Thứ Tư, 7 tháng 2, 2018

VỀ CHUYỆN ĐỔI MỚI GIÁO DỤC CỦA ÔNG NGUYỄN MINH THUYẾT


ĐÔNG LA
VỀ CHUYỆN ĐỔI MỚI GIÁO DỤC
CỦA ÔNG NGUYỄN MINH THUYẾT

Tôi có biết loáng thoáng Nguyễn Ngọc Chu, một tiến sĩ toán học, hình như có hơi hướng “đấu tranh dân chủ”. Tôi vốn có quan tâm về giáo dục, đã viết về giáo dục và nhận thấy chỉ có một nền giáo dục tốt và hiệu quả mới có thể giúp VN phát triển bền vững được thôi, nên đã chú ý mấy bài Nguyễn Ngọc Chu mới viết về “đổi mới giáo dục”. Khác với những người thuần “dân chủ giả cầy’, là một TS toán nên Nguyễn Ngọc Chu viết phản biện về giáo dục có lý lẽ.
Trong bài “Giáo dục Việt Nam: Nỗi đau nhiều kiếp chưa tan”, Nguyễn Ngọc Chu viết:
“Khi nghe tin chương trình Giáo dục Phổ thông mới đã tiến hành gộp 3 môn Vật Lý – Hóa Học – Sinh Vật vào một môn để cho một giáo viên dạy, và gộp 2 môn Lịch Sử – Địa Lý cũng vào một môn và cũng cho một giáo viên dạy, thì hồn xiêu phách lạc. Bởi đó sẽ là tai họa lớn cho nền Giáo dục Việt Nam” bởi vì “Đi ngược với xu thế chuyên môn hóa”.
Với tôi thì nhận thấy về tổng thể lỗi nhận thức của người Việt là cảm tính, chung chung và thiếu chính xác, thực tế tất cả những việc liên quan đến tri thức cao, sâu chúng ta đều phải thuê hoặc nhờ chuyên gia nước ngoài, vì thế việc “đổi mới” giáo dục bằng “tích hợp” như trên đúng là lộn ngược, phản thực tế.
Nếu ai học khoa học sẽ thấy đúng là có những cái chung, trước hết là toán vì nó là khoa học công cụ, ngành khoa học, ngành công nghệ nào cũng phải tính toán nên đều cần đến nó; tiếp theo lý rất cần cho hoá; hoá rất cần cho sinh; sinh rất cần cho Y… Nhưng dù có những cái chung như thế, mỗi một ngành khoa học lại là cả một thế giới riêng, rồi nó còn phải chia nhỏ ra nhiều chuyên ngành khác nhau nữa, nên “đổi mới giáo dục” bằng cách vo viên các ngành khoa học lại “tích hợp” các môn học như trên thì không chỉ phản thực tế mà còn là phản khoa học. Tuổi nhỏ trí óc như tờ giấy trắng, những tri thức được tiếp nhận sẽ ghi khắc rất lâu, rất cần cung cấp cho học sinh chính xác những tri thức nền tảng để từ đó như bệ phóng sẽ phát triển. Còn tri thức nền tảng chỉ là mớ kiến thức chung chung thì làm sao sau này các em sẽ học lên cao sâu được?
Tôi thật kinh hoàng khi biết tổng chủ biên chương trình giáo dục phổ thông mới lại là GS Nguyễn Minh Thuyết. Về ông “tổng chủ biên” này, Nguyễn Ngọc Chu viết:
“Xin hỏi ông Nguyễn Minh Thuyết, khoác hàm giáo sư, lại là tổng chỉ huy chương trình cải cách giáo dục phổ thông, rằng ông có dạy được Lý – Hóa – Sinh ở phổ thông không?
Câu trả lời dứt khoát là: KHÔNG.
Ông Thuyết có đi học được Vật Lý, Hóa Học, Sinh Vật sau mấy tín chỉ để dạy Lý – Hóa – Sinh không?
Câu trả lời dứt khoát là: KHÔNG.
Một ông tổng chủ biên chương trình giáo dục phổ thông, khoác hàm giáo sư, mà còn không đào tạo lại được thì đào tạo lại ai? Thật hoang đường”.
Nguyễn Ngọc Chu kết luận:
“Giáo dục Việt Nam rất cần các chương trình khác không phải do ông Nguyễn Minh Thuyết là tổng chỉ huy, để cạnh tranh, để chọn lọc.
Khoa học và Giáo dục rất khác với lãnh đạo đường lối. Muốn làm tổng chỉ huy chương trình Cải cách Giáo dục Phổ thông thì không chỉ am hiểu Giáo dục Phổ thông mà cần có kiến thức chuyên sâu để ngồi vào các hội đồng biên soạn tất cả các môn học để tranh luận và đề xuất. Phải dạy giỏi được hầu hết các môn học ở Phổ thông. Ông Nguyễn Minh Thuyết không làm được điều đó. Ông Nguyễn Minh Thuyết không phải là lựa chọn tốt cho vị trí tổng chỉ huy Chương trình Cải cách Giáo dục Phổ thông“
***
Với ông Nguyễn Minh Thuyết tôi đã có những duyên nợ. Còn nhớ “cuộc so găng” giữa “nghị Thuyết” và TT Nguyễn Tấn Dũng trên nghị trường về vụ Vinashin mà người bị đo ván chính là ông “nghị”.
