ĐỪNG CHƠI VỚI LỬA!
Nguyễn Văn Thịnh
Chơi với lửa họa thế nào, khỏi nói.
Huống chi chơi với “lửa thiêng” họa thật khôn lường. Với người Việt Nam “Ngọn lửa
Lê Văn Tám” là biểu tượng thiêng liêng bất diệt của tinh thần “Không có gì quý
hơn độc lập tự do”. Thầy trò ông Phan Huy Lê – Dương Trung Quốc há chăng không
biết?
Tổ quốc Việt Nam trải qua trăm đắng
ngàn cay mới có được ngày nay: Nhân dân bốn cõi một nhà cùng hướng tới nền thái
bình thịnh trị. Lòng người bất trắc khôn lường. Dù được hưởng ân huệ từ máu
xương bao nhiêu thế hệ mà những kẻ mang chiêu bài “nhân danh” đủ thứ đang làm rối
loạn nhân tâm, khuấy động sự an bình ổn định của đất nước. Càng nguy hiểm hơn với
người khoác áo “sử gia” làm rối tung lên cái kho tàng lịch sử mà không mấy người
có điều kiện tìm hiểu tới ngọn nguồn.
Khu gọn vụ “ngọn đuốc sống” để bạn
đọc thấy ra chân tướng của mấy người này. Xin phép được hệ thống lại sự việc để
bạn đọc đỡ mất công tìm kiếm:
Cuối tháng 2/2005, Khôi Nguyên (báo
NGƯỜI VIỆT) đưa tin từ Hà Nội: Tại cuộc họp của hãng phim thuộc đài truyền hình
Việt Nam, nhằm thông báo sẽ thực hiện chương trình sản xuất 100 tập phim hoạt
hình nội dung lịch sử dân tộc Việt Nam, có mặt một số phóng viên và nhà sử học
Dương Trung Quốc cùng tham dự, giáo sư Phan Huy Lê (GsPHL) đã tiết lộ: “Nhân vật
lịch sử anh hùng Lê Văn Tám là hoàn toàn không có thật!”. Phóng viên giải
thích: Trong phần phát biểu về tính chân thực của các nhân vật lịch sử, đột
nhiên GsPHL nhớ lại: “Tôi còn một món nợ với anh Trần Huy Liệu (THL) mà đến nay
chưa trả được. Đó là lúc anh Liệu làm bộ trưởng Bộ tuyên truyền cổ động, anh tự
viết về nhân vật Lê Văn Tám, một thiếu niên tự tẩm xăng vào người và chạy vào đốt
kho xăng giặc Pháp ở Thị Nghè”… “Lúc sáng tác ra câu chuyện Lê Văn Tám, anh Liệu
có nói với tôi (PHL) rằng: Bây giờ vì nhiệm vụ tuyên truyền nên tôi viết tài liệu
này, sau này khi đất nước yên ổn, các anh là nhà sử học, các anh nên nói lại
giùm tôi, lỡ khi đó tôi không còn nữa”. GsPHL cũng đề cập tới chi tiết phi lý
trong câu chuyện ngọn đuốc sống Lê Văn Tám (LVT): “Cậu bé LVT sau khi tẩm xăng
vào người và tự châm lửa đốt vẫn còn khả năng chạy từ ngoài vào kho xăng với
quãng đường 50mét. Tôi (PHL) đã hỏi một số bác sỹ và họ cho rằng với sức nóng của
lửa xăng, một em bé không thể chạy xa như vậy!”. Rồi ông (PHL) hứa: “Riêng về bản
thân tôi, là một nhà sử học, tôi đã và đang viết bài để công bố sự thật về nhân
vật này một cách chi tiết và thấu đáo nhất dưới góc nhìn của lịch sử và tôi dự
định trong thời gian sớm nhất. Bởi vì trong năm nay (2005), nhà nước đang chuẩn
bị rất nhiều ngày lễ lớn, trong đó có ngày 30/4. Tôi muốn công bố bài viết của
mình trong một điều kiện bình thản hơn và không muốn việc của mình bị cuốn hút
vào các sự kiện lớn khác. Tôi đang chờ một dịp thuận lợi và nhất định là tôi sẽ
làm”.
