Thứ Ba, 16 tháng 1, 2018

VỤ ÁN ĐINH LA THĂNG: CUỘC CHIẾN GIỮA LÒNG THƯƠNG VÀ CÔNG LÝ

ĐÔNG LA
VỤ ÁN ĐINH LA THĂNG:
CUỘC CHIẾN GIỮA LÒNG THƯƠNG 
VÀ CÔNG LÝ

Trước vụ án Đinh La Thăng có một cuộc chiến giữa lòng thương xót và sự căm giận, giữa sự bào chữa của luật sư và sự kết án của công tố viên, tôi không phải người ba phải vậy mà thấy bên nào cũng có lý riêng của họ. Giọt nước mắt của Đinh La Thăng cũng là giọt nước mắt, thậm chí nước mắt của kẻ giết người khi bị kết án tử cũng là nước mắt, Với lòng nhân từ thì người ta hoàn toàn có thể thương cảm cho những số kiếp con người không vượt qua được cái tham, cái ác; nhưng quân pháp bất vị thân, nếu ai đó đồng tình, bênh vực cho cái tham, cái ác sẽ lại là những người sai trái. Thử hỏi xã hội không có luật pháp, tội phạm không bị xét xử và kết án thì xã hội sẽ loạn thế nào?
Tệ hơn cả sự sai trái là những kẻ chống phá Việt Nam luôn tìm mọi cách xuyên tạc vụ án của Đinh La Thăng, cho là một cuộc chiến quyền lực, phe mạnh thanh trừng phe yếu. Chúng lợi dụng lòng thương cảm, đề cao những đức tính tốt của Đinh La Thăng, cho Đinh La Thăng là nạn nhân của một chế độ độc ác khi sa cơ thất thế.
Vậy sự thật như thế nào?
         ***
Người có lương tri cần phải hiểu biết sự thật để có thái độ cho đúng, cho khách quan, cần phải nghe cả hai phía: công tố và luật sư.
Với tôi, các vụ án ở VN, phía luật sư luôn yếu thế, không phải do chế độ độc tài như bọn chống phá lu loa mà chính là do tính chất pháp quyền, trình độ pháp luật của xã hội VN còn yếu. Nghe như ngược đời nhưng sự thật đúng là vậy. Bởi với nhà nước pháp quyền, pháp luật trên hết, người ta ít có cơ hội phạm tội; với trình độ pháp luật cao, người ta có muốn phạm tội cũng không dám. Còn các vụ án lớn ở VN Nam khi mang ra xét xử thì đều như ung nhọt đã tự bể toè loe ra rồi, mọi sự đúng sai gần như đã rõ cả rồi, một nhà nước còn có luật pháp thì buộc phải truy tố, phải xử nếu không xã hội sẽ loạn.
Vụ án Đinh La Thăng là vụ điển hình như thế.
***
Nội dung chính vụ án đang diễn ra là Đinh La Thăng là Chủ tịch (cùng Ban lãnh đạo) Tập đoàn Dầu khí Việt Nam (PVN) chỉ định thầu sai cho đơn vị con là Tổng công ty CP Xây lắp Dầu khí (PVC), cấp tạm ứng sai cho PVC; Trịnh Xuân Thanh là Chủ tịch HĐQT PVC (cùng ban lãnh đạo) đã sử dụng số tiền tạm ứng sai mục đính gây thiệt hại nghiêm trọng.
Tệ hại hơn rất nhiều là, trước khi mở phiên toà này, dư luận đã biết rõ sự phạm pháp nghiêm trọng hơn rất nhiều của PVN nói chung và PVC nói riêng mà hai người chịu trách nhiệm chính chính là Đinh La Thăng và Trịnh Xuân Thanh.
Theo Nguyễn Tiến Trường: “Nhìn lại những năm tháng ông Thăng làm tư lệnh PVN, nhằng nhịt những thua lỗ, thất thoát. PVC 3.300 tỷ, sợi Đình Vũ 1.500 tỷ, Nhiệt Điện Thái Bình 2 tổng mức đầu tư 34 nghìn tỷ, Ethanol Dung Quất 2.100 tỷ, Ethanol Bình Phước 1.700 tỷ, Ethanol Phú Thọ 2.500 tỷ…”
Còn với Trịnh Xuân Thanh, ngày 11-7-2016, Ủy ban Kiểm tra Trung ương ra thông báo kết luận, trong thời gian từ năm 2007-2013, Trịnh Xuân Thanh và Ban lãnh đạo PVC đã để thua lỗ 3.298,27 tỷ đồng!