Về vấn đề mà BBC đã lợi dụng đặt một câu hỏi đầy khiêu khích “Chính phủ cảnh cáo quốc hội?”, Nguyễn Minh Thuyết chất vấn:
          “... xin Thủ tướng cho biết là ai đã chỉ đạo đăng tải một số bài công kích, chụp mũ đại biểu Quốc hội ở trên website của Chính phủ. Là cơ quan chấp hành của Quốc hội việc Chính phủ để đăng tải những ý kiến như vậy trên website của mình có phải là một hành động khôn ngoan không? có để cho dân thắc mắc về thái độ tự phê bình Chính phủ không? có để người ngoài lợi dụng không...”
       TT Nguyễn Tấn Dũng:
         “... Tôi không chỉ đạo trực tiếp hay quản lý trực tiếp một tờ báo nào, với tư cách là người đứng đầu Chính phủ. Còn website Chính phủ ... thuộc Văn phòng Chính phủ do Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ chỉ đạo... phải thực hiện đúng quy định của pháp luật ... Còn việc nói khôn ngoan hay không khôn ngoan, tôi không biết việc đó nên nói thế nào, tôi chỉ yêu cầu làm đúng pháp luật. Tôi cũng đề nghị đại biểu Thuyết xem xét theo đúng pháp luật hay không? Đúng chủ trương của Đảng hay không? Tôi xin nói ý đồng chí nói có chỉ đạo hay không”.
        Vế “tầm” chất vấn thì ông GS thua xa bà Phạm Thị Loan. TT Nguyễn Tấn Dũng đã thực sự lúng túng khi Đại biểu Phạm Thị Loan, với đầu óc của một nhà doanh nghiệp đã đặt câu hỏi khi tổng doanh thu một năm của Vinashin sau tái cơ cấu chỉ bằng phần lãi của số nợ trong năm, làm sao Vinashin có thể trả hết nợ? Còn trước những câu hỏi của GS Nguyễn Minh Thuyết, TT Nguyễn Tấn Dũng đã trả lời khiến chính ông GS phải lúng túng khi bị vặn lại. Khi được phóng viên hỏi sau cuộc chất vấn, ông ta cũng phải thừa nhận: “Thật khó có thể hỏi thêm được Thủ tướng”.
Chưa hết, trong bài GS NGÔN NGỮ THUYẾT LẠI DỐT NGÔN NGỮ RỒI”, tôi từng viết:
Đọc mấy bài thấy sao mà có một GSTS ngôn ngữ từng giữ những trọng trách về giáo dục và chính trị mà lại dốt về ngôn ngữ đến thế. Đó chính là ông Nguyễn Minh Thuyết.
Có lẽ nếu còn tự trọng, sau vụ chất vấn Thủ tướng, ông cựu nghị viên được mấy anh chị “rân trủ” bơm thổi đã dại dột bốc đồng húc đầu vào đá, nên im đi là hơn. Vậy mà ông ta còn liên tục đăng đàn tiếp, mà toàn nói sai tiếp! Gần đây nhất là chuyện đổi tên nước.
Với thực trạng xã hội ta hiện nay, với những người tử tế thì tên nước nào cũng có cái hay, có điều trước tình trạng những kẻ xấu bu vào mọi chuyện lộn xộn để quấy phá thì việc đổi tên nước sẽ lại là một vụ lớn cho họ lợi dụng.
Còn đi sâu vào ý nghĩa, “dân chủ, cộng hòa” là thuộc tính chung của chế độ ngược với chế độ phong kiến quân chủ. Còn Xã hội Chủ nghĩa là một khái niệm chỉ bản chất của chế độ thuộc Chủ nghĩa Mác, nó cũng bao hàm cả “dân chủ cộng hòa”, ngoài ra còn có những nội hàm riêng chỉ Chủ nghĩa Mác mới có. Vậy nước ta, trong Hiến pháp có điều 4 và trong thực tế ĐCS vẫn là lực lượng lãnh đạo thì về lý tên nước hiện tại “CHXHCNVN” là phù hợp hơn. Dù rằng chúng ta còn lâu mới đạt được bản chất toàn diện của một xã hội XHCN, nhưng tên gọi là thể hiện mục tiêu, lý tưởng để phấn đấu của đất nước.
Vậy trên  http://vnexpress.net/gl/xa-hoi/2013/04/, ông Thuyết nói 'Đổi lại tên nước là trở về đúng bản chất chế độ' nghĩa là ông Thuyết mù tịt về triết học, là sai, là nói ngược!
Ông Thuyết vốn là một GS về ngôn ngữ dốt về triết ta có thể thông cảm, nhưng quả thật ông lại dốt cả về ngôn ngữ nữa thì thật lạ!