Quan trọng thế mà nói rồi để đấy?!
Người viết lưu ý bạn đọc mấy điều:
1/- Ông Trần Huy Liệu (1901-1969) là một yếu
nhân trong thời kỳ đầu của cách mạng tháng Tám. Sau đó ông là người chủ chốt
xây dựng nền sử học của nước Việt Nam độc lập. Vậy sao 35 năm sau khi ông THL
qua đời (1969-2005), ông PHL bỗng dưng “nói hoắng” chuyện ra, có cơ sở nào tin
được?
2/- Vụ đốt kho xăng Thị Nghè xảy
ra khoảng giữa tháng 10/1945, PHL sinh 1934 lúc đó mới hơn 10 tuổi. Cuối năm
1946, khi toàn quốc kháng chiến thì ông Trần lên chiến khu Việt Bắc, cuối năm
1954 ông mới theo các cơ quan TW về Hà Nội. Trong khi cậu học trò xứ Nghệ học trung học kháng chiến chương trình 9 năm ở
vùng tự do Khu IV, sau 1954 mới ra Hà Nội học khóa Đại học đầu tiên sau giải
phóng. Đến lúc này ông THL đã biết PHL là ai đâu?
3/- Chuyện Lê Văn Tám là do ông
THL tự viết (tức là bịa ra – NV) nhân có vụ một kho xăng ở Thị Nghè bị đốt
cháy. Báo Cứu quốc số 74 ra ngày 23/10/1945 đưa tin trong cuộc họp báo tại Hà Nội,
Hồ Chủ tịch nói: “Sự hy sinh của đồng bào ta trong cuộc chiến đấu oanh liệt
trong Nam bộ bây giờ, cái cử chỉ phi thường của một chiến sỹ tự tẩm dầu xăng
vào mình để vào đốt một kho dầu của bên địch, tỏ ra rằng một dân tộc đã có tinh
thần cao đến bậc ấy thì không sức mạnh nào có thể đè bẹp được” và chính ông PHL
đã dẫn chứng báo Kèn gọi lính ngày 18/10/1945 đưa tin: “Một thiếu niên 16 tuổi
nhất định không nói tên, họ, làng, tình nguyện lấy thân mình làm mồi dẫn hoả.
Em quấn vải quanh mình, tẩm dầu xăng, sau lưng đeo một cái mồi, đứng im đốt mồi
lửa, miệng tung hô “Việt Nam vạn tuế”, chân chạy đâm xầm vào kho đạn”. Vậy thì
ông THL cần gì phải bịa chuyện nữa trong tình thế dầu sôi lửa bỏng lúc bấy giờ
thiếu chi việc cần làm? Và nếu có thì viết trên báo nào? Truy tìm ra không khó
vì ông THL là một yếu nhân chớ không phải là một nhà nhà báo gom tin điền vào
chỗ trống.
Hơn bốn năm sau, câu chuyện râm
ran và lan rộng, cán bộ chiến sỹ từng tham gia chiến đấu ở Sài Gòn những ngày đầu
chống Pháp lên tiếng phản ứng quyết liệt. Lúc này trên Tập san sử học Xưa &
Nay (số 340 tháng 9/2009) ông PHL mới lên tiếng “Về câu chuyện Lê Văn Tám” nhưng
đổi giọng, lờ tịt đi câu ông đã tung ra “Nhân vật lịch sử anh hùng Lê Văn Tám
là hoàn toàn không có thật!” và chối khéo bằng những lời lẽ loanh quanh, mập mờ,
lắt léo, lý sự cù cưa. Bởi lỡ trớn rồi, cố giải trình là mình vô tư trong sáng thì
lại càng lòi ra cái sự bất minh!
