Thứ Năm, 30 tháng 11, 2017

VỀ CHUYỆN ĐỔI MỚI CHỮ VIỆT

ĐÔNG LA
VỀ CHUYỆN ĐỔI MỚI CHỮ VIỆT

Có mấy người hỏi tôi nghĩ gì trước việc ông PGS.TS Bùi Hiền đề xuất cải tiến bảng chữ cái tiếng Việt, có ông là đại tá nhà văn, có người là cô giáo… Riêng cô giáo nhắn tin facebook thế này: “Chú Đông La ơi lí luận chú sắc bén vậy mà chú im hơi lặng tiếng trước cải cách tiếng Việt của ông tiến sĩ ư, hay chú cũng đồng tình ? Đang chờ chú phát pháo đây”.
Vì vậy tôi phải viết vài chữ.
         Trước hết theo tôi không phải thảo luận, tranh luận mà cần phải phản bác, phê phán ông Bùi Hiền.
         Đất nước ta có nhiều cuộc đổi mới nhưng rồi chỉ có đổi mới về chính trị hoá ra lại là thành công nhất. Cái xã hội mà bọn dân chủ giả cầy cho là thối nát, tham ô, tham nhũng hôm nay nếu so với thời ăn bo bo, lạm phát đến 800% thì nó đúng vẫn là thiên đường!  Còn các cuộc đổi mới văn chương, đổi mới lịch sử và chuyện hôm nay là đổi mới chữ viết, không biết đã ngốn bao nhiêu thời gian, công sức và ngân sách nhưng tất cả đều ba lăng nhăng hết.
Ví dụ về chuyện Nguyên Ngọc phất cờ đổi mới văn chương.  Trước nhà văn viết về bộ đội toàn tốt thì Nguyên Ngọc ca ngợi, bảo kê Bảo Ninh viết toàn chuyện xấu như hiếp dâm, tàn sát chôn sống tù binh, bài bạc, hút sách. Chính Bảo Ninh cũng thừa nhận mình viết sai sự thật nhưng cứ viết thế để đổi mới văn chương! Về lịch sử thì như bài tôi viết trên báo VNTPHCM gần đây, nhóm Phan Huy Lê, Dương Trung Quốc cho đổi mới là phải ca ngợi Nguyễn Ánh, là phải xoá nhoà ranh giới thiện, ác.
Còn chuyện đổi mới chữ viết của ông Hiền hôm nay theo tôi là phản nhân văn, phản thực tế và phản khoa học, nếu thực hiện sẽ gây ra sự thiệt hại to lớn cả về kinh tế và về mọi mặt. Sẽ mất bao tiền của và thời gian để xoá nạn mù chữ mới cho cả dân tộc, sẽ mất bao nhiêu thời gian và tiền của để chuyển đổi tài liệu sang loại chữ mới ở tất cả các lĩnh vực liên quan đến chữ viết?
         Tôi viết chuyện ông Hiền đổi mới phản nhân văn là vì chữ Việt hiện dùng đã được sinh ra, song hành, phát triển cùng với lịch sử dân tộc. Nó là công cụ lưu giữ, biểu đạt lời nói và tâm tư của cả một dân tộc. Đầu tiên nó được sinh ra như một công cụ cho nước Pháp xâm chiếm và đô hộ VN rồi dần hoàn chỉnh và phát triển thành như hôm nay. Dân ta đã trả giá 100 năm bị mất nước để rồi thắng Pháp giành lại chủ quyền đất nước. Trong chiến thắng đó chúng ta đã thu được nhiều chiến lợi phẩm vật thể do Pháp xây dựng, bị thua trận phải để lại. Đó là những con đường, những cây cầu, những công trình kiến trúc, như dinh Chủ tịch nước chẳng hạn. Đồng thời quý giá hơn hết, chữ viết cũng có thể được coi là một chiến lợi phẩm phi vật thể.
         Có thể chữ Việt của mình còn có đôi chỗ chưa chuẩn cũng như bao chữ viết khác, như tiếng Anh nhiều từ nói một đằng viết một nẻo chẳng hạn. Nhưng đến nay có thể khẳng định chữ Việt của dân ta đã tương đối hoàn chỉnh. Tôi đã viết nhiều lĩnh vực, từ những lĩnh vực cao siêu nhất như triết học (Kant, Husserl, Chủ nghĩa duy vật biện chứng, v.v…) đến lĩnh vực khó hiểu nhất là Vật lý lý thuyết (Thuyết Tương đối, Cơ học lượng tử, Lý thuyết Dây, v.v…), tôi đã hoàn toàn thoải mái sử dụng chữ Việt để diễn tả đúng những tri thức phức tạp đó, ai có thể hiểu được thì sẽ hiểu được, còn ông PGS.TS Bùi Hiền tôi chắc chắn ông sẽ không thể hiểu. Nhưng là do đầu óc của ông không thể hiểu những lĩnh vực quá khó đối với ông chứ không phải là do chữ Việt. Nói đề xuất của ông Hiền phản thực tế là vì thế!
         Sự đổi mới của ông Hiền nguy hại nhất là phản thẩm mỹ, phi lý và phản khoa học. Hình ảnh chữ viết đã trở thành thân quen nên khi thay đổi như ông Hiền ai cũng thấy là kỳ quặc, phản thẩm mỹ. Còn nó phi lý phản khoa học ở chỗ sự thay đổi của ông Hiền đã làm giảm khả năng biểu đạt chính xác, làm giảm khả năng biểu đạt phong phú của chữ Việt vốn có. Như ông cho c = ch, tr: thứ nhất điều này sẽ làm mất đi sự khác nhau về âm khi nói “ch” thẳng lưỡi, “tr” cong lưỡi; thứ hai viết thế làm sao phân biệt được chữ cha (cha, mẹ) khác với con cá tra, điều tra,  tra tấn, v.v…   Cho D=Đ: sao phân biệt da (da người) với cây đa; cho k=c, qu: sao phân biệt con cuốc với tổ quốc; v.v… và v.v…
         Cuối cùng, chữ viết cũng có tính võ đoán như ngôn ngữ. Như người ta nói tiếng “nhà” là chỉ cái nhà, không ai có thể hiểu thành cái khác. Ngôn ngữ hình thành đồng thời với sự sinh ra của các dân tộc. Sau đó, theo từng bước thăng trầm của lịch sử, sự phát triển của nền văn minh, chữ viết của các dân tộc cũng được sinh ra, dần hoàn thiện. Với VN, sau cả nửa thiên kỷ mới hình thành được chữ Việt như ngày nay nên nó cũng có tính võ đoán như ngôn ngữ. Vậy mà một cá nhân thật liều lĩnh dám làm thay lịch sử đã tuỳ tiện đổi x = kh; w = th, n’ = nh, v.v…
         Còn với cái lý sự rút gọn sẽ tiết kiệm thì ông Hiền cần phải hiểu ngôn ngữ đã ổn định giống như một phần của hình thể văn hoá. Người ta đã viết thư pháp, vẽ chữ, trình diễn chữ… nên không thể cắt gọt tuỳ tiện giống như không ai có thể quan niệm ngược lại: các cô gái chân ngắn mới là đẹp vì sẽ tiết kiệm được vải!
         Tóm lại xã hội VN đã và đang có một nghịch lý, mất bao công của đào tạo trọng dụng, vinh danh những cá nhân, cho họ trở thành những chuyên gia, nhà nghiên cứu, để rồi khi thành đạt họ đưa ra những tối kiến làm loạn xã hội!
         30-11-2017

         ĐÔNG LA