được vinh danh, tác phẩm được đưa vào chương trình giảng dạy, và thế là làm khốn khổ cái thằng tôi, lứa tuổi tôi đi học buộc phải học văn Nguyên Ngọc. Có thời kỳ dài tôi không hiểu sao thời học phổ thông mình không thích học môn văn sao vào đời lại viết văn rồi thành nhà văn? Mãi về sau thì biết, văn chương mang tính tuyên truyền đúng là có ích cho cách mạng nhưng mặt nội dung được coi trọng hơn mặt nghệ thuật, cái có ích được coi trọng hơn cái hay; mà một thằng học trò có bản năng văn chương như tôi, từ trong vô thức, tôi thích cái hay hơn là cái có ích. Mà cái hay trong văn chương đối với tôi không chỉ là chuyện có ích; cũng không phải là vần vèo, mây trăng hoa lá; càng không phải là sự lập dị, lộn ngược; mà cái hay chính là tính tư tưởng, những ý tứ sâu xa, cao siêu của tác phẩm. Vì vậy học hết phổ thông, người có tác phẩm tôi thích, tôi nhớ, không ai khác, lại chính là Chế Lan Viên! Khác hẳn lối viết “tả chân”, thấy gì viết nấy của đa số nhà văn, nhà thơ kiểu như Nguyên Ngọc, tôi nhớ những câu thơ mang tính trí tuệ, chất chứa những tư tưởng, ý tứ sâu xa của ông Chế, kiểu như:
Lũ chúng ta ngủ trong giường chiếu hẹp
Giấc mơ con đè nát cuộc đời con
(Người đi tìm hình của nước)
Cũng là ca ngợi lãnh tụ, cũng có thể phục vụ tốt cho công tác tuyên truyền, nhưng phải mãi gần đây, khi nghiên cứu Đạo Phật, tôi mới hiểu hết ý tứ hai câu thơ trên. Cũng như Kinh Phật, hai câu trên của Chế Lan Viên đã chỉ ra sự tham lam, ích kỷ mà loài người vì vô mình luôn chìm đắm, lặn ngụp trong đó.
Còn Nguyễn Duy, cũng là một nhà thơ, khi múa môi chê bai sự tuyên truyền, ông ta đã quên béng, chỉ với những câu thơ cua ốc rơm rạ vụn vặt, hơn nghệ thuật hô khẩu hiệu một tí, nếu không được chủ ý tuyên truyền cho công cuộc giải phóng, Nguyễn Duy không thể được giải nhất trong một cuộc thi lớn của báo Văn nghệ. Như viết về cây tre:
Thân gầy guộc, lá mong manh
Mà sao nên lũy nên thành tre ơi?
          Về mái tăng của bộ đội:
Vuông vuông chỉ một chút này
Mà che tròn vẹn ngàn ngày quân đi
          Như tôi đã viết, Nguyễn Duy đã gặp may, bởi hồi Nguyễn Duy làm những câu thơ này nước ta có đến 95% là nông dân, những câu thơ vần vèo, diễn tả những những cảnh vật gần gũi, thân quen rất dễ hợp “gu” với số đông độc giả.
          Rồi Nguyễn Duy cũng tự nhận ra sự vụn vặt, tầm thường, đã “đổi mới” theo xu hướng mới sau ngày giải phóng. Điển hình là Nguyễn Duy làm bài “Đánh thức tiềm lực” để “Tiễn đưa anh S.D đi làm kinh tế”. S.D. chính là viết tắt hai chữ Sáu Dân, ông Võ Văn Kiệt. Bài thơ mang tính “hiện thực phê phán”, ngược với thời “thơ hô khẩu hiệu” trước của Nguyễn Duy:
Lúc này ta làm thơ cho nhau
đưa đẩy mà chi mấy lời ngọt lạt 
          Vì vậy mà bài thơ đã “gãi đúng chỗ ngứa” của độc giả nên khá nổi tiếng. Có điều viết vậy Nguyễn Duy lại quay về thời Nam Cao, Ngô Tất Tố, đã đổi khác chính mình chứ không phải đổi mới. Nguyễn Duy liệt kê những yếu kém của xã hội, rồi cũng hô hào “đánh thức tiềm lực”, nhưng xã hội VN, trí tuệ đa phần như Nguyễn Duy, Nguyên Ngọc, thậm chí còn kém hơn, lấy đâu ra “tiềm lực” mà “đánh thức”?!
          Thời này cũng chính là thời tôi bắt đầu dấn thân vào văn chương. Nhưng không như Nguyễn Duy là chàng thanh niên nông thôn đi lính, làm thơ, tôi là một người nghiên cứu khoa học làm thơ, nhưng tôi đã lạc nhịp vì đất nước đã hết chiến tranh, không còn cần thơ ca để tuyên truyền như trước nữa. Tôi cũng “đổi mới”, gần như không làm một bài nào thuần ca ngợi, hô khẩu hiệu mà hầu hết làm theo tinh thần phản biện, không phải chỉ chỉ ra những cái xấu của xã hội mà còn phải chỉ ra được cái bản chất và hướng khắc phục những vấn đề đó.