Trước hết ông PHL phân bua: Trong
những năm 1954-1958, khi tôi đang học ở Khoa Văn trường ĐHSP Hà Nội, GsTHL có đến
giảng một số bài về CMVN. Vào những năm của thập kỷ 1960 lúc đang làm Viện trưởng
Viện Sử học Việt Nam, vài năm trước khi mất, ông nói câu chuyện này rất nhiều lần
với tôi (PHL), có cả mấy người khác cùng nghe!
Viện dẫn lời dặn của GsTHL mà ông (PHL)
đã lĩnh hội như sau: Nhân vụ kho xăng địch ở Thị Nghè bị đốt cháy vào khoảng
tháng 10/1945 và loan tin rộng rãi trên báo chí trong nước và đài phát thanh của Pháp,
đài BBC của Anh, nhưng không biết ai là
người tổ chức và trực tiếp đốt kho xăng
nên tôi (GsTHL) đã dựng lên câu chuyện thiếu niên có tên Lê Văn Tám tẩm xăng
vào người rồi xông vào đốt kho xăng địch cách đấy mấy chục mét (?) nhằm tuyên
truyền động viên tinh thần chiến đấu của quân dân ta trong những năm đánh Mỹ (?)
(vào thời điểm 1945-1954, đế quốc Mỹ chưa xuất đầu lộ diện trong chiến tranh
xâm lược Việt Nam – NV)... Một số tin, đài phương tây phản hồi sự phi lý chú bé
tẩm xăng vào mình, ngọn lửa bùng lên mà còn đủ sức chạy một quãng đường dài 50mét
khiến nhà báo lão làng giật mình thấy ra chỗ hớ hênh và cứ ân hận mãi đến cuối
đời!
Kho xăng là một khu vực rộng lớn,
chẳng biết ông THL hay ông PHL cho cậu bé chạy từ đâu tới đâu để ước ra một khoảng
cách cụ thể là 50mét? Khi nhà văn, nhà báo bậc thầy đã biết tự trách mình thiếu
cẩn trọng để xảy ra sự không hợp lý thì cần gì ai mất công đi tìm “vài ông bác
sỹ” (!) làm người biện hộ? Có ông bác sỹ nào dớ dẩn trả lời câu đố oái oăm
không thuộc chức năng nghề nghiệp của mình?
Ông PHL nhấn mạnh là “GsTHL không
hề hư cấu sự kiện kho xăng địch ở Thị Nghè bị đốt cháy mà trên sự kiện có thật
đó, chỉ dựng lên theo cách nói của GS chuyện thiếu niên Lê Văn Tám tẩm xăng đốt
cháy kho xăng địch”. Tưởng gỡ được cho ông thầy thoát bị tai tiếng bịa chuyện, ông
PHL bốc lên tán dóc: “GS (THL) dựng chuyện thiếu niên Lê Văn Tám là nghĩ đến biểu
tượng cậu bé anh hùng làng Gióng (Phù Đổng Thiên Vương). Tám là nghĩ đến cách mạng
tháng Tám và họ Lê Văn rất phổ biến ở nước ta!”. Ông Cao Đức Trường chỉ là “người
nghiên cứu sử tay ngang” nhưng đã có sự phản biện khoa học rất thuyết phục (Lê
Văn Tám không phải là truyền thuyết – Tuần báo VNTPHCM số 478).
