Thứ Sáu, 14 tháng 9, 2018

“CÔNG NGHỆ GIÁO DỤC” LẤY HỒ NGỌC ĐẠI LÀM TRỌNG TÂM


ĐÔNG LA
CÔNG NGHỆ GIÁO DỤC
 LẤY HỒ NGỌC ĐẠI LÀM  TRỌNG TÂM

Hồ Ngọc Đại tuyên bố công nghệgiáo dục của mình không lấy thầy làm trọng tâm như phương pháp cũ mà lấy trò làm trọng tâm. Nhưng như tôi đã phân tích, Hồ Ngọc Đại đã tự ý thay đổi cách đọc các chữ cái để đánh vần khấp khểnh và ngọng nghịu một cách sai trái so với những quy ước chuẩn mực của cách đọc các chữ cái dần hình thành từ bao đời (như cờ - ua qua; i-a-n iên...). Còn nhiều điều Hồ Ngọc Đại vô lý và vô nghĩa nữa tiếc là tôi lại đang bận chưa viết được. Tất cả đều chứng tỏ công nghệ giáo dục của Hồ Ngọc Đại không lấy cả thầy lẫn trò mà lấy chính Hồ Ngọc Đại làm trọng tâm.
Vậy phương pháp giáo dục lấy trò làm trọng tâm mà Hồ Ngọc Đại mượn danh thực chất như thế nào? Xin trích lại vài ý tôi đã viết khi viết về nền giáo dục VN.
***
Đã có nhiều nhà khoa học, học giả phân tích phương pháp phi lý, phản khoa học của nền giáo dục VN.
     Đó là phương pháp giáo dục thụ động, thầy đọc trò chép, nhồi nhét, học vẹt; đó là mặt tiêu cực của tâm lý Á Đông coi thầy như cha, thầy nói trò phải nghe, thầy dậy gì trò được biết nấy, phương pháp lấy thầy làm trọng tâm … Tất cả đã tiêu diệt khả năng suy nghĩ độc lập và sáng tạo của học sinh. Vậy điều cần thiết là phải làm ngược lại theo phương pháp giáo dục tiên tiến của những nước phát triển. Một tác giả ở Úc cho biết phương pháp của họ là lấy trò làm trọng tâm (learner based approach). Khi học, trò tự do thảo luận với sự hỗ trợ tối đa của thầy. Một du học sinh ở Anh cho biết trước khi đến Anh: “Trước một sự kiện, phản xạ tự nhiên của tôi là What, Who và cũng chỉ dừng ở đó. Nhưng với người Anh thì khác. Tiếp ngay sau What? Who? sẽ là Why? Đối với họ, câu hỏi Ai? Cái gì? rất quan trọng, nhưng câu hỏi Tại sao? còn quan trọng hơn nhiều. Câu hỏi Tại sao dẫn ta đến nguyên nhân, bài học mà nhờ đó lần sau ta sẽ thành công lớn hơn hay tránh được sai lầm đã mắc”. Một giáo viên ở Mỹ cho biết ngay từ bậc tiểu học đã chú trọng đến lối suy nghĩ phân tích (critical thinking), tạo cho các em chủ động. Khi học về số bình quân thì các em tự đi hỏi về chiều cao của bạn học; ăn những viên kẹo sô-cô-la M&M đủ mầu cũng cho các em về khái niệm xác xuất thống kê; để tìm tỷ lệ ô-xy trong không khí thì các em làm ngay thí nghiệm dùng nước, đèn cầy, lọ thủy tinh… rồi tính toán. Một tác giả khác cho biết một em gái 12 tuổi chọn thuyết trình về đề tài “Hồng quân Trung Quốc”. Em đã đến thư viện tìm đọc các sách báo và xem tất cả cuốn băng video nói về hồng quân. Sau mấy tuần lễ miệt mài như thế, em kết luận : “Sách báo, phim ảnh nói về đề tài này không thống nhất gì cả”. Em muốn gặp và phỏng vấn trực tiếp một chiến sĩ hồng quân thứ thiệt”.
      Cũng có nhiều ý kiến về sách giáo khoa, cho nội dung SGK vừa nặng lại vừa yếu, đầy tính ''hàn lâm'' nhưng ít tính ứng dụng, thực hành, không hỗ trợ tốt cho học sinh phát triển năng lực sáng tạo. Sự biên soạn sách giáo khoa vô cùng quan trọng. Một cuốn sách được soạn tốt, đọc đến đâu hiểu đến đấy thì việc học nhiều không phải là gánh nặng mà là sự thú vị. Trái lại, một cuốn sách soạn dở, người đọc không hiểu, mà khi đã không hiểu thì dù có học ít bao nhiêu cũng sẽ là quá tải. Sự khó hiểu đối với tri thức không chỉ vì nó cao sâu mà còn vì sự truyền đạt. Một vấn đề hóc búa, có khi ta không hiểu một tí gì khi đọc ở cuốn sách này nhưng lại hoàn toàn có thể hiểu khi đọc một cuốn sách khác. Vậy việc biên soạn sách giáo khoa cần phải giao cho những người có trình độ cao, có kinh nhiệm giảng dạy, có khả năng diễn đạt mạch lạc, phải hiểu được khả năng tiếp nhận của học sinh; cần chú ý sự giải thích, tránh nói tắt, làm sao học sinh khá trở lên có thể tự hiểu, người thầy chỉ cần hỗ trợ. Cũng giáo viên ở Mỹ đã nhắc ở trên cho biết: “Một cuốn sách giáo khoa ở Hoa Kỳ rất đầy đủ. Sách các môn chính của bậc trung học như Anh ngữ, toán, khoa học thực nghiệm, khoa học xã hội thường dầy trên 500 trang vì ngoài phần giảng giải kiến thức chính, còn phần bài tập, ôn luyện đều có đủ trình độ từ dễ đến khó để học sinh nào muốn học hỏi thêm có thể dùng sách nhà trường cung cấp mà không phải mua thêm sách ở ngoài”.  
Như vậy giảm tải là giảm sự nhồi nhét, học vẹt, thay đổi phương pháp đánh giá dẫn đến lối học vẹt như thế, chứ không phải là giảm gọn giáo trình. Nếu chỉ cắt gọt một cách cơ học đơn giản là đã chủ động tạo ra những lỗ hổng kiến thức, trong khi sự phát triển của tri thức là một hành trình liên tục. Tôi cũng đã viết, người ta không thể chỉ biết cái cũ mà không biết cái mới, bởi cái cũ hôm qua là đúng thì hôm nay không còn hoàn toàn đúng nữa; nhưng người ta cũng không thể chỉ biết có cái mới, bởi để hiểu được cái mới người ta cần phải biết cái cũ.
14-9-2018
ĐÔNG LA