Đất nước chúng ta không phải như ý Nguyễn Duy có tiềm lực nhưng ngủ quên mà ai học khoa học sẽ thấy, so với các nước phát triển, chúng ta còn thua họ rất xa về tiềm lực, tiềm lực về sáng tạo tri thức và vận dụng tri thức vào đời sống. Tôi đã làm bài thơ “Ơi đất nước mang hình dấu hỏi” có đoạn:
Bây giờ con đã là kỹ sư có lớn khôn hơn
Nhưng con luôn nhớ cả tuổi thơ mình đã nhúng
      trong nước ruộng chua đọng váng mầu gỉ sắt
Đi qua cuộc chiến tranh con đến với giảng đường
Con từng lơ ngơ như chú bé cưỡi trâu đi tìm thuyết
              Tương đối của Einstein ở chin tầng mây
Con mắt từng quen nhìn khoai nướng, ngô bung thật
                          khó hình dung đâu “không gian lồi”,
                                             đâu “không gian lõm”?
Nên dù đã gần 20 năm xa quê con vẫn luôn thầm nhắc
Máu giội trong buồng tim mình vẫn là máu nông dân
Ôi giai cấp nông dân giai cấp của Tổ Tiên
                         làm sao ta không yêu, không kính!
Nhưng khi đất nước đã ngàn ngàn năm nghèo đói
Khi đất nước đang quặn mình trong câu hỏi
Cái trí truệ nông dân lại khó trả lời
          Tính nông dân nhỏ lẻ, xuê xoa, cả nể, đại khái, thiếu chính xác, v.v… là những yếu tố chính làm nên cái “lỗi hệ thống”, gây ra tất cả những yếu kém, tệ nạn của xã hội chúng ta hôm nay.
Thú vị ở chỗ chính Chế Lan Viên, do cơ duyên đưa đẩy, lại là người đã nhận ra khả năng của tôi. Nhưng buồn ở chỗ trong làng văn người có trí tuệ như “cụ Chế” lại quá hiếm mà phần đông thì chỉ như, mà còn kém hơn, cỡ Nguyễn Ngọc và Nguyễn Duy mà thôi!
Vì vậy, chẳng ai quen biết tôi mà không cho tôi là có tài cả, nhưng so với Nguyễn Duy, Nguyên Ngọc thì chính họ mới là người thành công, thành danh, còn tôi thì không. Nguyên Ngọc từng được đề cử Giải thưởng cao nhất là giải Hồ Chí Minh nhưng từ chối; Nguyễn Duy đã được Giải thưởng Nhà nước. Nếu là những người có trí cao, tâm sáng, họ sẽ nhận ra so với biết bao người tài đức hơn họ nhưng lại thua thiệt hơn họ thì họ chính là những người quá may mắn, quá được thể chế ưu ái. Vậy sao bây giờ họ lại như chó phản chủ, quay cổ “cắn” thế chế!
Còn tôi ngược lại bị thua thiệt đủ đường nhưng sao lại bảo vệ thể chế? Không phải tại tôi ngu trung mà đơn giản chỉ vì tôi không thiển cận, chấp vặt mà nếu là người có trí, chúng ta phải khách quan nhận thấy so với đất nước thời còn nô lệ và chết đói, ngày nay dù còn biết bao tệ nạn, bất công, nước ta đúng vẫn là thiên đường. Đúng là chúng ta cần chỉnh đốn, sửa đổi, nhưng cần những người tài đức chứ nghe bọn trí thức lưu manh thì cám cũng không có mà ăn. Chúng ta không được tô hồng cũng như bôi đen xã hội, nếu muốn hãy phản biện, kể cả thấy ai, thấy cơ quan nào sai trái hãy khiếu nại, tố cáo. Nhà nước có luật khiếu nại, tố cáo mà. Có điều muốn phản biện được cần phải có tâm và trí, phải có tinh thần xây dựng, phản biện vì động cơ không trong sáng rất dễ thành phản bội; còn khiếu kiện, tố cáo cần hiểu rõ vụ việc, có đầy đủ chứng cớ, nếu không cũng rất dễ phạm tội vu khống. Chính tôi đây đã viết nhiều bài mang tính phản biện; cũng chính tôi đây đã giúp những người oan sai khiếu nại, tố cáo. Có nhà nước nào cấm tôi đâu?
Còn nói bậy, bôi bác anh hùng liệt sĩ, muốn bôi đen cả lịch sử như đám Nguyễn Quang A, Nguyễn Duy, Nguyên Ngọc… vừa làm thì không chỉ sai trái mà còn thể hiện nhân cách phản trắc, điêu toa, đểu cáng, rất đáng khinh!
3-4-2017
ĐÔNG LA