Ông PHL còn gia cố lòng tin của
người đọc với mình bằng lời trăng trối quá ư chu đáo của ông thầy: “GS (THL) còn
tiên lượng là biết đâu sau này có người đi tìm tung tích nhân vật Lê Văn Tám
hay có người lại tự nhận là hậu duệ của gia đình, họ hàng người anh hùng”. Xã hội
đều thừa nhận và kính trọng ông THL là một trí thức lớn, nho học, tây học tinh
thông, một người yêu nước nhiệt thành, một chiến sỹ cách mạng kiên cường. Mời bạn
đọc xem cuốn hồi ký “Cõi người” của nhà văn, nhà báo Trần Chiến có vài dòng cô
đúc về cha mình: “THL là con người tìm kiếm nhưng tìm kiếm con người THL là một
việc làm không dễ. Thấy rồi không dễ viết ra. Viết ra rồi vẫn khó xuất hiện ở dạng
toàn vẹn... Về phương diện chính trị ông bồng bột, nông cạn...”. Đành rằng tinh
thần lạc quan cách mạng là yếu tố không thể thiếu ở người chiến sỹ trong cuộc
chiến đấu lâu dài cam go quyết liệt, nhưng vào thời điểm những năm 1960, trong
khi Cụ Hồ âm thầm viết Di chúc “Cuộc kháng chiến chống Mỹ của nhân dân ta có thể
kéo dài 5 năm, 10 năm, 20 năm hoặc lâu hơn nữa nhưng nhất định thắng lợi hoàn
toàn”, thì ông Trần có thể lạc quan, lạc lõng tới mức nghĩ đến ngày thắng lợi sẽ
có những người đi “nhận vơ” công lao thành tích của người đã ngã xuống trên đường
tranh đấu?! Cướp công nghĩa sỹ là việc làm bất nhân trái với đạo lý truyền thống
Việt Nam. Trước khi nhà nước ta có “ngày thương binh liệt sỹ 27 tháng 7” như hiện
nay thì ở Huế hàng năm nhân dân tự động “cúng
âm hồn vào ngày 23 tháng 5 ÂL”, tưởng nhớ những nghĩa binh bỏ mình khi Kinh đô
thất thủ. Hiện nay cả xã hội đang gắng sức làm công việc “đền ơn đáp nghĩa” và
rất mong tìm được thân nhân “ngọn đuốc sống” đặng xác minh chính danh gốc tích người
anh hùng. Dù sao thì ngọn lửa Lê Văn Tám đã là biểu tượng thiêng liêng bất diệt
của tinh thần yêu nước Việt Nam.
Ông PHL sống chết thề rằng: “Tôi kể
lại câu chuyện này một cách trung thực với tất cả trách nhiệm và danh dự của một
công dân, một nhà sử học”. Nhưng đã gọi là làm khoa học thì có ai ngây ngô tin
vào một câu chuyện “khẩu thiệt vô bằng”, thưa ông thầy dạy sử? Ông dùng búa tạ “táng”
không thương tiếc vào tượng đài lại còn dạy người ta hãy ứng sử với biểu tượng ấy
thế nào! Có là chuyện hài hước chăng, khi một số người ở trong và ngoài nước
mang chức danh học vị này nọ cứ khư khư bám lấy mấy câu nói vu vơ bất nhất độc
tâm ác ý ấy để rêu rao hòng làm giảm đi ý nghĩa cuộc kháng chiến chống các thế
lực xâm lược phương tây của dân tộc ta trong thế kỷ XX.
Cuối cùng thì dù có loanh quanh
đôi chối thế nào, ông PHL cũng phải thừa nhận sự thật lịch sử là: “Lê Văn Tám
không phải là tên nhân vật lịch sử có thật nhưng phản ánh một sự kiện lịch sử
có thật, một tinh thần hy sinh vì Tổ quốc có thật. Đó là một biểu tượng đã đi
vào lịch sử mang tính phổ biến và thiêng liêng”. Ông Cao Đức Trường (bđd) từng
ăn cơm tù Côn Đảo non chục năm trời vì cái tội “chiêu hồi binh sỹ quốc gia quay
về với chính nghĩa dân tộc”, lý giải rất rõ những khoảng trống trong hồ sơ lý lịch
của những chiến sỹ hy sinh trong chiến đấu hoặc bị địch bắt bớ tù đày.