***
         Trong cuộc tranh luận tại phiên toà, người bào chữa cho ông Đinh La Thăng là Luật sư Thiệp nói trong vụ án này có việc áp dụng "tư duy lạc hậu" khi đánh giá, bởi không nhất nhất việc gì cũng cần ông chủ tịch HĐQT, ông tổng giám đốc phải biết và chỉ đạo sát sao.
         Bào chữa như vậy là cãi ngược, chính vì cái “tư duy văn minh” không “sát sao” nên đã gây ra tình trạng bao đơn vị kinh tế tham nhũng, lãng phí, thua lỗ, cán bộ vẫn được thưởng huân chương, được thăng chức. Đó chính là cái điều mà xã hội VN cần phải “chỉnh đốn” và phiên toà đang mở chính là một hành động cụ thể.
Luật sư khác bào chữa cho ông Đinh La Thăng là Đào Hữu Đăng nói về việc ông Thăng chỉ định PVC không đủ năng lực làm tổng thầu dự án Nhiệt điện Thái Bình 2 như thế này:
"Nếu với quan điểm như vậy, có lẽ đã không có cầu Chương Dương vì trước khi xây cầu không có ai đủ năng lực cả, cũng không thể đưa Việt Nam vào hàng một số nước làm được giàn khoan nổi, cũng không có nhà máy thủy điện Sơn La hay Lai Châu…".
Nói vậy ông luật sư không thấy rằng những công trình ông kể ra ở trên đều đã thành công, còn với PVC thì ngược lại, cái thiếu năng lực đầu tiên chính là khả năng về tài chính, là đang mắc nợ, nên đã buộc phải phạm pháp, đã dùng tiền tạm ứng sai mục đích, gây thiệt hại. Còn chuyện tính thiệt hại chỉ là một cách để cụ thể hoá sự sai phạm mà thôi.
Theo VKS, từ năm 2010 và trong 6 tháng đầu năm 2011, PVC đang mắc nợ (thời điểm thực hiện hợp đồng 33 và tạm ứng). PVC đã phải sử dụng nguồn tiền tạm ứng của dự án NMNĐ Thái Bình 2 đó vào mục đích trả nợ.
Cũng theo VKS, khi PVPower và PVC ký hợp đồng 33 để PVC làm thầu, chưa có thiết kế kỹ thuật, chưa có tổng dự toán, chưa có hồ sơ yêu cầu, hồ sơ mời thầu và hồ sơ dự thầu theo quy định. Vì vậy, hợp đồng 33 có nhiều nội dung được điền nhưng không có thật (khống về tài liệu) như: Điều khoản và điều kiện của hợp đồng, biểu mẫu phụ lục, biên bản thương thảo hợp đồng, hồ sơ yêu cầu ủy thác v.v… Đến ngày 11/10/2011, PVC mới chính thức là Nhà thầu nhưng từ ngày 28/4/2011 đến ngày 12/7/2011, PVN đã làm các thủ tục chi tạm ứng cho PVC hơn 6,6 triệu USD và hơn 1.300 tỷ đồng. Sau khi PVC nhận tiền tạm ứng, Trịnh Xuân Thanh và thuộc cấp đã sử dụng hơn 1.115 tỷ đồng vào mục đích khác, không đưa vào dự án.
Về trách nhiệm của ông Đinh La Thăng, một bị cáo khai ngày 13/5/2011 rằng, ông Thăng từng gọi ông Khánh, Sơn tới mắng: “Không triển khai thì biến đi, làm sao thì làm phải lo tiền cho PVC” . Lời khai của bị cáo Sơn: "Sau khi anh Đinh La Thăng nói với tôi về việc lo tiền, tôi rất lo. Đối với tôi đó là mệnh lệnh phải làm”. Ông Sơn đã chỉ đạo ông Quỳnh. Ông Quỳnh biết rõ hợp đồng 33 không đúng về pháp lý nhưng bị cấp trên dọa "không làm thì đứng sang một bên" nên vẫn phải tuân thủ.