“Tuy nhiên, với tư cách một chuyên gia về ngôn ngữ, GS Thuyết cho biết tên gọi Việt Nam Dân chủ Cộng hòa đặt theo trật tự từ tiếng Hán (Trung Quốc). “… tên gọi như Việt Nam Dân chủ Cộng hòa … là cách diễn đạt theo tiếng Hán. Bây giờ phải gọi lại là Cộng hòa Dân chủ Việt Nam mới đúng ngữ pháp tiếng Việt”, GS Thuyết phân tích”. 
Thứ nhất, ông Thuyết nói “Việt Nam Dân chủ Cộng hòa” là “đặt theo trật tự từ tiếng Hán (Trung Quốc)” là sai hoàn toàn. Có lẽ nào Bác Hồ, một bậc thầy ngôn ngữ, một “nhà văn hóa tương lai” lại đặt tên nước theo ngữ pháp Tàu? Câu “Việt Nam Dân chủ Cộng hòa” hoàn toàn là trật tự tiếng Việt, bởi tiếng Việt danh từ đứng trước, tính từ đứng sau, như “hoa đỏ”, “em đẹp”, v.v… Tương tự: “Việt Nam” là danh từ “Dân chủ Cộng hòa” là tính từ, sao “theo trật tự từ tiếng Hán”?  Còn trật tự tên đầy đủ của Trung Quốc là:  中华人民共和国, đúng là có trật tự “Trung hoa nhân dân cộng hòa” nhưng ông Thuyết lại bỏ quên chữ “nước” cuối cùng của người ta. Trật tự tiếng Hán là thế nhưng khi dịch sang tiếng Việt, ta phải dịch ngược lại là: Nước cộng hòa nhân dân Trung Hoa. Ở đây “国: Nước” là danh từ tương ứng như “Việt Nam” trong “Việt Nam Dân chủ Cộng hòa” chứ không phải chữ “Trung Hoa”. Chỉ có người không hiểu ngôn ngữ mới nghĩ như ông Thuyết. Nên nói như ông Thuyết “Cộng hòa Dân chủ Việt Nam” mới đúng ngữ pháp tiếng Việt là dốt, là nói ngược. Còn muốn theo ý ông mà đúng theo tiếng Việt thì phải thêm vào chữ “Nước” nữa mới đúng: Nước cộng hòa dân chủ Việt Nam!
Còn “Cộng hòa XHCN Việt Nam”, về ngữ pháp thì đúng là sai tiếng Việt như ông Nguyễn Văn An từng nói. Thêm chữ Nước thành Nước Cộng hòa XHCN Việt Nam sẽ là đúng, nhưng trong các văn bản không có chữ Nước. Thói quen viết tắt, nói tắt của dân ta nhiều cái vô nghĩa vẫn thành phổ biến. Chữ Liên Xô thực ra là vô nghĩa mà đúng ra phải là Liên bang Xô viết khi dịch từ hai chữ Советский Союз. Có điều nhìn thoáng hơn nữa, trong học thuật, một khái niệm có khi không theo logic, theo nghĩa thông thường. Như Chủ nghĩa đa đa của lý luận văn học, hạt quack trong vật lý hạt chẳng hạn. Nên CHXHCNVN đã quen dùng, lại theo tinh thần đó nữa thì cũng không cần phải sửa đi sửa lại cho rắc rối.
***
Viết về Nguyễn Minh Thuyết lại thấy bóng dáng những người khác mà tôi đã từng viết: Thể chế Việt Nam có chuyện đáng lo ngại và hơi buồn cười là bỏ nhiều công sức đào tạo, ưu ái, trọng dụng rồi vinh danh những người thực chất là tầm thường chỉ tài diễn. Giới sử học có Phan Huy Lê và một nhân vật là đại biểu QH mà nói gì cũng sai, luôn là thiểu số “cá biệt” trên diễn đàn QH, với chuyên môn lịch sử thì có dã tâm lộn tùng phèo, xoá nhoà tất cả ranh giới của chính tà, thiện ác. Đó chính là Dương Trung Quốc. Bởi lịch sử theo chính đạo, thiện đạo là lịch sử vinh danh những anh hùng đánh thắng quân ngoại xâm, giữ vẹn bờ cõi đất nước, như Vua Quang Trung Nguyễn Huệ là ví dụ tiêu biểu. Nhưng nhóm Phan Huy Lê, Dương Trung Quốc lại đặt Nguyễn Ánh, người từng cắt đất để cầu viện Pháp và cầu viện quân Xiêm giành quyền lực, ngang hàng với Nguyễn Huệ, gần đây còn cho Nguyễn Ánh có công thống nhất đất nước vì đã tiêu diệt được nhà Tây Sơn của Vua Quang Trung! Chỉ có thứ lịch sử đi theo tà đạo, ác đạo mới có quan điểm như vậy mà thôi!
Thật e ngại cho sự phát triển của đất nước trước bao sự đổi mới lộn tùng phèo như vậy. Trước có đổi mới văn chương của Nguyên Ngọc, tiếp theo là đổi mới lịch sử của Phan Huy Lê như vừa nói, năm nay có vụ ồn ào đổi mới chữ viết của ông PGS Hiền và xem chừng nguy hại hơn cả là đổi mới giáo dục của Nguyễn Minh Thuyết!
7-2-2018
ĐÔNG LA