Qua những tư liệu thành văn được
lưu giữ và những nhân chứng, bằng chứng là báo chí đương thời của cả hai bên ta
- địch, được nhiều bạn viết tâm huyết công phu sưu tầm, truy cứu đã công bố rải
rác trên nhiều tờ báo phía Nam, trong đó có tuần báo Văn nghệ TPHCM từ năm 2009
tới nay, sự việc “ngọn đuốc sống” được xác định như sau:
1/- Vụ đốt kho xăng Thị Nghè vào
những ngày đầu Nam Bộ kháng chiến sau khi nước nhà mới giành được độc lập, là một
việc làm có tổ chức, do đồng chí Lê Văn Châu phụ trách, chiến sỹ thực hiện nhiệm
vụ là một thiếu niên tên TÁM, nhà ở khu vực Đa Kao. Liệt danh Thằng Tám, Em Tám,
Bạn Tám xuất hiện ngay sau vụ việc xảy ra, được nhân dân địa phương, chiến sỹ mặt
trận Sài Gòn – Gia Định và cả lục tỉnh Nam kỳ qua nhiều thế hệ nhắc tới với
lòng thương yêu, cảm phục.
2/- Cần phân biệt rõ hai trận đánh Kho đạn Pyrotechnicque
kế bên Sở thú và Kho xăng Simon Piétri bên chợ Thị Nghè, thời gian quá lâu chứng
nhân dễ lẫn. Về nguyên tắc thì kho xăng và kho đạn không được để chung một chỗ.
Hai điểm này cách nhau con rạch chừng vài trăm mét. Sự việc nổ kho đạn xảy ra ngày
8/4/1946 sau vụ cháy kho xăng 17/10/1945, thời gian cách nhau chừng 6 tháng. Vụ
nổ kho đạn (Hồi ký Những năm tháng không thể nào quên của Đại tướng Võ Nguyên
Giáp, Hồi ký của nhà cách mạng Dương Quang Đông, Hồi ký của ký giả Nam Đình tức
Nguyễn Kỳ Nam) địch bị tổn thất rất nhiều, chấn động nhân tâm rất lớn. Kho xăng
dầu Thị Nghè thực ra là một trạm trung chuyển của hãng dầu Shell, không lớn lắm,
nằm trên bờ tây rạch Văn Thánh, gần chợ Thị Nghè và cầu Phú An, trên đường Ngô
Tất Tố, quận Bình Thạnh ngày nay, ô. Lý Châu Hoàn có vẽ sơ đồ chỉ dẫn (Văn nghệ
TPHCM số 383).
Vậy đã có thể gọi là tôn trọng sự thật, tìm ra sự thật chưa hay còn
phải xác minh sự thật thế nào nữa để có thể
“tạo lập một nền tảng nhận thức khoa học, khách quan về quá trình hình
thành biểu tượng Lê Văn Tám”, thưa vị GS đầu ngành sử học của nước Việt Nam
đương đại?
Nguyên do gì mà suốt 60 năm qua “ngọn
đuốc sống” vẫn sáng trong lòng nhân dân cả nước, không dưng bỗng ai mưu toan dập
tắt nó đi? Xin thưa, bởi sử học vốn là môn khoa học dễ nhạy cảm với “thiên thời”.
Năm 1991, Liên bang Xô viết cùng với hệ thống XHCN xụp đổ. Sau khi tổ chức nhà
nước do Đảng cộng sản cầm quyền tan rã, các thế lực thù địch tiếp tục đánh phá
vào hệ thống tư tưởng, quyết xóa bỏ các thành tựu văn hóa xã hội kể cả ý
nghĩa của những chiến công rất đáng tự
hào cùng với những biểu tượng bất diệt của nó, chẳng hạn như vụ xuyên tạc sự hy
sinh của nữ anh hùng du kích Dôia ở Liên Xô. Làn gió độc ấy lập tức được các phần
tử cơ hội, chống đối ở Việt Nam hân hoan đón lấy. Trường hợp “ngọn đuốc sống Lê
Văn Tám” mở đầu cho trào lưu đó.