Bị cáo Vũ Hồng Chương, (nguyên trưởng ban Dự án nhà máy Nhiệt điện Thái Bình 2) khai, có tham dự đầy đủ các cuộc họp ngày 31/3 và 1/6. Sau khi ông Đinh La Thăng đồng ý với chủ trương tạm ứng cho PVC, bị cáo Chương được lãnh đạo gọi lên vào cuối tuần hỏi: “Tại sao không làm văn bản chuyển tiền cho PVC?” Ông Chương đáp: “Nội dung tạm ứng tiền trong hợp đồng 33 không phù hợp với nghị định 48 của Chính phủ. Hợp đồng chỉ có 2 trang A4, chưa có phòng ban nào ký nháy nên chưa đủ cơ sở”.
Về số tiền 1.000 tỷ tạm ứng cho PVC, bị cáo Nguyễn Quốc Khánh (nguyên Phó tổng giám đốc PVN) khai, không hề ký bút phê, chỉ duy nhất 1 lần nhận được văn bản của Chủ tịch HĐTV Đinh La Thăng kính chuyển bị cáo giải quyết.
***
Luật sư Nguyễn Văn Quynh bào chữa cho Trịnh Xuân Thanh cho rằng các hành vi của thân chủ mình không có lỗi cố ý. Việc cho PVC không đủ kinh nghiệm, năng lực tài chính, luật sư nói nhiều năm PVC làm ăn có lãi. Sau khi tái cơ cấu năm 2011, vốn điều lệ của PVC đã lên hàng nghìn tỷ đồng.
Nhận tiền tạm ứng xây nhà máy mang đi trả nợ mà không biết sai sao? Biết sai mà vẫn làm thì không phải là cố ý sao? Vốn có sẵn hàng ngàn tỉ tại sao phải mang tiền tạm ứng đi trả nợ? Vì vậy lời bào chữa của luật sư không đúng.
Sáng 14/1, bị cáo Lương Văn Hoà (cựu giám đốc Ban điều hành dự án Vũng Áng, Quảng Trạch) nói tại phiên toà hôm trước, Trịnh Xuân Thanh có ý buộc tội ông. Do vậy, khi có sự tham dự của cả hai gia đình, ông Hoà đề nghị sếp cũ "không buộc tội bị cáo hay người khác khi bào chữa"; "Trong suốt thời gian diễn ra phiên tòa, anh có bao giờ tự vấn lương tâm là vì ai mà bao nhiêu con người phải đứng ở phiên tòa?"
Còn Trịnh Xuân Thanh, nghe ông ta tự bào chữa mà buồn cười. Từ Hợp đồng 33 dẫn tới tội cố ý làm trái tại PVC, Trịnh Xuân Thanh là người đứng đầu lại tự nhận là do: “không đọc Hợp đồng 33 nên dẫn đến sai sót”!
Như vậy cả Đinh La Thăng và Trịnh Xuân Thanh coi hợp đồng chỉ là cái cớ để chi tiêu tiền phạm pháp.
***
Đặc biệt, trong phiên toà lại có lúc công tố viên nói về những bị cáo như thế này: “Đau xót hơn cả, trong đó có nhiều người xuất sắc, nhiều người đã từng là những nhà khoa học trong ngành dầu khí”.
Một trong những người được nói đến đó chính là ông Phùng Đình Thực.
Dưới thời ông Đinh La Thăng làm Chủ tịch PVN, ông Phùng Đình Thực giữ chức vụ Phó Tổng giám đốc (từ tháng 5/2006); tháng 4/2009, ông Thực giữ chức Tổng giám đốc Tập đoàn Dầu khí Việt Nam, tháng 9/2011, ông Phùng Đình Thực giữ vị trí Chủ tịch Tập đoàn PVN, thay cho ông Đinh La Thăng được cử làm Bộ trưởng Giao thông Vận tải.
Ông Phùng Đình Thực, bị khởi tố về tội: “Cố ý làm trái quy định của Nhà nước về quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng”.
