Thứ Tư, 5 tháng 9, 2018

CÓ RẤT NHIỀU VIỆC CHO CÁC NHÀ NGÔN NGỮ CHỨ KHÔNG PHẢI NHỮNG CẢI TIẾN BA LĂNG NHĂNG


ĐÔNG LA
CÓ RẤT NHIỀU VIỆC 
CHO CÁC NHÀ NGÔN NGỮ
 CHỨ KHÔNG PHẢI NHỮNG CẢI TIẾN
BA LĂNG NHĂNG
Không chỉ lĩnh vực ngôn ngữ mà cả ngành giáo dục VN còn nhiều yếu kém, phi lý. Phi lý lớn nhất là chúng ta đã hàn lâm hoá, khoa học hoá ngay từ lớp vỡ lòng, như muốn đào tạo tất cả học sinh thành bác học cả vậy. Nhưng kết quả trong thực tế sẽ còn rất lâu hoặc có thể không bao giờ, nền giáo dục VN mới có thể đào tạo ra được một người đoạt giải Nobel khoa học, và cũng không biết đến bao giờ chúng ta mới có được những sản phẩm của kinh tế tri thức sánh được với thế giới. Ngược lại, ở nước Mỹ, học sinh học như chơi, có học sinh VN sang học một năm mấy lớp, vậy mà năm nào họ cũng có người đoạt giải Nobel; họ cũng có những “đại công ty” tri thức như Microsoft, Google, Facebook, v.v… đã làm thay đổi cả nền văn minh, văn hoá của nhân loại. Vì vậy Bộ Giáo dục của ta không “loanh quanh cho đời mỏi mệt” nữa mà nên chú tâm nghiên cứu cụ thể ngay nền giáo dục Mỹ để vận dụng sao cho phù hợp, không mong được bằng họ nhưng chắc sẽ có bước phát triển. Cần phải chấm dứt biết bao những công trình đổi mới giáo dục tốn kém, không chỉ vô bổ mà còn phá hoại, làm nhân dân cả nước âu lo, bức xúc đến độ phẫn nộ, hết năm này đến tháng nọ.
         Riêng lĩnh vực ngôn ngữ, nhất là liên quan đến khoa học, triết học, tôn giáo, những lĩnh vực gần như phụ thuộc hoàn toàn vào nguồn tri thức từ nước ngoài, viết bằng ngoại ngữ, có rất nhiều từ ngữ, thuật ngữ, tên gọi, nếu suy xét sẽ thấy nhiều chữ ta đã quen dùng là sai, là tối nghĩa, là vô lý.
         Đã rất lâu, một ông đại tá nhà văn hỏi tôi “Thuyết Tương đối là gì?” tôi giật mình nghĩ hai chữ “tương đối” với người VN thường được hiểu là “không triệt để” để so sánh với chữ “tuyệt đối”. Nhưng “tương đối” trong Thuyết Tương đối của Einstein hoàn toàn không phải như vậy, nó chỉ “mối quan hệ” giữa “thời gian và kích thước” của một “vật thể” theo “chuyển động” (Thuyết Tương đối đặc biệt) và chỉ “mối quan hệ” của “không gian”, “thời gian” (bị “uốn cong”) bởi “khối lượng” hoặc “chuyển động có gia tốc” của “vật thể” (Thuyết Tương đối Tổng quát).  Tra cứu thấy “Thuyết Tương đối” được dịch từ “Theory of relativity”. Tra cứu tiếp thấy “relativity” xuất phát từ tính từ “relative” mà từ điển giải thích là “được xem xét trong “mối quan hệ” hoặc tỷ lệ với cái gì khác” (considered in relation or in proportion to something else). Với ý này thì hoàn toàn đúng với bản chất của Theory of relativity của Einstein. Còn chúng ta đã dịch là “Thuyết Tương đối”, nếu chỉ căn cứ theo nghĩa tiếng Việt, sẽ không ai có thể hiểu được một tí nào về Thuyết của Einstein cả.