Tuy nhiên ông Phan Huy Lê già đời,
tham vọng lớn, thâm trầm mưu mẹo, kịp nhận ra ở Việt Nam lúc này chưa hội đủ yếu
tố “nhân hòa”, “địa lợi” nên “thắng” lại, lảng đi, bày chiêu trò khác. Mà trò
Dương chẳng hiểu sao lại dở dói ra chuyện ấy, tất nhiên không khỏi liên lụy tới
ông thầy! Trước đây trò Phan đã làm hại thầy Trần thì nay trò Dương làm hại thầy
Phan, âu cũng là luật “nhân-quả” ở đời! Bởi cái cố tật “nhất ngôn ký xuất tứ mã
nan truy” (Một lời nói ra, cỗ xe 4 ngựa đuổi theo không kịp) nên ông Dương hay
bị vạ miệng. Chuyện ông nghị Phước tặng cho ông nghị đồng khóa cái danh “tứ đại”,
khó ai quên. Dẫn chứng thêm vài chuyện để bà con ta suy ngẫm: Ngày 29/1/2011, trước
sự ra đi của vị nhân sỹ lão thành khả kính, vị Bộ trưởng Giáo dục đầu tiên của
nhà nước Việt Nam dân chủ cộng hòa – giáo sư Vũ Đình Hòe, trả lời phỏng vấn của
báo điện tử Vietnamnet, ông ta buột khẩu một câu xanh rờn: “Thế hệ chúng ta mất
gốc hoàn toàn!”. Cách đây không lâu, tại nghị trường Quốc hội, ông cự vị Giám đốc
công an Hà nội sao chưa trả tiền cơm nuôi hơn ba chục chiến sỹ công an đang thi
hành nhiệm vụ bị người dân địa phương Đồng Tâm bắt giam trái phép mấy ngày
trong vụ Miếu Môn? Trong khi chính số bà con Đồng Tâm đã nhìn ra sai trái của
mình nên bày cách chạy tội ép ông Chủ tịch TP. Hà Nội phải hứa bỏ qua sự việc!
Ngày 30/10/2017, trả lời Đài Á châu tự do, ông lại nói xằng: “Nhân vật Lê Văn
Tám rõ ràng là một truyền thuyết của thời hiện đại. Có những người muốn tin nó
là thật, nhưng có những người cảm thấy khó tin”... vân vân... và vân vân... Thật
không hiểu ông là vị dân biểu? là người nghiên cứu sử? hay là kẻ đốt đền? Một
thời công luận đã dịu đi giờ lại nổi lên làn sóng bất bình!
Trong giới sử học nước Nam hiện thời,
ông thầy PHL đang “múa gậy vườn hoang” và anh trò DTQ chỉ như cái “thùng rỗng”,
dựa vào nhau tung hứng, lấy gậy làm dùi, lấy thùng làm trống cũng vang! Ông DTQ
rất đáng tự hào về truyền thống yêu nước của gia đình. Xin kính cẩn bái vọng
anh linh liệt sỹ Dương Trung Hậu, cho kẻ hậu sinh đặt câu hỏi với quý tử của bậc
tiền nhân: Được biết lúc ông nghị (DTQ) còn nằm trong bụng mẹ thì quý thân phụ
hy sinh trong trận chiến bất cân sức với giặc tại chợ Đồng Xuân gần nhà. Đó là
trận chiến bại tiêu biểu ở mặt trận Hà Nội cuối năm 1946 mà kẻ thắng cũng phải
vỡ mật kinh hồn. Tuy nhiên các chiến sỹ anh hùng của ta hy sinh ráo trọi! Vậy
còn ai là chứng nhân đích thực biết rõ lực lượng địch-ta chênh lệch thế nào?
