Thứ Tư, 7 tháng 3, 2018

VỀ PHẠM THỊ ĐOAN TRANG, TÁC GIẢ CUỐN “CHÍNH TRỊ BÌNH DÂN”


ĐÔNG LA
VỀ PHẠM THỊ ĐOAN TRANG, 
TÁC GIẢ CUỐN
“CHÍNH TRỊ BÌNH DÂN”

Hiện trên mạng đang ồn ào về Phạm Thị Đoan Trang và cuốn “Chính trị bình dân” của cô ta. Có độc giả muốn tôi có ý kiến về cuốn sách đó. Tôi đang có việc bận nên trả lời là rồi sẽ viết nhưng cũng lướt qua cái mục lục và thấy cuốn sách là sự tổng hợp lại nhiều hành động sai trái của Đoan Trang, trong đó có những điều tôi từng viết dưới đây.
***
Trong văn bản mạo danh, thậm xưng, ngoa ngôn của một nhóm viết bậy mà dám xưng là Việt Nam: “Tuyên bố của mạng lưới blogger Việt Nam”, chủ trò là Đoan Trang, người từng có tiền sự khi làm ở VietNamNet, có viết:
“…chúng tôi kêu gọi chính quyền Việt Nam và Hội Đồng Nhân Quyền xem xét lại Điều 258 của Bộ luật Hình sự năm 1999, sửa đổi năm 2009 – “tội lợi dụng các quyền tự do dân chủ xâm phạm lợi ích của Nhà nước, quyền, lợi ích hợp pháp của tổ chức, công dân”. 
Với lý sự: “Gần đây nhất, trong tháng Năm và tháng Sáu năm 2013, điều 258 đã được sử dụng để bắt blogger Trương Duy Nhất, Phạm Viết Đào và Đinh Nhật Uy vì đã thực hiện quyền tự do biểu đạt bằng các đăng tải các bài viết ôn hoà lên blog của họ”.
Viết như trên, nhóm Đoan Trang đã sai và chống lại luật pháp Việt Nam, bởi Trương Duy Nhất, Phạm Viết Đào và Đinh Nhật Uy bị bắt vì phạm pháp chứ không phải vì họ “đã thực hiện quyền tự do biểu đạt bằng các đăng tải các bài viết ôn hoà lên blog của họ”. 
Còn chuyện nhóm Đoan Trang cho như vậy là đã vi phạm Điều 19 của Tuyên ngôn quốc tế nhân quyền:
Mọi người đều có quyền tự do tư tưởng và biểu đạt. Quyền này bao gồm sự tự do tư tưởng mà không bị cản trở, được tự do tìm kiếm, thu nhận và quảng bá tin tức và ý kiến qua mọi phương tiện truyền thông bất kể biên giới”.
  Ta hãy coi nguyên bản tiếng Anh:
“Article 19: Everyone has the right to freedom of opinion and expression; this right includes freedom to hold opinions without interference and to seek, receive and impart information and ideas through any media and regardless of frontiers”.
Chữ “right” theo từ điển Anh – Việt mà những người soạn từ điển ở ta dịch ra có nhiều nghĩa, trong đó có:
- 1 : lẽ phải, đúng, có lý.
- 2: quyền.
Như vậy chữ “quyền” ở đây không chỉ có nghĩa là quyền lực như “power” và quyền hạn như “jurisdiction” mà còn bao hàm tính chất đúng đắn của các hành động. Vì thế “Everyone has the right to freedom of opinion and expression” sẽ có 2 cách dịch theo kiểu Việt hóa cho xuôi tai:
1- Mọi người có quyền tự do ý kiến và biểu đạt.
2- Mọi người đúng (có lý) khi tự do ý kiến và biểu đạt.
Hai cách diễn đạt khác nhau nhưng bản chất là đồng nghĩa. Nhưng với tiếng Việt là có khác nhau. Một điều đúng có thể làm khác với việc có quyền làm.
Phải chăng những nước nói tiếng Anh người ta quá hiểu ngôn ngữ mẹ đẻ của mình và các nước phát triển người ta cũng quá hiểu tiếng Anh nên đã không có tình trạng vi phạm Điều 19 tùm lum như ở ta? Vì hiểu là “có quyền”, những người “đấu tranh cho rân trủ” ở ta thường ngộ nhận, lạm dụng, quá trớn nên đã phạm pháp khi gây ra những hành động viết bậy, nói bậy, làm càn, và … đã xộ khám.