Ông Thực đã tự bào chữa là khi biết hợp đồng 33 sai phạm, ông đã cương quyết chỉ đạo kiểm tra và ngay trong ngày ký quyết định thanh lý chấm dứt hợp đồng 33. Về số tiền PVN tạm ứng cho PVC, ông Thực cho rằng: “Với số tiền tạm ứng được sử dụng sai mục đích, bị cáo cũng ký văn bản yêu cầu PVC báo cáo rõ ràng và có phương án khắc phục ngay”.
Ông Thực cũng nói mình đã gắn bó với ngành dầu khí 40 năm và mục tiêu duy nhất của cuộc đời là cống hiến cho ngành.
Quả thực trong một bài viết của một nhà báo về ông Phùng Đình Thực có đoạn:
“Năm 1983, Phùng Đình Thực thường xuyên bay ra giàn khoan Bạch Hổ cách Vũng Tàu 130km với nhiệm vụ mới, chuẩn bị cho việc khai thác dầu khí.
Khi ấy mới có 5 người trong biên chế của Phòng Công nghệ khai thác tại Vietsovpetro, 2 công dân Liên Xô, 3 công dân Việt Nam… 26/6/1986, dòng dầu công nghiệp đầu tiên được khai thác từ mỏ Bạch Hổ. Có mặt tại phòng điều hành trên giàn khai thác những ngày đầu ấy là chuyên gia cán bộ Liên Xô và các kỹ sư VN: Phùng Đình Thực, Trần Văn Hồi, Nguyễn Hữu Trung…”
Như vậy, Phùng Đình Thực chính là một trong những người có công đầu trong ngành dầu khí VN. Ông còn là người đã được nhà nước đánh giá có đóng góp đặc biệt xuất sắc về các công trình khoa học thăm dò và khai thác dầu khí, đã nhận được đến 2 giái Hồ Chí Minh, một hiện tượng hiếm có tại VN.
Thực tế, dưới trướng một người như ông Đinh La Thăng, ông Thực khó mà không làm theo những quyết định của ông Thăng.
Vậy xét công và tội, VKS đề nghị 12-13 năm tù với ông Phùng Đình Thực là quá nặng, chưa công minh, chưa thấu tình đạt lý, chưa thể hiện bản chất nhân đạo của nhà nước XHCN. Không thể hất hết công lao của người ta đi khi người ta vi phạm, không thể coi hai giải HCM, giải thưởng cao nhất trong hệ thống khen thưởng của VN, là giấy lộn! Công tố viên cần xem lại sự kết tội tránh để oan sai như những vụ án chấn động dư luận thời gian qua, để lại vết nhơ khó gột rửa trong ngành tư pháp. Các cá nhân và cơ quan có trọng trách giám sát ngành tư pháp cũng cần phải có trách nhiệm, đừng để pháp luật VN từ cực lỏng lẻo quá chạy sang cực nghiêm khắc quá. Nếu cấp dưới sai phạm cấp trên phạm tội theo hết thì cán bộ cả nước VN sai hết, kể cả TBT Nguyễn Phú Trọng!
***
Còn ông Đinh La Thăng tự ông ta cũng biết quá sai nhưng HĐXX cũng cần quan tâm đến mong muốn của ông, cần đánh giá công tâm khách quan những kết quả, nỗ lực đạt được của PVN dưới thời ông ấy lãnh đạo. Trong bối cảnh khó khăn, PVN đã trở thành tập đoàn kinh tế hàng đầu đất nước, tăng trưởng từ 3-7 lần, nộp ngân sách đến 30%, đồng thời tham gia bảo vệ chủ quyền biển đảo, đóng góp vai trò quan trọng khi đóng góp điều tiết kinh tế. Ông Đinh La Thăng dẫn lời của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng khi nói về việc xử lý cán bộ sai phạm: "Mỗi việc đều có bối cảnh và nguyên nhân của nó. Do đó phải xem xét, đánh giá một cách toàn diện, có cách nhìn hướng về tương lai để xử lý. Xử lý cán bộ không phải dập cho người ta không ngóc lên được mà xử lý để cho họ khắc phục sửa chữa, để tiến bộ, trưởng thành và quan trọng để cho họ thấy sai".
16-1-2018

ĐÔNG LA