Thứ Tư, 3 tháng 1, 2018

QUÁ KHỨ HIỆN HÌNH


QUÁ KHỨ HIỆN HÌNH
            
         Cứ nghĩ thời buổi thực dụng, trọng vật chất, khi giải trí người ta thích xem hình hơn xem chữ, thích những cái đơn giản, nhanh gọn, ấn tượng, nhấp nháy, hài, trẻ thì thích thêm kích động, không còn chỗ cho sự tinh tế của ngôn ngữ, không còn chỗ cho sự cao sâu của ý tứ, nên nhiều khi muốn đăng một sáng tác văn chương tôi lại thôi. Nhưng rồi tôi khá bất ngờ khi vừa rồi đăng lại cái truyện ngắn "Hoa mua tím", tác phẩm văn xuôi thứ 3 của tôi, lại có khá nhiều người thích.
         Như đã viết, truyện đó tôi hư cấu hoàn toàn nhưng không phải hư cấu từ hư vô. Như hoạ sĩ sáng tác thường có người mẫu, cảnh mẫu, tôi cũng phải dùng chất liệu sáng tác từ sự trải nghiệm của chính mình, dù khi ấy tôi còn là một chàng trai ở tuổi đôi mươi, chưa vợ, chưa trải nghiệm được bao nhiêu. Giờ ngẫm lại tôi thấy mình đúng là một “ông cụ non” thật, trẻ thế mà tôi đã muốn viết những tác phẩm có tính tư tưởng. Như truyện “Hoa mua tím” tôi muốn viết để người đọc rút ra được bài học về sự phản bội, sự vô ơn do tham, sân, si. Câu chuyện kể về một chàng trai là bộ đội trong rừng yêu một cô ý tá, sau giải phóng cưới một cô gái Sài Gòn vì sang giầu hơn, nhưng khi sanh con gặp khó khăn đặc biệt, buộc phải nhờ vả người yêu cũ cứu mạng vợ, con vì cô đã là bác sĩ phụ sản. Chuyện sinh con khó khăn tôi lấy mẫu từ vợ con nhà văn Vũ Ân Thy, biết vì sau một lần anh mời tôi đến chơi nhà. Chuyện tình yêu trong rừng tôi tưởng tượng từ hình ảnh một cô văn công tôi chỉ nhìn thấy có một lần ở nơi đóng quân của quân khu bộ Quân khu Miền Đông (QK7 bây giờ). Cô văn công tên là Được nhưng truyện ngắn viết về sự chung thủy nên tôi đặt là Mua (vì màu tím hoa mua là màu "thủy chung"?).
         Như cơ duyên xếp đặt, đăng truyện xong tôi lên mạng vào Youtube nghe nhạc, giật mình thấy sao cô bé Hồng Nhi hát bài “Đường giao liên dài theo đất nước” giống cô gái văn công trong rừng ngày nào đến thế! Y như quá khứ hiện hình vậy. Vậy hôm nay xin đăng lại hai đoạn văn để độc giả xem tài tô vẽ (“nói láo”) của Nhà Văn Đông La như thế nào nhé:
“Hồi ấy tôi còn trẻ lắm. Đầu năm 74, tôi vào chiến trường và được chọn làm đồ bản (vẽ bản đồ) cho phòng tác chiến Quân khu miền Đông Nam Bộ …
Chính trong những ngày tháng này tôi đã quen thân với một cô y tá có tên là Mua …
Mua vốn gốc gác Sài Gòn, …  khoảng 18, 19, kém tôi độ 1, 2 tuổi. Năm tháng chiến trường đầy gian khổ vẫn không làm sạm được nước da trắng ngần của cô gái đang độ rực rỡ nhất. Mua thường mặc những áo bà ba sậm mầu, nên nước da càng được tôn lên. Khuôn mặt Mua không có những nét đặc sắc, nhưng lại có một sự kết hợp hài hòa, luôn toát lên một vẻ duyên dáng hiền dịu. Ở chỗ dưới đầu mắt phải của Mua có một vết chàm nhỏ và mờ, trông như một giọt nước mắt, làm cho đôi mắt ấy có nét buồn buồn và trông Mua có dáng một người nhẫn nại chịu đựng. … Khi tôi ra viện, thỉnh thoảng chúng tôi vẫn sang nhau chơi. Mỗi lần nhìn Mua nhanh nhẹn trên con đường mòn, in bóng trên nền rừng xanh thẫm, ngập nắng, tôi cảm thấy Mua như hiện lên từ một câu chuyện cổ tích. Trong những đêm rừng lạnh, người con trai hai mươi tuổi là tôi đã trằn trọc không ít về hình bóng người con gái ấy; và, sức mạnh của một cơ thể trẻ trung đã làm dậy lên trong tôi những nỗi khát khao…

Còn tình yêu Sài Gòn của nhân vật trong truyện thì thật tiện, lúc đó tôi cũng mới gặp bà xã tôi, tôi đã bịa ra, thêm thắt, tô vẽ cho lung linh lên từ chính nguyên mẫu người mà sau đó một năm tôi sẽ  cưới làm vợ:
"Tôi hoàn toàn sửng sốt trước vẻ đẹp đài các và có nét gì đó thánh thiện của cô gái. Đó là vẻ đẹp khiến người ta trân trọng, nâng niu nhiều hơn sự ham muốn phàm tục. Dù rằng cái cơ thể thanh xuân ấy cũng được bọc trong chiếc áo pull dài tay ôm sát và chiếc quần jean mầu xanh đậm. Tôi choáng ngợp khi nhìn vào đôi mắt to đen của Thảo và nhận thấy có vẻ gì đó rất khó nói. Sau thì hiểu là do mắt Thảo lé kim, lé một tí ti thôi, đủ làm nên cái duyên mà nhiều cô gái ao ước. Quả thực với Thảo, tạo hóa đã không keo kiệt mà hào phóng ban phát cho tất cả những nét có thể tạo cảm hứng cho bất kỳ chàng họa sĩ nào theo trường phái Phục Hưng khó tính nhất".
     3-1-2018
     ĐÔNG LA