Thứ Ba, 4 tháng 9, 2018

VỀ CÁI “CÔNG NGHỆ GIÁO DỤC” CỦA ÔNG HỒ NGỌC ĐẠI


ĐÔNG LA
VỀ CÁI “CÔNG NGHỆ GIÁO DỤC”
CỦA ÔNG HỒ NGỌC ĐẠI

Dư luận đang ồn ào về những thay đổi cách đánh vần rất “lạ” theo Chương trình sách Tiếng Việt Công nghệ giáo dục của ông GS Hồ Ngọc Đại, trong đó “ấn tượng” nhất là việc đọc 3 chữ c, k, q đều là “cờ” để đánh vần. Người ta chia sẻ một video cô giáo lớp 1 hướng dẫn đánh vần theo ông Đại, chữ “qua” đọc là “cờ - oa - qua”.
“Ua” (giống trong tiếng “cua”) của chữ “qua” ở trên không thể đọc là “oa” (giống trong tiếng “hoa”) như vậy. Nếu đọc “q” là “cờ” thì chữ “qua” sẽ là “q” (cờ) “ua” thành “cua”; còn nếu “qu” là “cờ” thì “qu” (cờ) “a” lại thành “ca”.  Vì vậy chỉ có đọc “qu” là “quờ” như cũ thì “qu” (quờ) “a” mới thành “qua” mà thôi! Khi nói “cờ ua” học sinh sẽ dễ dàng viết là “cua” và “quờ a” sẽ dễ dàng viết là “qua”. Trong bảng chữ cái và cách phát âm, ông Đại đã bỏ đi âm “oa”, vậy âm “hoa” ông viết làm sao? Còn đọc như trên cho “ua” thành “oa”, vậy âm “cua” viết làm sao?
Trong một cuộc phỏng vấn, để biện hộ cho cách đọc chung “k” và “c” là “cờ”, ông Đại nói “phải đọc “cờ e ke” chứ sao lại “ka e ke”? Ông Đại không hiểu một đặc tính của ngôn ngữ là tính áp đặt, tính võ đoán của thói quen, của truyền thống, dần được hình thành từ mấy trăm năm; đọc “ka e ke” là “ka e ke” thôi, cũng như quy ước “k” ghép với “h” sẽ đọc là “khờ”, “n” ghép với “h” thành “nhờ”, v.v… vậy. Không thể hỏi tại sao như thế? Cũng như tiếng Anh không thể hỏi tại sao lại viết một đằng đọc một nẻo, cùng một chữ cái nhưng nhiều chỗ đọc khác nhau. Có những chữ viết khác, nghĩa khác nhưng đọc như nhau như “weight” (trọng lượng) và “wait” (đợi); “Sun” (mặt trời) và “son” (con trai). Có những chữ viết và đọc như nhau nhưng nghĩa khác nhau như “light” vừa là “nhẹ” vừa là “ánh sáng”.
Sự quy định đọc chữ “k” là “ka” xuất phát từ cách dùng ngôn ngữ rất phong phú trong thực tế chứ không phải là vô cớ, vô lý. Chỉ đọc “k” là “ka” mới phân biệt được với chữ c “cờ”, để khi đọc “ka y ky sắc ký” người ta dễ dàng viết thành chữ “ký” có ý nghĩa (như “ký kết”, “ký tên”) chứ không lẫn sang chữ “cý” vô nghĩa; cũng như đọc “ka inh kinh” sẽ viết được chữ “kinh” có nghĩa (“kinh sợ”, “kinh doanh”) chứ không phải chữ “cinh”; hoặc viết chữ “kiệt” (“keo kiệt”, “hào kiệt”) chứ không phải chữ “ciệt”.
Trong bảng chữ cái, ông Đại cũng bỏ đi chữ “ă” (âm “á”), vậy âm “khăn” (“khăn tay”, “khó khăn”) viết làm sao?  Ông cũng bỏ chữ â (âm “ớ”), vậy âm “chân” viết làm sao?
***
Dư luận từng nổi giận với việc ông Bùi Hiền đưa ra công trình quái thai cải tiến chữ viết không chỉ phản khoa học, phản thực tế mà còn nếu thực hiện sẽ huỷ diệt nhiều thứ tối quan trọng. Cả dân tộc sẽ thành mù chữ phải học lại; toàn bộ các tài liệu từ hiến pháp, luật pháp, v.v…; các tác phẩm văn học nghệ thuật; v.v… sẽ thành vô nghĩa nếu không chuyển đổi.
Đồng hành với  Bùi Hiền, hôm nay dư luận lại biết có Hồ Ngọc Đại cũng đã kỳ công đưa ra cái “công nghệ” trên.  Riêng chuyện đọc 3 chữ c, k, q là “cờ” ông Đại đã sai hoàn toàn như đã phân tích.
Vậy mà tít mù từ năm 1978, ông đã sáng lập ra một Trung tâm, nghĩa là đã mất 40 năm, để đưa ra cái “công nghệ” có nhiều sai sót đó. Kỳ lạ ở chỗ  trong năm 2013, Bộ GD&ĐT đã có quyết định cho phép cuốn Tiếng Việt 1 của ông được áp dụng đại trà.
Đất nước ta không phát triển nhanh được vì có quá nhiều người có danh tiếng, có địa vị quan trọng nhưng thực chất khả năng lại quá kém. Việc khả năng họ kém không nguy hiểm mà nguy hiểm ở chỗ họ lại quá ảo tưởng về mình, không chỉ đưa ra những sáng kiến nhố nhăng mà còn đi “đấu tranh” đòi thay đổi tùm lum, gây bất ổn xã hội rất nhiều!
Hồ Ngọc Đại là con rể cố TBT Lê Duẩn, nhưng ông cũng có mặt trong danh sách những người đã ký trong "Kiến nghị về sửa đổi Hiến pháp 1992", nghĩa là cũng muốn thay đổi cái chế độ mà nhờ nó ông ta thành giáo sư; năm 2009 ông cũng nhận Giải thưởng Phan Châu Trinh của bọn Nguyên Ngọc, Chu Hảo!
Los Angeles
3-9-2018
ĐÔNG LA