Thứ Bảy, 8 tháng 9, 2018

HỒ NGỌC ĐẠI- NHÀ NGHIÊN CỨU TÂM HUYẾT HAY KẺ PHÁ HOẠI


ĐÔNG LA
HỒ NGỌC ĐẠI- NHÀ NGHIÊN CỨU
TÂM HUYẾT HAY KẺ PHÁ HOẠI?

Theo tin các báo:
“Bộ GD-ĐT cho biết, Tài liệu Tiếng Việt lớp 1 Công nghệ giáo dục (TV1- CNGD) là kết quả nghiên cứu từ năm 1978 của một số nhà khoa học, đứng đầu là GS.TSKH Hồ Ngọc Đại thông qua các đề tài nghiên cứu và được áp dụng vào dạy học ở Trường Thực nghiệm Giảng Võ, Hà Nội.
Bộ đã tổ chức Hội đồng thẩm định quốc gia Tài liệu TV1- CNGD. Sau 2 vòng thẩm định, Hội đồng thẩm định đã đánh giá: Tài liệu TV1- CNGD về cơ bản đảm bảo các yêu cầu về mục tiêu, chuẩn kiến thức kĩ năng của môn Tiếng Việt lớp 1 trong Chương trình giáo dục phổ thông cấp Tiểu học (theo Quyết định số 16/2006/QĐ-BGDĐT ngày 5/5/2006 của Bộ GD-ĐT). …
Căn cứ kết quả khảo sát, đánh giá của Viện KHGD Việt Nam và ý kiến kết luận của Hội đồng thẩm định Tài liệu TV1-CNGD, Bộ hướng dẫn các sở GD-ĐT triển khai Tài liệu TV1-CNGD phù hợp với điều kiện cụ thể của địa phương trên nguyên tắc tự nguyện…
Theo Bộ GD-ĐT, Tài liệu TV1-CNGD là một trong những phương án để các địa phương lựa chọn nhằm nâng cao chất lượng dạy học môn Tiếng Việt lớp 1 trong chương trình giáo dục phổ thông hiện hành, nhất là với học sinh vùng khó, vùng dân tộc thiểu số”.
***
Ta hãy xem vài ví dụ về cái “công nghệ” đánh vần của ông Đại.
Trước hết chúng ta cần phải hiểu “đánh vần” xuất phát từ việc các cháu lớp vỡ lòng chưa biết chữ nên các bậc tiền nhân mới phát minh ra cách đánh vần phù hợp để dạy các cháu học chữ.  Đó là việc phải đọc từng chữ cái để ghép thành một “vần” (một âm tiết), như chữ “uynh” phải đánh vần là u-y-nhờ “uynh”. Tất cả đã thành tri thức giáo dục ổn định, như thế hệ tôi học vỡ lòng từ đầu những năm 1960 hoàn toàn dễ dàng tiếp thu. Vậy mà ông Đại lại đưa ra cái "công nghệ đánh vần", biến đánh vần u-y-nhờ "uynh" thành u-ynh "uynh", nghĩa là không phải đánh vần, mà là ghép chữ “u” với chữ “ynh”.
 Đặc biệt chữ “iên” ông Đại đánh vần là i-a-nờ  “iên”. Ở đây ông ta đã tự ý đọc chữ “ê” thành âm “a”, rồi khiên cưỡng cố lái âm “an” thành “ên” để ghép với “i” ở trước thành âm “iên”. Với tất cả các chữ “ê” trong các “yên”, “iết”, “iếc”, “yêm”, v.v… cũng như vậy. Tương tự, ông Đại cũng đọc chữ “ô”, chữ “ơ” thành âm “a”.
Ông Đại cần phải hiểu cách đọc chữ cái là quy ước, như chữ “ê” phải đọc là “ê” chứ không thể đọc là “a”, tất cả đã được dần hoàn chỉnh từ bao đời, đã trở thành thói quen, thành tập tục, thành tri thức và văn hoá. Rồi một chữ nghĩa như thế phải là như thế, không ai có thể hiểu nghĩa khác được. Như viết “ông GS Đại” là chỉ “ông GS Đại”, không thể hiểu thành một “tên đạo tặc”, “tên phá hoại" được.
 Nhưng với việc ông Đại tự ý đọc chữ “ê”, chữ “ô”, chữ “ơ” thành âm “a” thì đúng là có thể coi ông là một kẻ phá hoại những gì đã thuộc về tri thức ổn định của tiếng Việt.
Vậy mà Bộ Giáo dục từ bao đời, bao nhiêu cục, vụ, viện; bao nhiêu GSTS, v.v… ngốn biết bao tiền thuế của dân, đã không nhìn ra những sai lầm hiển nhiên của ông Đại, ngược lại lại kết luận là “đảm bảo các yêu cầu về mục tiêu, chuẩn kiến thức kĩ năng của môn Tiếng Việt lớp 1”! Thật ngao ngán thay cho nền giáo dục VN!
Los Angeles
8-92018
ĐÔNG LA