Để tránh lạm dụng gây ra sai phạm, chính Tuyên ngôn Quốc tế Nhân quyền đã đưa ra thêm Điều 29, trong đó có khoản 2:
In the exercise of his rights and freedoms, everyone shall be subject only to such limitations as are determined by law solely for the purpose of securing due recognition and respect for the rights and freedoms of others and of meeting the just requirements of morality, public order and the general welfare in a democratic society.
Người ta thường dịch (theo Wiki.) thế này:
Trong việc hành xử nhân quyền và thụ hưởng tự do, mọi người chỉ phải chịu những hạn chế do luật định, và những hạn chế này chỉ nhằm mục tiêu bảo đảm sự thừa nhận và tôn trọng nhân quyền, và quyền tự do của những người khác, cũng như nhằm thỏa mãn những đòi hỏi chính đáng về luân lý, trật tự công cộng, và nền an sinh chung trong một xã hội dân chủ.
Trong cái tình trạng dựa dẫm vào luật quốc tế để quấy rối, làm loạn, việc có thêm Điều 258 trong Bộ luật Hình sự là rất đúng đắn và rất cần thiết. Nó giúp người ta hiểu rõ hơn luật pháp để tránh phạm tội. Nhưng với những người có ý thức chống phá đất nước, điều đó lại trở thành chứng cớ định tội họ. Chính vậy mới có trò lố, một dúm người dám nhân danh “lực lượng blogger của Việt Nam” đòi xóa bỏ một điều luật được Quốc hội Việt Nam ban hành vì an ninh cũng như lợi ích chung.
   ***
Phạm Đoan Trang, nhân vật chủ trò trong vụ quấy rối này, tôi chỉ láng máng biết cô này từng bị bắt khi là phóng viên trang Tuần Việt Nam của VietnamNet. Rồi khi tìm hiểu kỹ hơn thì thấy cô ta cũng thuộc dạng gan to óc nhỏ như các bậc “rân trủ” tiền bối vào hàng ông cha của Trang vừa nói ở trên. Có điều Trang tuổi nhỏ lại không chịu làm việc nhỏ mà còn liều lĩnh hơn, dám đi “cầu viện” nước ngoài!
Có “bản lãnh” như vậy bởi Trang là người rất tự tin. Trong bài viết về Cù Huy Hà Vũ trước đây, Trang từng rao giảng về đạo đức nghề nghiệp báo chí thế này:
Một trong các nguyên tắc mà bất kỳ nhà báo nào cũng phải thấu triệt và thực hiện nghiêm ngặt là: trung thực, công bằng, khách quan. “Trung thực” có nghĩa là viết đúng sự thật. “Công bằng, khách quan” nghĩa là phản ánh đầy đủ ý kiến các bên” .
Có điều nói như con vẹt thì dễ còn làm cho đúng thì mới khó. Bởi muốn “trung thực, công bằng” được, người ta cần phải có trí cao, tâm sáng. Nếu trí thấp sẽ có cái nhìn hạn hẹp, không thể nhìn xa trông rộng, không hiểu cao sâu, nên chỉ thấy hiện tượng mà không thấy bản chất, có muốn trung thực cũng không được. Nhưng có trí cao mà tâm tối thì cũng lại vất đi, vì sự thật sẽ bị bóng tối tâm thức che phủ mất rồi.
Trang viết: “Thứ nhất là thói ngụy biện của rất nhiều người Việt, với một lỗi ngụy biện rất phổ biến: tấn công cá nhân. Ông Cù Huy Hà Vũ đã phát ngôn những gì, chính kiến của ông sai ở đâu, lập luận sơ hở ở điểm nào, cơ sở pháp lý của vụ bắt giữ ông, thì không thấy ai phân tích cụ thể”.