Bao nhiêu chiến sỹ hy sinh? Tính danh và trường hợp hy sinh cụ thể của từng người?
Theo tự điển Hán-Việt của Đào Duy Anh giải nghĩa: Truyền thuyết: nói lại với
người khác. Vậy thì truyền thuyết về trận chiến Chợ Đồng Xuân ngày ấy có thể
tin không? Chúng tôi, lớp hậu sinh không gợn chút nghi ngờ về truyền thống giữ
nước của dân tộc. Từ tinh thần “Cảm tử cho tổ quốc quyết sinh” của chiến sỹ Tự
vệ và Vệ quốc đoàn ngày ấy mà 8 năm sau, những chiến sỹ QĐNDVN phất cao cờ chiến
thắng trên nóc hầm tướng Pháp chỉ huy căn cứ Điện Biên Phủ. Cũng như từ “ngọn
đuốc thiêng” ngày ấy mà 30 năm sau dù “miền Nam đi trước về sau”, thế hệ con em
những chiến sỹ “Thành đồng tổ quốc” đã phất cao cờ chiến thắng trên dinh lũy cuối
cùng của bọn cướp nước và bán nước.
Hai nhà sử học nổi cộm của nhà nước
Việt Nam đương đại hẳn đã có dịp đến Thủ đô ánh sáng Paris, nghiêng mình trước
tượng Thánh nữ Jeanne d’Arc – người con gái anh hùng trong cuộc chiến tranh
trăm năm Anh-Pháp, niềm tự hào của con cháu người Gaulois, đã được các văn nhân
nghệ sỹ tài danh như Shakespeare, Voltaire, Schiller, Verdi, Tchaikovsky,
Twain, Shaw… lấy làm biểu tượng sáng tác tôn vinh. Giả như tại đó các ông đưa
ra cái lý sự kiểu như với “ngọn đuốc sống” ở Việt Nam của ông Phan Huy Lê: “Mọi
biểu tượng hay tượng đài lịch sử chỉ có sức sống bền bỉ trong lịch sử và trong
lòng dân khi được xây dựng trên cơ sở khoa học khách quan chân thực!”; hoặc của
ông Dương Trung Quốc: “Đó chỉ là một truyền thuyết của thời quá khứ xa xăm, có
pha màu huyễn hoặc (Nguyên văn: thời hiện tại, xin được sửa cho chính xác – NV)
. Có những người muốn tin nó là thật, nhưng có những người cảm thấy khó tin!”,
để xem người Pháp phản ứng thế nào?
Nước ta, triều Lê Thánh Tông là thời
thịnh trị. Nhà vua từng mắng nhiếc mấy sử quan ăn ở hai lòng: “Các ngươi bảo nước
ta là hàng phiên bang đời xưa, thế là người theo đạo chết, mang lòng không vua.
Các ngươi nay thờ chủ này mai thờ chủ khác chỉ vì lợi lộc, sao trong lòng không
tự xấu hổ mà chết ư”?
Sinh thời Bác Hồ có các cộng sự đức
độ tài năng, một lòng vì dân vì nước, văn hóa, quân sự cầm chịch vững vàng, đất
nước loạn ly gian khổ mà lòng người thuần nhất, vượt qua mọi trắc trở đi đến thắng
lợi hoàn toàn. Giờ đây giang sơn đã thu về một mối mà lòng người bất định. “Thiên
thời” biến động khó lường. Tình đời tráo trở trắng đen. Quan không bảo được
dân. Trò phản thầy. Trẻ chẳng nghe già. Phải trái bất phân. Xã hội nhiễu
nhương. Nước non điên đảo!
Trước những sai phạm về văn hóa, chính
trị, tư tưởng, mà cứ xem thường coi như chuyện nhỏ, lại còn ve vãn mị ngôn với
kẻ lờn phép nước thì tương lai không biết thế nào?!
Thành
phố Hồ Chí Minh ngày 30 tháng 11 năm 2017
\