Chủ Nhật, 7 tháng 1, 2018

NHÂN VỤ “VŨ NHÔM” BÀN VỀ “NHÂN TAI”, “MÙA HẠN PHÁP”

ĐÔNG LA
NHÂN VỤ “VŨ NHÔM” 
BÀN VỀ “NHÂN TAI”,
“MÙA HẠN PHÁP”

Nhân tai là tai hoạ do con người gây ra cho chính mình, pháp ở đây là pháp luật
Những năm vừa qua, Đất nước chúng ta đã đạt được những thành tựu quý giá: kinh tế tăng trưởng cao; xã hội ổn định. Nhưng nhìn sâu vào bản chất tăng trưởng, đi sát hơn để hiểu được tâm trạng của người dân, người ta sẽ nhận ra sự phát triển của ta còn có những yếu kém, sự ổn định còn hàm chứa những điều bất ổn.
Sự phân hóa giàu nghèo ở ta ngày càng mạnh mà suốt một thời kỳ dài những đại gia giàu lên không phải chủ yếu do tài năng mà do trúng mánh và lách luật, kể cả việc kinh doanh quyền lực. Ở những nước tư bản, họ trở thành tư bản do mồ hôi, tâm sức và tài năng, như Ford, Bill Gates,… còn ở ta nhiều con ông cháu cha chỉ cần thế và lực. Dựa vào quyền lực, người ta dễ dàng có vốn và có cửa đầu tư vào những lĩnh vực béo bở nhất. Chúng ta thật e ngại khi có thực trạng đất đai và nền kinh tế bị xẻ ra như những miếng bánh bỏ vào túi riêng. Sự định giá tài sản công rẻ mạt để chia nhau cổ phần, nhưng người lao động được rất ít và cũng không ít người lại không tiền mua. Thị trường chứng khoán là phát minh của nhân loại, nhằm huy động nguồn lực toàn dân, biến mọi người thành chủ, nhưng vốn huy động phải biến thành công việc và hàng hóa. Còn ở ta, nhiều ông chủ lên sàn xong, tiền thu về nhiều quá không biết làm gì. Có một ông “cá ba sa” từng dùng tiền đi xây chùa và đúc tượng Phật để cảm ơn Trời Phật đã phù hộ ông trong việc Nhà nước đã tạo điều kiện cho ông đầu cơ hợp pháp, huy động nhân dân làm giàu cho mình, trong chớp mắt, tài sản tăng 11 lần, từ 200 tỷ thành hơn 2000 tỷ!
Trong khi đó những đại công ty của nhà nước đầu tư tràn lan, không có sức cạnh tranh, làm ăn kém hiệu quả, thua lỗ, nợ nần, làm thất thoát tiền bạc công.
Mặt khác, nền công nghiệp chúng ta còn hoàn toàn phụ thuộc, ta chỉ có đất và người, còn nguyên liệu, máy móc, quy trình sản xuất đều của nước ngoài. Chúng ta giành được chủ quyền đất nước, nhưng bây giờ chủ thực chất trong những khu công nghiệp là người ngoài. Cả nước trở thành xí nghiệp gia công khổng lồ và là bãi thải công nghệ “đề mốt”, môi trường sinh thái càng ngày càng bị hủy hoại.
Theo tôi giải pháp trước hết là phải đổi mới ngành giáo dục. Đổi mới là để đào tạo ra người có đức, có tài, cung cấp nguồn nhân lực cho đất nước, chứ không phải như thời gian dài vừa qua, đổi mới để mà đổi mới, đã sinh ra, bày ra biết bao chuyện rối rắm vô bổ. Cần phải tinh chế các biện pháp để làm sao đó học và hành có hiệu quả nhất. Chỉ vậy thôi!
Bên cạnh đào tạo ra được nguồn nhân lực tài đức, thể chế phải có cơ chế thực thi pháp luật nghiêm minh, chống tham nhũng, bất công, tạo điều kiện cho người tài đức làm việc và phát huy tài năng.
Quy trình sử dụng cán bộ, đề bạt, thăng chức cán bộ phải dựa vào đạo đức và năng lực; về đạo đức phải không có tì vết và điều tiếng, về năng lực phải được thể hiện qua kết quả và những thành tựu cụ thể trong công việc. Hoàn toàn không phải là cái “quy trình” mang mầu sắc phong kiến “Con Vua thì lại làm vua”. Kiến thức có một mẩu nhưng cha con, quen thân cứ dắt díu nhau lên làm quan. Siêu ở chỗ lĩnh vực nào cũng lãnh đạo được, lại tham nên kết bè kéo cánh để tham nhũng, lãng phí. Gây hậu hoạ nghiêm trọng nhưng không bị làm sao cả mà còn được vinh danh, khen thưởng và… lên chức tiếp.
Trịnh Xuân Thanh, Đinh La Thăng, Vũ Nhôm và v.v… trong những ngày hôm nay là những thí dụ điển hình, sống động nhất.
Cả một thời kỳ dài đất nước ta đã bị “nhân tai”, bị hạn pháp. Pháp ở đây là luật pháp. Việc pháp luật được thực thi nghiêm minh, công minh trong những ngày hôm nay như những cơn mưa mát lành trong mùa hạn hán để lòng tin của nhân dân lại đâm chồi, nảy lộc, động lực chính của sự ổn định và hát triển của một đất nước.
7-1-2018

ĐÔNG LA