Viết vậy là viết bừa bởi Trang hoàn toàn mù tịt về Vũ. Trong các bài viết từng tràn ngập trên mạng, Hà Vũ có rất nhiều ý  phạm pháp. Vũ còn lộn ngược cả lịch sử khi cho ta phản công, tiêu diệt bọn Pôn Pốt, giải phóng dân Căm-pu-chia khỏi nạn diệt chủng như quân xâm lược; rồi Vũ còn ngông cuồng kêu gọi liên minh với Mỹ đánh Trung Quốc, nghĩa là chống lại chính sách ngoại giao đa phương của nhà nước ta, v.v… Như vậy, chuyện bỏ tù Vũ hoàn toàn không phải như Trang viết bậy, chỉ vì từng “kiện cả bố đẻ”, “kiện Thủ tướng”, “tranh cử Bộ trưởng”, v.v…
Về vụ Nguyễn Kắc Kiên, Trang cũng viết: “Hôm nay, nhân sự kiện nhà báo Nguyễn Đắc Kiên bị đuổi việc… theo luật pháp (của nước CHXHCN Việt Nam), nhà báo Nguyễn Đắc Kiên hoàn toàn có thể gửi đơn khiếu nại, tố cáo, khởi kiện báo Gia đình và Xã hội… Bởi vì, theo luật pháp … báo Gia đình và Xã hội KHÔNG CÓ QUYỀN đuổi việc một phóng viên của mình khi phóng viên đó không viết bài cho báo mà lại viết rồi gửi “ra bên ngoài”” . Như vậy Trang cũng không hiểu Nguyễn Đắc Kiên không bị đuổi vì  “viết rồi gửi “ra bên ngoài””mà bị đuổi chính vì viết bậy: “Tôi không chỉ muốn bỏ Điều 4 trong Hiến pháp … mà tôi muốn … lập một Hiến pháp mới”; “Tôi ủng hộ”: “đa nguyên, đa đảng”, “tam quyền phân lập”, “phi chính trị hóa quân đội”; “Tôi khẳng định mình có quyền tuyên bố như trên và tất cả những người Việt Nam khác đều có quyền tuyên bố như thế. Tôi khẳng định, mình đang thực hiện quyền cơ bản của con người là tự do ngôn luận, tự do tư tưởng”. Về điều này, tôi đã viết, chỉ khi nào Hiến pháp VN xóa điều 4, ĐCS từ bỏ quyền lãnh đạo thì Kiên viết như trên là có lý. Ai cũng có quyền tự do ngôn luận, tự do tư tưởng, nhưng phải “tự do đúng”, còn tự do làm loạn, làm mất ổn định xã hội, có nghĩa là xúc phạm tự do của gần 100 triệu người VN khác, thì các nhà chức trách tất nhiên phải có trách nhiệm bảo vệ lợi ích chung, “xử lý” cái thứ “tự do” ấy thôi! Luật cán bộ, công chức cũng viết: "Trung thành với Đảng Cộng sản Việt Nam, Nhà nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam; bảo vệ danh dự Tổ quốc và lợi ích quốc gia".
Vậy Kiên chỉ bị đuổi việc xem chừng còn quá nhẹ!
***
Soạn thảo “Tuyên bố 258”, Phạm Đoan Trang và nhóm không chỉ đăng tải mà đã đem “trình” Đại sứ các nước như Mỹ, Đức, Úc, Thụy Điển; còn sang cả Bangkok, tiếp xúc với các tổ chức nhân danh bảo vệ nhân quyền có văn phòng ở đó. Trang còn phát biểu “Tuyên bố 258” chỉ là bước đầu trong việc “xem xét lại toàn bộ hệ thống Việt Nam”.
Như vậy việc làm của nhóm Đoan Trang thực sự là hành động chống lại việc thi hành công vụ của không chỉ một cá nhân, một cơ quan mà là Quốc Hội nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam - Cơ quan quyền lực cao nhất của nhân dân Việt Nam!
Việc bang giao giữa các nước, dù luôn xây dựng trên nền tảng của tình hữu nghị nhưng cần phải hiểu ai cũng vì lợi ích của nước mình. Nên ngoại giao là chuyện đại sự quốc gia. Một cá nhân, nhóm người không thể tùy tiện đặt mối quan hệ. Trên thế giới hiện cũng có quá nhiều tổ chức nhân quyền sống bằng nghề “chõ mõm” vào chuyện nhà người khác. Có điều khi bom rơi đạn nổ, khi chất độc rải kín rừng núi, sông suối trên Tổ Quốc thân yêu của chúng ta, thì miệng lưỡi họ liệu có ngăn cản giúp chúng ta được không?
Vì vậy, việc cá nhân, nhóm người hành động có tổ chức, có kế hoạch “cầu viện” nước ngoài, chống lại nhà nước Việt Nam, thực sự là hành động phản quốc, như trong lịch sử từng có Kiều Công Tiễn, Trần ích Tắc, Lê Chiêu Thống, Nguyễn Ánh!
TPHCM 15-9-2013
ĐÔNG LA