Gần đây khi bàn về chuyện ông Vũ chủ Trung Nguyên nói về hạt higgs, về sự hình thành vũ trụ, tôi coi lại lý thuyết về “Mô hình chuẩn”. Theo đó, sau từ Big Bang, đến “kỷ nguyên Planck” (từ lúc 0 cho đến 10-43  giây), rồi đến “giai đoạn giãn nở lạm phát” của vũ trụ (thời điểm 10−36 giây), dạng vật chất đầu tiên sinh ra là plasma của các hạt quark–gluon. Các hạt quark có tính chất kỳ lạ là không chỉ có “điện tích” mà còn có “mầu tích”. “Điện tích” thì ai học hết phổ thông cũng hiểu còn “mầu tích” thì tôi tin là vô cùng ít người hiểu. Quark có 3 loại (mầu và phản mầu) và khi cộng chúng vào nhau sẽ thành trung hoà giống như trộn 3 mầu đỏ, lam, lục thành trắng vậy, nên các nhà vật lý hạt đã “mượn” từ của mầu sắc để chỉ tính chất đó của hạt quark.
Nhưng “mầu tích” nghĩa là gì? “Điện tích” ta có thể hình dung cắm dây của một thiết bị vào nguồn điện thì nó tích được điện nên có thể hiểu, còn “mầu” thì biết cắm vào đâu? Lại tra cứu thì thấy “điện tích” được dịch từ “Electric charge” và “mầu tích” được dịch từ “color charge”, cả hai đều có chữ “charge”. “Charge” vừa là động từ vừa là danh từ. Với động từ người ta thường hiểu “charge” theo nghĩa là “sạc để tích tụ điện”, nên đã dịch “Electric charge” là “điện tích”. Từ này dùng mãi rồi quen không ai chú ý cả. Nhưng khi đọc hai chữ “mầu tích” thì không thể hiểu theo nghĩa đó? Vậy phải xem lại chuyện dịch chữ “charge”. Tôi chợt tự hỏi ai là người đầu tiên dịch thành chữ “điện tích”? Vì theo ngôn ngữ Việt, danh từ đứng trước, tính từ đứng sau, “điện” là danh từ (chỉ một tính chất vật lý) còn “tích” là tính từ. Chữ “tích” chỉ có nghĩa khi là động từ (nó “tích” của cải) hoặc là danh từ nhưng phải thêm từ ghép (“sự tích luỹ”, “sự tích”), còn là tính từ thì “tích” hoàn toàn vô nghĩa. Như chẳng ai nói “trông anh “tích” quá, con vật “tích” quá, cái cây “tích” quá” cả. Ghép với danh từ nào nó cũng vô nghĩa. Như vậy dịch “Electric charge” thành “điện tích” là sai. Hoặc phải biến “tích” thành động tính từ và viết là “điện được tích” mới đúng nghĩa. Nhưng thuật ngữ thế là dài quá. Bản tính người Việt ít lý tính, nên chẳng ai chi li xem “điện tích” cũng như vô vàn cách nói, cách viết những cái liên quan đến tiếng nước ngoài là sai hay đúng cả. Có sách giáo khoa định nghĩa “điện tích là vật tích điện". “Điện tích” là một tính chất vật lý sao lại là “vật” được? Dịch theo từ điển tiếng Anh một cách đầy đủ là: “Điện tích là tính chất vật lý của vật chất làm cho nó chịu sự tác động của một lực khi đặt trong trường điện từ”. (Electric charge is the physical property of matter that causes it to experience a force when placed in an electromagnetic field).
         Vậy dịch sao cho đúng? Ta phải coi “charge” là danh từ với nghĩa là “lượng”, hoặc “độ” (như nhiệt độ), và “Electric” là điện, rồi dịch “Electric charge” là “lượng điện” hoặc “độ điện”, nhưng “độ điện” là hay hơn vì tương tự như “nhiệt độ” đã quen dùng, mà đúng theo ngữ pháp Việt, tính từ đứng sau, phải viết là “độ nhiệt” thì đúng hơn.
Từ đó, ta thấy có thể dễ dàng dịch “color charge” là “độ mầu” và hoàn toàn dễ hiểu.
         ***
         Vì vậy, có rất nhiều việc để bàn, để sửa ngôn ngữ Việt cho đúng. Khổ cái là cần phải có những nhà ngôn ngữ có tài năng đích thực, chứ không phải là những cải tiến thành cải lùi ba lăng nhăng như hai trường hợp của Bùi Hiền và Hồ Ngọc Đại.
         Los Angeles
4-9-2018
ĐÔNG LA